Monday, May 20, 2013

AT&T Mobile Share with Unlimited Talk & Text

Vào kỳ họp Quốc hội khóa đầu năm ngày 20-5-2013, sẽ có 2 tên nước Việt Nam được đưa ra để thảo luận trong dự thảo sửa đổi lại bản hiến pháp 1992 của chế độ Hà Nội.
Giáo dân Công giáo giáo phận Vinh ký kiến nghị ủng hộ Thư Góp Ý sửa Hiến Pháp của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. (Hình: Nữ Vương Công Lý)

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội CSVN, loan báo như vậy trong cuộc họp báo hôm Thứ sáu 17/5/2013.

Từ cuối năm ngoái đến nay, CSVN mở chiến dịch đại quy mô “lấy ý kiến nhân dân” để sửa lại bản hiến pháp đã lỗi thời. Tại rất nhiều địa phương, dân chúng được phát cho cả bản dự thảo hiến pháp mới cùng với một xấp giấy để “góp ý kiến”. Người ta có thể khỏi cần đọc mà ký tên ngay hay giữ lại rồi ngày hôm sau có nhân viên nhà cầm quyền địa phương tới lấy lại. Mấy ai đọc và bao nhiêu người hiểu? Đại đa số chọn thái độ ký đại cho đỡ bị phiền phức.

Những gì được nhìn thấy sửa đổi lại bản hiến pháp cũ là những chi tiết râu ria, một số từ ngữ, sắp xếp đảo lộn từ trước ra sau từ sau ra trước một số điều. Nhưng cái cốt lõi là điều 4 dành độc quyền cai trị đất nước cho đảng CSVN thì vẫn không đổi. Quyền tư hữu đất đai vẫn bị đảng CSVN cưỡng đoạt.

Cũng với chiến dịch sửa lại bản hiến pháp, có một số dạo đờn trong hàng ngũ đảng viên là đổi cả tên nước. Bây giờ, một cách chính thức, như cái ông Nguyễn Hạnh Phúc loan báo, sẽ có 2 tên nước sẽ được đưa ra để quốc hội “con dấu cao su” CSVN (rubber stamp - theo cách gọi chê bai của báo chí quốc tế) của chế độ biểu quyết.

Tức là giữ nguyên cái tên nước là “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hay đổi thành “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Tương kế tựu kế với trò sửa đổi hiến pháp, nhiều trí thức trong nước đã cùng nhau ký tên trên một bản kiến nghị đòi đảng CSVN trả lại quyền tự do cho dân từ tự do ứng cử và bầu cử thay vì đảng cử dân bầu, tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng chứ không do đảng Cộng sản độc quyền, trả quyền tư hữu cho nhân dân thay vì cướp đất của dân như hiện nay.

Đồng thời, ngày 1/3/2013, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng gửi một thư góp ý với nội dung tương tự. Hàng chục ngàn người trên cả nước đã ký tên trên các kiến nghị và thư góp ý vừa nói nhưng chế độ Hà Nội lờ đi như không có. Một phái đoàn 16 người đại diện cho 72 nhân sĩ trí thức đầu tiên ký bản kiến nghị sửa Hiến Pháp đã tới Văn phòng Quốc hội Hà Nội trao cho một chức sắc ở đây, nhưng không ai tin nó sẽ được cân nhắc, nghiên cứu hay coi trọng.

Qua mấy chục năm, từ khi thành lập đảng CSVN đến nay, nó đã đổi tên đảng và tên nước mấy lần để lừa thiên hạ chứ không phải không có tiền lệ.

Ngày 11 tháng 11 năm 1945 Đảng Cộng sản Đông Dương (gồm 3 nước Việt-Miên-Lào) tuyên bố tự giải tán để che giấu sự liên hệ cộng sản với nhà nước Việt Nam mới thành lập, lấy tên gọi mới là Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Mọi hoạt động công khai của đảng từ đây đều thông qua Mặt trận Việt Minh (tên tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội) tức Đảng Cộng Sản trá hình. Núp dưới tên khác mà thực tế, đảng vẫn hoạt động và cầm đầu cuộc kháng chiến, một mặt đánh thực dân Pháp cũng như  đánh nhau với các tổ chức kháng chiến chống Pháp của người Việt không Cộng Sản. Sau đó Việt Minh biến thành Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam cùng với Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội...

Đến Tháng Hai năm 1951, Đảng CS đổi tên thành Đảng Lao Động Việt Nam khi xảy ra Chiến tranh Đông Dương cũng vẫn trong nhu cầu đánh lừa người quốc gia tham gia chống Pháp. Sau khi chiếm được nửa đất nước năm 1954 thì đến năm 1960, CSVN đổi tên nước thảnh Việt Nam Dân Chủ Công Hòa và đến năm 1976 tức sau khi cướp được một nửa đất nước ở phía Nam, thống nhất đất nước, thì đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nguyên hình là Đảng Công Sản Việt Nam, tên nước đổi thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cho đến nay.

