Thursday, November 29, 2012

‘Lạm phát cả năm 2012 khoảng 7,5%’ (keep lying)

Nhận định này được người phát ngôn của Chính phủ đưa ra tại phiên họp báo chiều 29/11. Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 11, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận và nhận định có thể đạt được cơ bản các mục tiêu lớn của năm 2012. Riêng chỉ tiêu lạm phát, với mức tăng 0,47% trong tháng 11 và dự kiến khoảng 1% trong tháng 12, CPI cả năm có thể ở mức 7,5%, thấp hơn so với mục tiêu 8% trước đó.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định lãi suất sẽ hạ khi lạm phát giảm. Ảnh: Nguyễn Hưng
Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định lãi suất sẽ hạ khi lạm phát giảm. Ảnh: Nguyễn Hưng
Riêng đối với các mục tiêu tăng trưởng, tuy chưa đưa ra dự báo về GDP tại phiên họp báo lần này nhưng theo đại diện Chính phủ, tình hình sản xuất đang có nhiều tiến triển tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,8% so với tháng 10 và 6,7% so với cùng kỳ năm 2011. Kim ngạch xuất khẩu sau 11 tháng đạt trên 104 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ.
Do lạm phát cả năm dự kiến thấp hơn so với mức 8% đề ra, trong khi mục tiêu được Chính phủ đề ra cho năm 2013 là “lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn so với 2012”, nên theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, đây có thể là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Lạm phát sẽ là cơ sở để quyết định lãi suất, còn quyết định như thế nào, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước đề xuất và trình trong tháng 12 này. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng, lạm phát hạ thì lãi suất nhất định sẽ giảm”, đại diện Chính phủ khẳng định.
Song song với việc hạ lãi suất, tại phiên họp Chính phủ lần này, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tích cực hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tăng tổng cầu, sớm trình Chính phủ đề án xử lý nợ xấu.
“Các ngân hàng trước hết phải dùng nguồn dự phòng rủi ro của mình. Đây là tiền thật, có lúc các ngân hàng đã trích lập tới 60.000 - 70.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Chính phủ và các địa phương cũng sẽ tập trung giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản, khoảng 90.000 tỷ. Đây cũng sẽ là nguồn lực đáng kể để xử lý nợ xấu”, Bộ trưởng Đam nhận định.
Trả lời câu hỏi của VnExpress.net xung quanh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng như ngành hàng hải, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết 2 nội dung cụ thể này không được bàn tới trong phiên họp này của Chính phủ, vốn chỉ kéo dài một ngày. Tuy nhiên, đại diện Chính phủ cũng cho biết vẫn thường xuyên nhận được báo cáo từ các bộ chủ quản và các cơ quan này cũng đang tích cực giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Riêng các giải pháp về thuế cho thị trường bất động sản vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và Chính phủ sẽ xem xét khi các cơ quan liên quan thống nhất trình.
Cũng tại việc phiên họp báo chiều 29/11, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng dành nhiều thời gian để chia sẻ xung quanh vấn đề tổ chức ASIAD 2019, sau nhiều sự quan tâm của báo chí và dư luận thời gian qua. Theo đó, người phát ngôn của Chính phủ cho rằng, việc đăng cai ASIAD cũng như nhiều sự kiện quốc tế khác là cơ hội tốt để Việt Nam nâng cao vị thế, quảng bá, thu hút du lịch, đầu tư cũng như phục vụ nhân dân.
Bản thân việc xin đăng cai sự kiện này, theo Bộ trưởng, cũng đã nằm trong chương trình chung về hội nhập quốc tế, được cơ quan chức năng xin phép và Chính phủ đồng ý. Sau khi giành được quyền đăng cai, Thủ tướng cũng đã giao Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch làm đầu mối, lên phương án tổ chức với mục tiêu “thành công, hiệu quả và tiết kiệm”. Bộ trưởng cũng cho biết nguồn lực để tổ chức ASIAD sẽ được huy động tối đa từ xã hội và tận dụng các cơ sở hạ tầng có sẵn. “Không phải cứ có sự kiện mới là lại xây công trình mới”, Bộ trưởng khẳng định.

No comments:

Post a Comment