Từ ngày nghe bài giảng ông Đại tá Trần Đăng Thanh, trên Internet tràn
ngập bài đánh giá ông là ngu, ngu đủ kiểu, từ ngu tuyển tập đến ngu toàn
tập, thậm chí “ngu như Trần Đăng Thanh”. Tuy nặng lời nhưng không oan
ức. Trong cương vị một đại tá, phó giáo sư, cán bộ giảng dạy Học Viện
Chính Trị nhưng những đánh giá của ông về các mối quan hệ chính trị
trong vùng cũng như thế giới thấp đến mức không thể nào tin được rằng
tri thức của ông đang trong trạng thái bình thường. Tuy nhiên, cũng thật
bất công và xúc phạm nếu chỉ trích dẫn những điều ấu trĩ, sai lầm trong
bài giảng của ông mà không phân tích.
Làm thế nào để có thể “không được mất chủ quyền và quyền chủ quyền nhưng phải ưu tiên tối thượng là giữ được môi trường hòa bình”
trước một Trung Quốc đang âm mưu khống chế toàn thế giới để vừa nuôi
dưỡng chế độ độc tài toàn trị vừa nuôi sống nền kinh tế khổng lồ nhưng
đầy tham nhũng và thất thoát? Cách diễn dịch duy nhất theo lý luận của
Trần Đăng Thanh là đầu hàng Trung Quốc. Quan điểm của ông là quan điểm
“Nhập Tống” của Trần Nhật Hiệu trong cuộc Kháng Nguyên lần thứ nhất. Đất
nước này không chỉ bị mất đi một lần nhưng đã giành lại được, Thăng
Long không chỉ bị đốt cháy một lần nhưng đã xây lại được, bởi vì tinh
thần độc lập, tự chủ đã hòa trong máu của dân tộc từ thuở tổ tiên lên
đường đi khai phá phương nam nhiều ngàn năm trước.
Ngay cả trường hợp “Trung Quốc đã từng nhường cơm xẻ áo dành cho
chúng ta từ hạt gạo, từ khẩu súng, từ đôi dép để chúng ta giành thắng
lợi trong kháng chiến chống Pháp và thắng Mỹ” phát xuất từ... “trái
tim bồ tát” của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đi nữa, chẳng lẽ hôm nay
làm ngơ để chúng chiếm đoạt toàn bộ biển Đông, đẩy Việt Nam từ một quốc
gia bán đảo nhìn ra Thái Bình Dương bao la và phong phú tài nguyên thành
một nước không có biển như Lào, Mông Cổ. Đôi mắt ông Trần Đăng Thanh
nhìn đâu mà không thấy đường lưỡi bò do Trung Quốc công bố gần như phủ
kín Biển Đông và ép Việt Nam, đất nước hình chữ S phì nhiêu thành một
thân xác già nua co ro trên bờ biển dài hơn ba ngàn cây số?
Ngày xưa “Ra khơi, thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới, thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới”,
ngày nay mỗi chuyến ra khơi của ngư dân Hải Phòng, Thái Bình, Thanh
Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa là mỗi lần phó thác số phận không
chỉ cho sóng to gió lớn mà còn trong những viên đạn không một chút xót
thương của hải quân Trung Quốc. Ba mươi tám năm qua, lương tâm ông Trần
Đăng Thanh cất giấu ở đâu mà không cảm thông cho sự chịu đựng vô cùng
đau thương của hàng ngàn ngư dân Việt Nam, người bị giết, tàu bè bị đâm
thủng, những em bé chiều chiều ra biển chờ cha đi đánh cá không bao giờ
trở về. Ba mươi tám năm, nói như nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa Tổ quốc
tôi như miếng da lừa, một lần ước mất đi một góc, ước phồn vinh: rừng
mất cây, biển mất cá, ước vẹn toàn: mất hải đảo, mất Cao Nguyên.
