Tuesday, July 10, 2012

Vào hè





Mùa hè chính thức vào tháng 6 và kéo dài hai tháng rưỡi. Mùa hè co lại một chút không phải ba tháng nữa, do học sinh được nghỉ tết kéo dài nửa tháng thay vì một tuần như trước kia.
Thật ra mùa hè đã chớm từ giữa tháng 5 vì khi đó học sinh đã thi xong học kỳ II, nửa tháng còn lại để giáo viên làm điểm, vào sổ sách và dạy nốt các bài cuối còn lại trong chương trình. Thi xong thì đâu có ai muốn học nữa nên những buổi đến trường cuối niên khóa này có không khí chợ chiều lắm.
Thật ra, đối với hầu hết học sinh, khoảng thời gian đầu hè ngắn ngủi này mới thực sự là hè. Học sinh lớn bé rủ nhau thành nhóm đi chơi. Lớn đi lên núi xuống biển, vừa vừa đi xi nê, công viên, nhỏ nhỏ vào dạo... siêu thị hay tiệm sách không phải để mua sắm mà là hóng mát máy lạnh!
Cuộc chia tay tưng bừng không kéo dài lâu vì khi hè thực sự đến thì cũng là lúc vào “học kỳ III”. Các lớp hè rầm rộ khai trương nhất loạt, giáo viên tấp nập đi dạy và học sinh tấp nập đi học. Làm gì có mùa hè vui chơi. Chuyện đó chỉ nằm trong lý thuyết, nằm trong các bài văn mẫu tả cảnh thôi. Nếu các lớp Văn, Toán, Lý, Hóa, Anh... chưa đủ thì học thêm bơi lội, nhạc, vẽ... không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang! Phụ huynh bận đi làm, rất sợ con cái rảnh rang chẳng biết chúng làm gì ở nhà nên tốt hơn hết là đẩy tiếp vào các lớp để trám hết thì giờ.
Đa số lớp hè cũng chừa thời gian vào hè khoảng nửa tuần này cho học sinh nghỉ xả hơi một chút nhưng nhiều lớp đã nhanh chóng chiêu sinh. Bởi nếu chậm chân, lũ học sinh lại ghi danh ở một lớp khác mà không phải lớp này thì mất mối, nhất là các học sinh sắp thi cử.
Một học sinh vừa học xong lớp 8, định dành một tháng đi chơi. Tuy nhiên mới đặt chỗ ở công ty du lịch cho chuyến du ngoạn Đà Lạt bốn ngày trốn nóng gay gắt của Saigon thì bạn bè điện thoại tới tấp cho biết lớp học thêm sẽ nhập học từ cuối tháng 5. Tức là các trung tâm dạy ngay rất sớm từ đầu hè để có rộng thời gian luyện gà chọi vào lớp 10 năm tới. Đó là một kỳ thi có người ví von cũng gay cấn, khổ luyện không kém kỳ thi đại học!!!
Ai cũng chăm chăm vào trường công. Vài trường thuộc nhóm đầu dành cho học sinh xuất sắc. Nhóm đầu như Nguyễn Thị Minh Khai, Trưng Vương, Bùi Thị Xuân... còn kẹt lắm thì “phải” vào nhóm 2 điểm kém hơn, chứ tính toán không kỹ cuối cùng không chen chân được vào trường nào, phải ghi danh trường tư học phí cao. Mặc dù trường tư cũng khe khắt, dạy giỏi không kém nhưng đa số dành cho học sinh nội trú từ tỉnh lên hoặc cha mẹ bận làm ăn xa.
Học sinh bỏ hết dự định du lịch, các chuyến thăm viện dưỡng lão, trại mồ côi, bỏ hết các lớp đánh cờ, ngoại ngữ... để nhảy vào các trung tâm, các lò luyện tập trung sức chiến đấu cho thi cử.
Trung tâm luyện thi chất lượng cao, chứ không phải chất lượng bình thường, chỉ nhận ghi danh từ đầu khóa. Học sinh đến trễ khi lớp đã học rồi đành tiu nghỉu về kiếm chỗ khác học, vì để “bảo đảm chất lượng” và giữ thương hiệu, trường dứt khoát đóng sổ chứ không nhận học sinh lai rai...
Học sinh đang học lớp 11 còn căng thẳng hơn nữa vì sẽ phải trải qua hai kỳ thi liền nhau: Thi tốt nghiệp phổ thông và thi đại học. Vì thế, cuối tháng 6 đã vào chương trình lớp 12. Năm tới niên học sẽ kết thúc sớm hơn các lớp khác để lấy thời gian luyện thi đại học. Thi và thi... Con đường học hành toàn thi cử gian truân. Bởi vậy không lạ khi cứ đến mùa thi là các phòng tư vấn tâm lý, bác sĩ tâm thần đâm ra đắt khách.
