Wednesday, January 9, 2013

Kerry, Hagel sẽ làm gì với Việt Nam?


Sau khi Tổng thống Barack Obama đề cử hai nghị sĩ John Kerry và Chuck Hagel cầm đầu Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng, nhiều người thắc mắc: Với hai vị bộ trưởng mới, chính sách của Mỹ đối với Việt Nam trong bốn năm tới sẽ thay đổi ra sao? Có thể trả lời ngay: Vẫn như trước, ít nhất là vẫn giống như hai năm gần đây nhất.
Mối thắc mắc trên rất tự nhiên, vì cả hai ông John Kerry và Chuck Hagel đều là cựu chiến binh tham dự cuộc chiến Việt Nam. Cả hai đều được nhiều huy chương, ông Hagel còn giữ cả những mảnh đạn nhỏ trong người. Sau đó, cả hai đều thành nghị sĩ. Kerry thuộc đảng Dân Chủ đại diện tiểu bang Massachussett ở Thượng Viện từ năm 1984 đến nay; Hagel thuộc đảng Cộng Hòa, là nghị sĩ tiểu bang Nebraska, từ 1996 đến 2009 thì nghỉ, giữ đúng lời hứa với cử tri khi ra tranh cử lần đầu là ông chỉ làm việc hai nhiệm kỳ. (Ở Mỹ, những người làm nghị sĩ liên bang thường được gọi là nghị sĩ suốt đời, không cần phải thêm chữ “cựu,” trừ khi cần tránh hiểu lầm.) Nếu được phê chuẩn, Chuck Hagel sẽ là “hạ sĩ quan” đầu tiên lên cầm đầu cả guồng máy quân sự nước Mỹ. Khi tình nguyện sang Việt Nam ông chỉ là một người lính thường, sau được thăng lên tới chức trung sĩ.
Nếu hai nghị sĩ này được Thượng Viện phê chuẩn, trong chính phủ Obama sẽ có bốn nghị sĩ, gồm hai ông tổng thống và phó, cộng hai bộ trưởng quan trọng nhất. Trong bốn người này, Obama đóng vai đàn em lúc còn ở Thượng Viện. Các nghị sĩ thường đối xử với nhau thân thiện, hòa nhã (hơn các dân biểu ở Hạ Viện)! Năm 2008, chính ông Hagel (nghị sĩ Cộng Hòa) đã khuyên ông Obama chọn Nghị Sĩ Joe Biden đứng chung liên danh; mặc dù lúc đó bên đảng Dân Chủ nhiều người muốn chọn bà Hillary Clinton (cũng một nghị sĩ nữa). Trước khi hai ông Hagel và Kerry nhậm chức, nhiều người đã đặt tên chung cho “tứ nhân bang” này là “Băng đảng Thượng Viện”. Họ sẽ lèo lái con tàu ngoại giao của nước Mỹ!
Những người Cộng Sản ngây thơ ở Việt Nam có thể sẽ đoán là John Kerry “thân thiện” với chế độ Hà Nội hơn bà Hillary Clinton. Vì sau khi giải ngũ ông đã từng biểu tình phản đối việc Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Ðó là một ảo tưởng. Những người đi biểu tình phản đối chiến tranh đã giúp cho quân Cộng Sản sau cùng “thắng cuộc”. Nhưng động cơ chính của họ không phải vì “thân cộng” mà vì họ thấy chấm dứt chiến tranh sẽ có lợi cho nước Mỹ hơn là tiếp tục tham chiến. Ai biết tâm lý dân Mỹ sẽ hiểu khi đầu tư vào một cuộc chiến mà không thấy có lợi thì họ thấy phải rút ra ngay, tránh tổn thất vô ích. Năm 1968, chính ông Richard Nixon trong khi tranh cử đã gửi Henry Kissinger gặp đại sứ Nga ở Washington báo trước rằng nếu đắc cử ông sẽ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, dù sau đó sẽ có một chính phủ Cộng Sản lên cầm quyền. Sau khi đắc cử, Tổng Thống Nixon lại cho Kissinger tới nhắc lại lời hứa đó. Có thể nói, số phận miền Nam Việt Nam đã được quyết định từ trước khi ông Nixon cầm quyền.
Ngay khi nghe tin John Kerry được đề cử, trên mạng của tuần báo Economist đã viết một bài nhắc nhở món nợ của ông ta đối với người Việt Nam; yêu cầu ông phải hành động cụ thể buộc chính quyền Hà Nội tôn trọng quyền làm người. Tiêu đề của bài báo viết: “Hãy đòi trả tự do cho Luật Sư Lê Quốc Quân!”