Hoàng Sa đã rơi vào tay Trung Quốc từ lâu và Trường Sa mang tiếng là của
Việt Nam nhưng đến nay chỉ còn vài đảo nhỏ trong quần đảo rộng lớn này,
ông biết không?
Ông Trần Đăng Thanh nhắc nhở học viên “không quên họ đã từng xâm lược
chúng ta nhưng ta cũng không được quên họ đã từng nhường cơm xẻ áo cho
chúng ta. Ta không thể là người vong ơn bội nghĩa, đấy là đối với Trung
Quốc hai điều không được quên” mà không biết rằng Trung Quốc chẳng
quan tâm gì đến chuyện “giải phóng miền Nam” hay “thống nhất đất nước”.
Trong buổi gặp gỡ Henry Kissinger năm 1971, Chu Ân Lai tiết lộ Trung
Quốc “nhường cơm xẻ áo” cho Việt Nam chẳng phải là chiến lược hay tư
tưởng CS gì cả mà dựa hoàn toàn trên gánh nợ lịch sử của tổ tiên y giao
phó. Họ Chu lúc đó nghĩ đến việc Mỹ không thua nên chỉ muốn kiểm soát
miền Bắc Việt Nam trong gọng kèm chặt chẽ theo truyền thống cai trị chư
hầu thời phong kiến. Ngay cả khi chiến tranh chưa chấm dứt, Trung Quốc
đã xây dựng các trục lộ từ Trung Quốc sang Lào để kịp thời can thiệp
trong trường hợp chư hầu Việt Nam đủ mạnh đứng lên khởi nghĩa và thôn
tính nước Lào. Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai rồi Đặng Tiểu Bình không phải
là những kẻ chủ trướng chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc mà là những
người khai triển chính sách Đại Hán đô hộ các nước nhỏ lân bang truyền
thống của tổ tiên y trong thời đại toàn cầu. Trần Đăng Thanh cóp nhặt
rất nhiều thông tin nhưng lại bỏ sót những dữ kiện rất hiển nhiên trong
lịch sử này.
Trần Đăng Thanh khẳng định, Mỹ “đang thực hiện “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Họ chưa bao giờ tốt thật sự với chúng ta, tội ác của họ trời không dung, đất không tha”
nhưng không biết rằng chỉ có hai lãnh đạo quốc gia mà Đặng Tiểu Bình
không thuyết phục được sự ủng hộ để đánh Việt Nam là Thủ tướng Singapore
Lý Quang Diệu và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Lý Quang Diệu sáng suốt
chỉ ra cho họ Đặng thấy “Không có một cộng đồng Nga kiều nào tại các
nước Đông Nam Á có thể dẫn đến các cuộc nổi dậy của Cộng Sản do Liên Xô
ủng hộ nhưng ở đâu cũng có các cộng đồng Hoa kiều được đảng và nhà nước
CS Trung Quốc xúi dục và ủng hộ.” Với Mỹ, ngày 30 tháng 1 năm 1979,
Tổng thống Jimmy Carter mời Đặng Tiểu Bình gặp riêng và trong buổi họp
này Tổng thống Carter đọc cho họ Đặng nghe quan điểm của Mỹ từ lá thư do
chính tay tổng thống soạn thảo, trong đó, Tổng thống Carter yêu cầu họ
Đặng vì sự ổn định của Đông Nam Á và thế giới, cố tự chế hành động xâm
lược Việt Nam. Cá nhân Jimmy Carter có thể thương hay ghét Việt Nam
nhưng rõ ràng chính sách và tầm nhìn của một tổng thống Mỹ chẳng bao giờ
là “chưa bao giờ tốt thật sự với Việt Nam” như Trần Đăng Thanh “suy bụng ta ra bụng người”.
