Tuesday, July 10, 2012

Người đồng tính đi tìm bản thân (Kỳ 1)


Kỳ 1: Tại sao mình lại khác lạ vậy?

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV).- Trước giờ người ta vẫn có nhiều câu chuyện nói về người đồng tính. Nhưng thế giới nội tâm của những con người này, cảm xúc của họ khi nhận ra mình không hoàn toàn là một người đàn ông bình thường; suy nghĩ của họ khi quyết định nói ra câu “Tôi là gay”; và quan trọng hơn hết, điều gì xảy ra khi gia đình, bố mẹ họ đón nhận tin này? Họ phải làm gì để giữ lại tình thân?


Luật Sư Thành Ngô (giữa), hiện là công tố viên quận hạt Santa Clara, làm đám cưới với bạn đời trong khoảng thời gian ngắn ngủi năm 2008 khi hôn nhân đồng tính là hợp pháp tại California. (Hình: Thành Ngô cung cấp)

Ðó là những điều thôi thúc tôi thực hiện loạt phóng sự gồm 3 kỳ này. Tôi muốn nghe câu chuyện của họ, những người đồng tính thành đạt và được nhiều người biết đến trong cộng đồng người Việt tại xứ sở này, qua tâm sự của Luật Sư Thành Ngô, công tố viên quận hạt Santa Clara, và một người không thể nêu tên thật của mình, vì lý do sẽ được nói ra ở trong bài. Tôi xin được đặt tên cho nhân vật này là An Nguyễn, một người đang làm công việc kiểm toán cho chính phủ tại thành phố Long Beach.

Cứ ngỡ điều khác lạ sẽ qua đi

“Vào tuổi dậy thì, tôi đã nhận ra mình có điều gì khác lạ, nhưng không hiểu tại sao lại như vậy.” Luật Sư Thành Ngô, sang Mỹ từ năm 1975, lúc 7 tuổi, hiện là biện lý của Santa Clara County ở miền Bắc California , mở đầu câu chuyện.
Thành nhớ là anh không dám chắc chắn rằng “mình là ai, mình là gì” khi lớn lên, nhưng vẫn cứ nghĩ “mình sẽ lớn lên một cách bình thường”. Như bao bạn bè cùng lứa, Thành Ngô cũng có những người bạn gái thân thiết từ năm học lớp 6, lớp 7, “cũng có khi thấy thích con gái” nhưng “càng lúc tôi càng nhìn ra là những mối quan hệ đó thiên về tình bạn hơn là tình yêu. Tôi lại nhận ra là có vẻ như mình thích con trai hơn”.
Trong khi đó, An Nguyễn từ nhỏ ở Sài Gòn đã bị bạn bè trêu chọc là “bóng” vì “họ thấy mình cũng dịu dàng điệu điệu, thích chơi với con gái, và không thích chơi đá banh hay những trò mạnh bạo của con trai”.
“Nhưng mình lại hoàn toàn không biết ‘gay’ là gì, cũng như chưa bao giờ biết chuyện hai đứa con trai mà thương nhau thì như thế nào. Nói chung là mình không biết gì về những chuyện đó hết.” An Nguyễn, sang Mỹ từ năm 19 tuổi, hiện làm việc cho chính phủ, kể về mình.
Mãi khi vào trung học, ở tuổi 15, 16, bắt đầu biết đi chơi, bắt đầu thấy lòng mình có những xao xuyến, những rung động của tình yêu thì cũng là lúc An nhận ra những tình cảm đầu đời đó không phải dành cho một người bạn khác phái như lẽ thường tình, mà là cho một đứa bạn trai cùng lớp.
An nhớ lại, “Lúc đó mình nhận ra là sao những lúc đi với đứa bạn trai này thì mình lại cảm thấy yên tâm, thấy vui lắm. Mình là đứa học giỏi, nó thì học dở, quậy phá, nhưng mỗi lần nó không hiểu bài mình giúp được nó thì mình cứ cảm thấy lâng lâng một niềm vui. Ngồi sau lưng xe bạn chở đi học, mình lại có những khoái cảm lâng lâng lạ lùng.”
“Nói chung là cảm giác của mình lạ lắm. Nhưng mình không hề biết rằng sẽ có chuyện hai đứa con trai yêu nhau. Rồi mình lại nhận ra là mình cũng có cảm giác ghen tuông nữa, khi nhìn thấy mấy đứa con gái bu quanh đứa bạn trai đó.” An Nguyễn tiếp tục mô tả về những thay đổi trong tình cảm, cảm xúc của chàng thanh niên ngày đó.
Tuy nhiên, theo lời An, khi “càng lúc càng nhận ra rõ ràng được sự xao xuyến, quyến luyến với người bạn cùng phái với mình” cũng là lúc An “kêu lên trong đầu, ‘Trời ơi sao lại như vầy nè?’”