Mạnh ai nấy tiên đoán để ghi danh thi đại học, không phải vào trường đúng sở thích, vì chỉ có số ít học sinh xuất sắc mới chọn vào trường đúng sở thích, còn lại hầu hết học sinh chỉ ráng chọn trường nào có điểm đậu thấp, hoặc môn ít người thi, để dễ lọt vào. Học môn nào cũng được miễn qua được cánh cổng vũ môn quá hẹp.
Mặc dù được tiên đoán Kinh tế vẫn đang là ngành thời thượng “nhất Kinh (tế) , nhì Y”. Ai cũng ưa Tài chánh, Tín dụng, Ngân hàng... ra làm những công việc có dính dáng đến tiền bạc nhưng những ngành này bão hòa rồi. Chứng khoán đi xuống, ngân hàng thì sát nhập, dư người... nên Kinh tế rất dễ thất nghiệp.
Nhà anh Thạch có con năm nay thi vào đại học. Còn hai tháng nữa mới thi tuyển vào khối đại học, cao đẳng. Anh Thạch bỏ hết công ăn việc làm để o bế con gà nòi. Sáng đi làm trễ chút xíu (khoảng gần tiếng đồng hồ) để chở con luyện thi môn Toán ở quận Tân Phú, chiều về sớm hơn (cũng khoảng một tiếng thôi) đến nhà cô Vật lý ở Gò Vấp, 10 giờ tối đứng ngáp chờ trước cửa trung tâm luyện thi cấp tốc môn Sinh ở quận 6... Cha mẹ lo lắng dốc hết công sức, kỳ vọng vào con. Áp lực mạnh dồn đến nỗi khi vận may không đến, có học sinh tuyệt vọng tự tử, tìm đến cái chết tức tưởi.
Đó là trường hợp của những gia đình khá. Miền quê, tỉnh xa... những học sinh nhà nghèo và chưa đến năm thi xoay ra tìm việc làm kiếm thêm để phần nào trang trải học phí cho niên học mới. Lũ trò nhỏ độc quyền bán vé số vì chỉ cần đi bộ lân la chứ không đòi hỏi sức lực, khéo tay. Vào mùa hè, đi đâu trong thành phố cũng thấy những đứa bé nhỏ xíu, đen nhẻm, gầy gò với ánh mắt rụt rè chìa xấp vé số. Học sinh lớn hơn đi làm mọi công việc: bóc vỏ tôm, đãi quặng, phụ việc hàng quán, phụ hồ... Cho nên vài năm nữa, nếu không còn sức theo đuổi việc học, lũ học sinh này đã quen thuộc lắm với đời sống bôn ba, lăn ngay vào cuộc mưu sinh với đủ thứ nghề vất vả nặng nhọc tha hương...
Ai cũng kêu mùa hè năm nay nóng hơn năm trước. Mỗi năm mỗi nóng hơn. Càng ngày thời tiết càng nóng. Đáng lẽ mưa mang lại mát mẻ nhưng khi cơn mưa vừa dứt, trời lại oi bức ngay.
Lý do theo khoa học là sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Cứ nhìn ngay trước mắt, nhà cửa san sát, các tòa nhà cao tầng thi đua mọc lên toàn cửa kính, bê tông... không một bóng cây, ngọn cỏ. Kênh rạch nếu không ô nhiễm, đặc lừ bốc mùi hôi thì cũng bị lấp đi, đặt cống hộp, nhường chỗ xây nhà...
Nóng quá thể là nóng. Ngồi dưới cánh quạt trần mà người vẫn ướt đẫm mồ hôi. Buổi trưa, buổi tối cả gia đình nằm lăn dưới đất mặc dù bác sĩ đã cảnh báo ngủ đất có thể bị đột quỵ. Ba cái quạt chạy hết số tỏa ra làn gió khô rang. Và thêm một cái quạt dự phòng, cái nào hỏng thì thế vào ngay. Sáng dậy ai nấy váng vất, mệt mỏi vì gió quạt lùa mạnh thẳng vào người.
Ông Hoài là Việt kiều về Việt Nam định cư hẳn. Mặc dù vốn ở vùng cũng không lạnh cóng lắm nhưng ông cũng không chịu nổi cái nóng vào hè. Từ phi trường về nhà, ông ở trong phòng máy lạnh suốt cả tuần, sáng sớm và chiều tối bớt nắng, có gió phe phẩy, ông mới lần ra ngoài hiên để quen dần cái nóng ở quê hương nhiệt đới.
