Tuesday, July 10, 2012

Kỳ 2: Bố mẹ ơi, con là người đồng tính


Người đồng tính tìm đến bản thân



Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - Trong cuộc sống, nếu cha mẹ, gia đình luôn là chỗ dựa, là mái ấm, là nơi đứa con tìm kiếm sự bảo bọc, che chở, vỗ về trước những bất an, những trắc trở, những lúc sóng gió ập đến trong đời, thì riêng với chuyện công bố thân phận đồng tính, gia đình, cha mẹ, dường như lại là nơi đứa con khó mở miệng thốt nên lời nhất.

Thành Ngô (phải), công tố viên quận hạt Santa Clara, và mẹ, bà Rosalie Trần, cư ngụ tại Ontario, San Bernardino. (Hình: Thành Ngô cung cấp)

Bởi lẽ,
Chuyện được chấp nhận hay bị chối từ là điều những đứa con đồng tính không bao giờ có thể đoán trước được.
Có người mẹ, người cha đón nhận tin con mình là người đồng tính bằng tất cả sự cảm thông, yêu thương vô bờ, để từ lúc đó, đứa con có đủ niềm tin bước tiếp những bước đi vững chãi trong cuộc đời
Nhưng cũng có những vết thương mãi sâu xoáy trong lòng những người con đồng tính bắt đầu từ thời khắc ấy, bởi sự ghẻ lạnh của người đã sinh ra mình.
Tâm sự của Thành Ngô, luật sư biện lý của quận Santa Clara, và An Nguyễn, một người đang làm công việc kiểm toán cho chính phủ tại thành phố Long Beach giúp mọi người có thêm một góc nhìn về vấn đề này.
***

Trăn trở: tại sao phải nói với bố mẹ?

Thời gian mà Thành Ngô và An Nguyễn phải suy nghĩ, đắn đo trước khi quyết định công bố thân phận đồng tính của mình ra cho cha mẹ biết không thể tính bằng ngày, bằng tuần, bằng tháng mà phải tính bằng năm. “Mình mất gần hai năm với suy nghĩ trong đầu phải làm sao? phải làm sao?” là điều An Nguyễn cho biết khi anh quyết định “coming out” với cha mẹ.Và phải mất hơn 10 năm sau, bố mẹ An mới mở lời chấp nhận cuộc sống tương lai của đứa con duy nhất mà họ có.Lý do mà An thấy mình cần phải nói ra điều này cho bố mẹ biết là vì “thứ nhất thấy mình không chịu đựng được sự giấu diếm và dối trá. Lý do thứ hai là khi đó gia đình đang quyết định dọn ra thuê một apartment để ở, nên mình nghĩ là cần phải nói với bố mẹ để nếu ba mẹ không chấp nhận thì mình còn có thể dọn ra riêng luôn, chứ không thì sẽ rất khó.”
Với Thành Ngô, lý do anh thấy cần phải nói, là vì “tôi không muốn giấu gia đình, không muốn mọi người hỏi đến chuyện bao giờ mới chịu lấy vợ để sinh con đẻ cái.”
Thành Ngô may mắn hơn An Nguyễn ở chỗ anh có hai anh trai, có một em gái để có thêm sự lựa chọn nên nói với ai trước chuyện “tế nhị” này. Thành đã viết thư cho người anh trai kế đang học đại học ở England để tìm kiếm sự ủng hộ, đồng tình trước khi quyết định nói với song thân
“Dù rằng hai anh em khá thân với nhau, nhưng như các gia đình Việt Nam khác, chúng tôi không cảm thấy dễ dàng để nói cho nhau nghe về xu hướng tình dục, giới tính.” Nhưng Thành quyết định nói điều này với anh mình trước là bởi anh kế Thành là người được quý mến nhất và được xem là “sứ giả hòa bình” trong gia đình.Thành cảm thấy mình như có thêm sức mạnh tinh thần khi anh của Thành cho rằng “quả là tuyệt vời” khi biết Thành là “gay.” Có điều, Thành cũng khá bất ngờ khi biết tin anh trai Thành cũng là một người đồng tính!Trước đây, Thành cô đơn và lẻ loi bao nhiêu khi nhận ra mình hoàn toàn không giống như những người con trai khác, thì giờ đây, Thành cảm thấy có “đồng minh,” có người chia sẻ. Ðặc biệt, đó lại là người anh mà Thành rất ngưỡng mộ và yêu mến.
Sau khi nói chuyện với anh kế, Thành chuyển sang nói cho anh cả trong gia đình hay. Một lần nữa, Thành lại nhận được sự chia sẻ và cảm thông rất nhiều khi anh cả bảo, “Ðiều đó không là gì cả, cứ hãy là em, như em muốn.”
Tất cả có vẻ như rất sẵn sàng cho việc Thành Ngô nói cho cha mẹ biết mình không phải là một đứa con trai như họ hằng nghĩ.