Gát qua một bên chiêu bài “chống Mỹ cứu nước” tào lao được mấy cái loa
tuyên truyền lập đi lập lại đến nhàm chán mà cứ tạm xem đế quốc Mỹ cũng
là kẻ thù của Việt Nam, thì giữa Trung Quốc và Mỹ, kẻ thù nào đe dọa
trực tiếp đến an ninh, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và
trong trường hợp phải chọn một để đi, người khôn ngoan nên biết chọn
ai?
Một người có kiến thức chính trị bình thường cũng biết chỗ dựa phải là Mỹ. Trong quan hệ chính trị quốc tế không có chuyện “tốt với Việt Nam” hay “xấu với Việt Nam” mà chỉ có “thuận với quyền lợi Việt Nam” hay “nghịch với quyền lợi Việt Nam”.
Trần Đăng Thanh biết ăn cắp câu nói nổi tiếng của cố Thủ tướng Anh Lord Palmerston thời Nữ Hoàng Victoria “Nước Anh không có đồng minh bất diệt, kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia dân tộc là bất diệt và vĩnh viễn”
nhưng không hiểu tại sao Thổ Nhĩ Kỳ biết liên minh với Anh, Mỹ, những
cựu thù ở xa, để chống kẻ thù độc tài hung bạo Liên Xô ở gần. Sau thế
chiến thứ hai, các quốc gia Nhật Bản, Tây Đức, Nam Hàn, Đài Loan, Ai
Cập, Thổ Nhĩ Kỳ ngã về phía Mỹ và sau khi khối Liên Xô sụp đổ hầu hết
các nước Đông Âu Cộng Sản cũ cũng ngã về phía Mỹ. Lý do rất dễ hiểu, các
quốc gia vừa bước ra khỏi chiến tranh hay độc tài lạc hậu rất cần khoa
học kỹ thuật, văn hóa giáo dục, giao thương kinh tế. Không có gì hổ thẹn
phải đi học cái hay cái đẹp của người khác đem về áp dụng cho đất nước
mình, chỉ có những kẻ “ngồi trong đáy giếng thấy trời bằng vung” mới
nghĩ không ai khôn hơn mình.
Ông bà ta dạy “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, Trung Quốc không chỉ
là mực mà là đế quốc tội ác, thâm độc, bất nhân. Lãnh đạo CS Trung Quốc
không thương xót ba chục triệu dân họ chết dưới bàn tay của Mao Trạch
Đông thì thương xót gì một dân tộc nhỏ nhoi mà tổ tiên nhà Hán của chúng
đã nhiều lần cố đồng hóa mà không được.
Ông Trần Đăng Thanh có biết “côn đồ” Đặng Tiểu Bình đã từng muốn xóa bỏ
nước Việt Nam trong bản đồ thế giới bằng một chính sách đánh phủ đầu
(preemptive policy) khi nói với Tổng thống Jimmy Carter “Bất cứ nơi nào, Liên Xô thò ngón tay tới, chúng ta phải chặt đứt ngón tay đó đi” không?
Đặng Tiểu Bình muốn liên minh quân sự với Mỹ như kiểu NATO ở châu Âu để
triệt tiêu Liên Xô tại châu Á. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger giải
thích quan điểm này của họ Đặng trong tác phẩm Về Trung Quốc (On China) của ông: “Những
gì Đặng Tiểu Bình đề nghị về căn bản là chính sách đánh phủ đầu, đó là
một lãnh vực trong chủ thuyết quân sự ngăn chận tấn công của Trung
Quốc... Nếu cần thiết, Trung Quốc sẽ chuẩn bị phát động các chiến dịch
quân sự để phá vỡ kế hoạch của Liên Xô, đặc biệt tại vùng Đông Nam Á”.
“Đông Nam Á” và “ngón tay” theo ý Đặng Tiểu Bình tức là Việt Nam và
liên kết quân sự theo dạng NATO không phải là để dời vài cột mốc, đụng
độ biên giới lẻ tẻ mà là cuộc tấn công phủ đầu quyết định trước khi Việt
Nam có khả năng chống trả.
