Friday, March 22, 2013

Tiếng kêu của con cừu trẻ hèn nhát

Em tên Nguyễn Hồng Thanh Trúc, một người trẻ sinh năm 1991. Có lẽ so với đa số những người tham gia Tuyên bố của Công dân Tự Do, thì tuổi đời và suy nghĩ của em còn rất nhỏ. Em không giỏi môn lịch sử, cũng không thường đọc báo, xem thời sự hay tìm hiểu về chính trị. Em sống trong sự "nuôi dưỡng", "giáo dục" và " bảo vệ" của đảng cộng sản Việt Nam. Em chưa bao giờ có ý tưởng rằng có ngày đất nước sẽ và phải thay đổi. Em như con cừu nhỏ bị chăn dắt bởi những con chó hung tợn. Em ngoan ngoãn vâng lời, sống học tập và làm việc đúng theo chủ trương của nhà cầm quyền. Tất nhiên cũng không thể tránh những sai phạm (ví dụ như vi phạm luật giao thông, những lúc này thì thật may mắn cho em, do chó chăn cừu cũng thích nhấm nháp chút xương em vứt xuống) Còn bao chuyện gian trá nữa của đàn chó săn đã và đang hành hạ, áp bức những con cừu vô tội.

Tất nhiên, những chuyện sai trái thường nhật đó, em sống và chấp nhận như một sự hiển nhiên. Và đa phần đàn cừu Việt Nam cũng vậy. Em có tức giận chứ, em có ghét bỏ chứ. Em cũng muốn đóng vai anh hùng, muốn đứng về chính nghĩa, muốn loại bỏ những bất công. Nhưng em biết làm gì đây, khi mà em chỉ là một con cừu nhỏ, không chỗ đứng, không tiếng nói. Mà dù em cố nói thì nên chăng? Tiếng kêu be be rền rĩ chỉ khiến đàn chó phát điên gầm gào to gấp trăm lần em, xé nát em ra như xé một tờ giấy vụn. Em sợ lắm chứ! Em học cách im lặng, nhắm mắt và cố sống hết phần đời mình. Giống như ba em mẹ em, các chú bác, hàng xóm, bạn bè, cô bán bún đầu hẻm, chú giao báo mỗi sáng,... Bất cứ ai cũng chọn cái yên thân đánh đổi bằng im lặng. 
Nhưng có lẽ cuộc đời em may mắn lắm, em sinh ra trong thời đại của internet, của mạng thông tin kết nối cả thế giới, em vẫn chưa bị nhồi nhét những dối trá, ngụy tạo, em thấy được sự vô lý, sự mâu thuẫn trong từng hành động và tuyên ngôn của nhà cầm quyền. Em im lặng nhưng em hiểu điều đúng, lẽ sai. Em là một con cừu hèn nhát nhưng không ngu ngốc. 
Trong những câu chuyện hóng hớt được từ những buổi trà rượu của ba mẹ, cô bác, thì từng có một Sài Gòn rõ là đẹp, là phồn vinh, giàu có lắm, là Hòn ngọc Viễn Đông, ngay cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông cũng phải thòm thèm, ao ước. Những luyến tiếc, xót xa len lẫn trong dòng kể. Em tò mò chứ, vì Sài Gòn em biết, xô bồ và nhếch nhác quá. Có thể nào chứ? Chủ trương của Đảng của Nhà Nước là sánh ngang với các nước khu vực, do mình đi quá chậm hay do họ chạy quá nhanh? Và những ngỡ ngàng, tới tức giận, rồi đau lòng khi tìm kiếm được những tư liệu, hình ảnh về một Hòn ngọc Viễn Đông phồn hoa, thịnh vượng. Đó là cú tát rất đau cho một đứa trẻ khi nhận ra mình đang chìm dần trong một hố phân do nhà cầm quyền đào ra cho cả một đất nước. Và đau đớn này còn gấp ngàn lần đối với những người phải chứng kiến từ khi đồng cỏ còn xanh tươi cho tới khi những đống phân cuối cùng được lấp xuống. Em khóc và cầu nguyện cho thế hệ ấy. 
Vẫn nhớ mãi một câu em từng nghe ở đâu đó "Đừng nghe lời Cộng Sản nói, hãy nhìn điều nó làm". Vâng, em đang nhìn, rất kỹ! 
Như em đã nói, em không giỏi lịch sử, cũng chả rành kinh tế chính trị. Chỉ có những điều em thấy em nghe từ những thứ xung quanh em đã đánh em đau lắm rồi. 
Nhưng trong nước thì chỉ là trò thước khẻ tay, ra nước ngoài thì mới rõ cái đau bị hội đồng là thế nào. 
Vâng, em chạy trốn, chạy trốn khỏi nơi yêu thương nhưng tù túng để đến với tự do xa lạ. Em đi du học. Cũng là điều tốt, khi em nghĩ em có thể hòa nhập với bạn bè thế giới và góp chút sức cho quê hương, tuy đường trở về sao mà ngán ngẩm. Xa nhà, xa tổ quốc giúp em lớn lên rất nhiều. Em nhận ra lòng yêu nước và tự trọng dân tộc mà trước nay chưa bao giờ em hiểu hết. 
Đó là khi em ở trong tình thế ngồi trước mặt người bạn Tàu mắt hí, không biết nên dùng hết sức bình sinh, tát vào mặt nó, hay chỉ biết nín nhịn để nỗi tức giận trào ra mà bật khóc thành tiếng. Cũng chỉ từ dăm câu chuyện phiếm khi cùng ngồi ngắm cái bản đồ thế giới lúc chờ đồ ăn. 
Đó là khi giới thiệu bản thân em là người Việt Nam thì cái ánh nhìn người ta trở nên khác lắm. Không như xưa người ta nhìn nhận người Việt Nam với những mĩ từ siêng năng, hiếu học,.. Giờ đây đối với những du học sinh hợm hĩnh, giàu có từ Hàn Quốc, Singapore,... trên cái đất nước Nhật Bản mà em đang sinh sống thì Việt Nam nghèo, kém phát triển,... Nhục! Khi mà những ngày em ở Việt Nam, vẫn thường được nghe về sự phát triển của Việt Nam đang theo chiều hướng tiến bộ. Và em cũng tin là vậy. Thế mà hình ảnh trong mắt quốc tế thì Việt Nam tệ hại lắm. 
Rồi còn nhiều nhiều nữa những mẩu chuyện va chạm với bạn bè, những câu nói, những thái độ làm cho lòng tự tôn dân tộc của em bị tổn thương. Nhiều! 
Em yêu Việt Nam, yêu nhiều lắm! Nhưng lạ lùng sao khi tình yêu đó chả bao giờ em biết đến khi lúc vẫn còn sống ở đó. Chỉ khi em đi thật xa, em quay đầu nhìn ngắm lại em mới thấy mắt em rưng rưng. Còn bao nhiêu người nữa như em, hằng ngày chán ngán cuộc sống bị bao vây, bị bóp miệng, để rồi tình yêu quê hương đất nước trở thành một vết cào rướm máu trên ngực. 
Em cảm ơn Tuyên bố của Công dân tự do, cảm ơn nhiều lắm. Con cừu hèn nhát như em, xin góp chút tiếng kêu phản kháng cùng những con cừu dũng cảm. Tiếng kêu của 90 triệu con cừu mong rằng sẽ chiến thắng được tự do, dân chủ, kéo đất nước ra khỏi hố phân, bãi lầy.Để thế hệ sau này có thể ngẩng cao đầu, sống với " Độc lập-Tự do-Hạnh phúc" THẬT, chứ không bị dối trá, lừa gạt như lúc này. 
Em thuộc thế hệ 9x, một thế hệ bị đánh đồng với những thói hư xấu, với bạo lực với sa đọa và những cái đầu nóng bất trị, chỉ biết sống hưởng thụ, không biết chăm lo cho vận mệnh đất nước. Nhưng không, em tin chắc rằng vẫn còn nhiều nhiều nữa những còn cừu trẻ tuổi, mong mỏi biết bao cho một tương lai tốt đẹp cho đất nước, sẽ đứng lên, giành lấy tiếng nói cho mình. Chúng em, những người trẻ, tương lai của đất nước, những Công dân Tự Do.

