Tuesday, July 10, 2012

Trung tâm Làng Tre, nơi nương náu của các em cô nhi, khuyết tật


Nguyễn Ðạt/Người Việt

Chuyến xe chở chúng tôi từ Sài Gòn, đi trên quốc lộ 1A, rẽ qua huyện Cẩm Mỹ thuộc tỉnh Ðồng Nai; đi vào một con đường nhỏ giữa cánh rừng cao su ngút ngàn.


Phòng cô nhi-trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng tại trung tâm. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Vào sâu khoảng mười cây số nữa là cuối cánh rừng cao su. Trung tâm nhân đạo Làng Tre hiện ra, biệt lập, giữa vùng đồi thấp hoang vu có nhiều bụi tre mọc um tùm.
Trung tâm nhân đạo được đặt tên là Làng Tre, nơi nuôi dưỡng cô nhi, trẻ khuyết tật, người già neo đơn, người cơ nhỡ bất hạnh.
Bên trong khuôn viên Làng Tre khá rộng: Chánh điện thờ Phật - dãy nhà văn phòng - phòng y tế - nhà bếp, kho chứa thực phẩm... Dãy nhà lớn rộng nhất ở chính giữa khuôn viên, chia thành 3 phòng, dành cho cô nhi - trẻ khuyết tật - người già neo đơn, bao gồm cả những người cơ nhỡ, bất hạnh...
Chúng tôi đã được gặp và trò chuyện với đại đức Thích Chiếu Bổn, người sáng lập trung tâm nhân đạo Làng Tre. Vị tu sĩ ở tuổi trung niên, hiền hòa chân thật, đang ngồi trước bàn máy vi tính, lên kế hoạch cho việc xây dựng phát triển cơ sở của trung tâm. Chúng tôi đã đi thăm từng giường nằm của cô nhi, trẻ khuyết tật, người già neo đơn...
Chúng tôi cảm nhận buổi sáng giữa chốn hoang vu, những gì là nỗi xúc động tới nao lòng, tại một địa điểm có lẽ không nhiều người biết tới, mang tên Làng Tre ở huyện Cẩm Mỹ - tỉnh Ðồng Nai.


Trung tâm nhân đạo Làng Tre ở huyện Cẩm Mỹ,
tỉnh Ðồng Nai. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Trung tâm nhân đạo Làng Tre hiện diện ở vùng đồi hoang vu này đã hơn bốn năm rưỡi; từ đó tới nay, trung tâm đã bảo bọc nuôi dưỡng được gần 200 con người bất hạnh, đa số là cô nhi-trẻ em khuyết tật bị bỏ rơi.
Nói tới sự hình thành và phát triển của trung tâm nhân đạo Làng Tre, là nói tới vị tu sĩ Phật Giáo đã tận tâm tận lực cưu mang những con người sinh-ra-đời-dưới-một-ngôi-sao-xấu.
Ðại đức Chiếu Bổn, từ tuổi nhỏ, đã cảm nhận sâu xa số phận của những con người xấu số. Mới 9 tháng tuổi, thầy đã côi cút, sống được là nhờ người mẹ nuôi. Hoàn cảnh cuộc sống có nhiều khó khăn vất vả, thầy chỉ được đi học tới lớp 9 tại trường làng thuộc tỉnh Quảng Trị nghèo khổ. Phải sớm nghỉ học, tuổi thơ của thầy là những năm tháng làm công quả ở chùa để có cơm ăn. Xuất gia vào năm 19 tuổi tại tu viện Phước Hoa, huyện Long Thành, thầy tu tập theo thượng tọa Thanh Từ, phái thiền tông.
Thời gian trong cửa Phật, Ðại đức Chiếu Bổn dốc lòng vào việc từ thiện, không quản ngại bất cứ khó khăn nào, thầy tích cực tham gia các công tác xã hội. Trong những chuyến công tác từ thiện khắp trong Nam ngoài Bắc, thầy chứng kiến bao cảnh thương tâm, bao con người bất hạnh, đặc biệt là những trẻ em dị dạng khuyết tật, bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin... Từ đó Ðại đức Chiếu Bổn nhất quyết với ý nguyện sẽ xây dựng một trung tâm nhân đạo, cưu mang những phận người không may mắn. Và thầy phát tâm, phải làm bằng được dù khó khăn đến mấy, để thực hiện ý nguyện. Thầy bắt đầu bằng việc mở vựa buôn bán trái cây, cùng các việc làm lương thiện khác, tích cóp từng đồng tiền gây vốn.
Ðầu năm 2008, nhân có Phật tử ở vùng đồi Cẩm Mỹ hiến tặng thầy 2 héc-ta đất, thầy mua thêm hơn 2 héc-ta nữa đất đồi ở liền kề, bắt đầu thực hiện xây dựng Làng Tre. “Ðất đai ở chỗ này là loại đất xấu, không canh tác trồng trọt được gì, nên bà con đã bán cho tôi với giá rẻ...” Ðại đức Chiếu Bổn cho chúng tôi biết như vậy. Ðể xây dựng nên cơ sở cho một trung tâm nhân đạo, sẽ trải qua biết bao nhiêu khó khăn, nhưng thầy đã quyết tâm thực hiện. Thầy đã mượn vốn, mua thiếu xe ủi đất, xe xúc đất san lấp mặt bằng...; thầy dựng lán trại, trước đơn sơ, về sau kiên cố dần, tùy theo điều kiện. Tận dụng để có tiền xây dựng bền chắc cơ sở trung tâm, những lúc xe ủi đất xe xúc đất để không, thầy cho các công ty xây dựng ở địa phương thuê lại.