Đặng Tiểu Bình không mua chuộc được sự ủng hộ công khai của Mỹ nhưng ít
ra không phải về tay trắng. Mỹ đồng ý giúp Đặng theo dõi sự động binh
của 55 sư đoàn Liên Xô phía Bắc. Mỹ cũng dùng vệ tinh để theo dõi trận
đánh biên giới và cũng nhờ những tấm ảnh chụp từ vệ tinh mà các cơ quan
truyền thông biết ai đã dạy ai bài học trong chiến tranh biên giới Việt
Trung 1979. Trong buổi họp riêng với Tổng thống Carter trước khi lên máy
bay, Đặng khẳng định “Trung Quốc vẫn phải trừng phạt Việt Nam”.
“Côn đồ” Đặng Tiểu Bình với chính sách cây gậy
Lý do Trung Quốc đánh Việt Nam năm 1979 ngày nay đã quá tỏ tường. Trung
Quốc đánh Việt Nam trước hết phát xuất từ nỗi lo sợ bị bao vây. Tháng 4
năm 1968, Chu Ân Lai tiết lộ với Phạm Văn Đồng: “Trong một thời gian dài, Trung Quốc bị Mỹ bao vây. Bây giờ Liên Xô bao vây Trung Quốc, ngoại trừ phần Việt Nam”. Phạm Văn Đồng đáp: “Chúng tôi càng quyết tâm để đánh bại đế quốc Mỹ bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam”. Chu Ân Lai: “Đó chính là lý do chúng tôi ủng hộ các đồng chí”.
Việc Việt Nam ngã theo Liên Xô đã xác định vòng vây hoàn toàn khép chặt
chung quanh Trung Quốc. Riêng một Việt Nam đã quá lo, nếu cộng thêm
Miên và Lào với tổng số gần 100 triệu dân thù địch nằm ngay phía nam là
một đe dọa lớn.
Để ngăn chận khối Việt Miên Lào liên minh nhau, tháng 8 năm 1975, Đặng
Tiểu Bình chia sẻ với Khieu Samphan, nhân vật số ba trong Khmer Đỏ “Khi
một siêu cường [Mỹ] rút đi, một siêu cường khác [Liên Xô] sẽ chụp lấy
cơ hội mở rộng nanh vuốt tội ác của chúng đến Đông Nam Á”. Họ Đặng
kêu gọi đảng CS Campuchia đoàn kết với Trung Quốc trong việc ngăn chận
Việt Nam bành trướng. Hoa Quốc Phong cũng lập lại những lời tương tự khi
tiếp đón phái đoàn của Tổng bí thư đảng CS Lào Kaysone Phomvihane nhân
chuyến viếng thăm Trung Quốc của y vào tháng Ba năm 1976. Tháng Sáu năm
1978, Việt Nam chính thức tham gia COMECON và tháng 11 cùng năm Việt Nam
ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác có bao gồm các điều khoản về quân sự
với Liên Xô. Tháng 12 năm 1978, Việt Nam xâm lăng Campuchia. Đặng Tiểu
Bình chọn phương pháp quân sự để chọc thủng vòng vây.
Một lý do khác, Đặng Tiểu Bình khinh rẻ lãnh đạo CSVN là phường “ăn cháo
đá bát”. Trong cuộc chiến Việt Nam, Trung Quốc không chỉ viện trợ tiền
của mà còn bằng xương máu. Trong tác phẩm Trung Quốc lâm chiến: Một bộ bách khoa
(China at War: An Encyclopedia) tác giả Xiaobing Li liệt kê các đóng
góp cụ thể của 320 ngàn quân Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam: “Trong
chiến tranh Việt Nam giai đoạn năm 1964 đến năm 1973, quân Giải phóng
Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã lần nữa can thiệp. Tháng Bảy năm 1965,
Trung Quốc bắt đầu đưa quân vào Bắc Việt, bao gồm các đơn vị hỏa tiển
địa-không (SAM), phòng không, làm đường rầy xe lửa, công binh, vét mìn,
hậu cần. Quân đội Trung Quốc điều khiển các giàn hỏa tiển phòng không,
chỉ huy các đơn vị SAM, xây dựng và sửa chữa đường sá, cầu cống, đường
xe lửa, nhà máy. Sự tham gia của Trung Quốc giúp cho Việt Nam có điều
kiện gởi thêm gởi nhiều đơn vị Bắc Việt vào Nam đánh Mỹ. Giữa năm 1965
và năm 1968, Trung Quốc gởi sang Bắc Việt 23 sư đoàn, gồm 95 trung đoàn,
tổng số lên đến 320 ngàn quân. Vào cao điểm năm 1967, có 170,000 quân
Trung Quốc hiện diện”.
