Kinh gởi quốc dân, đồng bào,
Tổ quốc Việt Nam chúng ta phải tiến hóa lên một tầm cao mới, phải có Dân
chủ, vì Dân chủ LÀ Đạo đức, là hợp lòng người, là tiến hóa xã hội và
phản ảnh văn minh nhân loại hiện đại.
Việt Nam không thể mãi sống trong thời Phong kiến nơi võ lực quyết định
quyền hành chính trị, quản trị quốc gia. Phong kiến Đảng chủ hiện nay
tại Việt Nam đi ngược lại lịch sử, văn minh nhân loại, ngược lại Triết
học (Philosophy), Luận lý (Logic), Đạo đức (Ethics), và Nhận thức
(Epistemology).
Đôi giòng lịch sử, nước Pháp cùng với Anh, Đức có ảnh hưởng lớn nhất
trong việc thành lập trật tự thế giới hiện nay, và Bộ Ba này có thể được
gọi là Đệ Tam Đế Chế đã có ảnh hưởng lớn trong việc thành lập Hoa kỳ,
để cùng với Hoa kỳ lập thành khối Thế giới Tự do ngày nay, và trong 25
năm qua đã có sự gia nhập của 15 quốc gia trước kia thuộc ý thức hệ Cộng
sản vào khối này.
Nói về thời kỳ tách rời khỏi Phong kiến, thì phải nhắc đến Thời đại Khai
sáng (Age of Enlightenment) với các bậc trí giả lập nên nền Dân Chủ
Cộng Hòa toàn thế giới, tuy lúc đầu họ không dự định như vậy, trong đó
khởi đầu là do công lao của René Descartes khi ông xuất bản quyển
Discours de la Méthode năm 1637, và kết thúc bằng sự qua đời của
Voltaire năm 1778.
Lịch sử thế giới chẳng qua xoay quanh hai chữ “QUYỀN, LỰC”. Sau đây là
vài phân tích ngắn về Ba thời kỳ mà quyền lực được chia sẻ trong lịch sử
nhân loại. Thư Quốc gia này sau đó sẽ nêu ra vì sao Dân chủ và Đạo đức
luôn đi đôi với nhau, và vì sao Hiến pháp 7 được đặt trên cả hai nền
tảng vững chắc này.
------------------
1. Thời Phong kiến, Quyền Lực nằm trong tay vua, lãnh địa, hoàng đế, sứ
quân, v.v… hoàn toàn chỉ do võ lực làm nên chứ không hề do Lý Lẽ, Lý
Luận. Nhìn một cách trừu tượng hơn thì bất cứ chế độ nào mà Quyền Lực
chỉ do Võ Lực tạo nên đều phải gọi là Chế độ Phong kiến.
Do đó, trên thế giới hiện nay còn vài Chế độ Phong kiến, trong đó có Trung quốc, Bắc hàn, Việt Nam, Cuba.
2. Kế đến là Thời đại Khai sáng mà Triết gia Immanuel Kant gọi tắt chỉ
trong một câu, đó là thời người ta bắt đầu "được tự do sử dụng trí thông
minh của riêng họ” (freedom to use one’s own intelligence).
Thời kỳ này, Quyền Lực được chuyển sang các thành phần tư sản, quý tộc,
nói chung là các thành phần khoa bảng, có học thức, hoặc các vì vua có
học dưới sự cố vấn và giám sát của các nhà triết học như René Descartes.
Thời kỳ này kéo dài khoảng 150 năm tại châu Âu, bắt đầu khoảng năm 1637
và kết thúc năm 1778. Khắp thế giới nổi lên phong trào chống chế độ
Phong kiến. Tại Hoa kỳ có cách mạng chống vua Anh quốc, bắt đầu từ
Boston Tea Party và thành công với Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776.
Khởi đầu, tại Hoa kỳ, quyền lực chuyển qua từ vua Anh quốc sang các nhà
tư sản, quý tộc Hoa kỳ, chứ chưa đến tay nhân dân, phụ nữ, người da màu.
Mãi đến gần 200 sau, thời Martin Luther King Jr., thì Hoa kỳ mới có Dân
chủ hiện đại như ngày nay.
