TAREMPA, INDONESIA (NV) -80
ngư dân Việt Nam, bị cáo buộc tội đánh cá bất hợp pháp, và giam giữ tại
đảo Tarempa, thuộc quần đảo Anambas, Indonesia, hơn một tháng trời, mà
không ai hay biết, không ai can thiệp, nếu không có một buổi gặp mặt rất
tình cờ.
|
Bốn trong số gần 80 ngư dân Việt Nam bị cáo
buộc tội đánh cá bất hợp pháp, và giam giữ tại đảo Tarempa, thuộc quần
đảo Anambas, Indonesia hơn một tháng trời, mà không ai hay biết,can
thiệp. (Hình: Hà Giang/Người Việt)
|
Báo chí Indonesia gọi họ là kẻ trộm (thieves).
Thân nhân thì chỉ biết thuyền họ đã trổ neo đi biền biệt từ ngày mùng 6 Tết âm lịch, mà không biết bao giờ mới về.
Nơi
giam giữ họ, dù đã hơn một tháng nay, vẫn chưa lập xong danh sách,
không báo cho cơ quan thẩm quyền liên quan biết, không báo tin cho bộ
ngoại giao bạn, từ chối không cho ai gặp họ, và yêu cầu báo chí nước
ngoài đừng đưa tin.
Đó
là thân phận của gần 80 ngư dân Việt Nam, bị cáo buộc tội đánh cá bất
hợp pháp, và giam giữ tại đảo Tarempa, thuộc quần đảo Anambas,
Indonesia.
Và
có lẽ cho đến giờ, cũng không ai biết đến hoàn cảnh của họ, nếu không
có buổi gặp mặt rất tình cờ giữa một số người trong nhóm ngư dân này,
với hai phóng viên nhật báo Người Việt và Little Sài Gòn TV, hôm 26
tháng Tư vừa qua.
Gặp nhau tình cờ
Buổi
trưa cuối cùng ở Indonesia, mọi công việc xem như hoàn tất, phái đoàn
đi thăm tượng đài thuyền nhân Việt Nam ở đảo Kuku chúng tôi lang thang
trên thị trấn Terampa, xem sinh hoạt phố chợ của dân bản xứ.
Vừa dừng chân trước cửa Bộ Du Lịch, chúng tôi nghe léo nhéo tiếng của một số người Việt Nam đang đi xin ăn, xin tiền.
Gặp
đồng hương trên xứ lạ, họ mừng rỡ lao nhao. Những khuôn lo âu sạm nắng
chợt sáng lên niềm hy vọng. Họ vừa đua nhau nói, vừa không quên rảo mắt
nhìn quanh như e dè, sợ hãi.
“Anh chị làm ơn báo dùm cho sứ quán giúp dùm anh chị ơi, ở đây lâu rồi mà giờ không biết sao nữa.”
“ Em ba bốn đưa con ở nhà không có ai nuôi anh chị ơi.”
“Coi chừng police nghe, nó gặp nó 'goánh' chết luôn.” Một người cảnh giác.
“Tụi
em Sáu tàu đánh cá Kiên Giang. Tàu đi đánh cá lạc vùng, mình có hợp
đồng với đảo này mà lạc đảo bên kia, họ bắt hết, 80 người lận. Chủ tàu
chưa có tiền để chuộc về. Tụi em nằm đây từ bữa tới giờ, chắc bị bỏ luôn
rồi.”
Trả lời câu hỏi có được tòa đại sứ Việt Nam ở đây giúp đỡ không, họ đua nhau trả lời:
“Chưa giúp gì đâu chị ơi, có hay đâu mà giúp.”
“Nó đâu có cho ai hay, vậy mới nói phải nhờ anh chị đăng báo hết lên, cho Tòa Đại Sứ Việt Nam biết.”
