Tuesday, September 4, 2012

Ts. Trần Du Lịch: Bức tranh kinh tế 2013 không quá ảm đạm (hahahaha)

4 tháng cuối năm CPI tăng mỗi tháng 1% là nằm trong dự báo. 8 tháng doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động tăng 7,1% là đáng lo ngại; lãi suất huy động VND khó kéo sâu hơn mức 9% hiện nay.
Cuối tuần qua, tại Tp. Hồ Chí Minh, VCCI và Laisuat đã tổ chức buổi hội thảo: Ngân hàng và doanh nghiệp – khơi thông nguồn vốn. Tại hội thảo này, Tiến sĩ Trần Du Lịch đã có bài trình bày về “Kinh tế Việt Nam: Tình hình và triển vọng”.

4 tháng cuối năm CPI tăng mỗi tháng 1% là nằm trong dự báo

Theo quan điểm của Ts. Trần Du Lịch, đến hết tháng 8 CPI đã tăng 2,86%, nếu Chính phủ không có động thái gì, thêm 4 tháng còn lại CPI sẽ tăng khoảng 5-6% so với so với tháng 12/2011.

Nhưng chúng tôi đã đề xuất từ tháng 5  là phải chuyển chính sách từ lạm phát thụ động sang chính sách lạm phát chủ động, tức là chúng ta kích thích để có CPI cả năm 2012 khoảng 7-8%.

Vì vậy trong những tháng tới, nếu CPI tăng 1%/tháng chúng ta không nên lo lắng bởi nó nằm trong kế hoạch dự báo.

Thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp FDI ổn định hơn doanh nghiệp trong nước

8 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 73,4 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý, từ tháng 6 về trước xuất khẩu tăng rất cao 24 – 25%; tháng 7 và tháng 8 kim ngạch xuất khẩu đã bắt đầu giảm dần.

Nguồn: Số liệu Hải Quan Việt Nam, riêng tháng 8 số liệu GSO. Q. N

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng mạnh ở khu vực doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp trong nước gần như không thể tăng. Điều này cho thấy, thị trường xuất khẩu của khu vực FDI ổn định hơn thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước.

Về thị trường nội địa, 8 tháng tổng mức hàng hóa bán lẻ tăng 17,9%, nếu loại yếu tố giá tổng mức hàng hóa bán lẻ tăng 6,8%. Như vậy, sức mua thực tăng 6,8% - đây là điều không qua tệ đối với thị trường Việt Nam.

8 tháng doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động tăng 7,1%

Đối với thị trường tiền tệ, trong 8 tháng, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 10,3% nhờ tiền gửi tăng. Tuy nhiên, tín dụng tăng 1,4%, huy động vốn tăng 10,26%. Điều này cho thấy thị trường tiền tệ đang bị nghẽn.

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 28/08, 8 tháng đầu năm có 46.000 doanh nghiệp lập mới, có 35.483 doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động, tăng so với cùng kỳ năm trước 7,1%. Đây là vấn đề đáng lo ngại.

Hiện Việt Nam có khoảng 670.000 doanh nghiệp, trong đó 470.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 70% tổng số doanh nghiệp. Như vậy, số doanh nghiệp lập mới chiếm khoảng 7% số tổng doanh nghiệp là một mức trung bình ở nhiều nước.

Dự báo cho những tháng cuối năm 2012

Ts. Trần Du Lịch cho rằng, từ nay đến cuối năm, Chính phủ vẫn điều hành theo Nghị quyết 13, CPI những tháng cuối năm sẽ tăng trở lại nhưng cả năm ở mức 7-7,5% so với tháng 12/2011l; lãi suất không thể giảm sâu; tỷ giá khá ổn định.

Lãi suất huy động khó kéo sâu hơn nữa - ở mức 9%/năm, bởi lạm phát kỳ vọng 7,5% thì lãi suất huy động 9% đã giữ được mức lãi suất dương. Nếu giảm lãi suất nữa, nguy cơ người dân đầu tư sang vàng và USD.

Ông Trần Du Lịch cho rằng, dư nợ tín dụng cuối năm tăng khoảng 10% là không khả thi. Bởi mỗi tháng tăng 2% dư nợ - khoảng 100.000 tỷ đồng là không thể, khả năng hấp thu về vốn khá chậm, trừ khi Chính phủ cho khoanh nợ một số đối tượng: doanh nghiệp đang thế chấp nhà máy, không trả được nợ và trở thành nợ xấu, Chính phủ cho phép khoanh nợ và vay mới.

Về chính sách tài khóa, vấn đề đặt ra hiện nay là giảm thu.

13 tỉnh thành có thặng dư ngân sách: tổng thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp trừ (-) chi thường xuyên dương.
Nguồn: Số liệu Bộ Tài chính. Q. N

Hiện, trong 13 tỉnh thành có nguồn thu đóng góp cho ngân sách, có địa phương không thu được như kế hoạch trong đó có Tp. Hồ Chí Minh. Giãn thuế, giãn thời gian nộp thuế.... không có nguồn thu, không thể thực hiện chính sách đầu tư.

Dự báo thị trường năm 2013?

Những dự báo mới nhất về thế giới: IMF cho rằng kinh tế toàn cầu năm 2013 có thể tăng 3,9% - khá hơn năm 2012 ước chỉ tăng 3,5%; nhưng, một số tổ chức khác cho rằng tăng trưởng toàn cầu không khả quan hơn khoảng 3% - do vẫn còn ảnh hưởng của nợ xấu châu Âu.

Điều này đồng nghĩa chúng ta không trông chờ vào sự cải thiện thị trường thế giới mà phải tự cứu mình, tìm kiếm thị trường trong nước.

Vì vậy, Ts. Trần Du Lịch cho rằng, năm 2013, kinh tế Việt Nam vẫn ở mức tăng trưởng chậm, tạm gọi là còn trì trệ.

Về thị trường: đầu tư chưa tăng nhanh được; sức mua tăng chậm; thị trường bất động sản vẫn ì ạch – do hậu quả của bong bóng bất động sản, nợ xấu ; thị trường chứng khoán “sớm nắng chiều mưa” do bức tranh vĩ mô.

Nhìn chung bức tranh 2013 không quá ảm đạm, nhưng cũng không ấm lên một cách rõ nét, nhưng kỳ vọng không xấu hơn.

Do nguyên nhân sâu xa của lạm phát - lạm phát cơ cấu nên chính sách tiền tệ và tài khóa không thể nới lỏng, CPI năm 2013 theo ông Trần Du Lịch dự kiến ở mức khoảng bằng năm 2012, tỷ giá ổn định, biến động nhẹ.

Ông Trần Du Lịch cũng cho rằng năm 2012 Chính phủ còn tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ phục vụ cho mục tiêu ổn định vĩ mô, hỗ trợ thị trường, củng cố hệ thống ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu là ưu tiên số một, vai trò nhà nước ở mức độ nào đó; để thị trường tự điều tiết.

No comments:

Post a Comment