Bà Minh đi họp bạn đồng môn thời trung học, gặp lại cô bạn thân sau ba mươi lăm năm. Cả ngày trời nghe cô bạn tả cảnh xứ người sáng dậy sớm xúc tuyết phủ kín xe hơi, cày một ngày ba job, vợ chồng cả ngày không nhìn thấy mặt nhau... Thấm thía câu “thiên đường ở đâu xa, thiên đường ở ngay trong nhà ta”. Bà quyết định gom chén hụi mười lăm triệu sửa lại phòng ngủ, gắn cái máy lạnh cho cả nhà nằm ngủ một giấc ngon lành tới sáng.
Đã nóng còn thiếu nước. Nguyên con hẻm không biết vì cuối đường ống nước hay ống chính bị bể mà nước chảy rất yếu, đến hai giờ sáng nước bắt đầu mạnh hơn. Nhà nhà lục tục bật đèn canh hứng giòng nước ti tỉ vào các xô, chậu, nồi, gáo... đến ba giờ nước ngừng, lại tiếp tục đi ngủ.
Khắp nơi lại nhan nhản hàng nước sâm, nước mát... nhưng dù pha đường và hương liệu mua từ chợ Kim Biên thì các xe nước ngoài đường cũng không đắt khách như mọi năm. Một ly nước mát giá bốn, năm ngàn so với hai, ba ngàn trước kia khiến người mua cũng chùn tay trong cơn bão giá.
Một phần người ta cũng ngại ăn uống ngoài đường khi ngày nào cũng có các vụ thực phẩm nhiễm độc bị khui ra.
Sợ quá, Công ty THT chuyên sản xuất nước đóng chai nhãn hiệu Dr. Thanh, C2, Trà xanh... có kho chứa nguyên liệu quá đát, chai nước bị kết tủa sủi bọt trắng và vẩn lên các “vật thể lạ” như bông gòn, lá cây... Sau một thời gian dài uống nước ngọt có gas thì trà xanh là mặt hàng rất được thị trường ưa chuộng nhưng sau việc này, ít ai dám uống trà chai nữa. Còn nước suối, nước khoáng, nước tinh khiết đóng chai thì bị nhiễm khuẩn, nhiễm sinh vật lạ, nhiễm... đủ thứ! Nước đá tinh khiết lẫn đất cát... Nhiễm nhiều quá, kể không xuể.
Nắng cháy da. Giữa trưa ra đường khó nhận được người quen vì phụ nữ nai nịt gọn gàng kín mít từ đầu tới chân: găng tay, vớ chân, khẩu trang, không kể áo choàng và cả khăn phủ chân nếu mặc váy.
Thời tiết là chuyện nhỏ, bên cạnh đó còn những chuyện khác mới thực sự làm người ta nóng điên.
Đầu tiên là vụ Vinalines lỗ lã một cách kỳ cục nhưng cục trưởng cục hàng hải bị khởi tố một cách muộn màng! Biển Đông nóng trên bàn hội nghị Asean, các ngân hàng giải tán và sáp nhập khiến dân chúng đâm ra hoang mang, nếu không sợ ban đêm ăn trộm vào nhà cứa cổ thì chắc chẳng ai muốn gửi tiền vào ngân hàng làm chi để lúc nào cũng phập phồng...
Nhẹ hơn có cháy nhà liên tục dù đang cơn mưa, sản phụ tử vong lia chia tại bệnh viện, tiểu thương bỏ chợ vì quá ế, sạt lở nhà ven sông ở An Giang, vườn thượng uyển trăm tỉ của con bí thư Hải Dương...
Gần hơn là phụ huynh đạp đổ cổng trường để mua đơn cho con vào lớp 1, nguyên nhân cháy xe hàng loạt được các nhà khoa học kiếm ra là do “lửa”. Nặng tính scandal là hai thanh niên đồng tính làm đám cưới theo đúng nghi lễ truyền thống cha mẹ đặt ra, hay là siêu mẫu xài sang dùng y phục trang sức hàng chục triệu, trăm triệu, hàng tỉ...
Hay là mười hai tập đoàn nhà Nước nợ hơn 218 nghìn tỷ đồng... Mấy cái chuyện nhà nước nợ nhà nước này thật ra cũng bình thường, quen thuộc!
Những sự việc này thiêu đốt cơn nóng vào hè.
Dù sao cũng có một mùa Euro sắp tới khiến người dân có chuyện dán mắt vào ti vi, để may ra quên đi phần nào cơn nóng quay quắt...

No comments:

Post a Comment