Câu chuyện nhỏ của tôi


  Tôi bị bắt với một lý do rất... cười: tọa kháng tại nhà với biểu ngữ (được phía Cơ quan An ninh điều tra kết luận rằng mang nội dung xấu): “Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam. Phản đối công hàm bán nước ngày 14/9/1958 của Phạm Văn Đồng”. Hơn 16 tháng sau ra tòa, tôi nhận bản án 4 năm tù giam, thêm 3 năm quản chế về cái gọi là tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” mà không hề dính dáng đến việc “tọa kháng”, hành vi trực tiếp được nhà cầm quyền làm lý cớ bắt bỏ tù.
Hai chứng nhân “quan trọng” được đưa từ Thanh Hóa vào làm công cụ buộc tội bị cáo. Ông Nhiểm, ông Kính trông tội nghiệp với bộ mặt méo mó, khắc khổ ngồi lọt thỏm, bị bao vây giữa vô vàn những mật vụ dưới hàng ghế dự khán, thay vì ở vị trí dành cho người làm chứng theo quy định một phiên tòa: “Nếu thời gian quay trở lại hoặc có cơ hội khác, tôi vẫn sẽ giúp đỡ họ - những ngư dân Thanh Hóa - dù tôi biết trước có thể những con người này sẽ quay lại kết tội tôi. Họ buộc phải làm thế. Và tôi sẵn sàng tha thứ cho họ.” Tôi đã nói những lời này trước tòa dành cho những ngư dân Thanh Hóa tôi đã gặp và giúp đỡ hồi cuối tháng hai năm 2008. 
Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, tôi sẽ không tường thuật lại chuyến đi Thanh Hóa cùng Ngô Quỳnh. Bạn đọc nào quan tâm và muốn tìm hiểu sự thật, xin tìm đọc bài viết “Uất ức - biển ta ơi!” tôi viết năm 2008. Tôi tin rằng, nếu ai còn là người Việt Nam thì không thể không đau xót trước việc đồng bào mình bị bắt giết ngay trên lãnh hải của Tổ Quốc mình, cũng như không thể phủ nhận Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Chỉ vì vạch trần và tố cáo một sự thật bị Đảng và Nhà nước giấu nhẹm, chỉ vì đòi quyền lợi chính đáng cho những nạn nhân, ngư dân Thanh Hóa mà tôi và Ngô Quỳnh đã bị tước mất tự do - dù là một thứ tự do đang hấp hối. 
Biệt giam: 
Những ngày đầu, tôi bị giam chung với các nữ tù hình sự khác. Trong cuộc vật lộn mưu sinh, trở thành đủ loại tội phạm (họ vẫn thường tự hào rằng phải rất bản lĩnh mới dám thách thức pháp luật) thì sự xuất hiện của một cô gái nhỏ bé bị gán tội “chống Nhà Nước...” là điều ngoài sức tưởng tượng. Từ ngạc nhiên, tò mò rồi thiện cảm, chúng tôi trở nên gần gũi với nhau. Được vài hôm, những ánh mắt thân thiện, cảm mến biến mất. Thay vào đó là thái độ dè dặt, lảng tránh pha chút sợ sệt. Chính sách cô lập bắt đầu có hiệu quả! 
Sắp đến giờ cơm chiều. Tiếng ổ khóa vang lên chát chúa. Tiếp đó là giọng nói lạnh tanh của quản giáo: “Phạm Thanh Nghiên chuẩn bị nội vụ!”. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía tôi, lo lắng, thương cảm, hoảng hốt: “Chết rồi, bị đi ép cung rồi”, “chị ơi! Biệt giam rồi.”, “khổ thân, người bé như cái kẹo, chịu sao nổi cháu ơi”. Mỗi người góp một tí, từ chai mắm, gói lạc, ít bột canh, cuộn băng vệ sinh... tất cả được đùm vào một túi ni-lông, ấn vội vào tay tôi. Tôi không đủ thời gian đùn đẩy. Nhận cũng tốt. Đây sẽ là vốn liếng giúp tôi “cầm cự”, chờ đợi đến lúc nhận được quà tiếp tế từ gia đình. Tôi không sợ biệt giam, không sợ bị ép cung. Tôi sợ những ánh mắt thương cảm của họ. Những tình cảm rất con người mà vì một sức ép đáng sợ nào đó, họ đã buộc phải thủ tiêu đi. 
Tôi bước ra cửa, không ngoái lại nhìn. Sau lưng, vài giọt nước mắt lặng lẽ rơi. Nhà tù, thì ra vẫn còn chỗ cho tình thương yêu và lòng nhân ái. 
Dẫn tôi đi là người cán bộ tên C. Sau này tôi được nghe nhiều chuyện về ông ta, chủ yếu thành tích làm giàu bất chính và đánh tù. Tôi cắp túi quần áo, chân đất đi trên những con hẻm nhếch nhác vì mưa phùn, qua những dãy nhà giam lạnh ngắc và cũ kỹ. Trong những bức tường lặng câm kia là những sự chờ đợi và tuyệt vọng. Chờ đợi để được phán xử không theo cách của con người, rồi hiến mình cho sự khổ ải và hao mòn trong các trại cải tạo. 
Khu giam giữ mới có khoảng sân khá rộng. Sau khi làm các thủ tục cần thiết, C giao tôi cho đồng nghiệp. Tôi đi theo K, cảm giác như đang bị nuốt vào một đường hầm. Lần đầu tiên kể từ khi bị bắt, tôi mới thực sự thấy hết cái âm u của chốn ngục tù. Chỉ khi dừng lại, tôi mới biết mình đang đứng trước một cánh cửa. Cửa mở, hai đồng tử của tôi giãn ra: đây là nơi dành cho con người ư? 
Cái gọi là buồng giam rộng chừng 6m2. Hai bệ xi-măng đối diện nhau (chừa một lối đi hẹp ở giữa, tù quen gọi là “xa lộ”) dùng làm chỗ nằm. Từ cửa đến chân bệ nằm còn khoảng trống nho nhỏ để đồ ăn. Trong buồng không có nhà vệ sinh nên phải dùng bô. Chỗ để bô cách chỗ để đồ ăn chừng 3 bước chân. Một trong hai bệ nằm có gắn cố định một cùm sắt, dùng để cùm chân những người tù bị kỷ luật hoặc tử tù chờ ngày thi hành án. Tôi vào sau L vài ngày, đương nhiên phải nằm chung với cái cùm. L thường mắng tôi vì tội hay cho chân vào cùm. Bảo tôi không chịu kiêng kỵ, có ngày bị cùm thật cũng nên. Hàng ngày tôi đi bộ dọc trên “xa lộ”, coi như tập thể dục. Đoạn đường ngắn mấy bước chân, đi vài vòng phải nghỉ một lần để khỏi chóng mặt. 
Mỗi ngày hai lần: sáng và chiều, công an mở cửa cho tù nhân ra ngoài làm vệ sinh cá nhân và lấy cơm. Mỗi lần chừng 20 đến 30 phút. Hầu như ngày nào tôi cũng phải đi cung nên mọi việc, từ giặt giũ, đổ bô, lấy cơm, rửa bát… L phải kiêm hết. Có hôm, chưa làm vệ sinh xong, điều tra viên đã đứng đợi ngoài cửa. Chắc chỉ có tù nhân lương tâm chúng tôi mới phải trải qua tình trạng ngồi bệ xí trong sự chờ đợi và thúc giục của cả cai tù lẫn điều tra viên mà thôi. Gần 4 tháng biệt giam, tôi phải đi cung hàng chục lần, chưa kể thời gian ở buồng chung hơn một năm. Chuyện này xin được kể trong một dịp khác. 
L có tật xấu, đi ngoài vô tội vạ, không theo giờ giấc. Nhiều hôm cứ đóng cửa buồng cô nàng mới đi, mỗi lần như thế lại chữa ngượng: “Em luyện mãi mà không được, cứ nhìn thấy công an là nó lại thụt vào. Hình như c*t sợ công an chị ạ”. Hai cái bô chứa đầy “sản phẩm” của L. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Đã thế, cô nàng còn lên lớp tôi: “Chị phải uống thật nhiều nước mới tốt cho sức khỏe, người đâu mà gầy đét, trông chán lắm”. Tôi bảo: “Có hai cái ngai vàng, mày ngự cả hai, chị uống nhiều nước thì chứa vào đâu?”. Cô nàng nhe hàm răng ám khói thuốc cười trừ. Nhìn L, tôi thấm thía hai câu thơ (được cho là của ông Hồ): “Cửa tù khi mở không đau bụng, đau bụng thì không mở cửa tù”. 
Cánh cửa sắt, may quá có sáu lỗ thông hơi (to bằng quả trứng chim cút) - thứ duy nhất làm chúng tôi tạm quên mình đang ở trong một cái hộp. Hàng ngày được ra ngoài, tôi thường vãi cơm ra sân để dụ lũ chim sẻ đến. Qua sáu cái lỗ thông hơi quý giá đó, tôi và L luân phiên nhau chiêm ngưỡng, ngắm nghía chúng. L ước: “Giá biết bay như chúng, em sẽ bay về ôm hôn thằng Cu cho thật đã”. Rồi như tiếc rẻ “Nhưng làm con chim bay được thì lại không lắc, không phê được. Làm người như em, tuy tù tội nhưng được biết mùi đời. Sướng thân! Như chị thì thiệt, chả biết đếch gì. Chán chết”. Tôi không thích tranh cãi với L những lúc như thế. Lũ chim vô tâm, chúng nhặt nhạnh những hạt cơm cuối cùng rồi bay đi, mặc kệ tôi ngẩn ngơ. Không có cách nào gọi chúng lại. Tôi tủi thân, đâm ra giận chúng, hôm sau không vãi cơm cho chúng nữa. Theo thói quen, lũ chim bay đến ngơ ngác, tìm kiếm rồi bỏ đi. Tôi buồn! Từ đó không dám tự trừng phạt mình nữa. 
Một lần đi cung: 
Một vật gì giống như con rắn nằm lù lù giữa sân. Vừa nhận ra thứ đó dành cho mình, một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng. Sau cái rùng mình, mặt tôi nóng ran, hai thái dương giật liên tục. Không thể để cơn phẫn nộ được dịp bung ra. Tôi sẽ luồn chân vào đó. Phải nếm trải hết mọi cay đắng của người tù. Tôi đứng im, ngoan ngoãn cho K xiềng chân mình. Nét ái ngại lộ rõ trên gương mặt anh ta: “Chị Nghiên đi chậm thôi, sẽ đỡ đau”. Tôi hít một hơi thở sâu chờ K mở cửa. Ánh mắt tôi đập vào ánh mắt người điều tra viên. Dù cố tỏ ra tự nhiên, nhưng tôi biết anh ta chứ không phải tôi đang bị chi phối bởi cái xiềng chân. Tôi không đi chậm như lời khuyên của K. Bị thôi thúc bởi lòng kiêu hãnh, tôi bước thật nhanh bất chấp hai vòng xích đập vào mắt cá chân đau điếng. Tôi không cho phép anh ta có cơ hội thấy tôi trong bộ dạng chậm chạp và đáng thương. Chỉ thể hiện ở bước đi thôi chưa đủ, tôi bông phèng: 
- Này anh, giúp tôi một việc được không? 
- Việc gì chị? 
- Nhờ anh đăng ký với kỷ lục ghi-nét, công nhận tôi là người phụ nữ có cái lắc chân to và độc nhất thế giới nhé? 
Bị bất ngờ, anh ta im lặng. Sau một hồi, tính háo thắng trỗi dậy, anh ta trả đũa: 
- Nếu bây giờ tôi bắc thang cho chị trèo tường về, chị có về không? 
- Sao nghiệp vụ anh kém thế? 
- Gì cơ? 
- Tôi bảo nghiệp vụ anh kém vì anh đi điều tra tôi mà không hiểu gì về tôi. Này nhé, tôi vào đây một cách đường hoàng thì cũng đường hoàng rời khỏi đây. Không phải các anh tùy tiện bắt rồi thả vô tội vạ là được. 
Có lẽ anh ta thấy tiếc về câu hỏi vừa rồi. 
Một cán bộ trực trại và một điều tra viên khác đã chầu sẵn ở buồng hỏi cung. Chờ tôi ngồi xuống, trực trại rướn người qua mặt tôi, kéo thanh sắt vốn được bắt vít cố định nơi tay vịn, khóa lại. Động tác rất dứt khoát với vẻ mặt rất nghiêm trọng. Chắc đấy là thứ công cụ được phát minh ra để bảo vệ các nhân viên điều tra khi hỏi cung những tên tội phạm thuộc diện đặc biệt nguy hiểm. Thế ra, tôi được liệt vào loại “đặc biệt nguy hiểm” cơ đấy. Tôi quan sát việc liên quan đến mình như một kẻ thực sự bị thuần phục. Xong việc, viên trực trại lui về đứng phía sau tôi (chắc sẵn sàng tung đòn cứu đồng đội nếu đối tượng manh động). Hai điều tra viên đặt hồ sơ lên bàn: 
- Chúng ta bắt đầu làm việc! 
Tôi lơ đễnh nhìn lên trần nhà. 
- Chúng ta làm việc thôi chị Nghiên. 
- Anh bảo gì cơ? 
Vẻ ngoan ngoãn lúc đầu của tôi khiến họ không chuẩn bị tâm lý đối phó cho sự phản công. 
- Chúng ta vào việc… 
- Làm gì có chuyện ấy. Các anh nghĩ tôi sẽ làm việc với các anh trong tình trạng này sao? 
- Đây là quy định của… 
- Là quy định của các anh thôi. Nguyên tắc của tôi là không làm việc với các anh trong tình trạng này. 
Hai điều tra viên nhìn tôi chằm chằm. Tôi tiếp tục nhìn lên trần nhà, lưng dựa ra sau, các ngón tay gõ gõ vào thanh sắt chắn ngang trước mặt, chân đung đưa khiến cái xiềng cọ xuống nền nhà phát ra thứ âm thanh khô khốc, nghe đến sốt ruột. Cuối cùng, một trong hai người điều tra viên phải ra hiệu cho trực trại mở xiềng chân và thanh sắt chắn ngang ra. 
Tôi thôi nhìn lên trần nhà: 
- Đây sẽ là lần đầu và cũng là lần cuối tôi cho phép các anh làm thế. Nếu việc này còn tái diễn thì các anh sẽ chỉ nhận được một thứ duy nhất từ tôi, đó là sự im lặng. Mong các anh nhớ cho. 
Trở về buồng giam, tôi mệt mỏi nằm vật xuống. Nhìn L với đôi mắt đỏ hoe, tôi đâm cáu. Cô nàng mặc cho tôi mắng mỏ, cứ sấn vào xoa xoa bóp bóp chỗ đau cho tôi. Tôi hất hủi cô nàng để khỏi phải thương hại mình. Tôi nghĩ đến chú Nghĩa, đến Ngô Quỳnh và các anh em khác bị bắt cùng đợt với tôi. Không biết họ bị đối xử ra sao? Nhưng tôi tin, dù ở trong hoàn cảnh nào thì những người anh em ấy (sẽ không cáu gắt bạn tù vô lối như tôi) mà sẽ ngạo nghễ và nở nụ cười nhân ái vì nhà tù là sự lựa chọn “bất khả kháng”, là cánh cửa duy nhất để đến với tự do. 
Viết sau những ngày mới ra tù.

Ban Thường vụ Quốc Hội có Ủy viên đầu bò


Trong hội nghị khoa học, một giáo sư thuyết trình: 
- Độ 20 năm nữa sẽ có những máy tự động hoàn hảo. Chỉ cần nhét con bò vào một đầu, thì đầu kia sẽ có xúc xích chạy ra.

 - Thế liệu có cái máy ngược lại, nhét xúc xích vào một đầu, đầu kia ra con bò không ạ? - một Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng hỏi.
Giáo sư: Anh bao nhiêu tuổi?
 - Tôi 53 tuổi.
 Giáo sư: 52 năm trước có một cái máy như vậy, con bò ấy đang ở ngay trước mặt tôi.
*
Xin thưa, câu chuyện như trên là có thật, và nhân vật 'con bò' chính là ông Phan Xuân Dũng, đại biểu quốc hội, tiến sỹ khoa học chuyên ngành cơ khí chế tạo máy, trình độ cao cấp lý luận chính trị...
Xin bà con chớ bị 'ngợp' bởi những danh hiệu, học vị hoành tráng của ông Phan Xuân Dũng mà tui đã liệt kê ở trên. Bởi trong chế độ cộng sản, một con bò khi được dắt sang Liên Xô cũng có thể được phong làm Phó tiến sỹ. 
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự Luật tiếp công dân ngày 19-3, ông Phan Xuân Dũng đã bộc lộ tư duy đầu bò rất rõ khi đưa ra đề xuất “dân phải đặt cọc một khoản tiền khi đi khiếu kiện”.
Về khoản tiền đặt cọc này, ông Dũng tiếp tục đưa ra 'sáng kiến' kinh hãi không kém:  'kiện không đúng thì bị mất'
“Tôi đề xuất đối với những trường hợp khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng quy định, đúng trình tự của pháp luật nhưng người ta cứ tiếp tục đi khiếu nại, tố cáo, thậm chí khiếu nại, tố cáo vượt cấp, gửi đơn thư đến nhiều nơi, đến nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì cần quy định chặt chẽ trách nhiệm của người đi khiếu nại, tố cáo. Cụ thể, nên buộc họ phải đóng một khoản tiền nhất định nào đó, nếu thắng kiện thì được hoàn lại, còn kiện không đúng thì bị mất tiền”, theo phát biểu của ông Phan Xuân Dũng.
Ông Phan Xuân Dũng là 1 trong 18 ủy viên thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, hiện giữ vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội. Ngoài ra, ông này còn là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Những kẻ ngu dốt khi nắm giữ quyền hành thường hay nghĩ ra lắm 'sáng kiến' điên rồ và quái dị, mục đích cũng để bảo vệ cho cái chế độ đang bị người dân căm ghét tận cùng. 
Chế độ cộng sản là một chế độ tham nhũng, bao che cho nhau từ trung ương đến địa phương, cho nên việc người dân 'kiện đúng', hay được 'thắng kiện' như lời ông Phan Xuân Dũng chỉ là chuyện nằm mơ giữa ban ngày.
Dân phải đội đơn đi khiếu kiện cũng là chuyện chẳng đặng đừng. Nhà cửa thì bị cướp trắng, đến miếng ăn qua ngày còn không có thì lấy đâu ra tiền 'đặt cọc'. 
Nghèo khổ, khốn cùng như dân oan khiếu kiện mà đảng cộng sản còn nghĩ cách bòn rút, thế nên người dân lại gọi là đảng cướp quả không sai.
Ở địa phương thì bị quan chức cướp đất, cùng cực lắm mới đi khiếu kiện, nay lại phải bị nộp thêm một khoản tiền 'đặt cọc'. Thế chẳng khác nào đi kiện kẻ cướp, lại gặp tên ăn trộm.

