Wednesday, October 24, 2012

Phản động quá, dám nói xấu THIÊN ĐƯỜNG CỘNG SẢN

HẨM HIU PHẬN BẠC

Cơn mưa chiều bất chợt “xô” tôi chạy nhanh đến hàng hiên giữa khuôn viên Bệnh viện Gia Định và Bệnh viện Ung bướu. Chen mình với những bệnh nhân đi khám đang đứng trú mưa, bỗng nghe tiếng nước xối mạnh từ phía hàng hiên bên cạnh. Mọi ánh mắt đổ dồn về người phụ nữ trạc 50 tuổi đang đứng lúi húi che lại tấm nylon. Phía dưới là một người đàn bà luống tuổi khác đang nằm co ro, nép sát vào bờ tường. Bà Lê Thị Ánh Hồng (tên người phụ nữ) cười tươi: “Tui cũng là người bệnh đấy. Ở đây ai cũng thế, gia cảnh khó khăn lại gặp bệnh hiểm nghèo, đành phải chọn hành lang bệnh viện làm chốn nương thân. Người bệnh chăm sóc cho người bệnh, sống cùng nhau nên coi nhau như trong một nhà”. Quê ở xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, bà Hồng từng có một mái ấm hạnh phúc, hai đứa con chăm ngoan. Thế rồi bất hạnh giáng xuống khi bà phát hiện bên ngực trái có một cái nhọt nhỏ. Ban đầu bà chỉ nghĩ là cái hạch bình thường nên cứ mặc kệ, vẫn ngày ngày đi làm lo cho con ăn học. Thế rồi nó cứ lớn dần, kéo theo những cơn sốt cao và ho triền miên, bà đi bệnh viện khám mới hay mình bị ung thư vú. Lúc này cái hạch nhỏ đã phát lên to bằng cái chén, sưng mủ. Bao nhiêu tiền bạc, tài sản tích cóp lần lượt bán tháo để lo chạy chữa. Hai người con của bà phải nghỉ học lên tận huyện Bình Chánh, TPHCM làm thợ hồ, thu nhập bấp bênh. Hết tiền đi lại, bà đành kiếm manh chiếu ra hành lang bệnh viện ở luôn.


Sau dãy chiếu manh là chốn cư ngụ của hàng chục bệnh nhân

Cùng cảnh ngộ là bà Phạm Thị Điệp (51 tuổi, ngụ xã Châu Phong, huyện Tân Châu, An Giang). Cũng nhập viện với bà Hồng từ năm 2009 và cùng ra hành lang ở nên bà Điệp và bà Hồng như đôi bạn thân, vui buồn có nhau. Chồng mất sớm, con đi làm mướn ở xa, không có điều kiện đi về nên bà Điệp chọn luôn hành lang làm chỗ ở và bầu bạn với những người cùng chung cảnh ngộ. Lúc trái gió trở trời hay những khi đau đớn vì bệnh “hành”, họ nương tựa và tự chăm sóc cho nhau. Cảnh sống hành lang không có bếp nấu, họ cùng vào chùa Bảo Văn và chùa Bảo Hòa (ở gần bệnh viện) ăn cơm từ thiện.

Nằm co ro sát bên bờ tường để tránh cơn mưa hắt vào, bà Huỳnh Thị Tiến (73 tuổi, ngụ xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, Bến Tre) mệt mỏi, nhăn mặt với từng cơn đau. Bà không nhớ đã lên bệnh viện bao nhiêu ngày, chỉ biết mỗi lần từ Bến Tre lên, hai mẹ con bà lại ra hành lang này nằm chờ khám và lấy thuốc. Bà có năm người con, gia cảnh ai cũng khó khăn. Người con gái thường đưa mẹ đi tái khám ở bệnh viện, sức khỏe cũng yếu nên nhiều khi lên đến bệnh viện là mệt lả, phải cậy nhờ những người bệnh ở hành lang này chăm sóc giùm. Bà Tiến cho biết, bảy tháng trước bà phát hiện bị ung thư, phải mổ và đặt máy vào trong bụng. Chi phí cho cái máy mất 15 triệu đồng, các con bà đã phải chạy vạy đủ đường. Mỗi tháng lên tái khám, mặc dù đã có bảo hiểm nhưng tiền thuốc cũng đã ngốn mất chừng 2 triệu, thế nên mẹ con bà ngủ hành lang để tiết kiệm chi phí.

