Wednesday, July 11, 2012

Nghĩ về hoạt động đấu tranh

Vài năm gần đây, ngày càng có nhiều người không chọn con đường dễ để tiến thân, họ lại chọn cách lao thân vào chốn dữ nhằm khẳng định quyền được sống, quyền tự do của cuộc đời làm người. Trong số dấn thân vào bão lửa, họ bị trù dập đàn áp, bị trả thù hèn hạ, bị mạ lị phỉ báng, bị xâm phạm thân thể, bị nhục hình tra tấn, thậm chí tống tù với chứng cứ ngụy tạo vô lý bất công nhằm dập tắt mầm mống đấu tranh chống xấu ác, chống bạo lực khủng bố của bạo quyền giành lấy quyền làm người. 


Thế nhưng, bạo lực khủng bố của dùi cui súng đạn, nhục hình nhà tù vẫn không khuất phục được khát vọng sống làm người đúng nghĩa của những người yêu chuộng tự do, muốn quyền biểu đạt chính kiến, quyền thể hiện lòng yêu nước, muốn công lý phải được thực thi, luật pháp phải được thi hành trong thực tiễn đời sống, muốn được tự do làm những gì luật pháp không cấm và được sống như những con người tự do trong đời sống an bình của cộng đồng nhân loại. 
Thời gian gần đây lớp người yêu chuộng tự do tiên phong đấu tranh cho tự do dân chủ, cho tương lai tươi đẹp của tổ quốc phải trả giá tự do bằng chính tự do của mình trong nhà tù của bạo quyền cộng sản, ngoại trừ blogger Điếu Cày, nhà báo Trương Minh Đức, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, trung tá quân đội nhân dân Trần Anh Kim... tất cả còn lại khi đi tù, bị giam mình trong chốn nhà lao ở tuổi đời còn trẻ như Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Tấn Hoành, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Nguyễn Bắc Truyển, Lê Nguyên Sang, Phạm Thanh Nghiên, Hồ Thị Bích Khương, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Sơn cùng nhóm thanh niên Công giáo... và còn rất nhiều, những người dũng cảm vô danh khác. 
Đó chỉ là những tấm gương dũng cảm dám sống cho lý tưởng mà chúng ta biết, còn lại biết bao người vô danh chiến đấu đơn độc, âm thầm nằm trong nhà tù cộng sản không ai biết đến. Chính những tấm gương sáng này nên ngoài nhà tù sức lan tỏa của các cá nhân sống không tầm thường đó tác động đến nhận thức của nhiều người, nhiều thành phần xã hội, tạo hiệu ứng dây chuyền giúp cho các cá nhân còn thờ ơ với vận mệnh mình, đất nước mình bước qua sợ hãi, nhập cuộc đấu tranh cho quyền tự do, cho phẩm giá con người mà mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng như Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền tuyên nhận năm 1948, cách nay hơn nữa thế kỷ. 
Hiện nay con số đấu tranh sống ngoài nhà tù nhỏ mà chúng ta biết đến không ít và con số đấu tranh âm thầm chúng ta chưa biết đến, chắc hẳn đông hơn nhiều. Cũng như sức đấu tranh đã lan tỏa, chạm đến các thành phần xã hội, tôn giáo chỉ cần mồi lửa nhỏ là có thể bùng lên thiêu đốt cả chế độ độc tài toàn trị cộng sản Việt Nam. Thế thì tại sao chúng ta những người yêu chuộng tự do vẫn chưa làm nên bão lửa? 
Bên cạnh chuyển biến nhận thức tích cực về bộ mặt thật chế độ cộng sản của số đông quần chúng do những hình ảnh đấu tranh cụ thể thiết thực của các cá nhân tiên phong không sợ khó, quên mình lao thân vào chốn dữ, là kết quả chúng ta dần quy tụ số chiến sĩ thông tin khá hùng hậu với phương tiện truyền thông hiện đại đã phản ứng kịp thời vạch trần những bưng bít thông tin, tuyên truyền dối trá của đảng cộng sản độc tài làm mưa làm gió trên mặt trận thông tin kéo dài mấy mươi năm, tưởng chừng như không bao giờ phá vỡ được nhưng tất cả bưng bít, ngụy tạo thông tin đều vụn vỡ trong thời đại a còng (@) khi khoa học kỹ thuật, nhất là khi kỹ thuật truyền thông lên ngôi. 
Điển hình cho những thành tựu khả quan của các chiến sĩ thông tin là chuyện lật mặt những quan chức nhà nước nói dối lem lẻm, láo lừa dư luận xã hội của sự việc cướp đất ở Tiên Lãng, Văn Giang, vụ thương binh nặng đại náo viện Hán Nôm khủng bố tinh thần TS Nguyễn Xuân Diện, qua việc trực tiếp gặp gỡ người dân viết bài thông tin, ghi hình thực tế tại hiện trường làm bằng chứng phản bác, chỉ ra các tuyên bố dối trá của các quan chức trên các báo lề đảng, khiến các cơ quan truyền thông lề đảng phải tịt ngòi, chuyện mà nhiều năm trước đây được xem như là chuyện thần thoại, chuyện bất khả thi. 