Lý do thứ ba là sự khinh bỉ, căm ghét Việt Nam của cá nhân họ Đặng.
Trong số năm nhân vật hàng đầu lãnh đạo Trung Quốc giai đoạn 1977 đến
1980 gồm Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, Uông Đông Hưng và
Đặng Tiểu Bình thì Đặng Tiểu Bình là người có hoạt động gần gũi nhất với
phong trào CSVN. Hơn ai hết, họ Đặng đã tiếp xúc, làm việc với các lãnh
đạo CSVN, biết cá tính từng người và cũng biết một cách tường tận và
chính xác những hy sinh của Trung Quốc dành cho đảng CSVN. Như tôi đã
viết trong bài Chu kỳ thù hận Việt Trung Miên,
đảng CSVN sống bằng gạo trắng của Trung Quốc nhưng cũng ngay thời gian
đó quê hương Tứ Xuyên của Đặng Tiểu Bình chết đói trên 10 triệu người.
Trong thời gian hai đảng CS cơm không lành canh không ngọt, bộ máy tuyên
truyền CSVN ca ngợi Lê Duẩn như một nhân vật kiên quyết chống bành
trướng Bắc Kinh nhưng đừng quên tháng Tư năm 1965, chính Lê Duẩn đã sang
tận Bắc Kinh cầu khẩn Đặng Tiểu Bình để gởi quân trực tiếp tham chiến.
Với những đóng góp xương máu đó, việc họ Đặng tuyên bố “Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học” không phải là chuyện tự nhiên. Câu “Việt Nam là côn đồ” được các đài truyền hình Trung Quốc phát đi và chính Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh Sự Quán Việt Nam tại Quảng Châu, đã xem đoạn phóng sự truyền hình đó.
Trong điều kiện kinh tế và quân sự còn rất yếu của Trung Quốc vào năm
1979, đánh Việt Nam là một quyết định vô cùng quan trọng. Đặng Tiểu Bình
nắm được Bộ chính trị đảng CS Trung Quốc nhưng về mặt đối ngoại, Đặng
Tiểu Bình phải thuyết phục các quốc gia Đông Nam Á, Á Châu và Mỹ. Cuối
năm 1978, Đặng Tiểu Bình, 74 tuổi, thực hiện một chuyến công du chính
thức, lịch sử và duy nhất với tư cách lãnh đạo tối cao của Trung Quốc để
vừa thúc đẩy Bốn Hiện Đại Hóa và vừa dọn đường đánh Việt Nam. Từ cuối
năm 1978 đến đầu 1979, Đặng viếng thăm hàng loạt quốc gia châu Á như
Nhật, Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Miến Điện, Nepal. Tại mỗi quốc gia
thăm viếng, họ Đặng luôn đem thỏa ước Việt-Xô ra hù dọa các nước láng
giềng như là mối đe dọa cho hòa bình và ổn định Đông Nam Á. Đặng Tiểu
Bình phát biểu tại Bangkok ngày 8 tháng 11 năm 1978: “Hiệp ước [Việt
Xô] này không chỉ nhắm đến riêng Trung Quốc... mà là một âm mưu Sô Viết
tầm thế giới. Các bạn có thể nghĩ hiệp ước chỉ nhằm bao vây Trung Quốc.