Mình có phải là người đồng tính?

Luật Sư Thành kể tiếp, “Lúc học trung học, ba mẹ cứ nói chỉ nên tập trung học thôi, đừng có đi chơi, chuyện bạn bè bồ bịch hãy để sau này. Nên tôi nghĩ là những cảm xúc như vậy rồi cũng sẽ qua đi khi học xong trung học.”
Tự trấn an mình như thế, nhưng người con trai này, khi đó, càng lúc càng cảm nhận được sự khác biệt trong tình cảm, trong suy nghĩ, trong cảm xúc của mình, nhất là lúc anh bước chân vào đại học.
“Tôi bắt đầu suy nghĩ và kêu lên trong đầu trời ơi, tôi có phải là người đồng tính?” Thành kể lại.
Không dễ dàng chấp nhận sự thật này, phần vì “gia đình tôi là một gia đình Công Giáo, phần vì khi vào đại học, bạn bè cùng phòng cùng lớp bắt đầu nói chuyện về phụ nữ, về tình dục, nói về chuyện hẹn hò.” Thế là Thành cũng cố quen và yêu một cô gái để “chứng tỏ là mình không phải là đồng tính, mình là người bình thường”.
Tuy nhiên, “sau một thời gian quen nhau, tôi vẫn không thể nào gần gũi với cô ta được, tôi cảm thấy có điều gì đó không đúng.””
Giọng Thành đều đều kể.
Nếu như Thành Ngô muốn tìm một người bạn gái để như một cách chứng tỏ cho người ngoài biết mình là “người bình thường” thì An Nguyễn lại “không cố gắng trở thành một thằng con trai” mà chỉ thấy “lo sợ”. An nói:
“Mình thấy chuyện này không có bình thường, mình thấy rất là sợ, sợ hàng xóm dị nghị, sợ người ta cười, nên đi đứng cũng phải cẩn thận, phải cố gắng gồng mình lên để đừng cho ai nhận ra điều gì hết.”
Dù cảm thấy đó là “chuyện kỳ cục” nhưng An Nguyễn cho rằng lúc đó anh còn đang sống ở Việt Nam, tuy hàng xóm, bạn bè có chọc ghẹo là “bóng,” là “pê đê” nhưng “phim ảnh, báo chí, dư luận xã hội không nói gì về chuyện đó, không đả kích đó là chuyện tồi bại xấu xa nên mình chỉ thấy nó quá kỳ chứ không có mặc cảm tội lỗi như kiểu ở bên Mỹ.” Chính vì thế, “mình cảm thấy lo sợ nhiều hơn là hốt hoảng. Lo sợ chuyện này cuối cùng không sẽ không đi đến đâu. Lo sợ mình sẽ mất đi thằng bạn.”
Tâm trạng của Thành Ngô thì khác hẳn. Bởi vấn đề đồng tính đã được nói đến nhiều ở xứ sở này theo nhiều quan điểm khác nhau.
Năm thứ nhất ở đại học, dường như đầu óc Thành cứ bị chi phối bởi suy nghĩ “có phải mình là người đồng tính?”
Thành tâm sự, “Tôi nghĩ nhiều về chuyện đó, tôi không biết làm sao để giải quyết những chuyện như vậy. Tôi lại nghe người ta nói những người đồng tính là những người thích trẻ con, thích vuốt ve rờ rẫm chúng. Rồi tôi thấy có một số người công bố thân phận họ là người đồng tính cho những người khác biết, tôi lại nghĩ ‘tại sao phải làm như vậy?’”
Chìm đắm, dằn vặt trong những suy nghĩ rối bời như thế, chàng thanh niên 18, 19 tuổi Thành Ngô “chỉ thấy mình muốn chết, muốn buông xuôi hết tất cả”.
Còn An Nguyễn thì cứ hằng đêm khi cả nhà yên giấc, “mình ngồi trong mùng, ngó ra cửa sổ, cầu trời khấn Phật cho con được ở với thằng bạn con yêu, đừng để cho con mất nó”.