Nhưng cũng không nên có ảo tưởng là một Ngoại Trưởng John Kerry vì mặc cảm tội lỗi sẽ cứng rắn đối với chế độ Cộng Sản hơn bà Clinton. Bởi vì, sau cùng chỉ có ông Obama là người quyết định chính sách ngoại giao của nước Mỹ. Và quyết định của bất cứ ông tổng thống nào cũng vì quyền lợi của nước Mỹ mà thôi. Hơn nữa, chính sách của chính phủ Mỹ nào đối với Việt Nam cũng nằm trong chiến lược toàn cầu của họ; đặc biệt, là chiến lược của nước Mỹ trong cả vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Tại Châu Á, từ hơn nửa thế kỷ trước đây vấn đề quan trọng nhất đối với một tổng thống Mỹ là quyết định sẽ làm gì với Trung Quốc; các nước chung quanh đều đóng vai thứ yếu. Năm 1950, đại đa số người Mỹ coi Trung Cộng chỉ là một chi nhánh của khối Cộng Sản quốc tế do Stalin cầm đầu. Họ thấy điều đó được chứng minh qua cuộc chiến tranh Cao Ly, khi Stalin bật đèn xanh cho quân Bắc Hàn tấn công Nam Hàn và sau đó được Trung Cộng gửi hàng triệu quân sang giúp. Trước đó, chính phủ Mỹ không hề quan tâm đến chính quyền Quốc Dân Ðảng ở Ðài Loan. Ngay sau khi chiến tranh Cao Ly bùng nổ, hạm đội Mỹ tiến vào vùng ven biển và Ðài Loan được Mỹ viện trợ để tự vệ. Cũng từ lúc đó chính phủ Mỹ mới bắt đầu tăng viện trợ cho Pháp ở Ðông Dương. Sau khi đã chứng kiến Nga Xô thao túng và Cộng Sản hóa các nước Ðông Âu, mối quan tâm chính của người Mỹ là ngăn chặn làn sóng đỏ ở Châu Á. Mỹ đã lập liên minh quân sự với Úc, Tân Tây Lan, đã lập liên minh quân sự Ðông Nam Á, đã viện trợ cho miền Nam Việt Nam, đều vì mục tiêu đó.
Khi nhìn thấy sự rạn nứt giữa Nga Xô và Trung Cộng từ cuối thập niên 1960, chiến lược của họ đã thay đổi. Mỹ bắt đầu giao thiệp với Trung Cộng. Kể từ đó trở đi, vấn đề của các chính phủ Mỹ ở vùng Ðông Á Châu là cách đối xử với Trung Cộng như thế nào thì có lợi nhất cho quyền lợi lâu dài của họ. Dân số Trung Quốc (lúc đó hơn 600 triệu người) là một thị trường thu hút mọi tính toán của các nhà tư bản. Khi rút khỏi Việt Nam, nhường mảnh đất này cho khối Cộng Sản, người Mỹ đã thấy rằng “lý thuyết domino” không đúng. Không một quốc gia nào ở vùng Ðông Nam Á bị rơi vào tay Cộng Sản; trái lại, các nước đó lại đoàn kết với nhau hơn trước một hiểm họa chung.
Chính sách đối ngoại của nước Mỹ dựa trên quyền lợi kinh tế. Hiện nay, cuộc tấn công ngoại giao quan trọng nhất của chính quyền Obama trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương là liên kết các nước trong một khối mậu dịch tự do. Khi dân Trung Quốc được tự do làm ăn hơn và chính quyền Bắc Kinh mở cửa đón nhận tư bản nước ngoài giúp mãi lực của khối người khổng lồ hơn một tỷ ba trăm triệu này gia tăng, thị trường Trung Quốc càng thêm hấp dẫn. Trước thị trường Trung Quốc, Việt Nam chỉ là một mảnh đất nhỏ, với dân số chưa bằng một phần mười và lợi tức trên đầu người chưa bằng một phần ba. Ngay ở thành phố dân rất cởi mở và có mãi lực lớn nhất là Sài Gòn cũng chưa có một quán McDonald nào, cho thấy trọng lượng kinh tế của Việt Nam trong cách tính toán của các nhà tư bản Mỹ còn nhỏ lắm. Cho nên, người Việt không nên giữ những ảo tưởng như là nước Mỹ cần trở lại Việt Nam.