Tôi đã trao đổi một cách thân hữu với nhiều nước rằng Trung Quốc không
sợ bị bao vây. Thỏa hiệp có ý nghĩa quan trọng hơn đối với Á Châu và
Thái Bình Dương. An ninh và hòa bình châu Á, Thái Bình Dương và toàn thế
giới bị đe dọa.” Ngoại trừ Singapore, Đặng nhận sự ủng hộ của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á.
Trong số các quốc gia họ Đặng viếng thăm, chuyến viếng thăm Mỹ là quan
trọng nhất. Sự đe dọa của Việt Nam chiếm một phần không nhỏ trong nghị
trình giữa Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo Mỹ. Nói chung, Mỹ từ chối việc
ủng hộ phương án quân sự nhưng để giữ mối quan hệ đang tiến triển tốt,
Mỹ đồng ý cung cấp tin tức tình báo về các hoạt động quân sự của Liên Xô
vùng biên giới phía bắc Trung Quốc. Trên đường về nước, Đặng ghé Tokyo
lần nữa để vận động sự ủng hộ của Nhật. Ngày 17 tháng 2, 1979, Đặng Tiểu
Bình xua khoảng từ 300 ngàn đến 400 ngàn quân, tùy theo nguồn ghi nhận,
tấn công Việt Nam.
Trong khi Đặng Tiểu Bình chuẩn bị một cách chi tiết từ đối nội đến đối
ngoại cho cuộc tấn công vào Việt Nam, các lãnh đạo CSVN vẫn tin người
Cộng Sản đàn anh dù có giận cỡ nào cũng không nỡ lòng đem quân đánh đàn
em CS Việt Nam, những người từ trong tay áo Trung Quốc chui ra. Dương
Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh Sự tại Quảng Châu nhắc lại “Trong tận đáy
lòng chúng tôi vẫn hy vọng, có thể một cách ngây thơ rằng, Việt Nam và
Trung Quốc từng quá gần gũi và hữu nghị, họ [Trung Quốc] chẳng lẽ thay
đổi hoàn toàn với Việt Nam quá nhanh và quá mạnh như thế.” Khi hàng
trăm ngàn quân Trung Quốc tràn sang biên giới, Thủ tướng CS Phạm Văn
Đồng và Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng vẫn còn đang viếng
thăm Campuchia. Tình báo Việt Nam không theo dõi sát việc động binh ồ ạt
của Trung Quốc. Nếu ngày đó giới lãnh đạo Đảng không tin tưởng một cách
mù quáng vào ý thức hệ CS và “tình hữu nghị Việt Trung”, nhiều ngàn
thanh niên Việt Nam đã không chết, Lạng Sơn đã không bị san bằng, hai
tiểu đoàn bảo vệ thị trấn Đồng Đăng chống cự lại hai sư đoàn Trung Quốc
đã không phải hy sinh đến người lính cuối cùng.
Dù bị bất ngờ, hầu hết các nhà phân tích quân sự, kể cả nhiều tác giả
người Hoa, cũng thừa nhận khả năng tác chiến của phía Việt Nam vượt xa
khả năng của quân đội Trung Quốc. Tạp chí Time tổng kết dựa theo các
nguồn tin tình báo Mỹ, chỉ riêng trong hai ngày đầu thôi và khi các quân
đoàn chính quy Việt Nam chưa được điều động đến, dân quân Việt Nam vùng
biên giới đã hạ bốn ngàn quân chủ lực Trung Quốc. Lần nữa, như lịch sử
đã nhiều lần minh chứng, không có khẩu súng nào bắn chính xác hơn khẩu
súng của lòng yêu nước.
