Monday, March 11, 2013

Cơ cực nghề mò cua bắt ốc

Trên quốc lộ 1A Bắc-Nam ở Việt Nam, dường như cả 3 miền đều có những người đứng ven đường với một bao đựng ốc chừng vài kí lô bên cạnh, dáng đứng mệt mỏi.
Em nhỏ này mỗi ngày bán ốc kiếm được từ 20 ngàn đồng đến 50 ngàn đồng để mua gạo, mặc cho rét lạnh. Sáng 4 giờ đi bắt ốc, 6 giờ đi bán, có người đi bắt lúc 2-3 giờ khuya. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Ở đoạn Thăng Bình, Quảng Nam cũng có những người như thế này. Với thu nhập được chăng hay chớ, có ngày vài chục ngàn đồng, có ngày được gần trăm ngàn đồng. Nắng, mưa, gió bão, họ đều đứng bán, mặc cho rét lạnh và nguy hiểm.
Dung, 13 tuổi, học lớp 8, nhà ở Bình Lãnh, Thăng Bình, mỗi ngày đi học một buổi, một buổi còn lại đi bắt ốc ngoài ao, ruộng và lên đứng trên đường quốc lộ để bán ốc, Dung kể: “Ăn cơm xong là em chở bao ốc ra đây đứng bán, có ngày kiếm được cả mấy chục ngàn, có ngày đứng mãi mà không ai mua, lại mang ốc về nhà, mai lại ra bán...”
“Mấy cô chú, anh chị đứng bán ốc ở đây đều là nhà đông người, nhà nghèo, nếu giàu thì chẳng ai dại gì mà đi bán ốc, nguy hiểm lắm, đây là quốc lộ, đoạn này xe chạy ghê lắm, rồi lại bị công an rượt đuổi, mà không đứng chỗ này bán thì đứng đâu, vì trên đường mời có khách qua lại mà mua, món này là món nhậu, vào chợ bán khó lắm!”
Gần chỗ Dung đứng, có thêm sáu, bảy người nữa cũng bán ốc, già có, trẻ có, chị Tuyết, 40 tuổi, đứng bán ốc ở đây gần ba năm để nuôi người chồng bị tai biến mạch máu não và ba đứa con nhỏ, tâm sự: “Nghề bán ốc chỗ này rất ngẫu nhiên, ban đầu, cách đây bốn năm, ông Hùng đi làm ruộng về, ruộng nhiều ốc bươu, ốc vàng quá, ông diệt ốc vàng và bắt ốc bươu mang về, về đến chỗ này đây, mệt quá, ông đứng nghỉ ngơi, xe tải dừng lại hỏi mua. Ngày mai ông làm thử, vẫn bán chạy, từ đó ông bán ốc luôn”.
“Lúc ông Hùng bán ốc, ruộng đồng còn nhiều ốc lắm, nó phá lúa tàn bạo, còn bây giờ, ốc hiếm rồi, nhưng dù sao thì vẫn có để bán, cứ một năm mình đi bán ba tháng, vào những ngày gặt hái xong, đồng ruộng mênh mông nước, mình lại ra đồng bắt ốc về bán, mỗi ký ốc bán được mười lăm ngàn đồng, giá như vậy là rất ngon, dễ sống”.
“Nếu không nhờ vào ốc, có lẽ gia đình mình không có cái để ăn, vì quá khó khăn, ốc đã cứu gia đình mình. Trung bình mỗi ngày kiếm được từ 50 đến 70 ngàn đồng, cũng đủ để mua thuốc men, dầu mè mắm muối. Chứ nông dân như mình, không tài nào sống nổi nếu như chỉ dựa vào ruộng lúa!”
Cuộc sống của người nông dân miền Trung vốn nghèo lại thêm hết sức khó khăn trong năm vừa qua vì nền kinh tế khủng hoảng, vật giá tăng vọt, nhiều gia đình nông dân phải vay mượn tiền ăn Tết, đến mùa đong lúa cho chủ nợ. Trong dịp cuối năm, họ đứng từ sáng sớm đến chiều tối, mặc cho gió thốc, rét lạnh để đứng bán kiếm tiền.
