Ông Nguyễn Phú Trọng bình luận lúc đặt chân đến London, sau khi Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã tiếp ông hôm 22/1 tại Vatican.
Người phát ngôn của Vatican, Federico Lombardi, nói với các phóng viên
rằng ông Nguyễn Phú Trọng được đón tiếp bằng nghi thức dành cho nguyên
thủ quốc gia.
Một thông cáo ngắn của Vatican đưa ra sau cuộc gặp cho biết đoàn Việt
Nam cũng tiếp xúc các quan chức cao cấp của Vatican, trong đó có Hồng y
Quốc vụ khanh của Vatican, Tarcisio Bertone.
Thông cáo nói: “Các đối thoại thân mật bàn đến các chủ đề mà Việt Nam và Tòa thánh quan tâm.”
“Đang có hy vọng giải quyết một số tình huống giữa hai bên và nếu chưa giải quyết được, thì củng cố quan hệ tốt hiện nay.”
Hãng tin Tây Ban Nha EFE nhận định đây là điều ít khi xảy ra, vì Đức
Giáo hoàng thông thường chỉ tiếp các nguyên thủ quốc gia, các thủ tướng
hoặc các lãnh đạo chính trị tiếng tăm thế giới.
Ông Nguyễn Phú Trọng hiện đang có chuyến công du châu Âu, cùng hôm thứ Ba 22/1 ông từ Ý đi Anh.
Tại London ông sẽ có hội kiến với Thủ tướng Anh David Cameron cùng một số lãnh đạo khác, và tham dự phiên chất vấn thủ tướng.
Vatican và Việt Nam chưa có quan hệ ngoại giao, tuy nhiên Đức Giáo hoàng
hôm 13/1/2011 đã bổ nhiệm Tổng giám mục Leopoldo Girelli người Ý làm
đại diện không thường trực của Tòa thánh tại Việt Nam.
Đức ngài Girelli còn làm đại diện cho Vatican tại Singapore, Malaysia và Brunei.
Trong mấy năm qua, quan hệ Vatican - Hà Nội có nhiều bước cải thiện
và thêm nhiều chuyến thăm cao cấp tuy hai bên vẫn chưa nối lại được quan
hệ ngoại giao, vốn bị gián đoạn năm 1975.
Còn nhiều vấn đề
Một trong các vấn đề là cách chính quyền địa phương ở Việt Nam xử lý
quan hệ với những giáo xứ, chẳng hạn như tranh chấp đất đai ở Thái Hà
năm 2011, hay ở Nhà Chung năm 2008.
Một vấn đề nữa, là cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam muốn tham gia
quyết định việc bổ nhiệm linh mục và chức sắc tôn giáo, điều Tòa thánh
không chấp nhận.
Chính phủ Việt Nam vẫn thường xuyên bị các quốc gia phương Tây chỉ trích
là vi phạm tự do tôn giáo. Mới đây nhất, Việt Nam mang 14 người, đa
phần theo Công giáo và Tin Lành, ra xử tội Hoạt động nhằm Lật đổ chính
quyền Nhân dân.
Với số giáo dân chừng tám triệu, Việt Nam là nước có cộng đồng Công giáo thuộc hàng đông đảo ở châu Á, chỉ đứng sau Philippines.
Trong những năm gần đây, một số lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đã tới
thăm Vatican. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chuyến thăm năm 2007 và cũng
đã hội kiến Đức Giáo hoàng.
Tháng 12/2009, Chủ tịch nước lúc đó là ông Nguyễn Minh Triết cũng đã tới
Vatican. Tòa thánh khi đó bình luận rằng đây là bước đi quan trọng
trong bình thường hóa quan hệ đôi bên.
Với việc viếng thăm lần này của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, dường như đang có nỗ lực mới trong tiến trình này.
No comments:
Post a Comment