WESTMINSTER (NV) - Nói ra được câu “Con là người đồng tính” với gia đình, với cha mẹ là điều không hề dễ dàng đối với bất cứ người nào ở trong hoàn cảnh này. Tuy nhiên, sau khi đã có đủ can đảm để nói ra điều đó, thì thái độ, cách hành xử, và những tình cảm kéo theo của người đồng tính đối với người đã sinh ra mình cũng không phải là một điều đơn giản.
|
Luật Sư Thành Ngô, hiện là công tố viên quận hạt Santa Clara, “Tôi cảm thấy cha mẹ mình cũng khá 'độc đáo' khi không làm áp lực lên chúng tôi như nhiều gia đình khác, không ép buộc chúng tôi phải có vợ có con.” (Hình: Thành Ngô cung cấp) |
“Sống nề nếp, có trách nhiệm, đúng mực đâu ra đó” hay “cảm thấy mình mang lại cho cha mẹ thêm điều lo lắng” là những điều mà An Nguyễn và Thành Ngô, những người đồng tính, suy nghĩ và hành động.
Lắng nghe tâm sự của người biện lý Santa Clara County, Luật Sư Thành Ngô, và An Nguyễn, một người đồng tính đã được chúng tôi đổi tên vì những lý do sẽ nêu ra dưới đây, hiện là một kiểm toán viên của chính phủ, đang làm việc tại Long Beach, sẽ hiểu hơn về cách chúng ta đang cư xử với người đồng tính là như thế nào.
***
Không muốn cha mẹ khó xử
Sau khi nói ra vấn đề giới tính của mình, dù không nhận được sự cảm thông của bố mẹ qua việc họ cho đó là “một căn bệnh cần được chữa trị,” còn không thì nên “nghĩ đến chuyện đi tu,” nhưng An Nguyễn vẫn tiếp tục sống cùng song thân từ bấy đến nay, duy chỉ không bao giờ nhắc đến chuyện giới tính, cũng như An không bao giờ tâm sự bất cứ chuyện riêng tư gì của mình.
“Bố mình không nói gì về chuyện đó. Mẹ thì thỉnh thoảng coi phim hay show gì có nhắc đến người đồng tính thì hay nói những câu khiến mình khó chịu như 'đồ điên, đồ không ra gì hết trơn... '” An kể. Mỗi lần như vậy, An không tranh cãi với mẹ, chỉ đi về phòng, giam mình trong đó. Có điều, như An tâm sự:
“Có người nghĩ rằng khi nói cho gia đình biết rồi thì muốn làm gì làm, bồ bịch ra sao, dắt ai về nhà cũng được, không sợ gì nữa. Nhưng với mình thì ngược lại. Từ sau ngày đó, mình làm việc gì cũng đâu ra đó, đúng mực, để bố mẹ không có sự đánh giá sai lệch về lối sống của mình, để mọi người không thể coi thường mình được.”
Mãi cho đến gần đây, tức mười mấy năm sau khi An nói “con là gay,” bố mẹ An mới “thay đổi quan điểm để nói với mình một câu 'Bố mẹ trước sau gì cũng đi thôi, chỉ lo là để con ở lại một mình thì có được hạnh phúc hay không. Thành ra hãy tìm một người nào thương yêu lo lắng cho con để khi bố mẹ đi bố mẹ cũng yên tâm.'”
Dù muộn màng, nhưng An vẫn cảm thấy được an ủi rất nhiều, “Khi nghe như vậy, mình thấy thương bố mẹ mình nhiều hơn.”
Tuy nhiên, “dù bố mẹ có thương, có chấp nhận mình thì mình biết là cũng vì bố mẹ buộc lòng phải làm như vậy chứ bố mẹ không phải là người cởi mở. Chính vì vậy, mình cũng không muốn làm họ khó xử.”
Việc An Nguyễn không muốn nêu tên thật mình trong loạt phóng sự này cũng chính từ lý do này.
“Với cá nhân mình thì không có vấn đề gì hết. Nhưng còn thể diện của bố mẹ mình. Ông bà không muốn điều đó.” An nói một cách chân tình.Và cũng vì biết rằng “bố mẹ không phải là người cởi mở,” nên bất kỳ chuyện gì liên quan đến đời sống riêng tư, không bao giờ An tâm sự với bố mẹ mình cả, “chỉ ôm chặt trong lòng mà thôi.”
Không cảm thấy nhẹ nhõm sau khi “come out”
Không hề bị cha mẹ tạo một chút áp lực gì sau khi thừa nhận mình là người đồng tính, nhưng Thành Ngô, 44 tuổi, luật sư biện lý ở quận hạt Santa Clara, lại không cảm thấy đó là điều may mắn.
Anh bộc bạch, “Trái lại, tôi thấy như mình tạo thêm cho cha mẹ sự lo lắng vì họ thực sự không hiểu đồng tính là gì. Cha mẹ lo lắng chúng tôi sẽ bị người khác bắt nạt, hay lo lắng không biết có phải do sự chia tay của tôi với người bạn gái ngày xưa mà khiến tôi trở thành như thế hay không. Nói chung là tôi không hoàn toàn cảm thấy nhẹ nhõm, cho dù cha mẹ không phản đối gì hết.”
Tuy nhiên, Thành cũng nhận ra là mình “hạnh phúc hơn rất nhiều so với những người bạn Châu Á khác đã không thể nói với cha mẹ được điều đó, dù họ toàn là bác sĩ, luật sư, là những người thành đạt trong xã hội nhưng cuộc sống của họ không hề có niềm vui, không có hoàn hảo.”
