Thursday, September 27, 2012

Bánh bao Trung Thu của trẻ em nghèo

Trung Thu của người nghèo vốn là câu chuyện dài bất tận, vì đất nước này có đến hơn một nửa dân số phải chật vật với bữa ăn, với cái mặc. Có đến hơn 80% dân số vẫn đối diện cái nghèo bằng nghề nông, nên chuyện một cái Tết Trẻ Em với nhiều hình ảnh buồn không phải là chuyện lạ.
Câu chuyện về bánh bao Trung Thu ở Huế là một trong những câu chuyện như thế.

Ðổi lúa, đổi khoai lấy bánh bao ăn Trung Thu

Ông Trung, chủ lò bánh bao hoạt động gần bốn mươi năm nay ở Huế, cho biết: “Trung bình, mỗi Trung Thu, tôi phải làm bánh tăng gấp năm, sáu lần mùa bình thường, vì mùa này, vợ tôi sẽ nhận bánh đặt hàng của nhà nghèo dưới vùng biển, đặc biệt các xã như Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Thái, thuộc huyện Quảng Ðiền là đặt hàng nhiều nhất, họ đặt hàng làm quà Trung Thu cho trẻ con.”
Bánh bao xanh, thứ quà Trung Thu cho trẻ em nghèo, giá mỗi cái 2 ngàn đồng. (Hình: Phương Minh/Người Việt)
“Họ đặt bánh theo gia đình, có nhà đặt mươi cái, có nhà khá giả thì đặt hai mươi cái, mỗi cái hai ngàn đồng, tội nhất là nhiều nhà nghèo, quanh năm không biết bánh bao là gì, đợi đến mùa này đặt vài cái cho con cái ăn đỡ thèm!”
“Bánh bao cho người nghèo thì mình hơi tốn công, mình làm nhiều nhân một chút, và phải tốn công đến mùa lúa thì đi tính sổ, cứ hai cái bánh bao họ cân cho mình một ký lúa, đầu mùa Ðông, vợ tôi đi gom lúa, để dành xay gạo ăn qua đến mùa Xuân, người nghèo không có tiền mặt để thanh toán, dù mỗi cái bánh bao giá chỉ hai ngàn đồng.”
Ông Trải, chủ lò bánh bao khác ở Huế cho biết thêm: “Dân còn nghèo lắm, người nào có quyền thế thì giàu nứt trứng, ăn cái bánh Trung Thu lên cả tiền triệu, thậm chí chục triệu. Nhưng đó là Trung Thu của nhà quan, nhà giàu, chứ nhà dân, nhiều người không có khái niệm Trung Thu, thậm chí trông tới mùa Trung Thu để làm cái đầu lân cho con cái đi múa kiếm thêm tiền.”
“Tôi làm bánh bao gần hai mươi năm nay tôi biết, nhiều nhà, đến Trung Thu, khổ quá, đợi mình chở bánh bao đi ngang qua là gọi vào, hỏi có đổi bánh lấy gạo không, nghe mà ứa nước mắt. Bản thân tôi cũng có thời đói khổ như vậy nên tôi hiểu họ!”
“Riêng các xã vùng cát ở Quảng Ðiền thì người ta đổi khoai lang lấy bánh bao. Nhưng cũng chỉ đổi vào mùa Trung Thu, chứ các mùa khác thì hiếm khi họ đổi, vì món bánh bao đối với họ là quá xa xỉ.”
“Trẻ em ở đây chừng mươi tuổi đã theo cha mẹ ra đồng, phụ giúp, nhìn mặt mày bụ bẫm, đen nhẻm của chúng, đôi khi tôi thấy thương, gọi cho vài cái bánh, chúng nó sợ, không dám tin là mình cho, thậm chí sợ mình cho ăn rồi bắt đi trừ nợ. Những lúc như thế, nếu các anh nhìn thấy, chắc cũng ứa nước mắt thôi!”

