Wednesday, March 27, 2013

Nghề bán cháo dinh dưỡng cho trẻ xóm nghèo

Bán cháo dinh dưỡng cho trẻ em trong thời kinh tế đen trắng lẫn lộn này, có thể nói đây là nghề dễ sống, dễ thở và cũng dễ làm giàu nếu biết kinh doanh.
Chính vì thế mà không thiếu những cái tên gắn liền với nồi cháo dinh dưỡng như A. Cà Phê; Made In Việt Nam, Bà Mẹ và Em Bé… Nhưng, đó là những cái tên đã ổn định trên thị trường, với những chiếc xe bán cháo dinh dưỡng lẻ mỗi sáng ở mỗi góc phố thì câu chuyện hoàn toàn khác.
Người bán cháo dinh dưỡng thường kèm theo một bếp gas mini để đun nóng cháo trước khi bán. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Chị Hồ Trúc Chi, 42 tuổi, thường bán cháo dinh dưỡng cho trẻ em khu xóm nghèo ở ngã ba nhà thờ Phú Cam, Huế, chia sẻ: “Công việc này hơi vất vả nhưng kiếm lãi rất dễ, vì suy cho cùng, cháo là món siêu lợi nhuận nếu biết làm ăn. Ví dụ như một nồi cháo to, giỏi lắm cũng chỉ nấu chừng 1kg gạo là cùng, chưa tới hai chục ngàn đồng cho loại gạo ngon nhất, cộng thêm gia vị, thịt các loại và rau củ, không tới ba trăm ngàn đồng”.
“Nhưng bán thì khác, kiếm tổng cộng ít nhất cũng được 600 ngàn đồng, chung qui, lãi nhân đôi. Nhưng, để có một nồi cháo ngon, đảm bảo các bé ăn vào đầy đủ dinh dưỡng thì mọi chuyện hòan toàn khác. Một người chưa từng làm mẹ hoặc đang làm mẹ nhưng yêu thương con mình không đủ mạnh sẽ không bao giờ bán cháo dinh dưỡng lâu bền”.
“Đây là xóm trung bình, nghèo cũng có, mức độ mua cũng không cao, nhưng chính vì mình biết điều tiết giá cả và hàm lượng mà bán thành công. Thường thì cháo dinh dưỡng của mình bán có nhiều chiếc hộp chứa thịt như chim bồ câu, ếch, gà, chim cút, cá lóc, thịt bò, cá hồi… và mấy hộp chứa củ quả đã xay nhuyễn như cà rốt, bù ngót, cải mâm xôi, rau má…, bán theo yêu cầu của khách”.
Cô Luân, một người bán cháo dinh dưỡng khác ở ngã ba thị trấn Vĩnh Điện, kể: “Thường thì ở đây kinh tế còn khó khăn, mỗi buổi sáng, người ta mua 5 ngàn đồng tiền cháo cho con nhỏ, mình bán chừng hai vá cháo, mấy thìa thịt và mấy muỗng rau củ xay nhuyễn, vậy là đứa bé có một buổi sáng thơm ngon”.
“Những người bán cháo dinh dưỡng dạo thường có mấy hộp chứa thịt, một thùng cháo và hai bếp gas mini, khi nào khách đến mua, yêu cầu loại thịt gì, rau gì, mình mới múc cháo nóng trong thùng, cho vào chiếc chảo nhỏ, trộn các loại thịt, rau củ vào và bật bếp khuấy cho sôi. Nhưng đó chưa phải là quan trọng, nấu kia mới quan trọng”.
“Một người bán cháo có trách nhiệm thì phải biết theo dõi tình hình dịch cúm các loại gia cầm, gia súc, và phải tìm nguồn thực phẩm cho thật sạch sẽ, an toàn để nấu bán. Thật ra, mỗi lần cũng chỉ làm không tới 300gram thịt bồ câu, và các thứ khác, mỗi thứ cũng 300gram, lọc bỏ xương, ướp gia vị, xay nhuyễn… Vốn thì không nhiều nhưng công phu rất nhiều, vì nếu mình làm được chăng hay chớ, thử hình dung có một bữa nào đó, trẻ em của một xóm lăn ra đau bụng, thật là kinh hoàn nếu mình còn lương tâm!”.
Mẫu tủ cháo dinh dưỡng thường gặp ở các ngã ba xóm nghèo. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
