Thursday, January 10, 2013

Hiệu Minh - Thư Lê Nin gửi Cua Times

Dear đ/c Cua Times – Привет Товарищ KUA
Bác Lê Nin viết thư này cho Cua Times từ Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow, nơi bác đã nằm trong lăng suốt 88 năm nay, tựa như người đang ngủ, theo dõi hậu thế đang học tập và làm theo di sản Mác-Lê.
Những gì đã thấy vài thập kỷ qua ở Liên Xô, Đông Âu và sau này ở nhiều nơi trên thế giới, bác thấy nhà thơ Goethe đã đúng “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi”.
Nhưng đây không phải là đề tài muốn bàn với các bạn trong email này.
Chả là vừa rồi, có mấy người Việt vào viếng Lê Nin. Họ đi vòng xung quanh quan tài và lầm bầm “Quái lạ, nước Nga vi phạm Nghị định 105/ND-CP về việc tổ chức tang lễ cán bộ, công chức, viên chức.”
Theo họ, Nghị định này có hai điểm đáng bàn (1) Lễ viếng tổ chức ở nhà tang lễ. Đưa tang và an táng thực hiện trong cùng một ngày. Ở địa phương không được quá 48 tiếng. (2) Linh cữu người từ trần không được để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài.
Bác nhỏm dậy định cãi. Nhưng ĐCS LX dưới sự dẫn dắt của Stalin đã qui định, người quá cố, dù là vĩ nhân, không được tham gia ý kiến. Phải nằm im để hậu thế dùng làm biểu tượng cho mọi mục đích.
Biết bao di huấn, lời dạy treo đầy trên tường, nhưng có ai nghe đâu. Một tay cầm phong bì đút lót, sau lưng là khẩu hiệu “cần kiệm liêm chính…”
Bác nằm đây đã gần một thế kỷ, chẳng bao giờ được an táng như mong muốn của cá nhân, là được chôn cất ở quê nhà cùng với mẹ và vợ tại Kazan.
Nhìn xung quanh thấy người đông nghịt, chợt phát hiện thêm, chiếc quan tài trong veo, không phải một nắp kính nhỏ mà toàn bộ bằng kính, xác hở từ đầu đến chân.
Trong cảnh trống trơn như thế, vì tôn trọng khách khứa ra vào, bác Lê Nin đây cứ phải nằm im như tượng sáp, không dám cựa quậy. Nhiều lúc mỏi lưng, mỏi chân, muốn trở mình cũng không được. Lãnh tụ cộng sản khổ cả khi đã chết.
Như vậy, việc dùng quan tài bằng kính, không an táng sau 48 tiếng, theo bác, Ban Quản lý Lăng Lê Nin đã vi phạm Nghị định 105/ND-CP ký ngày 17-12-2012. Mấy tay người Việt nói thế mà đúng.
Rồi đây thế nào cũng bị phạt tiền. Mà ĐCS Nga yếu quá rồi, tiền chả còn nhiều, èo uột hoạt động, làm sao có đủ số rúp mà nộp phạt.
Thi hài Lê Nin trong quan tài kính. Ảnh: internet
Thi hài Lê Nin trong quan tài kính. Ảnh: internet
Tuy hai quốc gia Nga-Việt chưa có hiệp định thỏa thuận khung về pháp luật và nghị định cấp Chính phủ, nhưng bác đoán, mấy cha quản lý ngu dốt về pháp luật bên Nga, nhưng tham lam, thế nào cũng mang cái NĐ này về thí điểm bên Moscow.
Sau đó chưa chừng, mafia Nga còn gợi ý các đồng chí quốc tế bên Trung Quốc, Triều Tiên, học tập và làm theo.
Cán bộ sa lông máy lạnh chẳng nghĩ gì đến vệ sinh môi trường, tập quán của dân, mà có khi đưa ra NĐ sơ hở là dịp kiếm tiền. Dân trí thấp nên dễ vi phạm.
Con cháu đi xa, bố mẹ chết phải đợi chúng về nhìn mặt lần cuối rồi mới chôn. Có đứa ở bên tận DC, bay 2 ngày mới về đến Hà Nội (à quên Moscow), thế là quản lý đến xin tiền trong lúc tang gia bối rối.
Chưa hết, muốn cho con nhìn mặt cha, người nhà phải làm miếng kính trên nắp quan tài. Chả lẽ nó về, quan tài đã đóng, lại cậy ván thiên cho nó nhìn bố à.
Thế là vi phạm, quan đến, vừa viếng, tranh thủ ăn cỗ, rồi chơi tá lả, sát phạt tổ tôm, vừa đưa hóa đơn phạt, lợi đủ đường.
Mặt khác nguy hại hơn, để thực hiện triệt để qui định đó, các bạn có biết hậu quả là gì không. Đó là tất cả các lãnh tụ vô sản đang nằm trong quan tài bằng kính như Lê Nin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Kim Nhất Chính và vài đồng chí X, Y sẽ bị thay bằng quan tài gỗ và đem ra khỏi lăng.
Đối với từng cá nhân, đó là niềm vui. Vì lãnh tụ, dù vĩ đại đến đâu, lúc chết cũng muốn về với đất trời như một lẽ tự nhiên. Chẳng ai muốn nằm trong lăng cô độc, lạnh lẽo. Thỉnh thoảng còn bị lôi ra tắm rửa, cắt móng chân, móng tay, chả khác gì người sống.
Bác chỉ lo cho người danh xưng vô sản, nay đã tư bản hóa hoàn toàn, tiền của gửi bên Thụy Sỹ, con cái đưa sang Mỹ, của chìm nổi khắp nơi. Họ không biết nương tựa vào đâu, khi làm sai trái, muốn bảo vệ lợi ích nhóm, không còn ai lôi ra làm bình phong che chắn.
Viết thư này xong, chẳng biết buồn hay vui. Thôi, bác Lê Nin dừng bút, và đi vào hiệu cắt tóc.

No comments:

Post a Comment