Đổi tiền theo kiểu CHXHCNVN
Tính cho tới nay Việt Nam đã có tổng cộng 5 lần đổi tiền, hai lần tại
miền Bắc và ba lần tại miền Nam. Tại miền Bắc qua hai lần đổi tiền hầu
như không có một cú sốc mạnh mẽ nào trong xã hội vì tình trạng phôi thai
của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa dẫn tới việc thành lập Ngân hàng
Nhà nước năm 1951. Đồng tiền mới này thay thế cho giấy bạc tài chánh
trước đó với tỷ giá 1 đồng năm 1951 bằng 100 đồng của năm 1946.
Lần đổi tiền thứ hai xảy ra vào năm 1959, lần này tỷ giá tăng gấp 10
lần. 1 đồng của năm 1959 bằng 1.000 của năm 1951. Hai cuộc đổi tiền này
cho thấy sự xuống giá của đồng bạc năm 1946 chỉ trong vòng 13 năm đã bị
NHNN làm mất giá trị hoán đổi 1.000 lần.
Cho tới năm 1975 thì cuộc đổi tiền theo một mục đích khác: Thủ tiêu đồng
tiền miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên đồng tiền mới lại có tình trạng phân
chia vị trí địa lý rất khó hiểu. Khi Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất
nhưng từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào, tờ 500 đồng miền Nam có tỷ giá
bằng 1 đồng tiền giải phóng trong khi đó từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở ra
Bắc thì 1.000 đồng tiền miền Nam lại chỉ bằng 3 đồng tiền giải phóng.
Có lẽ mục đích phân chia địa lý này nhằm mở đường cho lần đổi tiền thứ 3
vào ba năm sau nhằm mục tiêu tấn công tư sản mà danh xưng chính thức là
“cải tạo công thương nghiệp” ở miền Nam. Lần đổi tiền thứ hai đã đảo
lộn toàn xã hội, không biết bao nhiêu gia đình tan nát bởi lần đổi tiền
này để đến khi cuộc đổi tiền lần thứ ba xảy ra vào năm 1985 thì mọi sự
không còn lạ lùng với người dân nữa.
Rất nhiều gia đình không còn nhiều tiền để mà đổi vì hai lần trước hạn
mức số tiền được đổi đã cào bằng tài sản tiền mặt của mọi người gần như
bằng nhau. Kinh nghiệm đã buộc người dân mua vàng để dành khi cần đến.
Đồng tiền do vậy không còn lưu hành nhiều trong nền kinh tế để nhiều năm
sau đó cả nước chìm vào khủng hoảng kinh tế dẫn đến việc đổi mới để
sống còn.
Bây giờ là năm 2013, hai mươi tám năm sau lần đồi tiền thứ ba tại Miền
Nam lại rộ lên tin đổi tiền và tin đồn ấy râm ran lúc mạnh lúc yếu nhưng
không hề tắt.
Bà Phạm Chi Lan một chuyên gia kinh tế từng làm cố vấn cho văn
phòng Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết nhận xét của bà qua những tin đồn
đổi tiền lần này:
Riêng về tin đồn đổi tiền thì tôi cho rằng nó xảy ra trong bối cảnh
trước hết là từ ý kiến cho là Việt Nam nên đổi tên nước, lấy lại tên cũ
ban đầu là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa riêng điều đó có thể bật lên trong
đầu người ta cho rằng phải đổi rất nhiều thứ kèm theo trong đó có đồng
tiền. Thứ hai nữa quan trọng hơn là về kinh tế, người ta cảm nhận được
khó khăn của kinh tế hiện nay đặc biệt các vấn đề của hệ thống ngân hàng
đang còn có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng cộng với ý kiến đổi tên nước
khiến người ta suy nghĩ đến tin đồn có thể có cơ sở.
Đổi tiền hay không thì chỉ có dân là thiệt
Ngân hàng Nhà nước đã vội vã lên tiếng. Ông Nguyễn Chí Thành –
Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ Ngân hàng Nhà nước xác định với báo
chí rằng sẽ không có việc đổi tiền vì nhiều nguyên do, trong đó theo ông
Thành cho biết Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ tiền mặt trong lưu thông
rất cao, để in được lượng tiền mặt như thế thì phải mất vài năm. Chi phí
cho thực hiện kế hoạch đổi tiền như thế là vô cùng lớn. Do đó không
thực hiện dễ như nhiều người suy diễn.