Thấy gì trong bài viết của trung tướng CA Tô Lâm?

Nói tóm lại ngài Tô Lâm đã xác định một sự thật không thể chối cải là ĐCSVN và những kẻ cầm quyền hiện nay đã từ bỏ Tổ Quốc Việt Nam truyền thống. Với họ, họ đã có một tổ quốc kính yêu khác là TỔ QUỐC XHCN, nơi đó có tổ tiên của họ là Các Mác và Lê Nin...

*
Chính thể Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình thành, phát triển gắn với Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Hệ tư tưởng của giai cấp vô sản phát huy vai trò cách mạng trong xã hội Việt Nam với thiết chế tương ứng là Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng với các tổ chức khác thuộc hệ thống chính trị của đất nước.

Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là một trong những yếu tố cấu thành của tổ chức quyền lực nhà nước, có vai trò vô cùng quan trọng để bảo vệ chính thể, bảo vệ quyền lực nhà nước, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, thể hiện tập trung ý chí, nguyện vọng của lực lượng lãnh đạo xã hội và của toàn dân, cần thiết có quy định những nội dung về bảo vệ Tổ quốc và các lực lượng vũ trang nhân dân. . . . 

Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, giáo dục, rèn luyện; quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bản chất cách mạng, tính chính trị của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là tất yếu, phù hợp thực tiễn cách mạng Việt Nam.”
Từ đoạn trích dẫn trên lấy trong bài viết của Tô Lâm, Trung tướng, Phó Giáo Sư, Tiến Sỹ, Ủy Viên Trung Ương Đảng, Thứ Trưởng Bộ Công An, đăng trên TTXVN ngày 17 tháng 3 năm 2013 góp ý dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992 với nhan đề “Cơ Sở Khoa Học của Các Quy Định về Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân trong Dự Thảo Sửa Đổi Hiến Pháp Năm 1992” chúng ta có thể nhìn thấy một số sự thật.
SỰ THẬT THỨ NHẤT: 
“Hiến Pháp là đạo luật cơ bản, thể hiện tập trung ý chí, nguyện vọng của lực lượng lãnh đạo xã hội...” Ngài Tô Lâm đã xác định một sự thật không thể chối cãi là hiến pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam được viết ra là để bảo vệ kẻ cầm quyền. Nói theo kiểu “có văn hóa” thì ĐCSVN chính là hiến pháp của toàn dân. Nói theo kiểu giang hồ, TỤI TAO CHÍNH LÀ HIẾN PHÁP CỦA TỤI BÂY. Cái đuôi “và nhân dân” chỉ là những từ vô nghĩa dùng để ngụy trang cho sự ngạo mạn và khinh bạc nhân dân của giới cầm quyền hiện nay.
SỰ THẬT THỨ HAI: 
“Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là một trong những yếu tố cấu thành của tổ chức quyền lực ... Bản chất cách mạng, tính chính trị của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là tất yếu, phù hợp thực tiễn cách mạng Việt Nam.” Ngài Tô Lâm đã xác định một sự thật không thể chối cãi là quyền lực của cơ chế cai trị hiện nay là thứ quyền lực bắt đầu từ sức mạnh của bạo lực trong quá khứ và vẫn tiếp tục tựa trên sức mạnh của bạo lực trong hiện tại, do ĐCSVN dựng lên cho riêng ĐCSVN và vì quyền lợi của ĐCSVN. Hai chữ nhân dân chỉ là bình phong che đậy bản chất của một “băng đảng” tội ác nấp sau danh nghĩa nhân dân để khống chế toàn thể nhân dân. 
SỰ THẬT THỨ BA: 
“Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam... có vai trò vô cùng quan trọng để bảo vệ chính thể, bảo vệ quyền lực nhà nước, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam...” Ngài Tô Lâm đã xác định một sự thật không thể chối cãi là lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là một “công cụ” của ĐCSVN chỉ biết trên hết là bảo vệ ĐCSVN và bảo vệ cơ chế cai trị do ĐCSVN dựng lên. Nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc chỉ là thứ yếu so với những nhiệm vụ được cho là “vô cùng quan trọng” đó. Như vậy, với sự khẳng định của những kẻ đang cầm quyền hiện nay, cái gọi là lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trên danh nghĩa thực ra chỉ là lực lượng vũ trang bảo vệ ĐCSVN được ngụy trang dưới danh nghĩa nhân dân. Không có gì để ngạc nhiên về thái độ “cấm người dân bày tỏ lòng yêu nước” của ĐCSVN và giới cầm quyền hiện nay. 
SỰ THẬT THỨ TƯ: 
“Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, giáo dục, rèn luyện; quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.” Ngài Tô Lâm đã xác định một sự thật không thể chối cãi là ĐCSVN luôn luôn coi lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là “sở hữu” của ĐCSVN và chỉ sở hữu bởi ĐCSVN, một tập thể quân sự của “những nô lệ chính trị” phải phục tùng theo mệnh lệnh của ĐCSVN (chứ không phải là phục tùng mệnh lệnh lịch sử hay mệnh lệnh nhân dân như ảo tưởng). Thái độ “ép buộc sự tùng phục tuyệt đối” này của ĐCSVN không khác thái độ của những tổ chức tội phạm ép buộc sự tùng phục tuyệt đối của những lực lượng vũ trang do họ lập ra và tài trợ. Nói một cách khác, nếu ĐCSVN buộc lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nổ súng chống lại nhân dân thì họ cũng sẽ phải làm, hoặc nếu như Bắc Kinh mua chuộc và khống chế 13 nhân vật đầu não của ĐCSVN thì lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam cũng phải tuyệt đối phục tùng dầu biết rõ họa mất nước. 
SỰ THẬT THỨ NĂM: 
“Cần thiết có quy định những nội dung về bảo vệ Tổ quốc và các lực lượng vũ trang nhân dân.” Ở đây ngài Tô Lâm đã nhắc tới hai chữ tổ quốc nhưng là thứ Tổ Quốc trong ngữ cảnh “chính thể Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình thành, phát triển gắn với Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.” Như vậy, ý của ngài Tô Lâm là gì? Nói một cách khác cho dễ hiểu, tổ quốc của ngài Tô Lâm và của ĐCSVN không phải là Tổ Quốc Việt Nam mà là TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA. 
Hồ Chí Minh đã từng xác định khái niệm TỔ QUỐC XHCN như sau: “Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, nhân dân Việt Nam ta luôn hướng về Liên Xô, đất nước của Lênin vĩ đại và coi Liên Xô là Tổ quốc của cách mạng, Tổ quốc thứ hai của mình.” (Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 11, trang 166). 
Và Hồ Chí Minh cũng đã di chúc rằng đến khi chết ông ta sẽ tìm về với cái TỔ QUỐC XHCN nơi đó có Các Mác và Lê Nin: “Vì vậy tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.” (Nguồn: Di chúc Hồ Chí Minh). 
Rõ ràng là cái Tổ Quốc Việt Nam, nơi có Hùng Vương và bao nhiêu vị anh hùng Việt Tộc đã dựng nước và giữa nước suốt mấy ngàn năm, cái tổ quốc mà tôi và các bạn luôn yêu thương và bảo vệ, không hiện hữu trong tâm thức cũng không nằm trong trái tim của Hồ Chí Minh. 
Trung tướng PGS, TS Nguyễn Tiến Bình đã từng xác định cái gọi là TỔ QUỐC XHCN trong tâm thức và định hướng của những kẻ cầm quyền ngày nay: “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dẫn đến sự ra đời của Tổ quốc XHCN – một Tổ quốc kiểu mới trong lịch sử nhân loại được đặc trưng bởi chế độ xã hội XHCN.” Và với họ bảo vệ tổ quốc có nghĩa là “Bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một quy luật khách quan, là nhiệm vụ chiến lược cơ bản, trọng yếu và xuyên suốt gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của tổ quốc xã hội chủ nghĩa.” (Nguồn: TS Nguyễn Tiến Bình, “Cách mạng Tháng Mười và một số vấn đề chiến lược bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, Tạp chí Cộng sản Số 19 (139) năm 2007). 
Đại Tá Đỗ Đắc Yên cũng xác định sứ mạng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là phải bảo vệ TỔ QUỐC XHCN: “Những nội dung cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân là một thể thống nhất, phản ánh sâu sắc sự kế thừa truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, thấm nhuần học thuyết Mác-Lênin, sự tiếp thu và vận dụng kinh nghiệm cách mạng thế giới và từ chính thực tiễn công cuộc quốc phòng bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Tư tưởng đó của Người đã được thực tế lịch sử với những chiến công lừng lẫy của dân tộc chứng minh là đúng đắn. Tư tưởng đó đã đóng góp vào sự phát triển lý luận bảo vệ Tổ quốc XHCN.” (Nguồn: Đại Tá Đỗ Đắc Yên, “Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân”). 
Không phải chỉ có một Hồ Chí Minh hay một Trung Tướng Nguyễn Tiến Bình hay một Đại Tá Đỗ Đắc Yên mà là toàn thể ĐCSVN đều hướng về cái gọi là TỔ QUỐC XHCN: “ĐH lần thứ X Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình diễn ra từ ngày 14 đến 20-10-1986, có 444 đại biểu tham dự. ĐH đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng tình hình và tìm ra giải pháp khắc phục. Do chịu nhiều tác động nên chỉ 4/8 chỉ tiêu ĐH đề ra đạt kế hoạch. Để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng đề ra là xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN, ĐH xác định mục tiêu, năm 1986-1990” (Nguồn: Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội giai đoạn 1930-2000, NXB Hà Nội - 2004 và Các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tây 1947-2005, tháng 8-2005).
ĐCSVN với cái TỔ QUỐC XHCN của những kẻ cầm quyền đất nước hiện nay đã thẳng tay khinh miệt miệt và phủ nhận một Tổ Quốc Việt Nam trải hơn bốn ngàn năm. Vậy mà, Đại Tá Đỗ Đắc Yên đã dám trơ trẽn lên giọng “kế thừa truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc.” 
Suốt hơn bốn ngàn năm đó, công lao của tiền nhân Việt không thể tính bằng con số. Công lao đó không có một cuốn sử ký nào có thể diễn tả trọn vẹn và chân thật hơn được 4 chữ Tổ Quốc Việt Nam. Bất cứ một người Việt nào, dầu sống ở nơi đâu và chết ở nơi đâu, cũng phải biết tri ân công lao đó của tiền nhân Việt. Và không có một sự tri ân nào của dân Việt đối với tiền nhân Việt thành kính hơn là biết trân trọng 4 chữ Tổ Quốc Việt Nam. 
Tương lai của một dân tộc được củng cố bởi giá trị của cội nguồn cùng sự truyền thừa liên tục. Và không có một sự nối kết nào từ quá khứ khởi sinh của dân tộc tới hiện tại và tương lai của dòng sinh mệnh Việt mạnh mẽ hơn là 4 chữ Tổ Quốc Việt Nam. Vậy mà, những đứa con vong bản và bội tình, những kẻ cầm quyền đang thao túng đất nước, đã đem cái thứ TỔ QUỐC XHCN để thẳng tay phủ nhận Tổ Quốc Việt Nam lại còn dám tráo trở mạo nhận hai chữ “nhân dân.” 
Nói tóm lại ngài Tô Lâm đã xác định một sự thật không thể chối cải là ĐCSVN và những kẻ cầm quyền hiện nay đã từ bỏ Tổ Quốc Việt Nam truyền thống. Với họ, họ đã có một tổ quốc kính yêu khác là TỔ QUỐC XHCN, nơi đó có tổ tiên của họ là Các Mác và Lê Nin. 
SỰ THẬT THỨ SÁU: 
“Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân”.  Ngài Tô Lâm đã khẳng định là người dân chỉ được an toàn trong giới hạn của những thứ quyền do chính họ ban phát và chỉ được hưởng những lợi ích do chính họ bố thí. Đòi hỏi những thứ vượt ngoài “vòng đai ban phát” thì mọi sinh mạng đều là “cá nằm trên thớt”.  Đối với ĐCSVN và những kẻ cầm quyền hiện nay, không có cái gọi là “quyền đương nhiên của con người” và cũng không có cái gọi là “bình đẳng lợi ích cho mọi công dân”.  Hai chữ nhân dân chỉ là ngôn ngữ bình phong để che đậy sự thật là cả một khối lớn dân tộc bị đối xử bất công, cả một khối lớn dân tộc bị chà đạp và khinh miệt bởi những người cầm quyền có cùng màu da và tiếng nói, và cả một dân tộc bị giam hãm ngay trên đất nước mình bởi một định hướng ngoại lai gọi là XHCN và bởi một nhóm người gọi là thành phần lãnh đạo của ĐCSVN. 
Còn nhiều sự thật nữa trong bài viết của Tô Lâm. Nhưng thiết nghĩa chỉ với 6 sự thật này cũng đã đủ để cho chúng ta nhìn ra “nanh vuốt” của ĐCSVN và những kẻ cầm quyền hôm nay. Và trong thế giới này chúng ta chỉ có hai sự chọn lựa: tự mình tham gia định hình cái xã hội mà mình đang sống hoặc là tiếp tục để cho kẻ xấu ác áp đặt. Sự chọn lựa là của mỗi người.

Friday, March 15, 2013

Lại thêm vài cái đầu bã đậu - Khỉ cũng chào thua!