“Con là 'gay'”

Theo tâm sự của An Nguyễn, anh đã phải suy nghĩ, đắn đo rất lâu trước khi nói chuyện với bố mẹ.
“Ðời sống ở đây làm cho mình suy nghĩ nhiều. Lúc bên Việt Nam, mình không quan tâm nhiều đến cha mẹ đâu, vì cha mẹ lo cho mình nhiều hơn. Nhưng khi sang đây, mình lại trở thành trụ cột cho gia đình, mình là con một trong nhà, mình phải lo mọi chuyện chứ. Mình tự đặt trên vai mình trọng trách phải chăm sóc cho bố mẹ. Chính vì cứ nghĩ những lời mình nói ra lỡ làm cho bố mẹ bị suy sụp tinh thần thì làm sao đây, cho nên áp lực đối với mình rất lớn, lớn vô cùng.”
Có lẽ đến tận bây giờ, bố mẹ An Nguyễn vẫn chưa hề biết rằng đứa con trai 21 tuổi của họ khi đó, đã biết suy nghĩ một cách chín chắn và đầy trách nhiệm như vậy đối với gia đình, đối với người đã sinh ra An.
Bởi vì,
Sau lần đầu tiên, cũng gần như là lần cuối cùng An giãi bày cùng bố mẹ về chuyện giới tính, An mang trong lòng một vết thương, một nỗi đau. Tuy không đớn đau cùng cực, nhưng nó cứ âm ỉ trong lòng, mênh mang một nỗi cô đơn lặng lẽ trong chính ngôi nhà của mình, với mẹ, với cha. Ðể từ đó, những chuyện riêng tư, An chôn chặt hết trong lòng. An nhớ lại ngày ấy. “Mình đã chuẩn bị tinh thần là tối đó đi làm về thì phải nói thôi chứ không thể kéo dài hơn được nữa.”
“Con có chuyện muốn thưa với bố mẹ.” An thu hết can đảm mở lời.
Bố hoàn toàn không biết chuyện gì, chỉ quay sang hỏi, “Có chuyện gì vậy con?”
Mẹ thì “vẫn giữ nguyên một thái độ tỉnh bơ như không hề có chuyện gì” nhưng An nghĩ rằng linh cảm của người mẹ đã cho mẹ biết trước điều An sẽ nói.
Giọng An Nguyễn tiếp tục kể trong một chiều hè vừa lấp ló:
“Mình lấy hết can đảm cất lên câu ‘Con là gay.’”
Chỉ nói được đúng một câu như vậy.
Và không còn biết điều gì nữa hết.
Mẹ vẫn đứng tỉnh bơ, như không có bất cứ chuyện gì xảy ra! Có thể mẹ cũng bị “sốc,” bị ngạc nhiên vì An dám nói ra điều mẹ từng nghĩ, nhưng mẹ không biểu lộ bất cứ điều gì cả.Còn bố nói một câu mà không bao giờ An ngờ tới, đó là, “Trời ơi! Tội nghiệp con tôi quá!”
Rồi cả nhà đều khóc.
Mạnh ai nấy khóc. Mỗi người ở một góc riêng. Mỗi người một tâm trạng riêng. Không ai nói với ai tiếng nào.

“Có phải con cũng là người đồng tính?”

Là câu hỏi mẹ Thành Ngô đã hỏi thẳng anh, chứ không chờ anh tự “công bố.”
Bởi lẽ, khi từ England trở về, anh trai kế của Thành đã nói ngay với cha mẹ và gia đình rằng anh ta là “gay” và “anh hoàn toàn không nhắc gì đến tôi hết.”
Thành nhớ lại.
Chuyện anh trai Thành là người đồng tính không hề làm cho cha mẹ anh bối rối hay có bất kỳ phản ứng gì.Thành kể, “Bố mẹ chỉ nghĩ anh ấy vừa từ London về nên có ý trêu chọc và muốn làm cho mọi người shocked thôi. Bố mẹ tôi cảm thấy không có gì là quan trọng, có vẻ như phớt lờ đi chuyện này.”
“Dù gia đình tôi theo đạo Công Giáo nhưng mẹ tôi không hề nguyền rủa anh tôi sẽ bị đày xuống địa ngục, mẹ chỉ nói ‘sao cũng được,’ chỉ cần cố gắng học hành, đừng để bị phân tâm bởi những điều khác.” Thành cho biết.
Thái độ này của bố mẹ không khiến cho Thành cảm thấy vui, mà trái lại càng khiến anh băn khoăn:
“Mẹ tôi nghĩ đó chỉ là một giai đoạn sẽ mau chóng trôi qua. Các con của bà sẽ lớn lên, sẽ có gia đình và sẽ sinh cho bà những đứa cháu dễ thương. Mẹ tôi nghĩ như vậy, nên không bao giờ bà la mắng, giận dữ gì cả. Như vậy tức là mẹ không hiểu điều anh trai tôi nói là gì, mẹ không hiểu ‘gay’ là gì hết.”
Thế là sau một chuyến đi xa trở về, Thành lại nói chuyện, lại giải thích với mẹ anh về chuyện giới tính của người anh trai, “Tôi nói với mẹ rằng đó không phải là một giai đoạn của cuộc đời. Thì mẹ tôi bảo sao cũng được, miễn là anh tôi sống vui vẻ là được.”
Một điều Thành không thể ngờ tới là bất ngờ mẹ anh lại bảo, “Sao con nói nhiều về chuyện đó, có phải con cũng là người đồng tính không?”
“Yes.” Thành trả lời.
Người mẹ và người con trai, cả hai, cùng im lặng.
Thành Ngô nhớ lại giây phút ấy, “Khi tôi nói ra điều đó, tôi cũng đồng thời nhận ra là mẹ biết rằng hai anh em tôi không hề đùa giỡn.”
Tuy nhiên, cũng như mọi lần, “mẹ tôi không cho đó là điều quan trọng, chỉ yêu cầu chúng tôi ráng học cho xong. Mẹ chỉ quan tâm đến chuyện làm sao chúng tôi có thể tốt nghiệp, có việc làm và có thể tồn tại trong đời. Vậy thôi.”