“Thưa cô, em là người đồng tính”

Năm học đầu trôi qua, đến năm thứ hai, những day dứt về chuyện “mình có phải là người đồng tính không?” lại xâm chiếm suy nghĩ của Thành Ngô.
Anh quyết định làm hẹn để nói chuyện với người cố vấn về vấn đề này ở trường đại học trong một tâm trạng hoang mang, đầy lo lắng.
Ngày đó, cách nay đã gần một phần tư thế kỷ, vậy mà khoảng khắc ấy vẫn cứ như còn rõ mồn một trong ký ức của Thành.
“Ở lần hẹn gặp đầu tiên, tôi không thể nói được gì hết trong vòng 5 phút đầu tiên. Bà cố vấn bảo, 'ok, em không cần phải nói gì hết, chỉ cần cho tôi biết lý do là tại sao em lại muốn đến đây.' Tôi nhớ tôi chỉ thốt lên được câu 'I think I'm a gay' nhưng mà tôi nói nhỏ đến nỗi bà không nghe được cả. Bà cố vấn hỏi tôi có thể nói lớn thêm một chút không.”
Thành nhớ anh đã phải phải dừng lại một chốc, lấy hết can đảm, rồi mới có thể nhắc lại điều anh muốn nói, “Thưa cô, em nghĩ em là một người đồng tính.”
“Bà cố vấn hỏi tại sao lại phải nghĩ như vậy? Cứ theo những câu hỏi của bà, tôi từ từ nói ra những gì mình nhận thấy, mình cảm nhận. Ðó là lần đầu tiên trong đời tôi nói về chuyện đồng tính.”
Cũng trong giây phút đó, Thành chợt nhớ ra rằng, anh từng viết nhật ký, ghi nhận lại những sự khác lạ nảy nở trong suy nghĩ, tình cảm của anh, nhưng chưa bao giờ anh dám dùng chữ “đồng tính” (gay) mà chỉ dám viết chữ “điều này” (this is).
Thành tiếp tục, “Nói chuyện với bà cố vấn, tôi cảm thấy sức nặng của áp lực là người đồng tính bấy lây nay bỗng nhẹ đi rất nhiều. Tôi nghĩ ồ thì ra nói ra được những điều đó thì cũng chẳng có gì ghê gớm xảy ra, trời vẫn trong xanh chứ không hề nổi cơn sấm sét.”
Theo lời khuyên của người cố vấn, Thành tham gia vào các nhóm, các câu lạc bộ dành cho người đồng tính để nói chuyện với họ. “Nói ra được những suy nghĩ đó, tôi cảm thấy thoải mái hơn, cảm thấy thì ra chuyện đó không có gì là khó khăn, trái đất vẫn quay và thế giới không hề sụp đổ. Tôi thấy đồng tính cũng không phải là điều gì ghê gớm, xấu xa như người ta đồn thổi. Mọi chuyện bắt đầu có vẻ ổn, không đến nỗi nào.”
Thành kể lại kinh nghiệm lần đầu anh bước chân vào một “gay club”:
“Mở cửa bước vào, tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy những người đồng tính đang tổ chức party, họ cùng nhảy với nhau, trong đó có những người rất đẹp trai, rất lịch lãm. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy điều này trong đời. Tôi cảm thấy mình như có thêm nghị lực, thêm sức mạnh tự tin vào chính mình.”
Cũng tại nơi đó, Thành Ngô tìm thấy niềm vui, tìm thấy sự thoải mái, thấy mình được sống, được bộc lộ toàn bộ con người mình, thấy rõ ràng mình không phải nghĩ tới chuyện cần phải có phụ nữ, “dù điều này nghe cũng có vẻ quái quái”. Thành kể tiếp.
Chính từ sự tự tin có được khi bước chân vào nơi này, Thành có can đảm một lá viết thư cho anh trai của mình đang học ở London để nói cho anh biết Thành là một người đồng tính.

