Tuesday, July 10, 2012

Hớt tóc ‘thanh nữ’ trong mùa Euro


Phi Hùng/Người Việt

QUẢNG NAM -Không khí bóng đá Euro lan tỏa khắp ngõ ngách ở Việt Nam. Nhưng vì tình hình kinh tế ảm đạm, vật giá tăng cao, thất nghiệp và trộm cắp mọc lên như nấm sau mưa nên không còn háo hức như những mùa trước. Có thể thấy sự ảnh hưởng ấy ngay đối với những cô hớt tóc ‘thanh nữ’, hành nghề mại dâm trá hình.

Một tiệm hớt tóc ‘thanh nữ’ ở Quảng Nam, một kiểu đề bảng ‘hớt tóc nam nữ’ chung cho vài ngàn tiệm như vậy trên khắp tỉnh này, và cho vài triệu tiệm như vậy khắp nước Việt Nam. (Hình: Phi Hùng/Người Việt)

H., 18 tuổi, có thâm niên nghề hơn ba năm, hiện đang làm việc tại một tiệm hớt tóc thanh nữ cạnh khu chế xuất Ðiện Nam, Ðiện Ngọc, tình Quảng Nam, nói: “Nghề này thì cần thá gì mà nghĩ đến tương lai, cứ biết thuyên chuyển công tác là được, bọn em ở miền Tây thì ra miền Trung làm, còn tụi gái miền Trung thì lại vào miền Nam làm việc, cứ thế, mai mốt mãn hạn về quê lấy chồng, sinh con”.
“Em có nhỏ bạn vừa đủ vốn, nó làm trước em một năm, suốt bốn năm ròng rã, dư được bốn chục triệu đồng, về quê có chồng, mở quán bán bún, buổi tối bán sinh tố, rồi có bầu, sinh con, vậy thôi, có thá gì đâu mà lo”.
K.Th., 25 tuổi, gốc Huế, vào Thăng Bình, Quảng Nam làm nghề khá lâu, kể lể: “Nghề này khổ lắm mấy anh ơi, thường thì thỉnh thoảng gặp tụi giang hồ vặt đến xin đểu, rồi tụi cùng làm nghề nhưng dân địa phương ghen ăn tức ở, mướn đám đầu gấu đến quậy, đó là chưa kể chung chi cho xã hội đen, cho công an khu vực, không có mấy thứ này, thì mình giàu to!”
“Mỗi ngày em tiếp cả chục khách, trung bình mỗi ngày kiếm từ 500 ngàn đồng đến 700 ngàn đồng, vị chi mỗi tháng ngót nghét 20 triệu đồng, nhưng tiền còn lại trong túi mình thì chừng 6 đến 7 triệu là quí lắm rồi, bao nhiêu chung chi, ăn ở và son phấn”.
“Em đã có con ở quê, thằng chồng em đi làm thợ hồ, sáng xỉn chiều say, năm ngoái hắn vào đây ở lại hai tuần, ban đầu em giấu nghề, nhưng sau đó hắn dò la tin tức biết em làm nghề, tưởng mình bị đập một trận, ai dè chiều về, hắn bảo em có nhiều tiền, cho hắn một ít để đi nhậu, em đau khổ vô cùng, còn gì để mất đâu mấy anh? Giờ mình thương con thì mình lo thôi, sống cho trọn kiếp í mà!”
Nga, cũng gốc Huế, có thâm niên hơn 10 năm làm nghề thì tỏ ra lạc quan hơn hai cô kia: “Em trước đây đi bán đậu hủ, rồi bán bánh bèo, sau đó quen với một anh hải quân, tưởng mình sẽ có chồng sĩ quan quân đội là ngon cơm, em trao thân gửi phận, ai dè thằng này đểu, em có bầu thì nó dọt mất, em thương con, không nỡ phá thai...”
“Sau này em đi làm tiếp thị bia, rồi sang nghề này, rồi có chồng, ông chồng em bây giờ vô tư lắm, ban ngày đi làm phụ hồ, tối về uống mấy xị rượu là lăn ra ngủ à, ổng biết em làm nghề này nhưng không nói gì hết á, miễn sao hằng tháng trả tiền điện, nước, gas và học phí cho con đầy đủ, ổng không phải lo thứ gì là ổng vừa ý, còn muốn ổng khen thì đi làm về chịu khó mua thêm ít mồi và xị rượu là xong ngay”.
“Nhưng đó là hiện tại, chứ nghĩ đến quá khứ, nghĩ đến tuổi thơ cũng đau buồn lắm anh ơi!”

