Văn Lang/Người Việt
Sài Gòn, thành phố đông dân nhất Việt Nam với gần 10 triệu người và 5 triệu xe máy, xe hơi lưu thông hàng ngày. Theo thống kê của Viện Khoa Học Công Nghệ và Quản Lý Môi Trường thì 100% xe gắn máy không được kiểm định và chỉ có khoảng 15% xe 4 bánh đạt tiêu chuẩn về khí thải.
Nạo vét kinh Nhiêu Lộc. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
|
Người dân Sài Gòn bằng mắt thường cũng thấy sự ô nhiễm môi trường gia tăng trầm trọng với số lượng người đi xe gắn máy bịt mặt như “ninja” ngày càng đông, nước ngập đường phố lênh láng khi mưa xuống và đặc biệt kênh rạch ven Sài Gòn bị “bít” dần, lớp bị lấp, lớp bị nghẽn dòng chảy vì rác, hầu hết nước kênh đều đen sì và bốc mùi hôi thối.
Ngay cả những nhánh sông lớn của Sài Gòn cũng bị “đổi màu,” những khi triều cường lên cao nước còn chút “trong xanh” thơ mộng, khi nước triều rút, nước cống ra toàn một màu đen hôi thối, có lẽ bến Bình Ðông là một ví dụ điển hình.
Một bác lớn tuổi sống ở khu vực cầu An Lộc nối Gò Vấp với quận 12 (trước kia thuộc Hóc Môn), cho biết: “Ngày trước, khi mùa Hè nóng nực, nhiều người hay lên cầu hóng gió, còn mười năm trở lại đây, mỗi lần qua cầu phải bịt mũi chạy cho lẹ vì mùi hôi thối không chịu nổi.”
Một cư dân khác ở khu vực cầu Tham Lương thì kể, có lần ông đi công chuyện vừa về tới nhà thì nghe cô cháu mới 4 tuổi la thất thanh: “Ông ngoại ơi! Ra coi mấy cái con gì nó vô đầy vườn nhà mình nè!” Chạy vội ra sau nhà, ông thấy mấy cái “con gì” của cháu ngoại ông chỉ là đàn vịt con của nhà, chúng xuống tắm nơi con rạch sau nhà bị “nhuộm” bởi chất thải của mấy nhà máy dệt thải ra.
Mưa xuống, nhiều con đường Sài Gòn ngập lênh láng như sông. (Hình: Văn Lang/Người Việt) |
Khu Trung Sơn - một vị trí “đắc địa” ở Sài Gòn, nằm ở khu tam giác, giáp Phú Mỹ Hưng - quận 7, giáp quận 5 và quận 1, với nhiều biệt thự ven sông. Dù nhánh sông Sài Gòn chảy qua đây rất lớn - tiếp giáp với Bình Chánh, Nhà Bè nhưng cư dân nơi đây cho biết khi triều cường xuống, nước thải của thành phố chẩy ra đen thui, bốc mùi thì họ cũng đành đóng kín cửa “tử thủ” trong nhà không dám ló đầu ra.
Các kênh rạch “có tên” ở Sài Gòn như: Tân Hóa-Lò Gốm; Tham Lương-Vàm Thuận; Kinh Ðôi-Tẻ; kênh Ba Bò; rạch Bến Cát; kênh Thầy Cai-An Hạ... ô nhiễm tới mức heo còn không dám xuống tắm nói chi là người. Chuyện những dòng kinh xanh chảy ven Sài Gòn bây giờ đã trở thành “cổ tích” trong ký ức... mù xa của người Sài Gòn.
Mới đây, một nhóm chuyên gia Tây Ban Nha phối hợp với Sở Tài Nguyên-Môi Trường Sài Gòn nghiên cứu và đưa ra kết luận: “Sông, rạch ở Sài Gòn và nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng vì nước thải sinh hoạt của thành phố chưa qua xử lý thải trực tiếp xuống sông.”