Dù tên nước đổi thế nào, trong sự cai trị của đảng CSVN, người dân đã bị lường gạt, bóc lột sức lao động, cướp đoạt tài sản và ngay cả niềm tin, theo mô hình “xã hội chủ nghĩa” đến nay không ai biết thật sự nó sẽ như thế nào ngoài cái lý thuyết Mác Xít.

Như trên nói, cả tên đảng Cộng Sản và tên nước được những kẻ cầm đầu đảng CSVN thay đổi tùy theo nhu cầu tình thế của hoàn cảnh. Bản chất của nó vẫn là Đảng Cộng Sản và chủ trương của những kẻ cầm đầu đảng CSVN.

Chế độ Hà Nội bị dư luận quốc tế chỉ trích mạnh mẽ về nhân quyền. Nay nếu đổi tên nước, có thể lấy cái tên “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” đánh tráo cho cái tên hiện nay “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” thì có thể có căn cứ để biện minh hay bịp tiếp dễ hơn. Chứ cứ ôm lấy cái “Xã hội Chủ nghĩa” thì lộ liễu quá.

Nhưng chỉ đổi tên nước mà bản chất vẫn là do đảng CSVN tham những, độc tài thối nát hiện nay cầm đầu thì nó vẫn chỉ là một thứ con tắc kè đổi màu tùy theo môi trường chung quanh cho dễ ẩn nấp mà rình mồi. Nó cũng vẫn chỉ là trò đánh bạc bịp, vừa đánh trống vừa ăn cướp. Con cáo ăn cắp gà dù gọi nó là con nai thì bản chất của nó không thay đổi. Con nai ăn cỏ chứ con cáo không ăn cỏ để sống.

Khi thông báo kết quả tổng kết nhân dân “góp ý kiến” sửa hiến pháp , riêng tỉnh Bình Dương loan tin đã có tới 44 triệu 500 ngàn ý kiến đóng góp. Tỉnh này chỉ có khoảng 1.5 triệu người, như vậy, mỗi người phải đóng góp tới 30 “ý kiến”, một sự tuyên truyền bịp bợm lộ liễu.

Tờ Sài Gòn Giải Phóng thì khiêm tốn hơn khi thuật tin từ “Ban Biên tập Dự Thảo Sửa đổi Hiến Pháp” nói đến cuối Tháng 3 vừa qua đã có 26 triệu ý kiến đóng góp của các tổ chức, cơ quan, và cá nhân. Nhưng tờ VietnamNet đến ngày 8/4/2013 thì nêu ra con số đến thời điểm này có hơn 20 triệu “lượt ý kiến của các tầng lớp nhân dân”. Không những các bản tường trình khác nhau về con số mà mỗi ngày một thun lại. 

“Tôi cho rằng chiêu trò sửa đổi hiến pháp này chỉ là chiêu trò bài ba lá, tráo bài ba lá mà Đảng Cộng sản và một số người được trả lương để định hướng dư luận bày ra để lừa bịp nhân dân và dư luận quốc tế thôi, chứ chẳng sửa đổi để tốt hơn. Tôi chắc chắn sẽ không có gì thay đổi như trong phần đầu phiếu xin ý kiến tôi đã ghi.” Một cư dân thành phố Hà Nội tên  Nguyễn Doãn Kiên trả lời cuộc phỏng vấn của đài RFA ngày 9/4/2013.

Theo ông Kiên “Ở Việt Nam tất cả những cơ quan truyền thông đại chúng đều thuộc quyền của Đảng Cộng sản; cho nên con số thống kê chắc ai cũng biết là không đúng sự thật rồi.”

Ngày 9/1/2013 tờ TBKTVN và nhiều báo khác thuật lời phát biểu của ông Đinh Thế Huynh, trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương của đảng CSVN, nói rằng “Phải làm cho nhân dân tin tưởng những ý kiến đóng góp được trân trọng, được nghiêm túc tổng hợp, nghiên cứu và tiếp thu”.
Sau đó ít ngày, báo của chính phủ Hà Nội đưa tin “Thủ tướng yêu cầu tập hợp trung thực ý dân về Hiến pháp”.

Nhưng ngày 21/3/2013, báo điện tử của Dòng Chúa Cứu Thế (chuacuuthe.com) đưa tin “Công an Đồng Nai sách nhiễu các linh mục vì phổ biến Bản Nhận Định và Góp Ý sửa Hiến Pháp của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam”.

Những ai tham gia buổi “dã ngoại nhân quyền” ngày 5/5/2013 tại Sài Gòn, Hà Nội và Nha Trang do nhóm “Công dân tự do” tổ chức, đã bị Công an phá đám ngay từ đầu. Một số người đã bị bắt giữ và gia đình cô blogger Nguyễn Hoàng Vi đã bị cướp tiền bạc, điện thoại, máy ipad và bị hành hung dã man.

Vậy thì đổi tên nước có gì thay đổi ở Việt Nam hay không? Sửa hiến pháp có cải thiện nhân quyền hay không? Hỏi tức là trả lời vì bản chất của đảng CSVN vẫn không thay đổi.

No comments:

Post a Comment