Bà Huỳnh Thị Tiến nằm sát bờ tường để tránh mưa

HÀNH LANG MÁI ẤM

Lại một cơn gió thốc vào khiến tấm nylon bên cạnh bị quất tả tơi. Sợi dây không đủ dài để buộc, ông Lê Văn Đúng (55 tuổi) đành đứng cầm góc tấm nylon che mưa cho vợ đang nằm ở dưới. Quê ở xã Bình Trung, huyện Châu Thành, Tiền Giang, vợ chồng ông Đúng cũng có một cơ ngơi với nhà cửa ruộng vườn đầy đủ. Hơn một năm nay, kể từ khi vợ ông - bà Lê Thị Lùng nhập viện vì bệnh ung thư, ruộng vườn lần lượt bán hết. Đứa con gái lớn đã có chồng, song gia cảnh cũng không mấy khá giả. Còn người con trai út đang học dở dang cũng đành nghỉ đi làm nghề hớt tóc. Khác với phần lớn bệnh nhân ở đây, bà Lùng nhập viện và có phòng, có giường. Phòng và giường cũng chỉ là... tượng trưng mà thôi. Bệnh viện thì chật, bệnh nhân lại đông, mỗi giường là 5 - 7 người, thế nên vợ chồng ông đành dắt díu ra hành lang nằm cho thoải mái. Cũng như những người nằm đây chờ tái khám, vợ chồng ông ngày ngày bám trụ ở hành lang để chống chọi với căn bệnh ung thư của bà Lùng, mỗi bữa ăn đều đặn là suất cơm chay từ thiện của nhà chùa. Từ khi vào bệnh viện điều trị đến nay, bà Lùng đã phải vào hóa chất bốn lần. Ông Đúng cười tươi: “Vợ chồng tui chọn nơi đây làm... mái ấm!”.

Mưa nặng hạt. Thế nhưng bà Hồ Thị Tùng (53 tuổi, ngụ xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) lại toát mồ hôi vì đau. Đứa con trai Hồ Trường Mãi (20 tuổi) ngồi cạnh bên cầm quạt khua lia lịa. Nhà chỉ có hai mẹ con, từ khi bà Tùng nhập viện vì chứng vôi hóa cột sống, Mãi cũng nghỉ học để chăm sóc mẹ. Cũng có thời gian Mãi đi làm thợ hồ ở quận 2, quận 7 kiếm tiền phụ mẹ, nhưng sức khỏe yếu nên không kham nổi nghề nặng nhọc này. Sau mỗi đợt tái khám rồi trở về Cà Mau, em đành theo người ta đi làm thuê, làm mướn đủ nghề.

Dọc cái hành lang cũ này có khoảng 50 người đang “định cư” để chữa bệnh. Những người ở đây phần nằm chờ tái khám, phần thì nhập viện nhưng không có giường. Điểm chung ở họ là mái đầu rụng tóc, cảnh nghèo khó, chở che cho nhau theo tháng ngày chống chọi với căn bệnh quái ác - ung thư. Trở về nhà khi cơn mưa vẫn đang nặng hạt, trong lòng tôi cứ mãi băn khoăn bởi hình ảnh muỗng cơm ăn vội dưới mưa, bởi manh chiếu mỏng thốc lên theo từng cơn gió, bởi tấm nylon mỏng manh và những con người đang co ro vì đau, vì lạnh... Cầu mong sao có một phép màu.

No comments:

Post a Comment