"Xin hãy chỉ cho tôi có quốc gia nào trong số 200 quốc gia trên thế giới quân đội không phục vụ một chính đảng? Tính phục tùng của quân đội là tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện. Việc phục tùng chính đảng và nhà nước là nguyên tắc của tất cả các quân đội. Nếu phi chính trị hóa thì quân đội sẽ chỉ là đội quân nhà nghề, phi chính nghĩa, tự hạ thấp mình thành “Thiên lôi chỉ đâu đánh đấy” và trở thành thứ robot vũ lực chứ không phải là đội quân có đầu óc". - Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ (Viện Chiến lược quốc phòng).
"Hiến định quân đội trung thành với Đảng không phải là điều đặc biệt đối với Việt Nam. Ở nhiều quốc gia, ngay cả láng giềng của Việt Nam, quân đội không chỉ phải thề trung thành với đảng mà còn phải thề trung thành với lãnh đạo của đảng, với tên cá nhân cụ thể" - Tiến sĩ Cao Đức Thái.

Phi chính trị, quân đội sẽ chỉ là 'robot vũ lực' 
Nguyễn Hưng (VnExpress) - “Nếu phi chính trị hóa thì quân đội sẽ chỉ là đội quân phi chính nghĩa, tự hạ thấp mình thành "thiên lôi chỉ đâu đánh đấy” hay là thứ robot vũ lực chứ không phải đội quân có đầu óc nữa", thiếu tướng Bùi Phan Kỳ nói.
Góp ý tại cuộc tọa đàm về sửa đổi Hiến pháp chiều 13/3, thiếu tướng Bùi Phan Kỳ (Viện Chiến lược quốc phòng) cho rằng, lực lượng vũ trang là công cụ bạo lực sắc bén nhất để bảo vệ lợi ích thiết thân của chủ thể đã tổ chức ra. Trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu là sự trung thành. Điều này đã được lịch sử chứng minh từ thời phong kiến. 
Trước những ý kiến về việc "phi chính trị hóa quân đội", cho rằng quân đội chỉ phải trung thành với tổ quốc, ông Kỳ lập luận: "Xin hãy chỉ cho tôi có quốc gia nào trong số 200 quốc gia trên thế giới quân đội không phục vụ một chính đảng? Tính phục tùng của quân đội là tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện. Việc phục tùng chính đảng và nhà nước là nguyên tắc của tất cả các quân đội. Nếu phi chính trị hóa thì quân đội sẽ chỉ là đội quân nhà nghề, phi chính nghĩa, tự hạ thấp mình thành “Thiên lôi chỉ đâu đánh đấy” và trở thành thứ robot vũ lực chứ không phải là đội quân có đầu óc"
Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ. Ảnh: N.Hưng.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Cao Đức Thái (nguyên Viện trưởng viện nhân quyền, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, thực tế đã chứng minh quân đội không thể đứng ngoài chính trị. Theo ông, quân đội không phải là một lực lượng chính trị tự lập, không phải là một nhánh quyền lực. 
Trong các cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội ngày nay, quân đội luôn là đối tượng để các lực lượng chính trị tranh thủ, lôi kéo nhằm biến thành công cụ giành giật chính quyền. Và có một phương thức là "đảo chính mềm" thông qua thay đổi nội dung căn bản của Hiến pháp mà thay đổi chế độ. "Ở Việt Nam chính là nhắm vào điều 4 và điều 70 dự thảo Hiến pháp. Đây là thực tiễn mà tôi nghĩ ta không thể né tránh", ông nói. 
Dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân" đồng thời đặt trong bối cảnh chính trị quốc tế và trong nước hiện nay, tiến sĩ Thái cho rằng, hiến định về nhiệm vụ của quân đội như điều 70 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi không chỉ phù hợp mà còn cần thiết. 
"Hiến định quân đội trung thành với Đảng không phải là điều đặc biệt đối với Việt Nam. Ở nhiều quốc gia, ngay cả láng giềng của Việt Nam, quân đội không chỉ phải thề trung thành với đảng mà còn phải thề trung thành với lãnh đạo của đảng, với tên cá nhân cụ thể", ông nói. 
Tiến sĩ Cao Đức Thái. Ảnh: N.Hưng.
Vị tiến sĩ này cũng phân tích thêm rằng, trong bối cảnh diễn ra sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thì sự trung thành với Đảng lúc này là trung thành với đường lối xây dựng và bảo vệ tổ quốc; trung thành với cương lĩnh, đường lối gắn liền độc lập với CNXH của Đảng. Sự trung thành đó còn là ủng hộ những cán bộ, đảng viên ở các ngành, các cấp kiên định mục tiêu xây dựng xã hội XHCN đồng thời kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lợi ích nhóm. 
Còn theo trung tướng Nguyễn Ngọc Hồi, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân, quy định về nhiệm vụ của lực lượng vũ trang như dự thảo phù hợp yêu cầu pháp lý, nhất là phù hợp với tình hình các thế lực chống phá diễn biến hòa bình, thể hiện tư duy xây dựng nhà nước pháp quyền. 
"Hiến định này được xác định bằng 69 năm trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam luôn trung thành với Đảng chứ không phải bây giờ mới cần đến", ông nói.
Điều 70 dự thảo sửa đổi Hiến pháp (sửa đổi, bổ sung điều 45): "Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế".

Thursday, March 14, 2013

Chuyện cô gái Việt bị lừa sang Nga làm gái mại dâm

Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) và Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới tại Châu Á (CAMSA) vừa quyên góp được hơn $10,000 trong dạ tiệc Góp Một Bàn Tay, tổ chức tại nhà hàng Seafood Palace 2, Westminster, hôm Thứ Bảy, để giúp người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan, Malaysia và nạn nhân tệ nạn buôn người ở Châu Á. Có mặt ở buổi tiệc này, phóng viên Ngọc Lan của nhật báo Người Việt được Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, cho biết chuyện một cô gái, tên là Huỳnh Thị Bé Hương, bị lừa sang Nga làm việc trong một ổ mại dâm, do một người phụ nữ tên Thúy An, biệt hiệu là An Ộp, cầm đầu. Phóng viên Ngọc Lan đã liên lạc với nạn nhân, hiện ở Việt Nam, để biết thêm chi tiết sự việc.

Ngọc Lan (NV): Vì sao em lại đi qua bên Nga?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Khoảng Tháng Mười, 2011, em có quen một đôi vợ chồng ở Kiên Giang. Cô đó nói có người em ở bên Nga làm karaoke và quán bar có thu nhập cao. Lúc đó gia đình em cũng có một số khó khăn, em cũng cố gắng đi làm giúp cho gia đình. Cô ấy đã hướng dẫn em làm thủ tục giấy tờ để sang Nga làm, mà làm karaoke, quán bar chứ không phải làm gái mại dâm. Em nghe vậy nên em đi.
Cô Huỳnh Thị Bé Hương, nạn nhân bị lừa sang Nga làm gái mãi dâm. (Hình: Machsong.org)
NV: Em có phải tốn tiền nhiều không?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Dạ, $4,000. Lúc em đi người ta không lấy tiền của em. Người ta nói giúp qua đó làm mỗi tháng lương sẽ trừ lại sau.
NV: Khi em qua Nga rồi thì như thế nào?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Ngày 29 Tháng Mười Hai, 2011, em đi. Ngày em xuống sân bay ở Nga thì bà An đón em về nhà. Ngay ngày hôm đó em đã bị bà ép buộc làm gái mại dâm.
NV: Cảm xúc của em ngay lúc đó là gì?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Em sợ lắm. Trước giờ ở Việt Nam thì em chỉ xem qua phim, nghe báo đài nói thôi chứ chưa bao giờ em nghĩ em sẽ rơi vô hoàn cảnh đó. Em hoảng loạn tinh thần luôn.
Có mười mấy cô gái Việt Nam ở chung nhà đã qua trước và làm việc trước em, nói với em, “Thôi ngoan đi, lỡ như vậy rồi, lúc đầu đi tui cũng giống như bà thôi, tui cũng đâu có biết qua bên đây làm vậy đâu. Giờ nếu bà không làm việc nó đánh bà.” Em đã chứng kiến và em đã bị đánh nếu em không ngoan làm việc.
NV: Chuyện tiếp theo sau nữa là như thế nào?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Mỗi ngày em đều làm việc. Lúc đầu em kén lắm, vì em không chịu tiếp khách. Nào giờ ở Việt Nam em đâu có bao giờ đi tiếp khách nên em đâu có biết cách chiều chuộng để làm vừa ý đâu. Có người mắng vốn đến tai bà thì bà đánh em, bà chửi em. Em thấy cuộc đời em mông lung, không bao giờ biết được ngày về với gia đình hay là một cái gì đó gọi là tương lai. Em chỉ biết ở với bà làm sao để mỗi tháng có thu nhập đủ tiền ăn tiền nhà, để bà không đánh em, không chửi em, để tinh thần em đỡ hơn chứ bà áp lực dữ lắm.
Ngày nào bả cũng áp đảo cả tinh thần lẫn thể xác. Em rất là mệt mỏi. Em sợ hãi lắm.
NV: Em không liên lạc được với gia đình sao?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Dạ không. Em ở trong nhà đó 24/24 đều có những người làm việc cho bà, để cai quản trong nhà. Tụi em không được xài điện thoại hay làm bất cứ điều gì có liên quan đến gia đình.
NV: Ðến khi nào em có ý định trốn thoát khỏi đó?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Trong một năm mấy qua có nhiều lần em dự định bỏ trốn vì những trận đòn bà đánh em nhiều quá, rồi làm cả một năm mà em không có tiền gửi về cho con. Em có suy nghĩ một ngày nào đó em có cơ hội em phải bỏ trốn thôi mà không biết có ai giúp được mình hay không. Cũng có những người khách em tiếp, họ thấy mặt mày em bầm, tay sưng, họ cũng chia sẻ, hứa giúp nhưng mà em không dám tin vì em biết thế lực của bà rất là mạnh cho nên em không dám.
NV: Những người khách đó là người Nga hay người Việt?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Những người đó toàn là khách Việt Nam không à.
NV: Bằng cách nào em được sự giúp đỡ để trở về nhà?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Hôm đó ở nhà còn lại 4 đứa, là Lê Thị Thu Linh, Lê Thị Ngân Giang, Nguyễn Phạm Thái Hà và em. Con bé Hà là con bé chưa đủ tuổi vị thành niên. Em nói với tụi nó, “Ý chị thì chị sẽ không bao giờ ở đây, giờ chị không bỏ trốn thì sau này chị cũng sẽ bỏ trốn.” Tụi nó đồng lòng với em là cùng nhau bỏ đi hết. Trong lúc bỏ đi, em có gọi điện thoại cho người khách quen nhờ ông kêu cho taxi chở đến đại sứ quán. Khi tụi em lên đến đại sứ quán thì tụi em không dám vô vì tối hôm đó là Thứ Bảy. Tụi em nghĩ là đại sứ quán không làm việc. Mà trong thời gian sống với bà ấy tụi em biết bà là người có thế lực lắm vì đại sứ quán cũng là người của bà.
NV: Làm sao em biết những người ở đại sứ quán là người của bà An?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Tại vì thời gian qua cũng đã có nhiều người bỏ trốn rồi, và bà cũng có liên lạc với đại sứ quán để bắt về đủ các cách các kiểu hết đó. Tụi em ra ngoài đại sứ quán, đại sứ quán không giúp, tụi em trốn tám ngày bị bà moi về, rồi bà đến bà bắt về đúng một cái một luôn.
NV: Tám ngày đó tụi em ở đâu?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Tụi em diễn tả cho đến khi ông chạy taxi Tây hiểu tụi em cần có chỗ nghỉ ngơi. Taxi đưa đến nhà đó ở một ngày $100. Trong thời gian ở tạm đó, em liên lạc về với mẹ em ở Việt Nam và chị em bên Mỹ nhờ giúp đỡ.
Có người cho em số của ông Nguyễn Ðông Triều ở đại sứ quán. Hai ngày trước khi bị bắt lại, em có gọi cho ông, nói rằng tụi em là bốn đứa trong số gái mại dâm mới trốn thoát, đang cần đại sứ quán giúp đỡ để chúng em được an toàn và giúp đỡ để chúng em về Việt Nam.
Nghe vậy ông mới hỏi là “Ðộng nào? Ở đâu? Biết người chủ đó tên gì không? Có biết hỏi quê quán người ta ở đâu không? Bây giờ nhờ ai viết một cái thư để tường trình hết mọi việc là cô gái này quen biết như thế nào và tại sao lại sang Nga rồi gửi lên cho đại sứ quán nhận được thì mới giúp đỡ.” Ông Triều còn nói “ai đưa sang thì kêu người đó đưa về.” Ông nói thờ ơ như vậy đó.
Tụi em đi trốn mà, luôn cả tiếng còn không biết nói, đường cũng không dám đi ra nữa thì làm sao mà viết được cái thư đó gửi lên? Ðâu có nhờ được ai đâu! Chỉ biết nằm đó chờ bên phía Việt Nam và chị em ở Mỹ giúp đỡ thôi.
Sau khi em gọi điện thoại cho ông Nguyễn Ðông Triều xong thì hai ngày sau em bị bà An bắt lại.
NV: Ðiều gì xảy ra khi em bị bắt lại?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Trên xe bà chửi ầm lên, bà nói để đó từ từ bà xử sống không yên, mà chết cũng không xong, chứ không có dễ dàng gì tha cho. Lúc bắt về bà không đánh em liền vì có lời hứa với anh em gì đó của bà.
Khi về, bà bắt bốn đứa em chia nhau lau nhà, nấu cơm, không ăn lương. Bà nói đó là bà phạt hành chánh. Xong rồi đụng chuyện gì là bà đánh.
Khoảng thời gian đó thì người đàn ông đã âm thầm giúp đỡ lúc em đi trốn có gọi điện thoại về nhà mẹ em báo cho mẹ em biết em đã bị bắt lại rồi.
Bà An điều tra ra được ở nhà mẹ em có làm đơn thưa kiện bà để đòi người về nên bà bắt em gọi điện thoại về khống chế mẹ em là phải đi lên tỉnh rút đơn về không được thưa nữa.
Rồi bà bắt em lên đại sứ quán gặp ông Nguyễn Ðông Triều tường trình lại mọi việc, đính chính lại cho bà là sự thật không phải là như vậy. Rồi bà có hứa với mẹ là cho em về nhưng bắt chị Danh Hui ở Mỹ phải viết thư lên báo đài xin lỗi bà thì bà mới cho em về.
Trong thời gian em bị bắt lại khoảng 20 ngày sau trước khi bà trả em về Việt Nam thì bà có áp đảo tinh thần em, đánh đập em dữ lắm. Rồi cho đàn em đánh em nữa. Bốn đứa em đều bị đánh hết.
NV: Bà An làm gì khi biết mẹ em làm đơn thưa ở Việt Nam và chị em ở Mỹ nhờ sự can thiệp của tổ chức BPSOS của ông Nguyễn Ðình Thắng?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Khi bả nghe là nhà em ở bên Mỹ đã thưa kiện bà lên báo đài nên bà cũng sợ. Bà bắt em gọi điện thoại nhắn tin cho chị em và kêu chị em đã làm như thế nào thì giờ làm trái ngược lại như vậy. Bà bắt em đính chính, bắt em viết đơn, bắt cả nhà viết một giấy cam kết là em sang Nga làm việc cho bà là tự nguyện chứ không có sự ép buộc nào hết. Mỗi tháng được hưởng lương sòng phẳng rõ ràng, cả nhà cũng viết và ký tên. Bà giữ và mang những giấy đó lên đại sứ quán Việt Nam gửi lên đó. Chị em không chịu làm, bà đe dọa sẽ bắt cóc con em ở Việt Nam, hại mẹ em, và sẽ cho người bên Mỹ xử lý chị em nữa. Bà nói với em là không làm gì được bà đâu vì bà có rất là nhiều tiền. Bà còn đòi bỏ tù em ở Nga.
NV: Tại sao bà An lại chịu cho em về?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Vì gia đình em đã làm ầm lên hết rồi thì bà sợ nên bà mới trả em về. Bà bắt em kiếm tiền ở Việt Nam cho đủ $850 mua vé về. Chị em đã gửi bài báo thứ ba cho bà, bà nhận được bài báo bà mới sợ quá, bà hoảng quá, nên hôm nay nhận được thì ngày mai bà trả em về.
Bà đưa em lên đại sứ quán ở đó một ngày. Bà nói đủ điều, dỗ ngọt em đủ điều hết, rồi bắt em làm tờ tường trình theo lời ông Phương ở trên đó. Kêu em viết vô là có lời cám ơn bà An và đại sứ quán Việt Nam đã tạo điều kiện giúp đỡ tiền vé cho em về Việt Nam. Rồi xin nhà báo RFA có lời đính chính là sự thật bà không có như vậy, mà có người đã vu khống...
NV: Em có viết không?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Em có viết. Em viết và em đã ký tên. Nhưng khi em về Việt Nam rồi thì em có nói với chú Thắng là những đơn ở bên đó em ký như thế nào thì khi em về Việt Nam em sẽ đính chính lại hết. Vì khi đó em còn ở trong tay bà, bà đã khống chế em làm những chuyện như vậy, bắt buộc em làm thì em phải làm. Giờ em về Việt Nam, em an toàn rồi thì em sẽ đính chính lại mọi việc hết, em sẵn sàng làm bất kỳ điều gì để cứu những người còn lại ở bên đó.
NV: Em có muốn nói điều gì đó với những cô gái trẻ có thể phải bước vô con đường như em không?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Sau sự việc như vậy em cũng xin gửi lời đến những chị em gần xa cũng độ tuổi như em đừng có nhẹ dạ cả tin như em mà bị người ta lừa bán sang nước ngoài, mà thành nạn nhân trong động mại dâm như vậy. Nếu không được giải cứu, hay có sự che chở của báo chí ở Mỹ, như chị em đã làm, thì cũng sẽ không được về đâu, không được may mắn như thế đâu.
Em cũng nghĩ em là trường hợp may mắn. Em cũng xin gửi lời đến các chị em gần xa nghe được câu chuyện của em rút ra một kinh nghiệm cho mình, để đừng mắc phải sai lầm giống em nữa.
NV: Cám ơn em kể lại câu chuyện này.
***
Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng nói, “Ðể tiếp tục thực hiện việc giải cứu 13 cô gái còn lại, hiện tại chúng tôi phải dùng những phương tiện rất công khai. Vì họ đã bắt những nạn nhân làm con tin rồi thì bây giờ mình phải công khai hóa để họ không thủ tiêu và để đẩy lùi sự bao che của một số nhân viên tòa đại sứ Việt Nam.”
“Ðây là trường hợp rất hy hữu vì bình thường các cuộc giải cứu đều phải hết sức âm thầm, bất ngờ nhưng riêng cuộc giải cứu này lại rất là công khai, nói trước,” ông nhấn mạnh.
Nói về những việc mới nhất mà BPSOS và CAMSA làm được trong thời gian gần đây, Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng cho biết, “Công việc mới nhất mà chúng tôi đang thực hiện là nỗ lực giải cứu 15 phụ nữ trẻ, trong đó lớn nhất là 25 tuổi và nhỏ nhất là 16 tuổi, bị lường gạt và đưa sang Nga bán vào một ổ mại dâm, mà mọi người đang theo dõi.”
BOSOS và CAMSA vẫn tiếp tục đón nhận những đóng góp, yểm trợ của đồng bào. Mọi sự quyên góp xin gửi về: BPSOS/CAMSA, PO Box 8065, Falls Church, VA 22041.

