Dư
luận công dân mạng ở Việt Nam đang công kích những ý kiến sư phụ Trung
Cộng với một thái độ rất khiếp nhược của một viên đại tá tại Học Viện
Chính Trị thuộc Bộ Quốc Phòng.
Trong một bài lên lớp cho các cán bộ giáo dục, ông đại tá này than
phiền rằng khi bàn đến vấn đề biển Ðông, dư luận người Việt, tức là đồng
bào của ông ta, cứ “chĩa mũi dùi vào một phía”, cứ tập trung vào mỗi
ông Trung Quốc! Ông ta nói: “Nếu chúng ta chỉ tập trung vào mỗi một mình
Trung Quốc là hoàn toàn chưa đúng, chưa chính xác mà phải đặt trong mối
quan hệ tổng thể Việt Nam với Trung Quốc, Việt Nam với Mỹ, và Việt Nam
với các nước ASEAN.”
Nghe bài giảng này, nếu không phải là người Việt Nam thì phải bật
cười. Nhưng là người Việt Nam thì phải khóc. Khóc, bởi vì những ý tưởng
ngô nghê này cho thấy một người Việt đã lên tới chức đại tá mà còn tối
tăm đến như thế!
Ở vùng biển Ðông của nước ta, khi “đặt trong mối quan hệ tổng thể
Việt Nam với Trung Quốc, Việt Nam với Mỹ, và Việt Nam với các nước
ASEAN” thì phải hỏi: Quốc gia nào chủ mưu gây ra những khó khăn cho nước
mình? Quốc gia nào đã đem quân tới đánh, chiếm quần đảo Hoàng Sa năm
1974? Có phải Mỹ hay một nước Ðông Nam Á nào không? Bọn cướp biển nào đã
tấn công các tàu đánh cá của người Việt? Bọn giặc nào đã bắn giết,
đánh, cướp của và bắt cóc ngư dân Việt Nam đòi tiền chuộc? Tàu thuyền
nước nào đã vào hải phận nước ta đâm thẳng vào các con thuyền đánh cá
của đồng bào Việt Nam? Ai cho người đi cắt dây cáp những con tàu thăm dò
đáy biển của Petro Việt Nam? Có phải người Mỹ, người Philippines, người
Malaysia hay từ một nước Ðông Nam Á nào không?
Chỉ cần nhìn vào sự thật để tìm ra câu trả lời đúng nhất, chính xác
nhất thì chỉ thấy có một thủ phạm! Là chính quyền công! Nhắm mắt không
nhìn sự thật đó, chứng tỏ viên đại tá này chỉ ba hoa để tung hỏa mù, cốt
đánh lừa tất cả đồng bào, nhằm che đậy tội ác của Cộng Sản Trung Quốc.
Ðó là một thủ đoạn dối trá đang được đảng Cộng Sản Việt Nam sử dụng để
che đậy thái độ khiếp nhược của họ trong lúc lòng dân sôi sục trước mối
nhục ngàn năm đang khơi dậy.
Không những che đậy, bào chữa cho thủ phạm gây ra những tội ác đối
với đồng bào, ông đại tá còn lên giọng dậy dỗ rằng: “Ta không thể là
người vong ơn bội nghĩa.”
Ơn với nghĩa gì ở đây? Ông ta bèn nhắc nhở trong thời gian Cộng Sản
Việt Nam đánh miền Nam, “Nhân dân Trung Quốc, nhà nước Trung Quốc đã
từng nhường cơm xẻ áo dành cho chúng ta từ hạt gạo, từ khẩu súng, từ đôi
dép...”
Từ năm 1954 cả miền Bắc Việt Nam sống nhờ viện trợ kinh tế và quân sự
của Trung Cộng; hơn 300 ngàn lính Trung Cộng đã sang nước ta. Ông Dương
Danh Dy, cựu đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, cũng từng kể: “Những viện
trợ to lớn của nhân dân Trung Quốc anh em cho chúng ta.” Với các chi
tiết: “Từ vũ khí đạn dược đến gạo ăn vải mặc, từ ô tô, tàu thủy, máy bay
đến chiếc xe đạp, máy khâu, từ gói mì chính đến cái kim sợi chỉ...