Theo
lời kể, họ là sáu trong số 80 ngư dân Việt Nam, quê ở xóm Lò Heo, Rạch
Giá, đi đánh cá lạc vào quần đảo Nam Dương, bị Hải Quân Indonesia bắt
đưa về giam tại nhà giam của Hải Quân Tarempa đã hơn một tháng nay. Mỗi
ngày sáu người trong nhóm được thay phiên nhau xuống chợ đi kiếm việc
làm công, nhặt rau cỏ để kiếm ăn. Tối ăn xong thì phải trở về nhà tù.
“Mà nhà tù lộ thiên muỗi cắn muốn chết chị ơi. Ăn thì bữa đói bữa no, gần hết gạo rồi.”
Vẫn
theo lời kể của họ, sáu con thuyền đi từ Kiên Giang, khi bị bắt thì bị
hút hết xăng, tịch thu hết cá, chỉ chừa lại một ít cá khô để ăn. Gạo
mang đi chắc chỉ hơn một tuần nữa là cạn.
Được hỏi người nhà biết chưa, một người trả lời:
“Điện
thoại bị tịch thu mất hết tiêu rồi, đâu gọi được. Mới lén mượn được của
mấy người Thái Lan ở tù chung gọi được về nhà. Nhưng nhà cũng đâu biết
làm sao mà báo cho Tòa Đại Sứ được. Vậy mới nhờ anh chị giúp.”
Vừa thấy có bóng dáng cảnh sát, sáu người thoáng một cái đã biến đi đâu mất.
Họ đi rồi, chúng tôi quyết định tách riêng riêng phái đoàn lần mò kiếm đường đi xuống cảng tìm những người ngư phủ tội nghiệp.
Chúng
tôi vừa đi vừa hỏi đường. Hôm ấy không có người thông dịch đi cùng,
gặp ai chúng tôi cũng cứ chỉ tay rồi hỏi: “Vietnamese boat? Vietnamese
boat?”
|
Một trong sáu tàu đánh cá Việt Nam đến từ Kiên Giang bị Hải Quân Tarempa bắt giữ vào đầu tháng Tư vừa qua. (Hình: Hà Giang/Người Việt) |
Nhờ báo Tòa Đại Sứ biết
Sự tử tế vượt mọi biên giới
của ngôn ngữ. Những người dân Indo tốt bụng lần lượt gật đầu, làm dấu
tay, chỉ chúng tôi đi về một hướng. Cứ vừa đi vừa hỏi, mãi rồi chúng tôi
cũng ra đến cảng. Từ xa đã thấy mấy chiếc thuyền lớn nằm yên trên bãi.
“Kìa, thuyền Việt Nam kìa.”
Vừa nghe tiếng chúng tôi, một
người thanh niên Việt Nam ló mặt ra khỏi khung thuyền. Đến gần hơn
chúng tôi gặp được thêm bốn ngư dân nữa. Lại tay bắt mặt mừng,
lại chuyện trò kể lể.
Những thanh niên ở đây mặt
đầy nét lo âu và khắc khổ hơn những người chúng tôi gặp lúc nãy. Một
người mặt còn sưng húp và những vết đỏ tấy còn nhìn thấy rõ trên chiếc
ngực trần sạm nắng.
“Nó hành hạ, đau lắm chị ơi.
Trời mưa 6 giờ sáng nó bắt dậy, nó bắt lau sàn. Nhưng phải lăn người lên
sàn lấy người lau, chứ không được lấy khăn. Nó lấy tay đập vào mặt, lấy
chân dạng vào ngực, chịu gì nổi.”
Một người giải thích là có
sáu chiếc thuyền Kiên Giang bị bắt, nhưng ba chiếc đưa đi đâu không ai
biết. Ba chiếc còn lại, mỗi tàu ban ngày được ở lại 3 người để nấu cơm.
Trưa và chiều mang cơm lên chỗ giam tù ăn chung. Cơm thì thường ăn với
cá khô, hoặc với rau cỏ mấy người đi lao động mà chúng tôi vừa gặp mang
về. Tối tất cả cùng về nhà giam ngủ.