“Tôi cảm thấy cha mẹ mình cũng khá 'độc đáo' khi không làm áp lực lên chúng tôi như nhiều gia đình khác, không ép buộc chúng tôi phải có vợ có con. Thực ra, tôi cũng cảm thấy sợ khi thú nhận điều này với cha mẹ. Bởi vì ở tuổi đó, gia đình là quan trọng nhất, là hơn hết mọi thứ. Tôi sợ nhưng tôi biết cha mẹ sẽ không từ bỏ tôi, vì tất cả mọi việc họ làm là đều vì chúng tôi, cho chúng tôi.” Thành chia sẻ.
Từ kinh nghiệm của bản thân, kinh nghiệm của người bạn đời, Luật Sư Thành Ngô nói thêm:
“Khi tuyên bố mình là người đồng tính, mình cũng như gia đình có thể khóc, có thể bị 'hurt'. Nhưng hãy cho mọi người thêm thời gian để chấp nhận sự thật. Bởi vì ngay cả bản thân mình tôi cũng từng phải tìm hiểu đồng tính là như thế nào, cũng phải có thời gian để đối diện với sự thật. Thế cho nên gia đình mình cũng cần có thời gian để hiểu như vậy. Rồi từ từ mọi chuyện sẽ tốt hơn.”
Hạnh phúc của người đồng tính
Cho dù quan điểm của bố mẹ và An Nguyễn khác nhau hoàn toàn về vấn đề đồng tính, dẫn đến sự căng thẳng kéo dài hơn cả một năm trong gia đình, nhưng An vẫn sống cùng ba mẹ dưới một mái nhà.
“Ðến giờ mình vẫn ở chung với bố mẹ. Dù là gì đi nữa mình vẫn là người con có trách nhiệm. Mình nghĩ gia đình sang đây chỉ có ba người với nhau, mình ra riêng lo cho tương lai của mình thì dễ dàng quá. Nhưng còn bố mẹ mình tuổi đã về chiều rồi thì ai lo?”
Dằn vặt giữa hai suy nghĩ đó, cuối cùng, An nhận ra rằng:
“Tuy mình muốn sống đời sống tự do, nhưng mình chỉ có một bố và một mẹ mà thôi. Cho nên mình quyết định sống chung cả đời với bố mẹ, để chăm sóc cho bố mẹ.”
“Nếu gọi đó là một cách đền bù cho bố mẹ vì ông bà không có cháu nội cũng không có con dâu, thì đó là điều mình nghĩ mình phải làm.” Bố mẹ An đã có bao giờ nghe những lời này?
Bà Rosalie Trần, mẹ của Thành Ngô, hiện đang sống tại Ontario, San Bernardino, lại nhìn vấn đề đồng tính của con mình một cách giản dị, “Nó là con mình, trước sau gì nó cũng là con mình. Mình cần phải chứng tỏ sự ủng hộ của mình đối với con. Chỉ cần nhìn con hạnh phúc là tôi vui rồi.”
“Là cha mẹ, mình muốn điều gì ở con mình? Cứ tự hỏi mình muốn con mình suốt đời phải đeo mặt nạ hay được sống hạnh phúc đúng con người của nó?” Người mẹ 72 tuổi này nêu câu hỏi chung cho những bậc cha mẹ có con là người đồng tính.
“Hạnh phúc của một người đồng tính là gì?” Thành Ngô cho biết:
“Hạnh phúc của chúng tôi cũng chỉ là một gia đình bình thường sống trong một khu phố bình thường. Sau giờ làm ở sở về thì cũng cùng nhau ăn cơm, sinh hoạt, chuyện trò. Thỉnh thoảng có bạn bè đến nhà chơi. Ðồng tính không ảnh hưởng gì hết đến cuộc sống cũng như công việc hiện tại của tôi.”
Với An Nguyễn, anh hoàn toàn tin vào “duyên số” trong việc chọn một người bạn đời cho mình, “Thực sự thì trong suốt bao năm trời bên đây mình cũng quen, cũng cặp bồ người này người kia mà chẳng có khi nào đi tới đâu cả. Mình chưa bao giờ phải ở trong tình thế phải quyết định cuộc tình một cách nghiêm túc. Không biết có phải vì trong tiềm thức của mình lúc nào cũng tìm cái cớ gì đó cho mối quan hệ đừng có đi đến chỗ đó hay không thì mình không biết, để mình vẫn còn có thể ở chung với bố mẹ.”
|
Những người đồng tính diễn hành trên đường phố Bolsa chào mừng Tết Nguyên Ðán 2011. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) |
Một thoáng im lặng, An nói tiếp:
“Có một điều như thế này, khi thấy những người xung quanh mình có đôi có cặp, họ phải đối diện với những tủn mủn của đời sống có vợ có chồng, có con có cái, có những giận hờn, trách móc, gây gổ, 'sao anh không đi đón con,' 'sao em chưa nấu cơm'... mình cứ ngồi nhìn rồi nghĩ đó là phước phần của người ta mà người ta không biết.”
“Ước gì mình cũng có được cái phước phần như vậy.” An ao ước.
Tuy nhiên, An Nguyễn cũng rất bình thản trong cuộc sống hiện tại:
“Nếu nhìn về mặt tiêu cực thì mình thấy mình bất hạnh quá. Nhưng nếu nhìn về mặt tích cực thì mình thấy nó dạy cho mình biết trân trọng những hạnh phúc nhỏ nhoi trong cuộc sống mà mình đang có.”
Tháng Sáu, trời muộn tắt nắng. An vẫn hướng về ngôi nhà có mẹ có bố đang chờ An trong bữa cơm chiều. Trong sâu thẳm, hình ảnh một ngôi nhà 'duplex,' một bên có bố có mẹ, một bên An có người cùng mình chia sẻ những buồn vui trong cái gọi là “hạnh phúc gia đình” vẫn thấp thoáng, mông lung.
No comments:
Post a Comment