Monday, March 11, 2013

Cơ cực nghề mò cua bắt ốc

Trên quốc lộ 1A Bắc-Nam ở Việt Nam, dường như cả 3 miền đều có những người đứng ven đường với một bao đựng ốc chừng vài kí lô bên cạnh, dáng đứng mệt mỏi.
Em nhỏ này mỗi ngày bán ốc kiếm được từ 20 ngàn đồng đến 50 ngàn đồng để mua gạo, mặc cho rét lạnh. Sáng 4 giờ đi bắt ốc, 6 giờ đi bán, có người đi bắt lúc 2-3 giờ khuya. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Ở đoạn Thăng Bình, Quảng Nam cũng có những người như thế này. Với thu nhập được chăng hay chớ, có ngày vài chục ngàn đồng, có ngày được gần trăm ngàn đồng. Nắng, mưa, gió bão, họ đều đứng bán, mặc cho rét lạnh và nguy hiểm.
Dung, 13 tuổi, học lớp 8, nhà ở Bình Lãnh, Thăng Bình, mỗi ngày đi học một buổi, một buổi còn lại đi bắt ốc ngoài ao, ruộng và lên đứng trên đường quốc lộ để bán ốc, Dung kể: “Ăn cơm xong là em chở bao ốc ra đây đứng bán, có ngày kiếm được cả mấy chục ngàn, có ngày đứng mãi mà không ai mua, lại mang ốc về nhà, mai lại ra bán...”
“Mấy cô chú, anh chị đứng bán ốc ở đây đều là nhà đông người, nhà nghèo, nếu giàu thì chẳng ai dại gì mà đi bán ốc, nguy hiểm lắm, đây là quốc lộ, đoạn này xe chạy ghê lắm, rồi lại bị công an rượt đuổi, mà không đứng chỗ này bán thì đứng đâu, vì trên đường mời có khách qua lại mà mua, món này là món nhậu, vào chợ bán khó lắm!”
Gần chỗ Dung đứng, có thêm sáu, bảy người nữa cũng bán ốc, già có, trẻ có, chị Tuyết, 40 tuổi, đứng bán ốc ở đây gần ba năm để nuôi người chồng bị tai biến mạch máu não và ba đứa con nhỏ, tâm sự: “Nghề bán ốc chỗ này rất ngẫu nhiên, ban đầu, cách đây bốn năm, ông Hùng đi làm ruộng về, ruộng nhiều ốc bươu, ốc vàng quá, ông diệt ốc vàng và bắt ốc bươu mang về, về đến chỗ này đây, mệt quá, ông đứng nghỉ ngơi, xe tải dừng lại hỏi mua. Ngày mai ông làm thử, vẫn bán chạy, từ đó ông bán ốc luôn”.
“Lúc ông Hùng bán ốc, ruộng đồng còn nhiều ốc lắm, nó phá lúa tàn bạo, còn bây giờ, ốc hiếm rồi, nhưng dù sao thì vẫn có để bán, cứ một năm mình đi bán ba tháng, vào những ngày gặt hái xong, đồng ruộng mênh mông nước, mình lại ra đồng bắt ốc về bán, mỗi ký ốc bán được mười lăm ngàn đồng, giá như vậy là rất ngon, dễ sống”.
“Nếu không nhờ vào ốc, có lẽ gia đình mình không có cái để ăn, vì quá khó khăn, ốc đã cứu gia đình mình. Trung bình mỗi ngày kiếm được từ 50 đến 70 ngàn đồng, cũng đủ để mua thuốc men, dầu mè mắm muối. Chứ nông dân như mình, không tài nào sống nổi nếu như chỉ dựa vào ruộng lúa!”
Cuộc sống của người nông dân miền Trung vốn nghèo lại thêm hết sức khó khăn trong năm vừa qua vì nền kinh tế khủng hoảng, vật giá tăng vọt, nhiều gia đình nông dân phải vay mượn tiền ăn Tết, đến mùa đong lúa cho chủ nợ. Trong dịp cuối năm, họ đứng từ sáng sớm đến chiều tối, mặc cho gió thốc, rét lạnh để đứng bán kiếm tiền.
Trong trang phục mỏng mảnh, phong phanh, ông Luyến, 70 tuổi, vừa bặp môi thuốc lá cho đỡ lạnh để đứng bán ốc, vừa lập cập kể: “Tui bán ốc được gần một năm ở đây rồi, mỗi ngày kiếm cũng được từ vài chục đến một trăm ngàn đồng, mỗi năm bán ba tháng, cũng tạm đủ tiền xoay xở trong những ngày ngồi không chờ lúa chín”.
“Tết năm nay khó khăn quá, cả vườn rau bán mua chưa được nửa ký hột dưa, nên tranh thủ bán càng nhiều càng có tiền tiêu Tết, sáng tôi dậy lúc hai giờ, đi ra ngoài đồng bắt ốc, lội xuống ao bắt ốc, chừng năm giờ thì về nhà ăn cơm, chuẩn bị đi bán, bán đến sáu, bảy giờ tối lại về nhà, trưa con mang cơm lên đường cho mình ăn”.
“Nhiều khi nghèo quá cũng sinh tội ác, bán ốc là làm ăn lương thiện, nhưng đôi khi bán ế quá, nhất là trong dịp Tết, mình nghe đài nói dịch heo tai xanh trong tỉnh là thấy mừng rơn vì mai đi bán ốc sẽ khá hơn, đôi khi mừng trên nỗi khổ của người khác, đó là cái ác của tâm hồn. Ðúng là đất nước nghèo sẽ sinh ra tội ác, nhiều khi nghĩ đến đau đầu, không hiểu tại sao mình lại như thế, trước đây mình đâu có vậy!”
Cụ bà tên Ngại, 85 tuổi, tai đã nghễnh ngãng, cũng ra ngồi bán ốc để đắp đổi qua ngày, bà kể: “Ở đây mấy người trẻ họ nhanh nhảu, bán mau hơn mình, mình già rồi, đi đứng khó nên cũng không siêng mời mọc, bán được ít. Thôi thì được bao nhiêu cũng tốt!”
“Mỗi ngày kiếm từ ba chục đến năm chục ngàn đồng, sáng già đi bắt ốc lúc bốn giờ, sau đó rửa ốc, về nhà ăn sáng, già sống một mình nên tối lại bắc nồi cơm, ăn một ít, sáng mai ăn cơm nguội đi bán, mình già rồi, cũng chẳng tha thiết gì nữa. Nhưng cũng không để phải ra thân ăn xin, còn kiếm cơm được thì cứ kiếm, năm sau mình được nhận tiền trợ cấp xã hội mỗi tháng 180 ngàn đồng (tương đương $9), cũng đỡ chút đỉnh”.
Nhiều em nhỏ phải nghỉ học đi bán ốc phụ giúp gia đình. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
“Mình bán mấy ngày này, để dành tiền cho những ngày đau ốm, hết gạo. Sống một mình buồn lắm, ra đứng bán ốc, nhìn người khác bán trúng mánh cũng vui lắm, mình cứ nghĩ họ là anh em, con cháu mình, cũng nghèo khổ như mình, nên khi họ bán được là mình thấy hạnh phúc, nhờ vậy mà sống khỏe, sống thọ ra!”
Nói xong, cụ Ngại cười móm mém, mắt ánh lên tia hạnh phúc.
Buổi chiều, trời mưa long nhong, rét lạnh, ngồi bên lề đường, nhìn những người bán ốc ngồi thu lu, mắt dõi về chốn xa xăm nào đó, một cảm giác chạnh buồn và ớn lạnh thoáng qua thịt da, không hiểu vì sao lại có cảm giác này.

Sunday, March 10, 2013

Viết nhanh vài dòng..

Hihi, Multiplier Effect trong nền KT VC bị xơ cứng:
http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/...244617ca34.chn

Vòng quay Cung Tiền bị chậm hẳn lại, "tiền ở đâu, để đó" không động đậy tới 1 lần/năm!