Ngoài những thành tựu đáng khích lệ đó, trên các báo lề dân xuất hiện ngày càng nhiều tác giả, nhiều bài viết có giá trị nhân văn cao thể hiện tâm huyết của công dân có trách nhiệm, với ý tưởng “Quốc Gia hưng vong thất phu hữu trách” cùng với các bài viết chuyên chở nhiều ý tưởng, sáng kiến, kinh nghiệm đấu tranh cách mạng dân chủ đã xảy ra trong đời sống nhân loại nhằm trang bị kiến thức làm bài học hữu ích không thể thiếu cho công cuộc đấu tranh tự do, dân chủ cho Việt nam như: phương đấu tranh bất bạo động chống thuế muối của thực dân Anh ở Ấn Độ do Gandhi lãnh đạo; sáng tạo sử dụng biểu tượng nắm đấm của nhóm Otpor đánh đổ độc tài Milosevic ở Serbia; vận dụng thành công sức mạnh nhân dân xuống đường lật đổ độc tài Mubarak ở Egypt do phong trào 6 tháng 4 khởi xướng... qua loạt bài “Cách Mạng Của Sợ Hãi” nghiên cứu công phu nhiều tâm huyết của tác giả Vũ Đông Hà đã thu hút được nhiều bạn đọc tham gia viết còm. 
Đề cập đến thu hút còm, không thể không kể đến thành quả khác trong loạt bài “Những Sự Thật Không Thể Chối Bỏ” về nhân vật “huyền thoại” Hồ Chí Minh của tác giả Đặng Chí Hùng đã độc chiếm số lượng còm kỷ lục, mỗi bài viết được đăng tải đều thu hút trên trăm còm, có bài gần số một ngàn còm, tạo hào hứng sôi nổi, gây xôn xao cư dân mạng. Đặc biệt hiện tượng viết còm này, trừ một số nhỏ còm sĩ có cái đầu nóng mất bình tĩnh, còn lại đa phần các còm sĩ thể hiện tinh thần hòa nhã, kềm chế bức xúc khá tốt, đôi khi có nổi nóng nhưng không quá đà có thể chấp nhận được cho môi trường tranh luận, dẫn đến một ít tranh cãi như cách thực tập sinh hoạt dân chủ, biết chấp nhận khác biệt, khác chính kiến biết dừng đúng lúc trên diễn đàn ảo, thật đáng ghi nhận. 
Phải công nhận các còm sĩ ủng hộ dưới bài chủ “Những Sự Thật Không Thể Chối Bỏ” của tác giả Đặng Chí Hùng đã có những lý lẽ chững chạc đầy tự tin, lập luận sắc bén, áp đảo các còm phản đối. Theo nhận xét khách quan sự áp đảo này, không phải do số đông của còm sĩ “phản còm” quá hay, quá hoàn hảo mà do lợi thế sử dụng sự thật để phản bác, khiến còm phản đối do được trang bị, dựa trên kiến thức phần nhiều dàn dựng, không có thật về ông Hồ Chí Minh nên khi “đụng trận sự thật” phải lui về thế thụ động sử dụng giải pháp ngụy biện, cố thủ để chống đỡ và rời xa tranh luận theo nếp sống văn minh, chui vào vỏ bọc tranh cãi giành phần thắng như phường kẻ chợ, càng cãi càng lộ ra kém cỏi rất đáng thương, nhìn thoáng qua như thể phe ỷ đông hiếp yếu nhưng sự thật không phải vậy mà chính tự họ làm khó họ thôi. 
Qua quan sát các hình thức đấu tranh nhiều năm, với một lực lượng chúng ta đang hiện có, không thừa cũng không thiếu bởi từ trong lực lượng này có nhiều cá nhân có kiến thức uyên bác, lập luận sắc bén, tiếp cận lịch sử đông tây kim cổ, có tư tưởng táo bạo, có sáng kiến độc đáo mới lạ được chuyển tải qua các bài viết và thể hiện qua các lời còm trên các báo lề dân rất hăng say, tích cực. 
Thiển nghĩ, đối diện sự thật và thành thật nói, lẽ ra chúng ta những cá nhân, tổ chức yêu chuộng tự do, dân chủ quí trọng quyền con người có thể làm được nhiều hơn cái chúng ta đang có, thậm chí đã có đủ điều kiện để làm nên lịch sử. Thế thì tại sao chúng ta, dân tộc Việt Nam chưa hoàn thành ước mơ, khát vọng tự do, dân chủ, nhân quyền, một giá trị chuẩn mực đa phần nhân loại đã được hưởng? 
Có nhiều nguyên nhân trong đó có phần do chúng ta hoạt động mang tính tự phát, chưa có thói quen phối hợp hành động, hoạt động nhóm (teamwork.) Một hình thức phân công hành động, phối hợp hoạt động biết chấp nhận các cá nhân, tổ chức có khác biệt, có tư duy độc lập cùng tồn tại nhưng chịu ảnh hưởng, tương tác lẫn nhau để thực hiện lý tưởng, mục đích chung. Do đó để đạt được mục tiêu tự do, dân chủ, nhân quyền chúng ta cần thay đổi thói quen sống, làm việc đã ít nhiều trở thành lực cản làm ảnh hưởng, hạn chế đến sức mạnh đấu tranh. 
Vì thế, muốn thành tựu khả quan hơn, lớn hơn hoặc xa hơn nữa thành công trong mục tiêu đấu tranh thì chúng ta những cá nhân yêu chuộng tự do dân chủ, khao khát quyền được sống làm người đúng nghĩa, những tổ chức đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền, ngay từ bây giờ phải biết sống thật để thấy cần thay đổi nếp sống, nếp nghĩ cùng tinh thần làm việc theo kiểu cũ đã đeo bám chúng ta khá lâu và bắt đầu nghiên cứu, thực tập sống, làm việc theo nhóm với phân công, phối hợp hoạt động khoa học giữa các cá nhân khác biệt, chấp nhận tư duy độc lập theo tinh thần các nhóm (teamworks) cùng tồn tại để hoàn thành mục tiêu Tự Do - Dân Chủ - Nhân Quyền mà các cá nhân, tổ chức đấu tranh đã trả giá máu, mạng sống lẫn tù ngục cho giá trị, lý tưởng chung này.

No comments:

Post a Comment