Tại Pháp cũng có cuộc Cách mạng thành lập Đệ Nhất Cộng hòa năm 1792, tuy
nhiên Nền Cộng hòa này sa vào nhiều vấn đề nghiêm trọng về triết học
trị quốc, về chia sẻ quyền hành giữa các phe nhóm tư sản, quý tộc nên
thoái hóa mau chóng và tạo điều kiện cho Napoléon lật đổ năm 1804, kết
thúc 12 năm nền Đệ Nhất Cộng hòa.
Nhân dân Pháp khi đó đã chán ghét nền Cộng hòa nên ủng hộ Napoléon rất
mạnh. Sau đó còn giằng co qua thêm 150 năm tiền Dân chủ, mãi cho đến
1958, tức hơn 300 năm sau Descartes, nước Pháp mới có nền Dân chủ thật
sự:
Đệ Nhất Cộng Hòa: 1792-1804
Đệ Nhị Cộng Hòa: 1848-1852
Đệ Tam Cộng Hòa: 1870-1940
Đệ Tứ Cộng Hòa: 1946-1958
Đệ Ngũ Cộng Hòa: 1958- hiện nay
3. Hiện nay, khắp thế giới đa số các quốc gia đều có Dân chủ, nơi Lý
Trí, Lý Lẽ, Lý Luận, từ NHÂN DÂN mà ra làm nền tảng, nguồn gốc, và tính
chính đáng của mọi Quyền Lực kể cả quyền lãnh đạo quốc gia.
Điều này khác với Thời đại Khai sáng tuy cũng đề cao Lý Trí, Lý Lẽ, Lý
Luận, nhưng chỉ từ các bậc khoa bảng, giàu có, giai cấp tư sản, quý tộc
mà ra, vì khi đó Nhân dân còn quá thất học, đến mức chính Voltaire còn
chống lại việc quyền lực vào tay Nhân dân vì theo ông như vậy sẽ
“spreading the idiocy of the masses” (trải rộng ra sự đần độn của dân
chúng).
Nói tóm, (a) thời Phong kiến, quyền lực trong tay ai có võ lực cao nhất,
mạnh nắm đấm nhất; (b) Thời đại Khai sáng, quyền lực trong tay ai có
lý, có học nhất, có ngôn từ cao siêu nhất; (c) thời Dân chủ, quyền lực
nằm trong tay Nhân dân bất kể họ có học hay không.
------------------
Các quốc gia Đông Nam Á tuy chậm trễ sau Anh, Pháp, Đức, Hoa kỳ vài mươi
năm nhưng cũng có được Dân chủ, tuy nhiều khi còn bị Phong kiến cản trở
như tại Thái lan nơi nhà Vua còn can dự rất sâu vào, và đôi khi quyết
định, việc lật đổ các chế độ Dân chủ cho dân bầu ra.
Tại Việt Nam thì còn dậm chân tại chỗ ở thời Phong kiến, do đó thua các
quốc gia Dân chủ khoảng 370 năm về phát triển tư duy lãnh đạo, các mối
liên hệ chính quyền - nhân dân.
Quyền Lực tại Việt Nam là do bạo lực, võ lực mà ra, chứ không do Lý Lẽ,
Lý Luận như Thời đại Khai sáng 1637-1778 tại Pháp, và lại càng không từ
Nhân dân mà ra như hiện nay tại đa số các quốc gia có Dân chủ.
Tại Việt Nam hiện nay, trong chính trị, người ta chưa được như Immanuel
Kant miêu tả, còn chưa "được tự do sử dụng trí thông minh của riêng họ”.
Điều 4 Hiến pháp Việt Nam hiện nay ghi rõ: "Đảng Cộng sản Việt Nam...
là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".
Trong khi đó, Chính quyền Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp
Việt Nam 1992 tất cả đều chưa từng có được MỘT phiếu bầu tự do từ Nhân
dân.