không sao kể hết.” Nếu không có những “viện trợ to lớn” đó thì bây giờ
chắc vẫn còn một chế độ Việt Nam Cộng Hòa, cũng như vẫn còn Ðại Hàn Dân
Quốc. Trong 20 năm chiến tranh, người dân miền Bắc hàng ngày được những
cái loa (Made in China) oang oang nhắc nhở rằng Mao chủ tịch là bậc thầy
vĩ đại, yêu thương dân Việt Nam như con cái. Khi quân Trung Cộng chiếm
Hoàng Sa thì họ giải thích rằng đó là đàn anh chiếm để giữ hộ, mai mốt
sẽ trả lại! Toàn dân đã bị lừa gạt, không ai dám nói ra sự thật. Một
nhạc sĩ sống ở miền Nam mới dám đặt bài hát mở đầu bằng lời nhắc nhở:
“Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu;” nếu ai ở miền Bắc nói đến chuyện đó chắc
đã được đưa đi Cổng Trời.
Nhưng tại sao Trung Cộng đem cho những “viện trợ to lớn từ hạt gạo,
từ khẩu súng, từ ô tô, tàu thủy, máy bay đến chiếc xe đạp, từ gói mì
chính đến cái kim sợi chỉ” cho người Việt Nam giết lẫn nhau như vậy?
Câu trả lời đã được ông Lê Duẩn nói ra trong một phút thành thật: “Ta đánh miền Nam là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc...”
Tất nhiên, cả Trung Cộng lẫn Nga Xô đều biết như vậy. Cho nên phải
“viện trợ to lớn” cho những người Việt đi đánh giết đồng bào của mình!
Nhưng Lê Duẩn không phải là người đầu tiên khởi xướng việc “đánh cho
Liên Xô, cho Trung Quốc”.
Năm 1963, trong một cuộc gặp gỡ với các đại biểu đảng Lao Ðộng Việt
Nam ở Vũ Hán, Mao Trạch Ðông đã hứa hẹn: “Tôi sẽ làm chủ tịch của 500
triệu bần nông đưa quân xuống Ðông Nam Châu Á.”
Tháng Chín năm đó, Trung Cộng đã triệu tập Hồ Chí Minh đến gặp Chu Ân
Lai và Aidit, lãnh tụ đảng Cộng Sản Indonesia, lúc đo có hơn 3 triệu
đảng viên, tại miền Nam Trung Quốc; để bày kế hoạch phối hợp giữa hai
đảng Cộng Sản đàn em. Sau đó, đảng Cộng Sản Indonesia bành trướng hoạt
động, đảng Cộng Sản Việt Nam thúc đẩy cuộc chiến chiếm miền Nam lên mức
độ khốc liệt hơn, là nguyên nhân khiến Mỹ phải đổ quân vào miền Nam Việt
Nam.
Năm 1965, Mao Trạch Ðông đã nói với Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung
Quốc một câu được dẫn ra trong một cuốn sách của nhà xuất bản Sự Thật:
“Chúng ta phải giành cho được Ðông Nam Châu Á, bao gồm cả miền nam Việt
Nam, Thái Lan, Miến Ðiện, Malaysia và Singapore... Một vùng như Ðông Nam
Châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản... xứng đáng với sự tốn kém
cần thiết để chiếm lấy. Sau khi giành được Ðông Nam Châu Á, chúng ta có
thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ
có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Ðông Âu, gió Ðông sẽ thổi bạt
gió Tây...” Mao đã thất bại ở Indonesia, vì Tháng Chín năm đó, Aidit
cùng các cố vấn Trung Cộng đặt kế hoạch bắt cóc và ám sát các tướng lãnh
Indonesia để Tổng Thống Sukarno sẽ nắm quân đội và đưa đảng Cộng Sản
vào chính quyền. Âm mưu này bị lộ, Tướng Suharto không nằm trong danh
sách bị bắt giết vì không có địa vị quan trọng; ông chờ cho một số tướng
lãnh khác bị bắt rồi mới ra tay, âm mưu đảo chính thất bại khiến tới
nửa triệu đảng viên Cộng Sản và cả dân lành cũng bị sát hại vì bị nghi
là thân cộng. Trước khi Cộng Sản Indonesia hành động, họ đã có dịp tiếp
đón phái đoàn Cộng Sản Việt Nam do Lê Duẩn cầm đầu, ăn tiệc với nhau chờ
giờ phút chiến thắng.