Mà GDP = MS x VM, trong đó MS = Money Supply (cung tiền); VM = Velocity of Money (tốc độ xoay chuyển tiền tệ).

VM xuống thấp, thì GDP phải xuống thấp theo, trừ khi MS tăng cao hơn VM.

Nay Việt Cộng tự há miệng mắc quai: Cùng lúc họ nói VM xuống, cùng lúc họ nói GDP tăng.

Tức là họ công nhận MS (in tiền ra) tăng cực mạnh, để cho dù VM xuống, GDP vẫn tăng, và số tăng này chẳng qua là do IN TIỀN ra mà thôi, chứ tốc độ dòng tiền lưu chuyển (mua, bán) giảm hẳn đi.

Chẳng khác nào lực sĩ làm "bắp thịt nở nang" chẳng qua là do chích steroids, chứ SỨC MẠNH thật ra là GIẢM (vòng quay, số lần có thể cử tạ, là giảm).

-----------------------

GDP VN năm 2008, theo con số "chính thức" (tại VN, "chính thức" = giả dối), là 71,11 tỉ USD, năm 2012 là 123,961 tỉ USD:
http://www.tradingeconomics.com/vietnam/gdp

Trong 4 năm, theo tin "chính thức", GDP VN tăng 74%.

Trong khi đó, theo bài trên của Cafef, VM giảm từ 0,92 xuống 0,8.

Giải phương trình GDP = MS x VM:

1,74 = 0.87 x MS

=> MS = 2.

Như vậy, CUNG TIỀN đã tăng 2 lần trong 4 năm 2008-2012.

Và LẠM PHÁT luôn tỉ lệ thuận với cung tiền.

Ít nhất LẠM PHÁT tăng 200% trong 4 năm, từ 2008 tới 2012.

Dân chúng nếu thu nhập không tăng 200% trong 4 năm đó, thì tức là SỨC MUA họ bị giảm theo cùng tỉ lệ.

Ví dụ, họ thu nhập năm 2008 là 2 triệu/tháng, năm 2012 thu nhập 3 triệu/tháng, tăng 150%. Thì tức là SỨC MUA họ giảm 50%.

--------------------------

Năm 2013, VM còn giảm thêm, do nay KT trì trệ, bị stagnation.

Giảm bao nhiêu, thì phải tăng MS cùng tỉ lệ, chỉ để GDP giữ nguyên.

Muốn tăng GDP 5%, thì phải tăng MS hơn 5% so với số VM giảm đi.

Ví dụ, VM giảm 10%:

1.05 = 0.9 x MS
MS = 1.167

Phải tăng MS 16,7% để tăng GDP 5% trong trường hợp VM giảm 10%.

Và tăng MS 16,7% sẽ làm tăng LẠM PHÁT cao hơn số này.

--------------------

Bài toán khác, nay VC muốn tăng GDP 5%, lạm phát dưới 6%.

Như vậy:

1.05 = VM x 1.06
VM = 0.9905.

VM phải giảm dưới 1%, tức là tốc độ xoay vòng của dòng tiền chỉ có thể giảm 1% so với năm 2012.

Nhưng các bạn chỉ cần nhìn xung quanh là thấy dòng tiền xoay chuyển chậm chạp thế nào, ngay cả so với cách đây vài tháng.

Theo tôi, dòng tiền xoay chuyển chậm ít nhất 20% so với năm ngoái, tức là năm nay VM không tới 0,7.

Như vậy, muốn GDP tăng 5%, thì VC phải tung cung tiền ra THÊM ít nhất 25% so với năm ngoái, và thế là LẠM PHÁT sẽ là 25%, khó ít hơn.

Không thể vừa giảm lạm phát, vừa tăng GDP, trong hoàn cảnh nền KT trì trệ hiện nay.

VM sụt, MS sụt, thì không làm sao GDP tăng được.

Gian mưu quỷ kế để chuẩn bị bắn bỏ người biểu tình chống CP, mà chính VC nhận định rằng sẽ xảy ra trong thời gian tới.

Đây là để chống người biểu tình:

http://vneconomy.vn/2013030902013269...the-bi-ban.htm
"...Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe thì người thi hành công vụ được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm..."

Nổ súng bắn ăn cướp có vũ khí thì xưa rồi, đâu cần luật mới.

Chú ý, luật mới KHÔNG nói đến việc người "vi phạm" có vũ khí hay không.

Chỉ cần "có căn cứ để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe" là đủ cho công an "được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm".

"Hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe" có thể diễn dịch là người biểu tình và công an xảy ra xô xát, công an bị té ngã, bị đấm, hoặc bị tổn thương sức khỏe TINH THẦN.

Và như vậy, công an có quyền "ĐƯỢC NỔ SÚNG TRỰC TIẾP VÀO NGƯỜI VI PHẠM".

KHÔNG HỀ NHẮC ĐẾN VIỆC NGƯỜI VI PHẠM CÓ VŨ KHÍ HAY KHÔNG.

Ví dụ như đánh tay, bạt tai, cũng có thể bị bắn bỏ.

Xô công an té, cũng có thể bị bắn bỏ.

Đưa nắm đấm lên dọa, cũng có thể bị bắn bỏ.

Đây là gian mưu quỷ kế để chuẩn bị bắn bỏ người biểu tình chống CP, mà chính VC nhận định rằng sẽ xảy ra trong thời gian tới.

Friday, March 8, 2013

Không ưng được đổi lại

Khán giả ti vi ở Pháp sẽ được coi một chương trình đặc biệt vào tối ngày mai, một phóng sự hình ảnh về đề tài, nạn mua bán đàn bà Việt Nam đưa sang Trung Quốc (Les Branches esseulées: Trafic de femmes vietnamiennes en Chine).
 Tựa đề “Les Branches esseulées” dịch nguyên văn hai chữ Hán mà người Tầu phiên âm là “Guang-gun,” đọc lối Hán Việt là “Quang Côn.” Quang là sáng, cũng nghĩa là trống trải, như khi ta nói “phong quang, quang đãng.” Côn là cây gậy, có thể dùng để đánh nhau, “Côn quyền ra sức lược thao gồm tài” (Truyện Kiều). Quang côn là cây gậy trơ trụi, là cành cây không lá không hoa. Trong từ điển Hán Việt ghi nghĩa thông dụng nhất của từ này: Quang côn là đàn ông con trai chưa có vợ, độc thân, thường gọi là ế vợ.
Hai nhà báo công ty truyền thông CAPA, Patricia Wong và Gaël Caron, đã bỏ mấy tháng trời theo dõi một chàng trai người Trung Hoa đi mua vợ ở tận vùng gần Sài Gòn, Việt Nam, cách xa làng anh ta 3,500 cây số. Tên anh ta là Xiao Lu, 30 tuổi, chưa có vợ bao giờ. Anh làm công nhân đồn điền trà, ở một làng tên là Ting Xia. Tìm trong các mạng ở Trung Quốc thấy có làng trồng trà có tiếng tên là Thôn Ðình Hạ. Chương trình Quang Côn này sẽ được chiếu trên đài France 2 vào tối Thứ Năm, ngày 7 Tháng Ba 2013 này. Hai nhà báo đi theo anh Xiao Lu trên con đường thiên lý tầm thê đó. Nhưng bài phóng sự cũng mô tả chung nạn mua bán đàn bà con gái từ các nước Việt Nam, Lào, Miến Ðiện và Indonesia, đưa sang Tàu.
Trước đây đã nhiều nhà báo viết về nạn buôn phụ nữ Việt Nam bán sang Tàu, như trên tờ Wall Street Journal đã kể câu chuyện một cô quê ở Nam Ðịnh bị bán sang Quảng Ðông. Cô phải sống ở một làng miền núi, bị gia đình chồng và cả hàng xóm của họ canh giữ nghiêm ngặt không cho trốn đi. Sau cố lén gửi được thư cho gia đình tại Việt Nam, rồi một người anh trai lặn lội đi tìm được làng cô ở và bày mưu cứu cô về. Năm 2004 hai tác giả Valerie Hudson và Andrea den Boer viết cuốn sách tiếng Anh mang tựa đề “Bare Branches,” Cành Trụi, dịch sát hai chữ Quang Côn, trình bày tình trạng nhiều đàn ông ở nước Tầu ế vợ, do nhà xuất bản Ðại Học MIT in.
Bản tin loan báo chương trình Quang Côn, Les Branches esseulées, cho biết những “cô dâu” được “nhập khẩu” qua Tàu, trên nguyên tắc để làm vợ cho các quang côn, những cành cây trụi lá; nhưng họ được đem bán như bán nô lệ. Sớm muộn họ sẽ chạm mặt với thực tế phũ phàng, khác hẳn những gì được ông chồng tương lai hứa hẹn. Họ sẽ lao động cực nhọc ở các làng quê hẻo lánh, ngoài việc lo sinh đẻ. Nhiều cô dâu đã tìm đường trốn đi, nhiều cô đành chịu đựng số phận.
Hai nhà báo Patricia Wong và Gaël Caron bắt đầu chương trình với cảnh mua vợ của Xiao Lu tại vùng phụ cận Sài Gòn. Các quang côn được tập trung tại một khách sạn; họ bị ngăn cản không cho đi đâu, vì bọn lái buôn đã tịch thâu giấy thông hành, hộ chiếu của họ. Rồi họ được đi xem mặt hàng, là các cô gái Việt Nam tuổi ở 20. Một chuyến đi mua vợ như vậy tốn khoảng 5,000 đồng Euro, vào khoảng 8,000 đô-la Mỹ; những cô còn trinh được trả giá cao hơn. Giống như các siêu thị và cửa hàng bách hóa lớn ở Mỹ, khách tiêu thụ không hài lòng với các “món hàng” này có thể đem đổi lấy món hàng khác tương đương, “échangeable” trong nguyên văn. Bọn buôn người gồm cả người Tàu và người Việt.
Trong gian phòng khách sạn, nhà báo quay cảnh Xiao Lu gặp cô dâu tên là Thu Yến, một cô gái quê sợ sệt, nhút nhát. Hai người không thể nói chuyện gì với nhau cả vì ngôn ngữ bất đồng. Tất nhiên không ai mở miệng nói đến chữ “yêu.” Mấy ngày sau, họ về làng của cô gái ở vùng đồng bằng sông Cửu Long làm lễ cưới, một nghi lễ không có giá trị pháp lý. Sau đám cưới, bà mối người Tàu tên là bà Vương (Wang) đưa cho Thu Yến hộ chiếu với visa nhập cảnh Trung Quốc. Mấy ngày sau, Thu Yến về đến nhà chồng, ở một làng trong một thung lũng hẻo lánh; mọi người chung quanh nói thứ tiếng cô không hiểu được.
Trung Quốc có rất nhiều đàn ông ế vợ, một phần vì chính sách của Mao Trạch Ðông chỉ cho phép mỗi cặp vợ chồng có một đứa con, áp dụng cho phần lớn nhưng không phải tất cả dân Trung Hoa. Vì mong có con trai nối dõi, nhiều người đã giết chết các trẻ sơ sinh con gái, nhiều nhất là ở miền quê; gây ra cảnh trai thừa gái thiếu hiện nay.
Theo báo Nhà Kinh tế (The Economist, March 6, 2010), đầu năm 2010 Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc (CASS) đã tiên đoán trong mười năm nữa ở nước Tầu cứ năm (5) thanh niên đến tuổi cưới vợ sẽ có một chàng không thể tìm được cô nào để “rước về.” Con số này tính ra dựa trên tỷ lệ số trẻ em trai và gái sinh ra trong khoảng từ 5, 10 năm trước. Vào năm 2020 trong lớp tuổi 19 trở xuống, sẽ có từ 30 đến 40 triệu thanh niên “thặng dư” so với số phụ nữ độc thân cùng tuổi, nghĩa là họ không thể nào có vợ - trừ khi nhập cảng phụ nữ hoặc xuất khẩu đàn ông!
Ðể độc giả thấy rõ con số đó lớn hay nhỏ ra sao, báo Economist đã so sánh: Con số 40 triệu này lớn bằng tất cả số thanh niên cùng tuổi ở nước Mỹ vào năm 2020, có vợ hoặc chưa có vợ. Trong lịch sử loài người, trong thời gian không có chiến tranh, chưa bao giờ một nước nào trên thế giới lại “chứa” một lực lượng đàn ông độc thân và ế vợ cao đến thế. Nếu so sánh với Việt Nam thì con số 40 triệu đó cũng xấp xỉ một nửa dân số nước ta, tức là gần bằng tổng số người đàn ông, con trai người Việt, kể từ trẻ sơ sinh tới các cụ già.
Trong các xã hội bình thường, cứ 100 trẻ em gái sinh ra thì có từ 103 đến 106 trẻ sơ sinh con trai. Vì trẻ em con trai dễ bị chết yểu hơn con gái, cho nên khi chúng lớn lên đến tuổi lập gia đình thì số trai gái cao xấp xỉ bằng nhau. Nhưng tại nhiều nước hiện nay tỷ lệ 100 gái/105 trai không còn nữa. Trong những năm từ 1985 đến 1989, tỷ lệ nam nữ ở Trung Hoa đã chênh lệch thành 100/108, tức là 100 bé gái thì có 108 bé trai. Trong những năm từ 2000 đến 2004, tỷ lệ càng nghiêng lệch thêm, 100 bé gái sinh ra thì sinh 124 bé trai. Tại nhiều tỉnh ở miền Nam và Trung nước Tầu, tỷ lệ này lên tới 100/130 hay 140.
Tỉnh Quảng Ðông, ở sát nước ta, là nơi cứ 100 em gái ra đời thì có 120 em trai. Ðến năm 2025, 2030, cứ 100 cô gái sẽ có 120 cậu trai muốn cưới làm vợ. Nếu trong mươi năm tới ở tỉnh trù phú nhất Trung Quốc này, mà có độ dăm, mười triệu thanh niên ế vợ, thì có ảnh hưởng gì tới xã hội Việt Nam hay không?
Chương trình ti vi trên đài France 2 chắc sẽ làm các khán giả người Pháp kinh ngạc. Nhưng đối với khán giả người Việt Nam thì chắc đó cũng là một mối sỉ nhục. Trong lịch sử nước ta chưa bao giờ có cảnh phụ nữ được đem bày hàng để bán, với điều kiện “không hài lòng thì đổi” để tận tình phục vụ người tiêu thụ. Chỉ dưới chế độ “ưu việt” kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay mới biến các cô gái thành hàng hóa xuất khẩu như vậy. Nhưng sau khi cảm thấy tủi nhục, người Việt Nam còn lo ngại nữa.
Có một quy luật dân số học, trong quá khứ, nhận thấy rằng các nước nhiều thanh niên ế vợ thường hay gây chiến với lân bang. Khi dân số nước đó tăng lên nhanh hơn khả năng sản xuất, số thanh niên trai tráng nhiều hơn, đa số trong tuổi lao động bị thất nghiệp, quá nhiều người không thể nào kiếm được vợ vì thừa trai thiếu gái, thì chiến tranh có thể giúp giải quyết cả ba vấn đề một lúc: thất nghiệp, dân số đông, và đàn ông ế vợ. Chính quyền một quốc gia quá đông “quang côn” thấy đó là một cách giải quyết số đàn ông thặng dư. Nếu không, đám thanh niên “bức xúc” và bất mãn đó sẽ dùng thời giờ không làm việc để gây tội ác, hoặc quay ra làm cách mạng, nổi loạn chống chính quyền. Không phải cuộc chiến tranh nào cũng xẩy ra vì quá nhiều thanh niên ế vợ; nhưng trong một xã hội mà số đàn ông thặng dư đông quá thì, khi kinh tế suy yếu, người cầm quyền thường gây chiến.
Ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình mới nhậm chức đã gia tăng ngân sách quân sự, tỷ số gia tăng lớn quá đến nỗi Bắc Kinh phải lên tiếng giải thích, khi nhiều quốc gia tỏ ý lo ngại. Ông Tập Cận Bình tăng ngân sách quốc phòng chỉ để mua chuộc các tướng lãnh Trung Quốc? Hay ông đang lo trước vấn đề do 35 triệu quang côn sẽ gây ra trong mươi năm sắp tới?

Monday, March 4, 2013

Nguyễn Phương Uyên - ốm và hốc hác - đã gặp luật sư

Phương Uyên rất ốm và hốc hác và nhà tù mới này khắc nghiệt và kham khổ hơn nhà tù ở trung tâm thành phố Tân An của tỉnh Long An. Phương Uyên mong muốn hỏi thăm sức khỏe gia đình của mình và được nộp đơn lên trường của Uyên để bảo lưu kết quả học tập, sau này khi ra tù thì sẽ đi học tiếp và mong ước nhà trường không hủy kết quả học tập cũng như học phí mà Uyên đã nộp cho nhà trường...

*
Nguyễn Phương Uyên đã gặp luật sư Nguyễn Thanh Lương hôm 26 Tết tức là ngày 6 tháng 2 năm 2013. 
Luật sư của Nguyễn Phương Uyên là Nguyễn Thanh Lương và Hà Huy Sơn - 2 luật sư gần đây tham gia bào chữa cho nhiều người liên quan đến điều 79 và 88 Bộ luật hình sự. 
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi chỉ có 10 phút trong trại giam của công an tỉnh Long An chỉ để xác minh yếu tố thủ tục pháp lý chứ hoàn toàn không có trao đổi gì ngoài việc làm thủ tục. Theo công an điều tra thì vụ án chưa có kết luận điều tra do đó những câu hỏi mà luật sư muốn trao đổi với thân chủ của mình phải viết ra giấy và nộp cho cơ quan an ninh điều tra. Phía an ninh sẽ duyệt các câu hỏi này xem câu nào họ cho phép được hỏi thì mới hỏi. Câu nào họ cấm thì đương nhiên luật sư không được hỏi. 
Cuộc gặp mặt này có 4 an ninh đi kèm và có máy quay phim cua an ninh giám sát từ đầu đến cuối. Luật sư không được hỏi mà an ninh điều tra lại hỏi Phương Uyên 3 câu: 
1. Từ đầu đến bây giờ thì phía công an có làm đúng thủ tục tố tụng hình sự hay không? Phương Uyên trả lời là "đúng"
2. Sức khỏe của Phương Uyên như thế nào? Phương Uyên trả lời là "được cán bộ trại giam chăm sóc tốt". 
3. Phương Uyên có bị đánh đập ép cung dùng nhục hình gì hay không? Phương Uyên ngần ngừ một hồi rồi trả lời "không"
Người quen của gia đình Phương Uyên nói cho chúng tôi hay là khi trả lời 3 câu hỏi của an ninh điều tra thì Phương Uyên không nhìn thẳng vào mặt luật sư. Và có vẻ là Phương Uyên chưa tin tưởng vào luật sư Nguyễn Thanh Lương là người đi bảo vệ quyền lợi cho cô. 
Trong lần gặp gỡ đầu tiên này các câu hỏi của luật sư nộp cho cơ quan an ninh điều tra chưa được "duyệt" nên luật sư chưa có trao đổi gì thêm với Phương Uyên. 
Phần Phương Uyên vì bị giam giữ trong nhà tù khắc nghiệt, chưa biết luật sư Lương là ai và lúc nào cũng có sự hiện diện của an ninh nên cũng chưa dám đặt trọn niềm tin vào luật sư của mình. 
Phương Uyên mong muốn hỏi thăm sức khỏe gia đình của mình. Riêng câu hỏi về bạn bè thì an ninh cấm không cho trao đổi. Mong ước của Phương Uyên là nộp đơn lên trường của em để bảo lưu kết quả học tập để sau này khi đi tù về thì em sẽ đi học tiếp và mong ước nhà trường không hủy kết quả học tập cũng như học phí mà em đã nộp cho nhà trường. 
Chúng tôi liên lạc với luật sư Nguyễn Thanh Lương để kiểm chứng nguồn tin này thì luật sư Lương cho biết là ông không thể trả lời chúng tôi được vì tính chất công việc và luật lệ ở Việt Nam khác với nước khác. Những vụ án đang trong quá trình điều tra thì rất khó khăn cho luật sư khi gặp thân chủ của mình. Đương nhiên những tài liệu và hồ sơ của vụ án thì luật sư không được tiết lộ cho bất kỳ ai. 
Chúng tôi cũng hỏi thăm bà Nhung là mẹ của Phương Uyên thì bà Nhung cho hay là vừa đi gởi đồ cho Phương Uyên về. Bà rất khó khăn phải đi từ Bình Thuận vào Long An nên buộc phải ở lại 1 đêm ở Long An và một đêm ở Sài Gòn. Bà Nhung cho hay là công an tỉnh Long An đã chuyển Phương Uyên đi ra nhà tù xa hơn trước nó nằm huyện giáp ranh với thành phố Tân An. Theo bà Nhung thì luật sư có cho bà biết là Phương Uyên rất ốm và hốc hác và có vẻ nhà tù mới này khắc nghiệt và kham khổ hơn nhà tù ở trung tâm thành phố Tân An của tỉnh Long An. Và công an tỉnh Long An cũng cho biết là hồ sơ đã được chuyển qua Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Long An. Bà Nhung và bà Liên -mẹ của Đinh Nguyên Kha đến VKSND tỉnh gởi đơn xin thăm gặp con thì cán Bộ tiếp dân là ông Huỳnh Văn Hoàng từ chối không cho thăm gặp. Ông Hoàng cũng cho bết hiện tại luật sư có thể tiếp cận Hồ sơ vụ án và Hồ sơ ở VKSND có thể sẽ kết thúc và chuyển sang Tòa án trước ngày 15/3/2013. Hai luật sư của Phương Uyên sẽ sắp xếp sớm tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ vụ án. 
Bà Nhung cũng cho hay là trong dịp tết vừa qua công an có dùng một cựu chiến binh đến nhà bà hành hung và vu vạ rằng con của bà là phản động. Nhưng bà Nhung đã phản ứng lại quyết liệt là con của bà đi tù vì yêu nước. Đặc biệt là rất nhiều hàng xóm và người dân đến ủng hộ và thông cảm cho gia đình bà. Tay cựu chiến binh này sau đó chuồn và im ru từ tết đến giờ. Bà Nhung cũng tỏ lòng biết ơn những người xa lạ chưa hề quen biết quan tâm thăm hỏi gia đình bà trong thời gian qua. Bà cũng thấy được an ủi và che chở trong hoàn cảnh lo lắng trăm bề khi con gái bị tù đày. 
Như vậy thì chắc chắn là cho đến nay thì Phương Uyên đã tiếp xúc được với luật sư của mình trong 10 phút ngắn ngủi và an ninh điều tra giám sát từ đầu đến cuối cuộc gặp gỡ này.

CA hành hung anh Lê Hoàng Tân sau khi dự sinh nhật Blogger Hoàng Vi

Anh Lê Hoàng Tân, người vừa ký tên vào Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do đã bị công an hành hung, cướp và phá hoại tài sản một cách hết sức thô bạo.
Lúc 16 giờ 30 chiều nay, 2/3/2013, sau khi tham dự tiệc mừng sinh nhật của blogger Hoàng Vi tại số 558 Bình Quới (P28, Q. Bình Thạnh), anh Lê Hoàng Tân khi ra về thì bất ngờ bị hai tên an ninh chìm lao vào hành hung và đập nát máy ảnh.
Theo ghi nhận, anh Lê Hoàng Tân đã bị hành hung hết sức dã man, hai tên công an chìm sau đó đòn cướp thẻ nhớ máy ảnh cùng chiếc ví của anh, trong đó có tiền bạc cùng một số giấy tờ tùy thân khác. Chiếc máy ảnh mà anh Tân dùng để chụp ảnh lưu niệm cũng bị bọn chúng đập nát.
Nhận được tin báo, mọi người lập tức kéo đến hỗ trợ cho anh Tân. Lúc này, hai tên côn đồ đã được nhận mặt là hai viên an ninh chìm, trước đó được cử theo dõi những người đến dự sinh nhật lần thứ 26 của Blogger Hoàng Vi.
Ngay sau đó, một chiếc xe công an cũng lập tức kéo đến để giải vây cho đồng bọn. Hai tên công an chìm thấy có chi viện nên ngày càng tỏ ra hung hăng, lớn tiếng đe dọa hành hung nhóm bạn của cô Hoàng Vi.
Lúc này, trước sự có mặt của một viên công an sắc phục tên Võ Minh Phương, anh Lê Hoàng Tân cùng mọi người đã tố cáo hành vi đánh người và cướp tài sản của hai tên côn đồ đang có mặt ngay đó. Tuy nhiên, viên công an sắc phục đã tìm cách ngăn cản và để cho hai tên công an chìm chuồn mất.
Lúc 18 giờ chiều cùng ngày, anh Lê Hoàng Tân cùng tất cả mọi người đã cùng nhau kéo đến trụ sở CA phường 28, quận Bình Thạnh để tố cáo và đồng thời yêu cầu làm rõ vụ việc.
Anh Lê Hoàng Tân là kỹ sư điện, hiện đang sống và làm việc tại Sài Gòn. Anh Tân là người thường tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, đồng thời cũng là người vừa ký tên vào Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do.

Bộ Chính trị khiến tướng Hưởng mất tiền tỉ dịp Tết

Dù Thủ tướng đã cố gắng câu giờ ra tận ngoài Rằm tháng Giêng mới ký quyết định chính thức cho thượng tướng nghỉ hưu từ 1/3 nhưng thiệt hại do QĐ “chủ trương” số 690 của Bộ Chính trị ban hành đúng hôm 20 Tết âm lịch đã khiến tướng Hưởng thất thu tiền tỉ dịp Tết vừa qua.
Chuyện xưa: đại tá Vũ Đình Hoành (nguyên Phó Giám đốc Công an Hà Nội) bị Trưởng ban Tổ chức cán bộ HN (tiền thân của Sở Nội vụ) ra thông báo quyết định nghỉ hưu vào đúng 23 Tết âm lịch. Tết năm đó, nhà đại tá Hoành vắng hẳn khách và phong bì quà cáp. Ông Hoành rất giận Trần Văn Tuấn (lúc đó là Trưởng ban của HN, sau lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ) nói nếu tao (đại tá Hoành) không giúp nó có bằng lái, đưa nó vào Sở Lao động TBXH để làm tài xế rồi tác động đưa nó xuống đảng bộ Từ Liêm để cơ cấu thì bây giờ nó chết ở xó nào rồi. Bây giờ nó lại đối xử bất nhân với tao. Trời đánh cũng phải tránh miếng ăn chứ. Ra ngoài Tết hãy thông báo nghỉ hưu thì chết ai.
Chuyện nay: Dịp sát Tết, mùa gặt quà cáp, phong bì của các lãnh đạo thì đùng cái, hôm 31/1/2013 tức 20 Tết âm lịch, Bộ Chính trị ra Quyết định 690 cho chủ trương để tướng Hưởng nghỉ hưu. Tin tức phút chốc lan ra như điện.
Bọn địa phương, bọn các đơn vị nghiệp vụ, cục, tổng cục biết tin bèn rút lại phần quà và phong bì cho đỡ “lục tốn”. Đứa tử tế chọn lối đi khác lánh mặt. Kẻ đểu giả cứ diễu qua mặt thượng tướng mà lờ lớ lơ, thản nhiên đi bỏ quà cho các sếp khác. Bọn doanh nghiệp, ngân hàng mò đâu tin mà cũng thính thế. Bề ngoài, chúng vẫn ra vẻ lễ phép nhưng đếm phong bì thì biết ngay chúng đã giở trò “hạch toán”. Mấy thằng nhờ thượng tướng mát tay nâng đỡ cho đi nhiệm kỳ tùy viên với tham tán an ninh ở nước ngoài, bay về nước ăn Tết với vợ con mà mãi không thấy chúng đến chào một câu. Bọn đểu. Lại cái lũ vừa được gắn lon nữa chứ. Không có bố mày tác động với Thủ tướng thì kể cả Bộ trưởng ký hồ sơ, tờ trình phong tướng rồi thì chúng mày vẫn còn phải đợi dài cổ các con nhá. Mọi ngày thì đứa nào cũng xun xoe mong gặp anh thế này thế kia, nay thì im như thóc. Hay bọn này mắc dịch chết hết rồi…
Dù Thủ tướng đã cố gắng câu giờ ra tận ngoài Rằm tháng Giêng mới ký quyết định chính thức cho thượng tướng nghỉ hưu từ 1/3 nhưng thiệt hại do QĐ “chủ trương” 690 của Bộ Chính trị ban hành đúng hôm 20 Tết âm lịch đã khiến tướng Hưởng thất thu tiền tỉ dịp Tết vừa qua.