“Nếu tôi là người đồng tính, bạn có còn chơi với tôi không?”

Nếu người cố vấn giáo dục ở trường đại học là người Thành Ngô thổ lộ thân phận đồng tính của mình, thì với An Nguyễn, người bạn trai mà An quý mến chính là người đầu tiên nghe An bộc bạch chuyện này.
An Nguyễn, người đàn ông có vóc dáng thanh mảnh, gương mặt sáng sủa, toát lên vẻ đẹp của sự tự tin và bản lĩnh, kể lại lần đầu tiên trong đời anh nói về thân phận “đồng tính” của mình.
Theo lời An, khoảng đầu năm học lớp 12, An nhận ra rằng An không thể nào có được người bạn mà mình quý mến như một người yêu được, bởi người bạn đó vẫn xem An như một đứa bạn trai bình thường.
“Mình nhất quyết phải quên nó đi, chỉ coi nó như là một đứa bạn thôi, vì nếu không mình sẽ rất là đau khổ khi mất nó”. Nghĩ vậy nên trong một lần nghe người bạn nói, “Ê, An, tụi bạn tao nói mày là ‘bóng lại cái’ đó. Mày muốn tao xử nó làm sao?” An quyết định nói với bạn, “Nếu tao là ‘bóng lại cái’ thì mày còn chơi với tao không?”
Giọng An chùng xuống.
Rồi từ từ kể lại thời khắc ấy.
“Nó hơi lặng đi. Có lẽ đó cũng là một cú sốc đối với nó. Bởi có thể nó nhìn thấy mình ẻo lả hơn những thằng bạn trai khác của nó nhưng nó lại không nghĩ là mình có thể nói một câu đường đột như vậy. Sau một hồi lặng đi, nó hỏi lại ‘Vậy là sao?’”
Mình nói, “‘Giả sử như tao không thương con gái mà thương con trai thì mày có chơi với tao không?’An lấy hết can đảm nói, tưởng nhẹ như không.
Mình nhớ mãi câu mà nó trả lời với mình khi ấy. Nó quay sang nhìn mình và nói, ‘Gì ghê vậy mậy!’”
An kể và bật cười sảng khoái.
Theo những gì còn ghi lại trong ký ức, An cho rằng cách hỏi của người bạn trai mà An yêu mến “không hề có ý miệt thị, khinh thường mà chỉ là một thái độ quá ư là ngạc nhiên thôi”.
“Mình nghĩ có lẽ đến lúc nhắm mắt qua đời mình vẫn không thể nào quên sự cảm kích của mình về thái độ và câu nói của người bạn đó. Bởi mình cứ nghĩ nó sẽ quay lại nhìn mình bằng cặp mắt ghê tởm gớm giếc hay cười nhạo mình. Nhưng đằng này nó biểu lộ một thái độ rất chân tình qua câu nói, ‘Gì ghê vậy mậy!’ Mình phá lên cười. Thế là tất cả dường như trở thành một câu chuyện đùa, không khiến ai cảm thấy có điều gì ngại ngần hết.” An kể lại bằng một giọng nói chứa đầy những yêu thương dành cho người bạn cũ.
Từ sau lần đó, theo lời An nói, “mỗi khi có chuyện gì mình cũng đều tâm sự với nó, nhưng có một điều mình không bao giờ nói cho nó biết là mình từng thương nó. Ðến tận bây giờ, nó vẫn là một trong hai người bạn thân nhất của mình.”

No comments:

Post a Comment