Ðại đức Thích Chiếu Bổn, người sáng lập trung tâm. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Góp phần tạo dựng bền vững cuộc sống ở trung tâm, người già khiếm thị được hướng dẫn kết nút áo, hột cườm thành những chiếc đèn, bình hoa, kết hình 12 con giáp...; người mắt còn tỏ thì xâu chuỗi, đan chổi; cô nhi khỏe mạnh được đi học nghề, như sửa xe gắn máy... Ðại đức Chiếu Bổn còn mở cơ sở đan lát các sản phẩm bằng tre hầu có tiền cho những chi phí của trung tâm, từ việc xây dựng cơ sở tới cái ăn cái mặc cho hàng trăm cô nhi-trẻ em khuyết tật-người già neo đơn...
Và sách vở học tập cho 30 trẻ em, hiện đang theo học lớp 1 và lớp 2 bậc tiểu học. Thầy Chiếu Bổn đã gắng gỏi vận động nhiều nguồn trợ giúp trong nước, cũng như các đoàn thiện nguyện ở hải ngoại, để có xe đưa đón trẻ em ở trung tâm đi học tại trường của huyện Cẩm Mỹ; sửa sang phòng ốc, lắp đặt chu đáo chỗ ăn chỗ ngủ tại trung tâm.
Vào thăm nơi ăn chốn ở của cô nhi-trẻ em khuyết tật-người già neo đơn, chúng tôi thấy các gian phòng rất ngăn nắp sạch sẽ. Những chiếc giường rộng rãi bền chắc, chúng tôi được biết, do các đoàn thiện nguyện ở nước ngoài tới thăm trung tâm, đã hỗ trợ lắp đặt. Các bé sơ sinh, trẻ em khuyết tật ở trung tâm nhân đạo Làng Tre được chăm sóc không khác nào đang có mẹ có chị ở gần bên; đấy là các phụ nữ cơ nhỡ đang sống nương nhờ tại trung tâm, và những Phật tử gần xa tới làm công quả tại đây.
Rời trung tâm nhân đạo Làng Tre, âm vọng lời nói của Ðại đức Chiếu Bổn mãi vương vấn trong trí tưởng chúng tôi; cùng hình ảnh những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, những trẻ khuyết tật giơ mãi cánh tay cẳng chân cong quẹo trong khoảng trống không: “Trung tâm Làng Tre được như hôm nay là nhờ sự chung tay góp sức, sự chia sẻ cảm thông của các nhà doanh nghiệp, các tổ chức thiện nguyện, các cá nhân trong và ngoài nước. Tôi xin cảm ơn tất cả, rất nhiều, rất nhiều. Mong sao sự góp sức chia sẻ của các nơi được tiếp tục; bởi những phận người kém may mắn như ở trung tâm Làng Tre, chưa bao giờ thấy vơi bớt trên thế gian này...”
___________
* Ðịa chỉ trung tâm nhân đạo Làng Tre: Khu vực Cầu Khỉ Khô, Ấp 1, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Ðồng Nai. Ðiện thoại: 0612-695978/0612-695979. Email: langtreyeuthuong@gmail.com.

No comments:

Post a Comment