Không chỉ có vậy, cũng theo Sở Tài Nguyên và Môi Trường thì 75% nước thải của các bệnh viện, tức 23 ngàn mét khối/ngày chưa qua xử lý thải trực tiếp vào cống thải chung của thành phố, rồi... chảy ra sông. Ðiều đó đồng nghĩa là vô số mầm bệnh, vi trùng được “phát tán” tự do, vô phương kiểm soát.
Sài Gòn với 10 triệu dân nhưng chỉ có một nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại Bình Hưng-Bình Chánh với công suất là 140 ngàn mét khối/ngày, đáp ứng chưa tới 1/20 nhu cầu xử lý nước thải sinh hoạt của thành phố.
Những gia đình sống trên ghe nơi những dòng nước đen hôi thối của Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt) |
Ðể giải quyết vấn nạn nước thải Sài Gòn cố gắng đầu tư cho những công trình lớn như dự án Nhiêu Lộc-Thị Nghè với tổng số vốn là 200 triệu USD; dự án Tham Lương-Bến Cát là 800 triệu USD, dự án Tân Hóa-Lò Gốm là 10 triệu euros... Nhưng chưa mang lại hiệu quả vì năng lực quản lý chuyên môn kém, như vụ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè do nhà thầu Trung Quốc thi công, mấy năm họ “trây lì” dân than như bọng.
Người dân luôn ca thán về vấn đề nước thải của bệnh viện, nhưng các bệnh viện họ trả lời là chuyên môn của họ là khám chữa bệnh chứ không phải xử lý nước thải. Còn bên Sở Tài Nguyên-Môi Trường thì cho biết họ quản lý chất thải công nghiệp còn chưa xong, có người đâu mà đi quản lý chất thải y tế.
Về công nghiệp, dù thời hạn di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi thành phố đã sắp hết, nhưng nhiều tên tuổi “đại gia” vẫn chưa thấy “đường hướng” gì, như nhà máy xi-măng Hà Tiên; nhà máy bia Sài Gòn; nhà máy thuốc lá Sài Gòn; công ty tôn Posvina; nhà máy đóng tàu Ba Son; công ty Việt Thắng Jeans... và vô số các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Việc ô nhiễm nặng ở Sài Gòn mỗi người dân đều biết, do hàng ngày họ lưu thông xe cộ trên đường hít thở bụi, khói. Như một bác chạy xe Honda ôm cho biết, ngày nào về nhà cũng “khạc” ra một cục đen thui “kết tinh” của bụi khói môi trường, bác than: “Như vầy hoài, làm sao sống nổi?!”
Nạn kẹt xe kèm theo khói bụi vì quá nhiều xe gắn máy trên đường phố. (Hình: Văn Lang/Người Việt) |
Ánh sáng “le lói” cuối đường hầm, niềm hy vọng của dân chúng có lẽ chỉ còn trông mong vào các nhà hoạt động môi trường, hay mấy nhà xử lý rác thải, như ông David Dương, mấy năm nay bãi rác Ða Phước của ông Dương không thấy dân chúng quanh vùng than vãn gì nữa và ông Dương cũng đang mở rộng “lãnh địa” về phía Long An.
Sài Gòn gần một năm nay cũng khai trương được một tuyến xe Bus sạch, chạy bằng khí CNG giảm được hơn 60 % khí thải độc hại, với hơn chục đầu xe chạy tuyến Sài Gòn-Chợ Lớn. Và xa hơn nữa thì tới năm 2015 nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát sẽ đi vào hoạt động với công suất là 250 ngàn mét khối/ngày.
Việc cứu lấy môi trường đang ô nhiễm nặng ở Sài Gòn chẳng khác nào việc... cứu hỏa. Người dân Sài Gòn không dám trông mong những người anh hùng như liệt nữ Triệu Thị Trinh xưa với câu nói bất hủ: “Tôi muốn cưỡi cơn sóng dữ, chém cá Kình ở Biển Ðông.”
Chém cá Kình ở Biển Ðông lúc này tuy là cũng rất cần, nhưng ai cứu được môi trường ô nhiễm nặng ở Sài Gòn cũng đáng tôn vinh là bậc anh hùng, sánh ngang cùng với các anh hùng cứu quốc thời xưa.
No comments:
Post a Comment