Tuesday, July 10, 2012

Cái chết của những rạp chiếu bóng cũ Sài Gòn


Phùng Thức/Người Việt

Cách mấy hôm trước, người đàn ông hàng xóm của chúng tôi buồn rầu nói: “Ông hay gì chưa? Tụi nó đập rạp Lê Ngọc rồi?” Chúng tôi vừa ngớ người nhìn ông rồi hỏi cái rạp Lê Ngọc ở đâu. Người đàn ông to tiếng. “Victory Lê Ngọc ở đường Tổng Ðốc Phương mà hỏng nhớ hả. Việt cộng vô đổi tên rạp là Toàn Thắng, đường Châu Văn Liêm đó.”


Rạp chiếu bóng Ðai Quang trên đường Tổng Ðốc Phương cũ (Châu Văn Liêm mới) nay còn đâu thời hoàng kim. (Hình: Phùng Thức/Người Việt)

Nhiều thế hệ người Sài Gòn ghiền chiếu bóng hẳn sẽ nhớ đến con đường Tổng Ðốc Phương với hai rạp chiếu bóng Lê Ngọc, Ðại Quang, nhưng ngày nay chuyện cái rạp Lê Ngọc bị đập cũng đâu có gì quan trọng, bởi trước sau gì cái rạp chuyên chiếu bóng này cũng có cùng số phân như hàng chục rạp chiếu bóng khác của Sài Gòn bị dẹp tiệm.
Hôm chúng tôi ngồi kể về các rạp chiếu bóng đã bị phá ở Sài Gòn với một phóng viên trẻ của báo lề phải Việt Nam, anh này nói. “Phá rạp như thế tiếc anh nhỉ? Mà phá như thế là phá cả đời sống giải trí của người Sài Gòn xưa chứ còn gì.”
Ðể thấy hết những mất mát của đời sống tinh thần gắn liền với rạp chiếu bóng, hãy làm một vòng để đếm coi rạp nào còn, rạp nào mất.
Trước tiên chúng tôi xin kể ra đây những rạp chiếu bóng ở khu trung tâm Sài Gòn. Eden, Rex, Tự Do, Casino Sài Gòn, Cathay, Ðại Nam, Lê Lợi, Vĩnh Lợi, Khải Hoàn, Kinh Ðô, Ðại Ðồng Cao Thắng, Olympic Hồng Thập Tự, Diên Hồng, Cầu Muối, Lam Sơn, Long Phụng Gia Long. Dù khó tin nhưng sự thật là tất cả những rạp chiếu bóng kể trên đều đã biến mất. Ðâu ai có thể ngờ sau mấy mươi năm dưới chế độ cộng sản cả khu trung tâm Sài Gòn hoa lệ không còn một rạp chiếu bóng nào sáng đèn màu. Tất nhiên số phận các rạp chiếu bóng ở khu trung tâm Sài Gòn còn bị bức tử thì sá gì chuyện chết tức tưởi của những rạp ở các quận khác như Ðại Ðồng Gia Ðịnh, Cây Gõ Minh Phụng, Ðại Lợi Ông Tạ, Hùng Vương Pétrus Ký, Hồng Liên Chợ Lớn, Minh Châu Trương Minh Giảng, Lệ Thanh, Li Do...
Người ta có thể đưa ra hàng nhiều lý do để lý giải về cái chết của các rạp chiếu bóng nào là các phương tiện giải trí hiện đại đã đưa phim ảnh đến tận gia đình nên nhu cầu đến rạp coi phim không còn hoặc tuổi trẻ ngày nay mê chơi game hơn coi phim, v.v.. nhưng một ông giáo già, người Sài Gòn nói. “Ngay cả thời đói khát giải trí, khi họ chiếu phim Nga, Trung Quốc, phim ca ngợi chiến thắng của họ chúng tôi đã bỏ rạp hát rồi.”


Rạp Thủ Ðô với những đoàn hát nổi tiếng một thời nay lâm cảnh đìu hiu chợ chiều. (Hình: Phùng Thức/Người Việt)

Nhưng theo nhiều người rành thế sự thì lý do hợp lý để kết luận về cái chết của các rạp hát là: Người Sài Gòn chán ngán phim ảnh tuyên truyền, nản luôn cả những phim dở ẹt được sản xuất và cấp phép của cục điện ảnh chế độ. Từ lý do trên đưa đến chuyện những rạp chiếu bóng trở thành miếng đất vàng để các quan chức tham nhũng cho thuê làm chuyện khác hoặc toa rập hóa giá chia chác.
Cũng cần phải nhắc lại là những chủ rạp chiếu bóng ngày trước, sau biến cố 1975 đều bị đánh tư sản hoặc bị bắt hiến rạp vô quốc doanh chiếu bóng.
Nếu đặt câu hỏi, người Sài Gòn hôm nay nếu muốn coi phim rạp thì coi ở đâu. Những rạp có trước 1975 còn ngáp ngáp chiếu bóng thì chỉ đếm trên đầu ngón tay như Ðống Ða, Văn Hoa Cao Thắng (Thăng Long), Ðại Quang Chợ Lớn, Vinh Quang, Vườn Lài... nhưng nghe đâu các rạp này cũng đã tạm ngưng hoạt động để chờ đập xây mới hoặc hô biến thành tài sản của một đại gia đỏ nào đó. Nếu ngày nay người Sài Gòn nào muốn coi phim rạp thì đa số đều chọn mua vé vào rạp Hàn Quốc vì hệ thống Megastar của xứ kim chi đang phủ đầy các khu nhà giàu và trung lưu Sài Gòn, các ông chủ Hàn Quốc của hệ thống Megastar có gần cả chục rạp chiếu bóng, dạng rạp kết hợp với siêu thị, Fastfood, game, shopping... Bên cạnh đó các chủ tư nhân Việt Nam cũng có ham muốn mở rạp mà điển hình là hệ thống Galaxy với vài điểm chiếu bóng lèo tèo.
Trở lại với ông giáo già am hiểu từng phong cách của rạp chiếu bóng Sài Gòn xưa. Ông nói. “Thôi thì cái gì cũ mất đi có tiếc cũng phải chịu, nhưng ngặt vì cái gọi là văn hóa mới của mấy ông này tệ quá. Không có văn hóa coi hát, không có văn minh công cộng thì có được mời vô rạp coi phim đoạt giải Oscar cũng để bị hành hạ mà thôi.”
Nói tóm lại chuyện mất những rạp chiếu bóng của Sài Gòn trước 1975 đang khiến nhiều người cố cựu ngậm ngùi. Không cảm xúc sao được khi mỗi dịp đi qua những rạp chiếu bóng là nhớ lại hình ảnh văn minh lịch sự của từng gia đình, từng nhóm bạn bè đưa nhau đến rạp của một thời Sài Gòn rực rỡ, một thời đam mê, lịch lãm nghệ thuật thứ bảy.

No comments:

Post a Comment