“Côn đồ” Đặng Tiểu Bình chuyển sang chính sách củ cà rốt
Đối với Đặng Tiểu Bình, tổn thất vài chục ngàn quân không quan trọng,
điều quan trọng là y đã bao vây được Việt Nam và đẩy CSVN vào chỗ nghèo
nàn, lạc hậu và cô lập. Sau mười năm thù địch, Đặng Tiểu Bình, để thích
nghi với điều kiện kinh tế toàn cầu, đã thay đổi chính sách từ cây gậy
sang củ cà rốt.
Trung Quốc vào thời điểm 1990 đang phát triển mạnh nên cần chiếm biển
Đông chiến lược đầy tài nguyên, và họ Đặng cũng biết, sau khi Liên Xô
sụp đổ, CSVN như những kẻ đang chới với trong đại dương đang tuyệt vọng
cần một cái phao. Nghe triệu tập giống như nghe lịnh đại xá, Nguyễn Văn
Linh, Đổ Mười và Phạm Văn Đồng đã vội vàng đưa nhau sang Thành Đô
triều kiến. Tại khách sạn Kim Ngưu, thủ phủ Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên,
lúc 2 giờ chiều ngày 4 tháng 9 năm 1990, các lãnh đạo CSVN và Trung Quốc
đã ký kết thỏa hiệp tái lập quan hệ giữa hai đảng CS.
Hơn hai mươi năm qua, nội dung của thỏa hiệp Thành Đô được hai bên giữ
bí mật. Phía Trung Quốc dĩ nhiên không dại gì công bố và phía lãnh đạo
CSVN không thể công bố, đơn giản bởi vì đó là thỏa hiệp mang nội dung
bán nước. Nếu các điều khoản trong thỏa hiệp nhấn mạnh đến việc tái lập
bang giao trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn
lãnh thổ, hợp tác cùng có lợi giống như phần lớn các thỏa hiệp quốc tế
giữa các nước có chủ quyền, lãnh đạo CSVN đã tổ chức đại lễ công khai
hóa lâu rồi. Tuy nhiên, dù giữ kín tới đâu, nội dung chính không phải là
khó đoán: CSVN nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông để đổi
lấy sự tồn tại của đảng CSVN trong vòng ảnh hưởng kinh tế, chính trị và
tư tưởng của CS Trung Quốc.
Khi thỏa hiệp bán nước Thành Đô vừa ký kết xong, ngày 25 tháng 2 năm
1992, Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua “Luật Lãnh hải và vùng tiếp
giáp” quy định lãnh hải rộng 12 hải lý, áp dụng cho cả bốn quần đảo ở
Biển Đông trong đó có quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa).
Ba tháng sau đó, Trung Quốc ký hợp đồng khai thác dầu khí với công ty
năng lượng Crestone, cho phép công ty này thăm dò khai thác dầu khí
trong thềm lục địa Việt Nam và hứa sẽ bảo vệ công ty Creston bằng võ
lực. Ngoài các Trung Quốc còn ngang ngược ra lịnh cấm đánh cá, thành lập
các đơn vị hành chánh cấp huyện tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Tất cả diễn biến trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ 1990 đến
nay cho thấy thỏa hiệp Thành Đô, về ý nghĩa, cũng tương tự như hòa ước
Giáp Thân hay còn gọi hòa ước Patenôtre được ký giữa đại thần nhà Nguyễn
Phạm Thận Duật và đại diện Pháp Jules Patenôtre chia đất nước Việt Nam
thành ba mảnh và đặt quyền bảo hộ Việt Nam vào ngày 6 tháng 6 năm 1884
tại Huế. Việt Nam thực chất là một chư hầu của Trung Quốc và vị trí của
nhà nước CSVN cũng không hơn gì vị trí của triều đình nhà Nguyễn sau hòa
ước Patenôtre.