Bố già Nguyễn Văn Hưởng 'về vườn'

Bố già Nguyễn Văn Hưởng, một nhân vật đầy quyền lực trong bộ CA vừa chính thức bị cho nghỉ hưu theo quyết định số 360 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Hưởng từng là thượng tướng, thứ trưởng bộ công an, có mối quan hệ đặc biệt gần gũi với TT Nguyễn Tấn Dũng trong vai trò 'Phái viên Tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về An ninh và tôn giáo'.
Quyết định cho tướng Hưởng 'về vườn' được ký vào hôm 27/2/2013, chính thức có hiệu lực vào ngày 1/3/2013. Quyết định như trên là việc làm bắt buộc đối với TT Nguyễn Tấn Dũng để thỏa hiệp, sau hàng loạt màn đấu đá chính trị và triệt hạ lẫn nhau trong hàng ngũ chóp bu đảng cộng sản.
Quyết định nghỉ hưu cũng đã được phổ biến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trong đó ghi rõ  "Căn cứ quyết định của Bộ chính trị số 690-QĐNS/TW  vào ngày 31 tháng 1 năm 2013".
Bố già Nguyễn Văn Hưởng bị coi là một tên trùm mật vụ cực kỳ ác ôn đối với những người bảo vệ nhân quyền và giới đối lập tại Việt Nam. Khi còn tại chức, tướng Hưởng là kẻ đứng đằng sau hàng loạt các đợt đàn áp khốc liệt đối với những người bất đồng chính kiến. Điển hình là vụ đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, đàn áp giáo dân Thái Hà, Đồng Chiêm; bỏ tù Linh mục Nguyễn Văn Lý, anh Trần Huỳnh Duy Thức, LS Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Blogger Điếu Cày...
Gần đây nhất, theo tiết lộ của nhà báo Huy Đức, tướng Hưởng cũng là tác giả của thông báo vu cáo người biểu tình yêu nước là "gây rối Thủ đô", là có "các thế lực chống đối trong và ngoài nước". Theo Huy Đức, thông báo này đã được tướng Hưởng đưa đến nhà TT Nguyễn Tấn Dũng duyệt trước, mở màn cho cuộc đàn áp thô bạo những người biểu tình yêu nước vào cuối năm 2011. 
Trước đó, dù đã đến tuổi về hưu, nhưng bố già Hưởng vẫn được TT Nguyễn Tấn Dũng đưa về giữ vai trò 'Phái viên tư vấn Thủ tướng'. Với vị trí này, TT Nguyễn Tấn Dũng đã dùng bố già Hưởng để triệt hạ các đối thủ chính trị. Vụ bắt cóc nhân viên của đại biểu quốc hội Đặng Thành Tâm và bà Đặng Thị Hoàng Yến là một ví dụ. 
Từ cuối năm 2012, quyền lực của Nguyễn Văn Hưởng ngày càng bị giới hạn. Các phe phái tung ra hàng loạt những đòn triệt hạ nhằm vào tay chân thân tín của TT Dũng và bố già Hưởng, khiến nhóm lợi ích sân sau của TT Nguyễn Tấn Dũng tan tác.    
'Di sản' do bố già Nguyễn Văn Hưởng để lại sau khi về vườn là một bộ máy an ninh, mật vụ với những quyền lực vô biên, cùng những thế lực ngầm khuynh đảo hệ thống chính trị...
Là một tay cáo già lão luyện, suốt nhiều năm tháng ở đỉnh cao quyền lực, có thể ông Hưởng còn lắm thủ đoạn để mang ra mặc cả với các 'đồng chí' của ông, bảo đảm một chuyến 'hạ cánh an toàn' cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, xin nhắc cho ông Hưởng nhớ rằng, cái chế độ mà ông đã góp phần tạo nên đang có nguy cơ sớm xụp đổ. Khi ấy, chính nhân dân sẽ mang ra xét xử ông vì những việc làm ác ôn trong quá khứ, đặc biệt là các cuộc trấn áp thảm khốc đối với những người bảo vệ nhân quyền tại VN. Ngày ấy đang đến rất gần, khi đó liệu thủ đoạn của một tay cáo già có thể giúp ông 'hạ cánh an toàn' một lần nữa hay không?

Friday, March 1, 2013

Tiền đồ KT VN lú như mặt ông Trọng, xấu như ông Sang, dối trá như ông Dũng.

Cái gọi là "VN tăng trưởng KT" trong các năm qua 1 phần là do GIÁ ĐỊA ỐC TĂNG CAO.

Nhiều anh chân lấm tay bùn bỗng nhiên bán miếng ruộng được nhiều tỉ, chi xài hoang phí vào xe hơi, rượu chè, v.v...

Trong NGẮN HẠN, đúng là có đem lại "tăng trưởng" cho nền KT, hồi 1990-2007.

Các ông nông dân mua xe hơi, tức là đem lại việc làm cho người bán, môi giới, sửa xe, lau xe, bán xăng, v.v...

Họ rượu chè thì đem lại doanh nghiệp disco, người bán rượu, chở rượu, pha rượu, các cô hầu bàn, v.v...

NHƯNG SẢN XUẤT VN có tăng gì hay không? Hoặc là sau khi xài hết tiền, xe hư, rượu cạn, thì ông ta và toàn bộ nền KT chẳng còn gì cả?

Giá địa ốc xuống 60% thì thảm họa không chỉ cho ngành BĐS, nhưng còn cho toàn dân, vì TIỀM LỰC KINH TẾ, vì SỰ THỊNH VƯỢNG CỦA QUỐC GIA bị teo tóp nghiêm trọng vô cùng.

Giá trị vật chất cao nhất tại mọi quốc gia là NHÀ ĐẤT. Tài sản lớn nhất của đa số người dân tại MỌI quốc gia đều là BẤT ĐỘNG SẢN.

Nay nếu tài sản này bị giảm giá 60%, thì tức là người ta bị nghèo đi, trung bình, khoảng 40-50%, do số tài sản lớn nhất của họ bị giảm giá trị 60%.

Ví dụ ai đó có căn nhà giá 10 tỉ - ví dụ này tôi đã đưa ra trước đây. Ông ta có thể thế chấp lấy ra 7 tỉ, đem đầu tư lời 5% tức 350 triệu đem ra tiêu xài hàng năm. Nền KT vừa có thêm 7 tỉ đầu tư, vừa có sản phẩm bán ra thêm 350 triệu đồng, ngoài ra còn "trickle-down economy" do số 7 tỉ đầu tư đem lại cho hàng chục người có việc làm, từ đó họ tiêu xài, đem lại THÊM GDP cho KT, v.v...

Nhưng nay nếu căn nhà đó chỉ còn giá trị 4 tỉ, thì cho dù ông ta có thế chấp được, có ngân hàng chịu, thì chỉ đem lại 2,8 tỉ thôi. Đem đầu tư lời 5% thì chỉ đem lại 140 triệu đồng/ năm.

Chưa tính yếu tố TÂM LÝ, khi BĐS sụt giá, nền KT suy sụp, thì ông ta khó thế chấp, mà có thế chấp thì khó đầu tư đem lại lợi nhuận, mà cho dù có thì ông ta cũng không dám tiêu xài hết số này - đang khi số lợi nhuận đã nhỏ chỉ bằng 40% so với lúc trước.

Tiền đồ KT VN lú như mặt ông Trọng, xấu như ông Sang, dối trá như ông Dũng.

VC sẽ PHẢI mượn ít nhất 100 tỉ USD để cứu KT.

Hôm nay đọc báo VC chỉ có tin này là coi được:
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/b...m-de-phuc-hoi/

"...- Nợ xấu bất động sản khoảng 1,34 tỷ đôla, còn nợ xấu của Việt Nam khoảng 12 tỷ đôla. Ông đánh giá thế nào về những con số này?

- Ở những thị trường minh bạch thì con số thực của nợ xấu được công bố thường là gấp đôi so với số liệu công bố. Ở thị trường không minh bạch, con số này thường gấp 4 lần. Vậy tôi phải nói, con số nợ xấu được công bố không có ý nghĩa nhiều.

Đơn cử, ở Thái Lan, năm 1996, người ta công bố tỷ lệ nợ xấu là 5%, đến khi khủng hoảng con số này là 50%. Ở Ireland, năm 2007 tỷ lệ nợ xấu được công bố là 8% nhưng đến năm 2010 khi khủng hoảng thì tăng vọt lên 30%. Thực tế, thị trường mới là vua..."


--------------------------

Ông này rất khôn khéo, nhưng đưa ra ví dụ trên đây là biết ông ta muốn nói gì.

Hồi khủng hoảng tín dụng Á châu, nợ xấu Thái lan từ con số công bố 5% té ra thật sự là 50%.

Ở Ireland năm 2007 thì nợ xấu công bố 8%, đến khi có khủng hoảng thì té ra là 30%.

Như vậy, tùy người ta hiểu, nợ xấu VN CÔNG BỐ là "12 tỉ USD", thì THẬT SỰ là gấp 4 lần, thành 48 tỉ USD, như "tỉ lệ gian dối" bên Ireland, hay thành 120 tỉ USD như "tỉ lệ gian dối" bên Thái lan hồi 1997?

Nói khác đi, ngân hàng VN "trung thực" 100%, hoặc chỉ như bên Ireland, hay như bên Thái?

Hihi, tôi thì cho rằng, ngân hàng VN đang có độ "trung thực" như bên Thái hồi khủng hoảng tài chánh 1997.

--------------------------------

Nợ xấu VN theo tin tôi có là 100-120 TỈ USD, trong đó cao lắm là thu hồi được 25 tỉ USD.

Điều này tôi nói thì không mấy người tin, nhưng để coi, haha, càng ít người tin tôi thì CÀNG TỐT, do như vậy các tay đầu tư, đầu cơ, càng bị thua thảm hại, còn VC thì sập cha nó toàn bộ nền KT và sập luôn chế độ.

VC chạy mượn IMF 100 tỉ USD cứu KT, cứu ngân hàng, thì lòng dân chống họ sẽ càng kinh khủng, chính trong nội bộ đảng cũng sẽ có người đòi lột da ông Dũng.

Và tôi đã nói từ bên Minh Biện, ngày đó tôi sẽ đi chụp hình, quay phim, cảnh ông Dũng ký tên bán tương lai VN trong 100 năm tới, rồi đăng lên YouTube.

Thôi rồi Lượm ơi, cho dù chưa sinh ra, thì nên đi đầu thai xứ khác, chứ rủi mà làm người VN - mà rủi phe Dân chủ không chiếm được chính quyền - thì suốt đời suốt kiếp Lượm chỉ có trai làm cướp, gái làm điếm, để nuôi thân và trả nợ quốc gia.

Tôi đã nói từ... 5 năm trước, năm 2008 bên Minh Biện, rằng VC sẽ PHẢI mượn 1 số tiền rất lớn để cứu KT. Hồi đó là 20-30 tỉ USD, nay thì phải 100 tỉ USD.

--------------------------------

Ngoài ra, ông này cũng nêu lên vài điều hay:

"...- Hiện có hai luồng ý kiến trái chiều, một là để thị trường bất động sản tự thanh lọc và quan điểm kia là Chính phủ cần có các giải pháp tháo gỡ, ông nghiêng về ý kiến nào?

- Tôi cho rằng cần có sự can thiệp của Chính phủ. Thị trường bất động sản không đủ khả năng để tự cứu mình...



- Theo ông, mất bao lâu, thị trường bất động sản mới hồi sinh?

- Thời gian trung bình để khôi phục thị trường bất động sản sau khi có những biện pháp điều chỉnh trung bình khoảng 6 năm và bất động sản sẽ mất 60% về mặt giá trị. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn phủ nhận thường kéo dài khoảng 2 năm. Còn những vấn đề về nợ xấu trên thị trường kéo dài 4 năm. Theo quan điểm của tôi, Việt Nam vẫn ở giai đoạn đầu tiên là giai đoạn phủ nhận, chúng ta phải chấp nhận thực tại đã..."
__________________