Trả lời câu hỏi là sao từ Kiên Giang phải đi đánh cá xa xôi tận nơi xứ người để bị bắt, họ trả lời:
“Không đi xa có cá đâu mà bắt. Biển mình giờ khó bắt cá lắm.”
“Không bắt cá biết làm gì mà
ăn hả cô? Nghe chủ ghe nói có hợp đồng đánh cá, kêu mình đi, bảo đảm là
không bị bắt, tụi con mới đi, chứ biết bị bắt kiểu này ai mà đi.”
Vừa hỏi han được vài câu, lại có bóng cảnh sát. Vừa thấy họ, bốn ngư dân thụt ngay vào trong thuyền, không quên dặn với theo:
“Nhờ anh chị báo về Việt Nam giùm...”
Viên cảnh sát (không muốn xưng tên) bảo chúng tôi là "không được tiếp xúc với tù nhân," và “muốn gì thì đến sở di trú mà hỏi.”
Khi ông ta bỏ đi rồi, bốn
người ngư phủ lại mon men đến gần khoang. Hai anh em chúng tôi dốc túi
biếu vội họ một chút tiền rồi đi vì sợ họ bị liên lụy. Những ánh mắt
trông theo của họ, có lẽ sẽ còn ám ảnh chúng tôi lâu lắm.
Tiếp xúc với các giới chức
Vừa rời khỏi cảng, chúng tôi may mắn gặp vài người bạn Indo mới quen ở Bộ Du Lịch, và nhờ họ đưa ngay đến Sở Di Trú Terampa.
Ông Rizki Ramadhan,
Subsection Immigration Superviser của sở Di Trú Tarempa tiếp chúng tôi
khá lịch sự. Bằng một thứ tiếng Anh khá sõi, ông giải thích là có biết
việc Hải Quân bắt họ hơn một tháng nay rồi, nhưng cho đến giờ, Hải Quân
vẫn chưa gửi thông báo chính thức gì cho phía ông.
Phóng viên nhật báo Người Việt tiếp xúc với Sở Di Trú Tarempa, Indonesia để hỏi về tình trạng 80 ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ. (Hình: Đinh Xuân Thái/Little Sài Gòn TV) |
“Hải Quân đang quản thúc họ.
Chúng tôi có hỏi về tình trạng của họ mấy lần, nhưng cho đến giờ cũng
chưa nhận được câu trả lời hay công văn gì.” Ông nói.
Terampa là một thị trấn nhỏ
đi vài phút là hết. Chúng tôi biết bộ Hải Quân cũng chỉ cách mấy con
đường. Tôi nói với ông Ramadhan: "hai bên gần nhau lắm mà"
“Không có tin là không có tin.” Ông nói.
Thấy tôi trầm ngâm, ông nói bằng một giọng đầy thông cảm:
Thấy tôi trầm ngâm, ông nói bằng một giọng đầy thông cảm:
“Lý do một phần là cũng vì sở di trú chúng tôi chưa có nhà giam.”
Rồi ông nói thêm, như mách nước:
“Trước đây cũng có trường hợp
các ngư phủ Thái Lan giống như vậy. Họ giữ lâu lắm. May nhờ Tòa Đại Sứ
Thái Lan liên lạc hỏi, rồi họ mới đưa danh sách qua đây.”
Đến Bộ Hải Quân chúng tôi phải chờ mãi mới được gặp viên chức chịu trách nhiệm về số ngư dân Việt Nam.
“Viên chức chịu trách nhiệm”
chính là ông cảnh sát không xưng tên lúc nãy. Người bạn ở Bộ Du Lịch
giải thích với chúng tôi là ở Indonesia, Hải Quân có phận sự giữ an ninh
cho các hòn đảo.
Tiếp xúc với chúng tôi qua lời thông dịch viên, điều đầu tiên viên chức Hải Quân này yêu cầu là “không phổ biến tin này.”