Thỏa hiệp Thành Đô là một chiến thắng lớn của Trung Quốc. Giang Trạch Dân vui vẻ tặng phái đoàn CSVN hai câu thơ của Lỗ Tấn “Sau kiếp nạn anh em còn đó, Trông nhau cười, thù oán sạch không”. “Anh em còn đó” tức chú em vong ơn, phản trắc CSVN đã biết phục thiện trở về trong vòng kim cô Trung Quốc.
Sỡ dĩ Trung Quốc chưa chiếm trọn quần đảo Trường Sa vì tranh chấp chủ
quyền Trường Sa liên quan đến nhiều quốc gia không phải chỉ riêng với
Việt Nam và ngoài ra, các môi quan hệ kinh tế chính trị vô cùng phức tạp
trong thời đại toàn cầu hóa, việc sử dụng các biện pháp quân sự mạnh
không phải là quyết định dễ dàng. Trung Quốc sau ba mươi năm phát triển
nhưng vẫn chưa đủ mạnh bên ngoài và rất yếu bên trong. Mặc dù tuyên bố
hung hăng, quá khích, phô trương tàu chiến, gây hấn qua vài hành động
quân sự nhỏ có tính cục bộ để giữ gìn sự đoàn kết nội bộ, Trung Quốc cần
ổn định hơn bất cứ quốc gia nào khác trong vùng và luôn tránh né việc
quốc tế hóa các tranh chấp quốc tế.
Nhiều người có thể phản biện lý luận này khi cho rằng Việt Nam vẫn phản
đối Trung Quốc và tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa. Vâng, nhưng xin đừng quên quyền được phản đối giới hạn cũng
có thể là một điều khoản của thỏa ước Thành Đô. Nếu ai thắc mắc hãy so
sánh lời tuyên bố của các phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao CSVN từ Lê Dũng
trước đây đến Lương Thanh Nghị hôm nay sẽ thấy những lời phản đối chỉ
khác về ngày tháng, còn nội dung đều tương tự như nhau, toàn là những
câu phản đối ngoại giao sáo rỗng, lấy lệ, chẳng ai quan tâm và không gây
một tác dụng gì. Dưới chế độ CS, việc phản đối, ủng hộ, hoan hô, đả đảo
chỉ là một hình thức tuyên truyền và không phản ảnh chính sách bên
trong của đảng. Trong buổi hội kiến giữa Mao Trạch Đông và Tổng thống Mỹ
Richard Nixon ngày 21 tháng 2 năm 1972, họ Mao nhắc chừng cho tổng
thống Mỹ biết quan hệ hai quốc gia đã cải thiện tốt đẹp và đang tiến đến
việc bình thường hóa nhưng đừng lấy làm lạ khi Trung Quốc vẫn sẽ tiếp
tục công kích Mỹ.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ bà Madeline Albright có câu nói rất hay “Lịch sử chưa bao giờ lập lại một cách chính xác nhưng chúng ta phải gánh lấy tai họa nếu không học từ lịch sử.” Với
chính sách bao vây Trung Quốc của Mỹ hiện nay và với nền kinh tế Trung
Quốc phát triển nhưng không lối thoát cho bộ máy chính trị độc tài toàn
trị đang được chạy bằng nhiên liệu Đại Hán cực đoan, chiến tranh sẽ khó
tránh khỏi dù các bên có muốn hay không. Việt Nam, quốc gia vùng trái
độn giữa hai quyền lực thế giới, chưa bao giờ đứng trước một chọn lựa
sinh tử như hôm nay. Một người có trách nhiệm với tương lai đất nước, dù
cá nhân mang một thiên kiến chính trị nào, cũng phải biết thức tỉnh,
đặt quyền lợi dân tộc lên trên, chọn hướng đi thích hợp với đà tiến văn
minh dân chủ của thời đại, chấm dứt việc cấy vào nhận thức của tuổi trẻ
một tinh thần bạc nhược, đầu hàng. Lịch sử không thể viết lại nhưng cơ
hội luôn còn đó cho những ai thành tâm quay đầu về với tổ tiên.
No comments:
Post a Comment