“Nói chung dân mình còn nghèo lắm, mỗi sáng họ mua cho con 5 ngàn đồng tiền cháo mà thấy khổ sở lắm chứ không đơn giản đâu, thời buổi khó khăn. Nhưng cũng lạ, mình bán từng đồng lẻ mà thấy kiếm lãi cũng khá vậy, huống chi những dịch vụ khác, dân mình khổ thật, lao động nghèo nhưng lại sống trong mọi thứ dịch vụ toàn cắt cổ!”
Một người khác, yêu cầu giấu tên, cũng bán cháo dinh dưỡng cho trẻ con ở xóm ba-đờ-ghe, Mân Thái, Đà Nẵng, chị tâm sự: “Mình ngồi bán cháo dinh dưỡng ở đây được gần 17 năm rồi, nhiều đứa bé trước đây ăn cháo của mình, bây giờ đã có vợ, có chồng nữa kia, trước đây họ ở nhà chồ, mình thì bán một nồi cháo to, bán chung cho cả người lớn và trẻ con, bây giờ chỉ bán cho trẻ con.”
“Nhìn bề ngoài thì có vẻ dân mình không nghèo, nhưng nhìn vào bữa ăn của những đứa bé, mình luận ra ngay họ còn nghèo khó lắm, nhiều cặp vợ chồng đi làm quanh năm suốt tháng, có khi phải mua cháo nợ của mình cả tuần, sau đó lãnh lương mới trả, mà nhìn cách họ đếm tiền trả, mình thấy thương lắm, họ nghèo thật sự!”
“Cái nghề này, người có lương tâm, tình cảm một chút là dễ cảm nhận đời sống và dễ khóc lắm. Vì mình cũng nghèo, đi bán nồi cháo với hy vọng kiếm sống qua ngày, đôi khi cũng bay bổng một chút và nghĩ rằng biết đâu trong những đứa trẻ ăn cháo của mình, có đứa sau này là bác sĩ, kỹ sư, thậm chí làm chính khách thay đổi đất nước tốt đẹp hơn… Nhưng đó là tưởng tượng, nhìn vào xóm nghèo, nhiều bữa mình thấy buồn vô hạn!”
Những câu chuyện cảm động của nhiều người bán cháo dinh dưỡng ở các ngã ba xóm nghèo, ngã ba chợ, đôi khi cho ra một phép so sánh khá buồn cười và tội nghiệp, như trường hợp chị Tuyến kể: “Trong xóm lao động công nhân nghèo ở khu dân cư 434, khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, Bình dương mà tôi vẫn đứng bán cháo, đúng là cõi ta bà hiện tiền! Tội lắm, đủ các thành phần.”
“Vì ở đây toàn là công nhân nghèo, nên việc chăm sóc con của họ rất khốn đốn, dù họ muốn con họ sung sướng thì cũng nằm trong giới hạn của đồng lương cho phép thôi! Cho đến bây giờ, vẫn có nhiều người mua cho con ba ngàn, bốn ngàn đồng tiền cháo ăn sáng. Thì thử hỏi với ba, bốn triệu đồng một tháng, phải trả tiền nhà, tiền điện, rồi đủ các thứ tiền, lấy đâu mà chăm sóc con cho tốt được, tôi có một cuốn sổ nợ cháo dinh dưỡng tháng cho xóm nghèo này, giữa tháng là họ bắt đầu ghi nợ cho đến cuối tháng…”
“Nhiều đứa bé ba bốn tuổi, sáng ra lọ mọ cầm ca ra mua ba ngàn đồng cháo, vừa đi vừa húp, về đến nhà chỉ còn có một nửa, tội nghiệp thật, sao cái nghèo cứ đi đôi với nghề bán cháo vậy không biết nữa, đúng rồi, nghèo mới đổi cơm ra cháo cầm hơi, mà đến cháo cũng thiếu hụt thì nói năng chi nữa! Đôi khi thấy thương người lao động nghèo kinh khủng, nhưng mà mình cũng nghèo…”
Kể đến đây, chị Tuyến im lặng, không nói thêm câu nào. Chị thì im lặng, còn người nghe thì lan man nghĩ về thân phận của những người lao động nghèo trong những xóm nghèo cùng những bát cháo dinh dưỡng mà đôi khi, nó như một cái phao dinh dưỡng để bậc làm cha, làm mẹ nghèo khó còn có chút yên tâm để tự an ủi mình.

2 comments: