Tuesday, July 10, 2012

Hồ Xuân Hương ô nhiễm trầm trọng


Nguyễn Ðạt/Người Việt

ÐÀ LẠT (NV) -Hồ Xuân Hương đang bị ô nhiễm ở mức trầm trọng; đây là một điều đáng buồn đối với người dân thành phố Ðà Lạt và mọi du khách, những người yêu mến thành phố cao nguyên này.


Một góc Hồ Xuân Hương hiện nay. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)
Trải rộng trên 30 héc-ta giữa thành phố, có thể thấy hồ Xuân Hương như trung tâm điểm vẻ đẹp của thành phố xứ hoa đào. Sau một thời gian dài bị rút cạn nước với lý do xây mới cây cầu để thay thế cầu Ông Ðạo; thì nay hồ Xuân Hương lại trở thành một cái túi khổng lồ, chứa mọi thứ nước thải ở thành phố đổ vào hồ.
Những thường xuyên đến nơi này, hoặc thỉnh thoảng câu cá ở hồ Xuân Hương nhận thấy, từ năm-sáu năm qua, hồ Xuân Hương đã xuất hiện tình trạng tảo thực vật dưới hồ; tảo dính mắc cần câu rất nặng mùi hôi thối; đó là dấu hiệu tảo độc phát sinh ở hồ Xuân Hương.
Anh Trần Hoàng Nguyên, làm việc ở Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Lâm Ðồng, cho biết cụ thể về tình trạng hồ Xuân Hương bị ô nhiễm trầm trọng: qua 20 mẫu quan trắc, có tới 18 mẫu vượt quy định của quy chuẩn từ 1.5 đến 6 lần cho phép!
Mọi người nhìn nước trong hồ Xuân Hương cũng thấy rõ nước hồ đục lờ; nhất là sau mỗi trận mưa, nước hồ một màu vàng quạch như hòa trộn với đất sét.
Nước ở hồ Xuân Hương là nước luân lưu. Từ thượng nguồn, cùng với tổng lưu vực của hồ trải rộng hàng ngàn héc-ta; nước đổ về thác Cam Ly; rồi các nguồn nước qua các vùng sản xuất nông nghiệp, các khu dân cư; sau đó hết thảy đổ vào hồ Xuân Hương.
Ai từng thăm thác Cam Ly, đều nhận thấy vệ sinh môi trường ở thắng cảnh này rất kém, nước màu xanh nhờ nhờ, đục lờ, và mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Như vậy, tất nhiên hồ Xuân Hương đã tiếp nhận nguồn nước thác Cam Ly ở lưu vực; thêm nhiều nguồn nước thải khác, đặc biệt là nguồn nước thải từ sân golf ở Ðồi Cù, liền sát phía trên hồ.


Nước Hồ Xuân Hương vàng quạch sau trận mưa. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Rồi nước thải trực tiếp xuống hồ Xuân Hương của nhà hàng Thanh Thủy và nhà hàng Thủy Tạ; nước thải từ các cống rãnh của khu dân cư đường Bùi Thị Xuân gần ngay phía trên con dốc phố dẫn xuống hồ; nước thải từ cống lớn bên cạnh công viên hoa thành phố; nước thải từ khách sạn Hương Trà, khách sạn Du Lịch Công Ðoàn, và một số khách sạn khác ở gần quanh hồ Xuân Hương.
Tính tổng cộng khả năng của nguồn ô nhiễm tiềm tàng ở lưu vực hồ Xuân Hương, theo anh Trần Hoàng Nguyên, có thể lên tới 300 tấn ni-tơ và 60 tấn phốt-pho/năm. Ðây là nguyên nhân chủ yếu để tảo độc phát triển mạnh ở hồ Xuân Hương từ mấy năm nay.
Anh Nguyên nói, “Theo tôi biết, khi thành lập Ðà Lạt, xây dựng thắng cảnh hồ Xuân Hương, các chuyên viên-kỹ sư người Pháp đã tính toán rất kỹ. Ðể tránh tình trạng nước hồ Xuân Hương bị ô nhiễm như hôm nay, họ đã cho xây dựng 4 cái hồ lắng xung quanh hồ Xuân Hương. Và ở cầu Ông Ðạo trước đây do người Pháp xây dựng, có van tự động điều hòa mực nước của hồ. Thế nên, khi chính quyền thành phố phá bỏ cây cầu ông Ðạo, làm cây cầu mới để thay thế, không thể nào có cái van tự động nữa. Bốn cái hồ lắng quá lâu ngày không được cải tạo, đó là một lý do đáng kể khiến nước hồ Xuân Hương bị ô nhiễm như hiện tại.”
Vào tháng 3, 2012, từng có hội thảo “Các giải pháp xử lý bền vững ô nhiễm hồ Xuân Hương” được tổ chức tại thành phố Ðà Lạt. Ðề xuất giải pháp trước mắt được đưa ra là, cần cải tạo để nâng cao công năng cho 4 hồ lắng của hồ Xuân Hương. Ðó là việc áp dụng công nghệ đất ngập nước kiến tạo. Nghĩa là, 4 hồ lắng xung quanh hồ Xuân Hương sẽ được cải tạo, xây dựng thành những khu đất ngập nước như trong môi trường tự nhiên; sau đó gây trồng các loại thực vật thủy sinh; 4 hồ lắng đó sẽ trở thành những trạm xử lý nước thải trước khi nước đổ vào hồ Xuân Hương.
Anh Trần Hoàng Nguyên nói với chúng tôi: “Ðó là đề xuất rất hay, giải pháp thực hiện theo công nghệ đất ngập nước kiến tạo, trước khi nước vào hồ Xuân Hương, của Thạc sĩ Nguyễn Trần Hương Giang, giảng viên Khoa Môi Trường, trường Ðại Học Ðà Lạt. Tuy nhiên trong hội thảo, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp ấy chưa đảm bảo để giải quyết vệ sinh môi trường, chống ô nhiễm cho hồ Xuân Hương, khi không giải quyết được ô nhiễm của các nguồn nước từ thượng nguồn của hồ Xuân Hương.
“Và cả tổng lưu vực hồ Xuân Hương trải rộng hàng ngàn héc-ta, đồng thời sinh hoạt đời sống hằng ngày của mấy chục ngàn người quanh lưu vực hồ Xuân Hương; rồi những vùng sản xuất nông nghiệp ở lưu vực hồ Xuân Hương, với thuốc trừ sâu ngấm vào nguồn nước hết ngày này qua tháng nọ. Thế nên, trước tình trạng hồ Xuân Hương bị ô nhiễm trầm trọng, theo tôi thấy, quả là vấn đề nan giải...”
Chúng tôi nhớ lời một nhà khoa học nói, cái tuyệt vời của Ðà Lạt là, nơi có khí hậu tốt nhất cho mọi người, hơn hết mọi nơi trong cả nước. Trong khi đó hồ Xuân Hương, ngoài một thắng cảnh đẹp đẽ và độc đáo, lại chính là nơi điều tiết khí hậu-sinh thái của thành phố. Bây giờ bản thân hồ Xuân Hương bị ô nhiễm trầm trọng, không khác nào một sai hỏng từ căn cốt, để điều tiết cho một thành phố tuyệt vời về khí hậu.

1 comment:

  1. hồ xuân hương ,quê hương tôi đừng để nó ô nhiễm hơn nữa !
    ..............................................................................
    Mr. Sỹ - Chuyên viên tư vấn giải pháp hội nghị truyền hình cho các doanh nghiệp
    SDT:0909223007- 0918642886
    Click để xem chi tiết:
    kramer | camera hội nghị | chuyển đổi tín hiệu HDMI

    ReplyDelete