Chúng tôi bầy tỏ quan tâm là
có ngư dân khai bị đánh. Yêu cầu xin được gặp, dù không được tiếp xúc,
mà chỉ nhìn từ xa những ngư dân đang bị bắt giữ của chúng tôi bị khước
từ với lý do là “đang trong vòng điều tra.”
Mọi câu hỏi khác như có danh
sách không, có trao danh sách cho Sở Di Trú không, và có báo cho Tòa Đại
Sứ Việt Nam không, đều được trả lời là “không, còn trong vòng điều
tra.”
Dù khước từ mọi yêu cầu của
chúng tôi, nhưng Bộ Hải Quân ba lần yêu cầu chúng tôi đừng đưa tin, đổi
lại, họ hứa sẽ kết thúc việc điều tra trong vòng "nhanh nhất có thể
được."
Chúng tôi để lại danh thiếp,
yêu cầu commander của chi nhánh Hải Quân ở Tarempa liên lạc khi có thêm
tin tức, và hứa sẽ chờ họ hai tuần lễ trước khi đưa tin.
Trở về Hoa Kỳ, chúng tôi chia nhau tìm thì không thấy báo chí Việt Nam đưa tin.
Một tờ báo ở Indonesia đưa
mẩu tin nhỏ cho biết Hải Quân Tarempa vào đầu tháng Tư, đã bắt được 6
tầu Việt Nam, nặng từ 45 đến 80 tấn, tịch thu 1,700 pounds cá, giam giữ
80 ngư phủ, và gọi những ngư phủ này là kẻ đánh cắp.
Chúng tôi chia nhau người
liên lạc với Tổng Lãnh Sự Nguyễn Bá Hùng ở San Francisco, người liên lạc
với Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Jakarta, Indonesia, nhờ can thiệp.
Tổng Lãnh Sự Nguyễn Bá Hùng
phúc đáp ngay, cho biết đã liên lạc với ông Nguyễn Hữu Tráng, Cục trưởng
Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhờ can thiệp và được ông Tráng
trả lời là “Bộ Ngoại Giao Việt Nam đang xử lý quyết liệt.”
Trước khi báo lên khuôn,
chúng tôi nhận được phúc đáp của Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Jakarta,
Indonesia, rằng: “đang liên hệ với các cơ quan chức năng của Indonesia
để xác minh và giải quyết,” và “sẽ cập nhật khi có thông tin từ cơ quan
chức năng của Indonesia.”
Không ai rõ “xử lý quyết
liệt” của Bộ Ngoại Giao và “liên hệ để xác minh và giải quyết' của Tòa
Đại Sứ Việt Nam ở Jakarta sẽ mang đến kết quả gì cho các ngư dân, và kết
quả nhanh hay chậm.
Chỉ biết tình trạng ngư dân
Việt Nam bị bắt về đánh cá bất hợp pháp ở các nước láng giềng thường
xuyên xẩy ra. Riêng tại Indonesia, gần như mỗi tháng báo Indonesia đều
đưa tin có vài thuyền Việt Nam đánh cá và vài chục ngư dân Việt Nam bị
bắt.
Đọc báo thì chỉ biết tin như
thế. Nhưng không ai biết họ được giam giữ trong hoàn cảnh nào, có là nạn
nhân của những vụ tham nhũng, tống tiền hay không.
Vì đâu mà các ngư dân Việt Nam phải phiêu lưu mạo hiểm đi vào tình trạng sống chết không ai hay biết như vậy?
Vì biển Việt Nam hết cá do
tình trạng “overfishing” đã được nhiều chuyên gia đề cập từ mấy thập
niên nay? Vì họ không hiểu rõ luật lệ đánh cá của các nước láng giềng?
Vì họ bị chủ thuyền lừa gạt? Hay vì chính quyền Việt Nam chưa bảo vệ
đúng mức ngư dân của mình?
Đó là những câu hỏi cần được giới hữu trách trả lời. Vấn đề nằm ở chỗ ai là giới hữu trách.
No comments:
Post a Comment