|
Xe bán dạo cây thần kỳ trên phố Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
|
“Bảng” quảng cáo gây tò mò cho người đi đường, vì không ai biết trái cây màu đỏ xíu xiu kia thì thần kỳ ở chỗ nào?
Nhớ lại trước kia thời Việt Nam lên “cơn sốt” với cây lược vàng, một loại cây lúc đó được quảng bá như một loại “thần dược” trị bá bệnh, chỉ cần nhai vài chiếc lá lược vàng thì bệnh gì cũng... khỏi. Trong Nam ngoài Bắc đua nhau mua cây lược vàng về trồng. Thậm chí có người tại Mỹ còn nhờ thân nhân tại Việt Nam mua cây lược vàng gởi qua.
Lúc đó, trên chương trình TV của người Việt tại Mỹ, một bác sĩ đã phải lên tiếng, sau khi “ngắm nghía” cây lược vàng thì thấy chẳng có lý do gì để gọi nó là... lược vàng, đơn giản đây chỉ là cây lan đất và cây này cũng có được trồng tại California.
Xuất xứ của cây lược vàng là tại Mễ Tây Cơ và du nhập vào Việt Nam qua con đường từ những du học sinh hoặc đi “hợp tác” lao động bên Liên Xô (cũ) mang về nguyên quán của họ tại tỉnh Thanh Hóa. Và từ Thanh Hóa, cây lược vàng được “quảng bá” rộng rãi bởi vài tờ báo thích chuyện “thần tiên”, giật gân, cộng thêm phương tiện truyền thông Internet. Họ đăng vài ba tấm hình, đưa mấy Video Clip về người này người kia mắc bệnh nan y nhờ uống lá cây lược vàng mà khỏi bệnh, trích dịch và đăng lại những bài báo về cây lược vàng từ báo tiếng Nga, thêm mắm, thêm muối cho ra vẻ uy tín, hàn lâm thế là tạo ra một cơn sốt về cây lược vàng, lẽ dĩ nhiên là mấy nhà vườn trồng và bán cây lược vàng tại Thanh Hóa... trúng đậm.
Nói về tác dụng trị “bá bệnh” của cây lược vàng thì giới chuyên gia Y tế, kết luận đó chỉ là những... tin đồn, phân tích những chiết suất từ cây lược vàng cũng như kiểm nghiệm lâm sàng cho thấy, tác dụng chữa bệnh của cây lược vàng mang yếu tố... tâm lý nhiều hơn là thực tế, ngoài ra cây lược vàng còn mang “độc tố” nhẹ, dùng nhiều không đúng chỉ định sẽ không tốt.
Trở lại với cây thần kỳ, mới xuất hiện gần đây trên hè phố Sài Gòn, theo tìm hiểu của chúng tôi thì cây này có xuất xứ tại Tây Phi. Cách đây chừng 10 năm cây thần kỳ được một Việt kiều mang về Việt Nam tặng cho một người bạn, người này sau đó nhân giống tạo thành một trang trại trồng loại cây này tại miệt Hóc Môn, ngoại vi Sài Gòn.
Hỏi thăm những người đi bán dạo giống cây này thì hầu hết nói giọng Bắc, quê thuộc tỉnh Bắc Giang, họ đều cho biết là giống cây này đang rất “hút hàng” ở ngoài Bắc.
Khi chúng tôi hỏi lý do tại sao cây này gọi là cây thần kỳ? Thì những người bán cho biết là cây này có tác dụng chữa được bệnh... tiểu đường, hỗ trợ điều trị bệnh ung thư và nhiều bệnh khác (!?).
Ðoạn đường gần cổng phi trường Tân Sơn Nhất, khi chúng tôi đang chụp hình một xe bán dạo cây thần kỳ thì thấy một người đàn ông đi xe Vespa đời mới rà xe lại hỏi thăm người bán: - Cây thần kỳ này để làm phép hay bùa ngải vậy chú em? Anh chàng bạn cây dạo trẻ tuổi mau mắn trả lời: “Không có đâu chú ơi Trái của cây này chú ăn vô một lát sau chú ăn một miếng chanh thì chanh sẽ có vị ngọt thơm như là ăn... cam vậy, nên có tác dụng chữa tiểu đường rất tốt”.
Nghe ra, người đàn ông hỏi mua một cây cao chừng hơn nửa mét, đã có vài trái xanh lưa thưa, người bán ra giá là 2 triệu đồng, còn cây nhỏ chừng gang tay thì “hét” giá là 200 ngàn đồng. Người đàn ông lặng lẽ bỏ đi không hề trả giá một tiếng.
Khi chúng tôi hỏi thăm thì người bán hạ giọng, nói là bán rẻ cho chúng tôi cây nhỏ thay gì hai trăm thì chỉ lấy có... một trăm hai chục ngàn đồng thôi. Hỏi thăm cây nhỏ này trồng biết bao giờ mới có trái, người bán “lấp lửng” khoảng 3 hay 4 năm gì đó, muốn có trái ngay thì mua hẳn cây to đi.
Hỏi thăm về cách chữa bệnh của cây thần kỳ, người bán trả lời: - Dễ lắm! Cây có trái ngày bẻ vài trái ăn giống như ăn... ‘ớt’ lai rai, rồi bệnh gì tự nhiên cũng lui hết!
Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu thì trái cây “thần kỳ” này đã được một số nhà hàng Nhật Bản đưa vào thực đơn khai vị giúp thực khách ăn ngon miệng do tính biến đổi vị giác mà không thay đổi tính chất của món ăn. Còn về phương diện chữa bệnh thì chưa có cơ quan thẩm quyền nào lên tiếng xác nhận.
Kế bên chỗ bán cây “thần kỳ” là một xe bán cây giống sưa gỗ đỏ, đây lại là chuyện kể về một “cơn sốt” khác.
Cách đây hơn một năm, báo chí Việt Nam rộ lên những tin tức là giữa lòng Hà Nội, hàng loạt cây sưa bị sưa tặc đốn hạ mang đi mất. Vì lúc đó Trung Quốc mua gỗ sưa với giá 1 mét khối gỗ sưa có giá là... 11 tỉ đồng.
Việt Nam phải cử một đoàn qua Trung Quốc xác minh giá trị thực hư của cây sưa (còn gọi là cây trắc, cây huỳnh đàn) thì được biết là cây này chả có giá trị gì ngoài giá trị... tâm linh. Người Trung Quốc thích làm tượng Phật bằng gỗ sưa và nhu cầu cũng... không bao nhiêu.
|
Cây gỗ sưa giống được bán ở khu vực Lăng Cha Cả, Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
|
Một người chúng tôi quen, trước kia làm trong ngành quảng cáo, nhưng sau này do suy thoái kinh tế, công ty quảng cáo của anh ta phải dẹp tiệm, để tự “cứu mình” anh ta nhảy qua làm việc cho công ty chuyên về giống cây trồng.
Trong một lần trò chuyện, anh ta đã cho chúng tôi biết: “Những trò 'rùm beng' trên mạng Internet để quảng bá cho vật nuôi hoặc cây trồng 'hot ' nhất trên mạng, thực chất chỉ giúp cho chủ nhân hoặc những công ty tạo và bán cây giống, con giống làm giàu nhanh chóng mà thôi”.
No comments:
Post a Comment