Phản ứng của cha mẹ

Nhắc lại chuyện “coming out” của các con trai mình, bà Rosalie Trần, 72 tuổi, mẹ của Thành Ngô, nói một cách hiền lành, “Khi nghe con nói như vậy thì cũng hơi buồn chứ! Nhất là khi nghe nó nói ‘con đâu có muốn như vậy đâu má,’ rồi nghe nó kể có lúc nó muốn tự vận nữa.”
Người mẹ này nhớ lại, “Lúc đó tôi nói với con tôi rằng đó chỉ là một giai đoạn của sự trưởng thành của con người, từ từ sẽ hết. Tôi nói như vậy là nói thật chứ không phải là nói trấn an chúng.”
Tuy nhiên, người phụ nữ đang sống tại thành phố Ontario, San Bernardino lại là người “rất cởi mở.”
Bà tâm sự, “Con tôi cũng đưa sách cho tôi đọc. Tôi biết chuyện này có từ lâu rồi. Tôi còn nhớ lúc đi học ở trường Gia Long, trong lớp có hai cô bạn cũng chơi với nhau, rồi ghen tuông, thấy họ có những cử chỉ lạ lắm. Nhưng tôi nghĩ thế này, chuyện đồng tính giống như chuyện trong phòng the. Có ai mở cửa phòng the người ta để mà nhìn vào mà hỏi đâu!”
Mang những tâm tình đó, người mẹ này đã chọn một thái độ yêu thương đối với con mình, “Nó sanh ra như vậy rồi thì mình phải chấp nhận thôi. Thương con là mình muốn con mình hạnh phúc, nhưng phải là hạnh phúc theo cách của con, chứ không phải theo cách của mình.”
“Trong nhà, nó là một đứa con ngoan. Ngoài xã hội nó là một công dân tốt. Vậy thì mình còn mong muốn gì hơn nữa?” Bà Rosalie nói thêm.

Người đồng tính tham gia diễn hành trên đại lộ Bolsa nhân dịp Tết Nguyên Ðán 2011. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Không chỉ vậy, yêu thương con, người mẹ này yêu thương luôn cả “người bạn đời” của con mình. Và có lẽ, Thành Ngô may mắn hơn nhiều người khi anh còn có thêm diễm phúc là cả hai gia đình có mối quan hệ thông gia như bao “gia đình bình thường” khác.
Trong khi đó, An Nguyễn đã gần như “sửng sốt” khi nghe những “gợi ý” từ bố mẹ sau khi anh nói ra giới tính của mình.
“Lúc nghe bố nói ‘Trời ơi! Tội nghiệp con tôi quá!’ mình khóc nhưng cũng cảm thấy có chút hy vọng mọi chuyện không đến nỗi nào. Tuy nhiên, qua một đêm, hình như bố mẹ bàn tính với nhau và nói những câu khiến mình sửng sốt.” An kể.
Một trong những bàn tính của bố mẹ An Nguyễn là “Con coi xem có đi tu được không?”
An ngỡ ngàng, “Mình nhận ra thì ra bố mẹ chỉ sợ mất mặt cho bố mẹ thôi, sợ mất mặt gia đình thôi, chứ không có quan tâm gì đến mình hết á! Mình giận quá nên không nói gì nữa.”
“Sự căng thẳng kéo dài gần một năm trời trong gia đình,” theo An, “không phải vì bố mẹ hất hủi hay nhục mạ mình” mà vì mâu thuẫn trong suy nghĩ, khi bố mẹ An cho rằng “đây là một căn bệnh.”

No comments:

Post a Comment