Câu trả lời này khiến cho người dân thêm nghi ngờ. Đồng tiền Việt Nam
đang lưu hành dù có nhiều bao nhiêu đi nữa nhưng nếu nhà nước lại hạn
mức như những lần đổi tiền trước thì số tiền đổi cho dân chúng sẽ không
phải là vấn đề quá lớn như ông Thành đưa ra. Nếu 1 đồng ăn 1.000 thậm
chí 10.000 như thời gian đổi tiền năm 1959 thì NHNN sẽ dư sức có tiền
mới để chuyển đổi.
Chính sách bán vàng đồng loạt hiện nay nhằm bình ổn thị trường vàng như
NHNN trấn an dư luận thật ra đang gặp nhiều ý kiến chống đối của các
chuyên gia kinh tế cũng góp phần vào sự nghi ngờ của người dân. Thị
trường bất động sản đóng băng, nợ xấu tràn ngập các ngân hàng là những
tiền đề khác làm người dân bất an, và tâm lý bất an này dẫn đến tin đồn
tràn ngập việc đổi tiền là điều dễ hiểu.
TS Nguyễn Minh Phong trưởng phòng Nghiên Cứu viện Nghiên cứu khoa học xã hội Hà Nội cho biết nhận xét của ông:
Không phải vấn đề vàng mà phải đổi tiền và cũng không bao giờ có
chuyện đổi tiền cả. Đó chỉ là tin đồn mang tính chất thất thiệt, một cái
hàm ý nào đó nó không có thiện chí. Về mặt kinh tế cũng như về mặt các
nguyên nhân khác thì không có cơ sở nào cho vấn đề đó cả. Ở Việt Nam
thỉnh thoảng có những tin đồn thì cũng bình thường thôi nhưng không có
sự liên hệ giữa hai việc quản lý vàng và tin đồn đổi tiền.
Dưới mắt các nhà kinh tế, nhìn các nguyên tắc điều hành kinh tế vĩ mô hiện nay thì việc đổi tiền là hoàn toàn không thể. Bà Phạm Chi Lan nhận xét:
Tôi không tin là nhà nước Việt Nam sẽ tiến hành đổi tiền bởi vì lần
đổi tiền cuối cùng ở Việt Nam xảy ra trong cơ chế cũ kinh tế tập trung
vào giữa thập kỷ 80 trong bối cảnh kinh tế hết sức khó khan, theo cách
điều hành cũ dẫn tới điều hành giá lương tiền nó làm cho kinh tế thực sự
rơi vào khủng hoảng.
Bài học đổi tiền lúc đó gây ra họa lớn cho kinh tế như thế nào đến
bây giờ vẫn còn nhiều người chưa quên và đối với những người lãnh đạo
hiện nay thì tôi tin là họ cũng hiểu những bài học cũ vẫn còn đó và đặc
biệt là trong cơ chế kinh tế thị trường đã hình thành ở Việt Nam không
thể thay đổi được thì không thể dùng biện pháp đổi tiền.
Trong khi NHNN tiếp tục tiến hành đấu giá vàng cho các ngân hàng thương
mại thì nhiều người nhận xét rằng, một lượng lớn vàng đang còn nằm kín
đáo trong tư gia của các nhân vật cộm cán nhà nước. Vàng tỏ ra an toàn
để cất vì không ai dại dột cất tài sản hối lộ do tham nhũng bằng tiền
đồng VN. Nếu tiền được đổi một lần nữa thì vẫn không chạm được tới gia
sản khổng lồ của họ khi đã chuyển thành vàng khối.
Kinh tế Việt Nam đang trượt dài trong nhiều quý và điều này dù muốn hay
không cũng tấn công lòng tin của người có tiền. Những đồng tiền lương
thiện sẽ được đem ra mua vàng là điều hiển nhiên trong lúc này. Người
dân cho rằng nhà nước có nói gì thì cũng không cản được sự mất tin tưởng
của họ vì họ nhớ rất rõ, những lần đổi tiền sau năm 1975 không lần nào
mà nhà nước không tuyên bố đó là tin đồn thất thiệt nhằm gây hoang mang
trong dân chúng.
Những lời trấn an đè bẹp sự thật ấy đã làm mất niềm tin của dân chúng vì
vậy không thể nói tại sao họ không tin lần này sẽ không có đổi tiền.
No comments:
Post a Comment