Trong trang phục mỏng mảnh, phong phanh, ông Luyến, 70 tuổi, vừa bặp môi thuốc lá cho đỡ lạnh để đứng bán ốc, vừa lập cập kể: “Tui bán ốc được gần một năm ở đây rồi, mỗi ngày kiếm cũng được từ vài chục đến một trăm ngàn đồng, mỗi năm bán ba tháng, cũng tạm đủ tiền xoay xở trong những ngày ngồi không chờ lúa chín”.
“Tết năm nay khó khăn quá, cả vườn rau bán mua chưa được nửa ký hột dưa, nên tranh thủ bán càng nhiều càng có tiền tiêu Tết, sáng tôi dậy lúc hai giờ, đi ra ngoài đồng bắt ốc, lội xuống ao bắt ốc, chừng năm giờ thì về nhà ăn cơm, chuẩn bị đi bán, bán đến sáu, bảy giờ tối lại về nhà, trưa con mang cơm lên đường cho mình ăn”.
“Nhiều khi nghèo quá cũng sinh tội ác, bán ốc là làm ăn lương thiện, nhưng đôi khi bán ế quá, nhất là trong dịp Tết, mình nghe đài nói dịch heo tai xanh trong tỉnh là thấy mừng rơn vì mai đi bán ốc sẽ khá hơn, đôi khi mừng trên nỗi khổ của người khác, đó là cái ác của tâm hồn. Ðúng là đất nước nghèo sẽ sinh ra tội ác, nhiều khi nghĩ đến đau đầu, không hiểu tại sao mình lại như thế, trước đây mình đâu có vậy!”
Cụ bà tên Ngại, 85 tuổi, tai đã nghễnh ngãng, cũng ra ngồi bán ốc để đắp đổi qua ngày, bà kể: “Ở đây mấy người trẻ họ nhanh nhảu, bán mau hơn mình, mình già rồi, đi đứng khó nên cũng không siêng mời mọc, bán được ít. Thôi thì được bao nhiêu cũng tốt!”
“Mỗi ngày kiếm từ ba chục đến năm chục ngàn đồng, sáng già đi bắt ốc lúc bốn giờ, sau đó rửa ốc, về nhà ăn sáng, già sống một mình nên tối lại bắc nồi cơm, ăn một ít, sáng mai ăn cơm nguội đi bán, mình già rồi, cũng chẳng tha thiết gì nữa. Nhưng cũng không để phải ra thân ăn xin, còn kiếm cơm được thì cứ kiếm, năm sau mình được nhận tiền trợ cấp xã hội mỗi tháng 180 ngàn đồng (tương đương $9), cũng đỡ chút đỉnh”.
Nhiều em nhỏ phải nghỉ học đi bán ốc phụ giúp gia đình. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
“Mình bán mấy ngày này, để dành tiền cho những ngày đau ốm, hết gạo. Sống một mình buồn lắm, ra đứng bán ốc, nhìn người khác bán trúng mánh cũng vui lắm, mình cứ nghĩ họ là anh em, con cháu mình, cũng nghèo khổ như mình, nên khi họ bán được là mình thấy hạnh phúc, nhờ vậy mà sống khỏe, sống thọ ra!”
Nói xong, cụ Ngại cười móm mém, mắt ánh lên tia hạnh phúc.
Buổi chiều, trời mưa long nhong, rét lạnh, ngồi bên lề đường, nhìn những người bán ốc ngồi thu lu, mắt dõi về chốn xa xăm nào đó, một cảm giác chạnh buồn và ớn lạnh thoáng qua thịt da, không hiểu vì sao lại có cảm giác này.

No comments:

Post a Comment