Ảo tưởng hão huyền khác là Mỹ cần Việt Nam để ngăn chặn sức bành trướng của Trung Quốc. Trong hai năm qua chính quyền Obama đã tuyên bố trở lại Á Châu một cách ồn ào, không phải vì họ quan tâm đến nước Việt Nam, mà vì quyền lợi toàn cầu của nước họ. Nước Mỹ đã có sẵn những đồng minh trong vùng Ðông Nam Á giàu và mạnh hơn Việt Nam nhiều. Và các nước này đã từng lo đề kháng và phòng vệ đối với Trung Cộng từ lâu. Trong khi đó thì ai cũng biết rằng đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn nằm trong túi của Cộng Sản Trung Quốc. Các hành động và thái độ nhút nhát của chính quyền Cộng Sản Việt Nam trên các vấn đề biển, đảo bị xâm lấn chỉ tăng cường cho ý nghĩ đó chắc chắn hơn mà thôi. Khi nào chế độ Cộng Sản còn tồn tại ở Việt Nam thì thế giới bên ngoài sẽ tiếp tục nghĩ như vậy. Không một chính quyền Mỹ nào thấy cần phải thay đổi thế quân bình đó. Vì họ đã được bảo đảm về mặt kinh tế và an ninh, với các nước đồng minh cũ mạnh hơn Việt Nam nhiều. Mà họ cũng tin rằng thị trường Trung Quốc sẽ không tuột ra ngoài tầm tay của họ. Công ty Yum! Chủ nhân KFC và Pizza Huts đã mở 720 cửa hàng ở lục địa Trung Hoa. Công ty Kraft đã biến đổi thứ bánh ngọt Oreo của họ, bớt đường và pha cả vị trà xanh trong bánh, để hợp với khẩu vị của người Tàu. Nhóm đầu tư KKR đã góp vốn vào công ty sản xuất sữa lớn nhất ở Trung Quốc. Khi vào thị trường Trung Quốc, McDonald cũng đổi vai trò của nhân vật hoạt họa quảng cáo chính của họ, giới thiệu với trẻ em Trung Hoa hình ảnh “Giáo Sư Ronald”. Vì họ biết cha mẹ người Trung Hoa lo lắng đến việc học của con, nên Giáo Sư Ronald đã bày những trò học đọc, học viết và học làm tính, chứ không chỉ bày trò chơi như Anh Hề Ronald ở thị trường Mỹ!
Ðể “ngăn chặn” sức bành trướng của Trung Quốc, Mỹ đã có những đồng minh mạnh như Nhật Bản, Nam Hàn, Ðài Loan, và các nước dân chủ trong vùng Ðông Nam Á. Ðể lấn áp Trung Cộng, một khí cụ hiện đang được được chính quyền Mỹ sử dụng là “Sức Mạnh mềm,” đó là mô hình chính trị tự do dân chủ và kinh tế thị trường. Nếu các nước chung quanh Trung Quốc đều dân chủ hóa và phát triển tự do mậu dịch thì họ tự động trở thành một hàng rào rất kín để ngăn chặn ảnh hưởng Trung Cộng. Chúng ta thấy, sau khi chính quyền Miến Ðiện bắt đầu tiến trình dân chủ hóa, ông Obama đã bay sang thăm ngay và người Mỹ bắt đầu đem tiền đến viện trợ và đầu tư.
Chính sách của chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục như những gì họ đã làm trong hai năm qua kể từ khi ông Obama tuyên bố Mỹ trở lại vùng Ðông Nam Á. Những khuôn mặt mới như Hagel hay Kerry cũng không thay đổi gì trong chiến lược này. Họ sẽ tiếp tục gắn bó với các nước cùng theo chế độ dân chủ tự do, và phát triển mậu dịch để tất cả đều được lợi. Họ sẽ tiếp tục giao thương với Trung Quốc và lâu lâu nhắc nhở các vấn đề nhân quyền ở nước này để chứng tỏ cho các nước chung quanh thấy và so sánh hai chế độ dân chủ và độc tài khác nhau như thế nào.
Ðứng trước viễn ảnh đó, con đường tốt nhất cho Việt Nam là tiến tới dân chủ hóa để gia nhập cộng đồng các quốc gia dân chủ ở Ðông Nam Á. Khi đó, không cần phải yêu cầu các chính phủ Mỹ cũng sẽ đối xử với Việt Nam theo cách mà họ đang giao thiệp với Philippines, Thái Lan, Singapore. Không thể tiếp tục nuôi dưỡng cảm tưởng của các nước chung quanh là chính quyền Việt Nam vẫn nằm trong túi Cộng Sản Trung Quốc! Vừa rồi, một sĩ quan tuyên truyền của Cộng Sản mới giảng dạy các học trò rằng: “Nước Mỹ chẳng bao giờ tốt với chúng ta, chỉ có Trung Quốc tốt với chúng ta.” Một chính sách dựa trên ý tưởng đó sẽ đưa dân tộc vào con đường cụt, không ngõ thoát!

No comments:

Post a Comment