Thua xa nhân dân Anh, Đức, Pháp từ 372 năm trước, cho đến ngày nay mọi
người Việt Nam đều không được phép "sử dụng trí thông minh của riêng họ"
để nói lên rằng "Đảng Cộng sản Việt Nam KHÔNG thể là lực lượng lãnh đạo
Nhà nước và xã hội Việt Nam", vì nếu làm như vậy họ chắc chắc bị ở tù,
mọi thân nhân, người trong gia đình đều sẽ bị toàn bộ hệ thống chính
trị, truyền thông đại chúng triệt hại, chế giễu, cho đến chết mới thôi.
Chính quyền Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp Việt Nam 1992,
do đó, là các thực thể de facto, hiện thực, chứ không chính thực, không
bona fide - nghĩa là Hiện hữu chứ không Chính đáng.
"Luật pháp" không do Nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp bầu ra là "Luật
pháp" vô giá trị, hoặc chỉ có giá trị đối với người viết ra mà thôi.
Chính quyền Việt Nam hiện nay có mức độ Chính đáng cùng lắm chỉ như các
chính quyền thời Phong kiến tại Việt Nam trong 4500 năm trước và kết
thúc thời vua Bảo đại, nếu đem so sánh với Pháp thì chỉ như chính quyền
Napoléon tuy có khác rất xa là cả ba đời vua Napoléon Đệ Nhất, Nhị, Tam
đều mở mang bờ cõi nước Pháp, trong khi chính quyền Việt Nam thu nhỏ bờ
cõi Việt Nam, nhượng vùng biển, tài nguyên đất đai, bầu trời, lãnh thổ
(SEAL, sea, earth, air, land) cho Trung quốc là một chính quyền Phong
kiến khác hiện bảo hộ cho Chính quyền Việt Nam.
------------------
Tuy nhiên, cho dù Dân chủ là văn minh, là khuynh hướng phát triển tất
yếu của mọi chính phủ, quốc gia giàu mạnh khắp năm châu, nhưng Dân chủ
có phải là một ước vọng có tính Đạo đức xã hội hay không? Dưới đây, xin
được chứng minh điều này.
Dân chủ tự bản thể bao gồm nhiều ngành học và cần đến kết quả từ chính
trị học, xã hội học, kinh tế học, để đưa ra được các sự chỉ dẫn thực thể
này.
Dân chủ liên quan đại thể đến một phương pháp trong đó một nhóm người
nào đó cùng quyết định, với đặc điểm là có sự bình đẳng trong các người
tham gia vào giai đoạn ban đầu trong quyết định tập thể cuối cùng.
Phương pháp "Dân chủ Lập pháp" tốt hơn các phương pháp bất Dân chủ trong
ba cách: chiến lược, trí thức, và qua tăng tiến phẩm giá của các công
dân Dân chủ.
Về CHIẾN LƯỢC, Dân chủ có lợi thế vì thúc đẩy các người lập quyết định
phải tính đến lợi ích, quyền lực, và ý kiến của đa số quần chúng trong
xã hội. Vì Dân chủ cung cấp quyền lực chính trị cho mọi người, nhiều
người được kể đến và có ảnh hưởng hơn là dưới các chế độ quý tộc, quân
chủ, và Đảng chủ.
Về TRÍ TUỆ, Dân chủ là phương pháp lập quyết định tối ưu nhất, trên căn
bản rằng đó là một điều nói chung rất đáng tin cậy nếu các thành viên
được giúp tận tình để họ khám phá ra các quyết định đúng.
Bởi vì Dân chủ đem tuyệt đại đa số quần chúng vào tiến trình lập quyết
định, Dân chủ có thể sử dụng nhiều nguồn thông tin và thẩm định có tính
chỉ trích về luật pháp và chính sách.
Việc lập quyết định một cách Dân chủ thường được đặt trên nhiều tin tức
có được về lợi ích và sự thiệt hại cho quần chúng, do đó nhiều thể chế
và cơ cấu chính trị, xã hội sẽ được phát triển để tăng tiến các lợi ích
đó và giảm thiểu thiệt hại, ví dụ như xây cất một nhà máy phải đi cùng
lúc với việc xây bãi chứa chất thải và lập quy trình phân hủy các chất
thải đó. Cùng lúc phải phát triển cơ quan quản lý chất thải, do nhân dân
giám sát.