Mao thất bại ở Indonesia nhưng thành công tại Việt Nam. Khi Lê Duẩn
nói, “Ta đánh miền Nam là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc...” thì chính
ông ta đang thực hiện mục tiêu “giành cho được Ðông Nam Châu Á” của Mao
Trạch Ðông. Năm 1970, ông Lê Duẩn đã nói với Mao Trạch Ðông rằng: “Tại
sao chúng tôi giữ lập trường bền bỉ chiến đấu cho một cuộc chiến kéo dài
ở miền Nam? Tại sao chúng tôi dám trường kỳ kháng chiến? Chủ yếu là vì
chúng tôi phụ thuộc vào công việc của Mao Chủ Tịch... Nếu các đồng chí
nhiệt tâm giúp đỡ thì chúng tôi có thể hy sinh 2, 3 triệu người... Miền
Nam chúng tôi sẽ chống Mỹ đến cùng và chúng tôi vẫn giữ vững tinh thần
quốc tế vô sản!”
Ðến khi “tinh thần quốc tế vô sản” giữa Bắc Kinh và Mát Cơ Va bị vỡ,
bị Trung Cộng “cho một bài học” vì dại dột bám đuôi Liên Xô, năm 1979 Lê
Duẩn mới sai nhà xuất bản Sự Thật in cuốn “Sự thật về quan hệ Việt
Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua”. Ở trang 73 họ viết thế này: “Những
người cầm quyền Trung Quốc, xuất phát từ lợi ích dân tộc, họ có giúp
Việt Nam khi nhân dân Việt Nam chiến đấu chống Mỹ, nhưng cũng xuất phát
từ lợi ích dân tộc... họ chỉ muốn Việt Nam yếu, lệ thuộc Trung Quốc...
Họ lợi dụng xương máu của nhân dân Việt Nam để buôn bán với Mỹ...”
Người Việt Nam bây giờ ai cũng hiểu câu “Họ lợi dụng xương máu của
nhân dân Việt Nam để buôn bán với Mỹ”. Nhờ bán hàng cho Mỹ và các nước
Tây phương, kinh tế Trung Quốc đã sống lại sau khi bị Mao làm cho kiệt
quệ cho tới khi ông ta chết. Từ năm 1979 đến nay kinh tế Trung Quốc tăng
trưởng trung bình 9% mỗi năm, nhờ đảng biết bóc lột dân lao động làm
hàng hóa rẻ tiền bán cho các nước khác. Những người Cộng Sản cầm quyền ở
Trung Quốc được chia phần hưởng thụ với các nhà tư bản đỏ. Hiện nay ở
Thượng Hải, số đại gia với tài sản đầu tư trên 30 triệu Mỹ kim là 1,318
người trong khi Los Angeles chỉ có 950 người.
Nhờ buôn bán với Mỹ, nên các xí nghiệp Trung Quốc phát đạt; nhưng khi
hàng hóa Trung Quốc thừa mứa không đổ đi đâu được, họ có thể vận chuyển
qua đường lậu sang tràn ngập thị trường Việt Nam, giết chết các nhà sản
xuất người Việt mới chập chững vào nghề! Không những đổ hàng lậu, họ
còn cho xâm nhập cả các công nhân lậu vào cướp việc làm của người lao
động Việt Nam nữa.
Trước cảnh “lấn sân” đó, chính quyền Cộng Sản Việt Nam không dám tích
cực kiểm soát biên giới để ngăn chặn hàng lậu! Cũng không dám có hành
động phản kháng khi Trung Cộng lấn áp từ các ngư phủ đến các tàu thăm dò
đáy biển Việt Nam. Công trình “Ta đánh miền Nam là đánh cho Trung Quốc”
đưa tới những hậu quả nhãn tiền đó. Nói đến ân nghĩa của Trung Cộng là
sỉ nhục dân tộc Việt Nam, là xúc phạm vong hồn hai triệu người Việt Nam
đã chết trong cuộc chiến tranh “đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc!”
No comments:
Post a Comment