Thursday, September 12, 2013

Phóng sự: Sinh viên kiếm sống trên vỉa hè Sài Gòn

Một bác lớn tuổi quê gốc ở miền Trung, sống ở Sài Gòn đã mấy chục năm nay, nói với chúng tôi: “Ở Sài Gòn này chỉ cần có được một góc nhỏ nơi hè phố là kiếm sống được!”
Ðiều đó hoàn toàn đúng, nhưng xem ra để có được một “góc nhỏ” nơi hè phố Sài Gòn hoàn toàn không dễ. Dù góc nhỏ đó chỉ vừa kê đủ một cái bàn nhỏ để bán vé số, hay dựng được một chiếc xe Honda chạy xe ôm, hay căng tạm tấm bạt nhỏ để sửa xe vỉa hè... Phải “bản lĩnh” lắm, vì lớp thì công an, trật tự, dân phòng đuổi, lớp thì cạnh tranh băng nhóm hè phố, dân anh chị, giới giang hồ... 

Sinh viên bán cà phê trên đường Lý Thường Kiệt (Nguyễn Văn Thoại cũ), Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Thế nhưng, thời gian gần đây số sinh viên ra vỉa hè kiếm sống ngày càng đông. Cách ăn bận, cũng như cung cách phục vụ bán buôn của họ rất khác với cảnh lam lũ của dân hè phố, nhìn một cái là người ta nhận ra ngay.

Gặp L. tại vỉa hè khu vực Lăng Cha Cả, chúng tôi dừng xe để mua bảo hiểm tai nạn cho người đi xe máy, vì thấy giá quá rẻ, chỉ có 10 ngàn đồng/1 người/1 năm. L. nhanh nhẹn ghi phiếu bảo hiểm, không quên hỏi lại chúng tôi: “Mua luôn cho người ngồi sau hả chú?”

Chúng tôi gật đầu và đưa choo L. 20 ngàn đồng. Hỏi thăm, cậu thanh niên có vóc dáng thư sinh, cười “bẽn lẽn” cho biết quê cậu ở Tây Ninh, hiện đang theo học khoa báo chí, trường Ðại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn.

Hỏi thăm về thu nhập cho việc làm thêm ở vỉa hè này, L. cười hồn nhiên cho biết: “Bán cho vui thôi, thu nhập chẳng bao nhiêu, vì mỗi cái bảo hiểm tai nạn giá chỉ 10 ngàn đồng, tiền huê hồng đâu có bao nhiêu, hơn nữa đây không phải bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm xe máy nên cũng không mấy người mua.”

Tuy nói vậy, nhưng sau một hồi trò chuyện L. cho biết cũng đủ tiền ăn sáng, uống cà phê, nhưng cái quan trọng hơn cả là có thêm được chút vốn sống nơi vỉa hè Sài Gòn, sau này hy vọng có thể thực hiện giấc mơ trở thành... nhà báo.

Khác với L. và nhiều bạn sinh viên khác thích đi bán bảo hiểm, cô Tr. là sinh viên năm thứ 4 của trường Ðại Học Kinh Tế Sài Gòn lại chọn vỉa hè khu vực chợ An Ðông làm nơi hành nghề bán... cam vắt.

Tay thoăn thoắt vắt cam tươi vô ly, đánh đường, rồi bỏ đá, đậy nắp cô trao cho khách qua đường ly cam tươi mới vắt và thu mỗi ly 8 ngàn đồng. Cô nói: “Cam vườn, đường cát trắng, đá tinh khiết, khỏi sợ hóa chất.”

Hỏi thăm cô Tr. là sinh viên kinh tế sao lại đi bán cam vắt? Cô Tr. cười tươi, cho biết tại vì cô quê thuộc Cái Bè Tiền Giang, hiện nay xứ cô có thể nói là nổi tiếng cả nước về trái cây. Cô cũng cho biết là cam cô bán là cam vườn từ Cái Bè gởi theo xe đò của người quen lên cho cô, do vậy giá vừa rẻ lại vừa tươi.

Tò mò, chúng tôi hỏi mỗi ngày cô bán được bao nhiêu ký cam? Cô Tr. thật thà cho biết là cô bán khá đắt hàng nên ngày thường bán từ 13 tới 15 ký cam.

Hỏi thăm về những khó khăn khi phải “đứng chân” nơi hè phố? Cô Tr vui vẻ cho biết, bà con nghe nói là sinh viên khó khăn kiếm tiền trang trải việc học nên ai cũng thương, như chủ nhà chỗ cô đang đứng bán ngoài việc cho gởi “đồ nghề” hàng ngày, còn cho câu thêm điện mà tháng chỉ lấy có 50 ngàn đồng.

Sinh viên đi làm tiếp thị cho hãng ở khu vực Lăng Cha Cả, Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Trên vỉa hè đường Lý Thường Kiệt (xưa là đường Nguyễn Văn Thoại), góc gần trường đua Phú Thọ, chúng tôi thấy đã gần hai tháng nay có một xe bán cà phê gắn bảng “nguyên chất.” Ghé hỏi thăm mấy cô cậu trẻ tuổi thì được biết họ là sinh viên đi làm thêm.

Anh trưởng nhóm cho biết: “Bây giờ ‘khủng hoảng’ niềm tin dữ lắm, không phân biệt được đâu là cà phê thật, đâu là cà phê giả nên công ty phải cho đứng giới thiệu sản phẩm ngoài đường, để quảng bá cho cà phê thật.”

Nhóm bán cà phê gồm mấy người, có người học đại học ngân hàng, có người học Ðại Học Kỹ Thuật Công Nghệ Sài Gòn (HUTECH). Trong nhóm có cô H. là lanh lẹn hơn cả, cô giới thiệu cho chúng tôi cách phân biệt ly cà phê thật và cà phê giả.

Như ly cà phê thật uống hết rồi không còn dính cà phê trên ly, cà phê thật uống lúc đầu có vị đắng nhưng sau (cái hậu) lại có vị ngọt, cà phê giả thì ngược lại.

Ly cà phê đen đá mà nhóm sinh viên bán cho chúng tôi chỉ có giá 11 ngàn đồng một ly, nhưng cuộc nói chuyện với mấy cô sinh viên khá thú vị.

Một anh cựu sinh viên nói chuyện với chúng tôi, cho biết là ngày nay sinh viên đi làm thêm là điều bình thường, chỉ có con em mấy ông cán bộ (to) hay con em giới đại gia cà phê mới không cần làm thêm. Như anh và mấy người bạn ngày trước cũng “hùn” nhau mở một xe bánh mì buổi tối, vừa kiếm sống, lâu lâu còn “hỗ trợ” một vài anh em bạn ở ký túc xá bị “tiền khô cháy túi.”

Sinh viên thì làm thêm cũng có năm bảy đường, quan trọng là đảm bảo giờ học để tốt nghiệp việc học một cách tốt nhất. Nhiều người làm thêm, nợ môn học, thi rớt... có người bị đuổi vì không kham nổi chương trình học.

Cũng không ít nữ sinh viên đi làm thêm rồi bị sa chân bởi sự cám dỗ của ma lực đồng tiền, đó là những người có nhan sắc được mấy công ty rượu (ngoại), thuốc lá (ngoại) thuê làm tiếp thị tại mấy vũ trường, quán bar,...

Ðường đời - kiếm sống thật gian nan và đa sắc màu, có lẽ giới sinh viên cũng không phải là ngoại lệ.

No comments:

Post a Comment