Hơn nữa, việc thảo luận rộng khắp, tiêu biểu cho Dân chủ, sẽ nâng cao
các thẩm định có tính chỉ trích có nguồn gốc từ nhiều tư tưởng Đạo đức
khác nhau gộp lại để hướng dẫn các người lập quyết định phải dung hòa và
quan tâm đến các ý kiến khác biệt.
Về NHÂN CÁCH, Dân chủ có khuynh hướng làm quần chúng đứng lên đấu tranh
cho chính họ hơn là các phương cách quản trị khác bởi vì Dân chủ làm cho
các quyết định tập thể tùy thuộc vào quần chúng hơn là các chính phủ
thuộc giới quý tộc, quân sự, hay Đảng chủ.
Vì vậy, trong các xã hội Dân chủ, các cá nhân được khuyến khích nên tự
chủ nhiều hơn. Thêm vào đó, Dân chủ có khuynh hướng làm quần chúng suy
nghĩ cẩn thận và có lý trí hơn vì nếu họ làm như vậy thì có thể đem lại
các sự thay đổi trong các sự việc họ quan tâm đến.
------------------
Do đó, Dân chủ có khuynh hướng tăng trưởng phẩm giá Đạo đức của công
dân. Khi các công dân tham gia vào tiến trình lập quyết định, họ phải
lắng nghe người khác, họ phải giải thích các ý tưởng của họ cho người
khác và họ bị buộc phải suy nghĩ phần nào trong địa vị và với quyền lợi
của người khác.
Khi các công dân ở vào hoàn cảnh đó, họ thật tình suy nghĩ cho lợi ích
và công lý cho mọi người. Từ đó, các tiến trình Dân chủ có khuynh hướng
tăng cường tự chủ, lý trí, và Đạo đức của các tham dự viên.
Bởi vì các hiệu quả tốt đẹp này được cho là đáng tôn trọng và ao ước,
Dân chủ cũng được cho là đáng tôn trọng và ao ước hơn là các phương cách
quản trị khác.
Từ các điều trên, rõ ràng là Dân chủ đem lại Đạo đức cho nhân dân, và
cùng lúc nhân dân nào có Đạo đức mới có thể tham gia vào tiến trình Dân
chủ một cách tốt đẹp, dứt khoát.
Một chế độ chính trị vô Dân chủ là một chế độ vô Đạo đức. Cùng lý luận
này, một chế độ chính trị vô Đạo đức chỉ có thể tạo nên một chế độ vô
Dân chủ.
Dân chủ và Đạo đức luôn đi cùng lúc, luôn tăng tiến cho nhau, tạo ra một
vòng xoáy cộng hưởng để cả hai cùng phát triển vô cùng tận.
------------------
Hiến pháp 7 được đặt trên nền tảng cộng hưởng của cả Dân chủ lẫn Đạo
đức, với 12 Điều trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền cho Việt nam. Đa số
các quyền này hiện nay người dân Việt Nam không hề được hưởng, hoặc thậm
chí nghe thấy.
Hiến pháp 7 không thể bảo đảm mọi điều Đạo đức, Dân chủ đều sẽ được phát
triển theo sự mong đợi của mọi người. Sẽ có người thất vọng vì Đạo đức
và Dân chủ không đủ cao, cũng sẽ có người thất vọng vì quyền lợi vô Đạo
đức, vô Dân chủ của họ bị hạn chế hoặc tiêu trừ bởi Hiến pháp 7.
Điều Hiến pháp 7 có thể bảo đảm là, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội tăng
tiến nhân phẩm của họ, có thêm nhân quyền, Dân chủ, và Đạo đức theo
cách, mức độ mà đại đa số nhân dân Việt Nam sẽ bầu chọn.
Vì lẽ, Hiến pháp 7 là một Hiến pháp có, được đặt nền tảng trên, và bao gồm, Đạo đức và Dân chủ.
Quá trình xây dựng, quảng bá, gìn giữ Hiến pháp 7 là quá trình Đạo đức
Lập Hiến, Dân chủ Lập Hiến. Hy vọng toàn thể quốc dân, đồng bào sẽ tham
gia vào tiến trình này.
- Nhân dân Việt Nam