Quá khứ tủi nhục...

Nga kể thêm: “Năm em lên 6 tuổi, nhà em đông con mà lại khó khăn, cha em là đảng viên Cộng Sản, nhưng vì sinh con nhiều mà bị khai trừ, mất chức cán bộ luôn, về khai phá đất hoang mà trồng khoai mì, khổ quá, đau buồn nữa...”
“Nhìn bầy con đói khát, ông mang mấy cái giấy khen, mấy tấm bằng công nhận có công cách mạng, mấy cái huân chương kháng chiến... nấu một nồi, múc lên cho tụi em ăn, tụi em không hiểu ra chuyện chi, sau đó ổng ra gốc mít treo cổ tự tử& Cuộc đời tụi em không thuế má từ đó, lang bạt kì hồ”.
H., 23 tuổi, đến từ thành phố “mang tên bác”, hành nghề được 7 năm nay, hiện đang hành nghề tại Tam Kỳ, Quảng Nam, lắc đầu buồn bã về quá khứ: “Em có thằng chồng quá dã man, nó bắt em đi làm điếm để cho hắn có tiền uống rượu, chơi gái, em trốn ra đây làm ăn, gởi hai đứa con về nhà ngoại rồi”.
Kim H., người Hà Tĩnh, vào Quảng Nam hành nghề gần 10 năm nay, cho biết: “Làm nghề này thì mạt hạng rồi, nhưng phóng lao theo lao, có điều em ước chi mình được đóng thuế đàng hoàng thì mau giàu, dễ thở hơn”...
“Vì khi đóng thuế, có giấy phép hoạt động thì khỏi phải chung chi, đút lót cho công an, khỏi phải lo tụi đầu gấu giang hồ nữa. Ðương nhiên khi có thuế thì ít nhất công an người ta ăn tiền của mình cũng lo bảo vệ cho mình, còn đằng này, phần công an thì công an hù dọa, bắt bớ, phần giang hồ thì giang hồ đòi xẻo lỗ tai. Sống sao cho nổi hở trời!”

Mong được đóng thuế

Kim O., người gốc Hà Nội, trôi dạt vào miền Trung theo thời gian, từ gái chân dài cao cấp, rớt hạng xuống gái gọi rồi gái đứng đường và cuối cùng thì tha phương cầu thực bằng nghề “thổi kèn” ăn chia ở các tiệm massage, cũng khao khát được đóng thuế.
Kim O. than thở: “Làm nghề này gần hai mươi năm, rớt hạng từ gái chân dài cao cấp như em mà cuối cùng có được chi đâu! Tiền gởi về nhà, thằng em út đâm ra nghiện ngập, bao nhiêu cũng không đủ, tiền của mình thì đủ ăn với chung chi mỗi khi mấy ông ‘kẹ’ kêu lên đồn, cuối cùng, đời mình nát, em nghĩ, đĩ cũng cần được đóng thuế để đảm bảo công bằng!”
“Ở đất nước này, mua bó rau, con cá, cái quần lót đều có thuế trong đó, vậy mà cục cựa là bị hỏi ngay, làm điếm ở Thái Lan chắc sướng gấp bội lần Việt Nam, vì nó có nhà nước bảo vệ. Còn ở Việt Nam vừa bị giang hồ đe dọa tính mạng, vừa bị nhà nước xúc phạm nhân cách!”
Trong lúc các cô gái ngồi ta thán chuyện đời tư thì thế giới đang mùa bóng đá Euro, theo lời kể của Kim O. thì: “Mọi năm, mùa bóng đá kiếm nhiều cơm lắm, vì mấy ổng đi xả xui, năm nay kinh tế chậm đói kém, chẳng thấy ma nào xả xui cả, ế ngồi ngáp ruồi, buồn thúi ruột”.

No comments:

Post a Comment