Xứ cát, đời người như gió cát

Nếu đi dọc duyên hải miền Trung, từ Qui Nhơn ra đến Quảng Bình, chịu khó đi sâu vào những vùng quanh năm đối diện với sóng gió như Nhơn Lý-Bình Ðịnh; Sa Huỳnh, Lý Sơn-Quảng Ngãi; Bình Triều, Duy Nghĩa-Quảng Nam hay Quảng Ðiền-Huế... Có thể nói, đời sống ở những nơi này khó khăn chẳng kém gì những người dân miền sơn cước hiểm trở.
Chú Hùng nói rằng mỗi năm, chú đổi bánh bao mùa Trung Thu để lấy lúa, khoai lang có khi vừa đủ ăn cho cả năm... (Hình: Phương Minh/Người Việt)
Chính cuộc sống luôn đối diện với khó khăn, sóng gió và cát khô khốc đã khiến cho cuộc đời họ mang một nét đặc thù, bàn chân tõe vì đi bộ nhiều, trẻ em thiếu ăn, suy dinh dưỡng và đánh mất tuổi thơ từ rất sớm.
Ng., làm tiếp thị cho hãng bia Larue trong một quán nhậu Ðà Nẵng, kể: “Em người gốc Huế, vào đây làm thuê kiếm cơm được ba năm, nhà em ở Quảng Thành, cho đến giờ vẫn còn nhiều nhà lợp lá, lợp tranh, khổ lắm, tuổi thơ của em khổ, bây giờ con trai em cũng vậy.”
“Con trai em được một tuổi thì em vào Ðà Nẵng làm tiếp thị, bỏ nó ở nhà cho ba nó nuôi, nghĩ cũng đứt ruột lắm, nhưng nghèo mãi cũng nhục mấy anh ơi! Chồng em thì làm nông, chẳng biết gì ngoài đám ruộng với đám khoai. Cả năm kiếm lãi cao lắm cũng ba triệu đồng, con cái thì bỏ mặc.”
“Trung Thu năm ngoái em gửi về cho con em cái bánh Trung Thu, nó mừng lắm, nhưng nó chưa kịp ăn thì ông chồng em rủ bạn nhậu tới mổ mất của nó một nửa, nó khóc bèm lem bù lu, còn bị đánh đòn, nghe vậy, em buồn kinh khủng, cũng do nghèo mà ra cả thôi!”
Cô Lục, ở xã Quảng An, Quảng Ðiền, Huế cho biết thêm: “Nhà mình làm bánh bao cũng khá lâu, nhờ bánh bao, bánh chưng mà nuôi bốn đứa con học đến đại học, cao học.”
“Nhưng thú thật, mỗi khi mình chở xe bánh đi qua những khu xóm nghèo, thấy họ mua bánh ghi sổ, đến mùa trả lúa, trả khoai, mình hết muốn đi bán, mình thấy buồn kinh khủng, ăn hột lúa của họ đau vô cùng, chỉ ước sao mình giàu, cho tụi nhỏ thật nhiều bánh bao để chúng nó ăn Trung Thu.”
“Nghiệt nỗi mình cũng chưa khá giả chi, quanh năm cặm cụi kiếm đồng lãi cho con ăn học, nên chỉ đợi đến Trung Thu thì làm bánh bao xanh pha màu sâm dứa, bán rẻ một chút cho tụi nhỏ là thấy vui...”
Năm nào cũng như năm nào, cứ đến Trung Thu là xóm nghèo thi nhau mua bánh bao cho con cái ăn Trung Thu. (Hình: Phương Minh/Người Việt)
Theo chân cô Lục, chúng tôi ghé thăm những nhà đặt hàng bánh bao của cô. Nhìn những em bé gương mặt bụ bẫm, thông minh nhưng lại ăn mặc vừa rách rưới vừa bẩn vì suốt ngày tiếp xúc với cát, đất, vài ngày mới dám thay áo quần một lần... Dường như lời kể của những người bán bánh bao đã có nói giảm ít nhiều về những mảnh đời này!
Một chút trăn trở của người bán bánh bao, một phút buồn tủi của người tiếp thị khi gửi quà Trung Thu về cho con, một cuộc đời cam phận nhà nghèo nơi góc quê... Ðó là những gì thuộc về Trung Thu của những xóm nghèo, những phút vui nhỏ nhoi cho trẻ em nghèo...

No comments:

Post a Comment