Trưa nay, sau cuộc họp "nóng" giữa Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội và đại
diện phòng khám Maria quanh vụ việc bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong bị tử
vong tại phòng khám này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền đã có cuộc
trao đổi với báo giới.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: H.Hải
Chúng tôi không bao che!Thưa ông, đến nay vụ việc bệnh nhân tử vong tại phòng khám Maria đã có kết quả điều tra chưa? Việc đình chỉ phòng khám này sẽ kéo dài trong bao lâu? Sẽ xử lý như thế nào đối với những cá nhân liên quan đến vụ việc?
Đến nay, chúng tôi vẫn đang chờ kết luận của cơ quan điều tra để trả lời những vấn đề báo chí hỏi. Bởi vấn đề đình chỉ phòng khám bao lâu, xử lý các cá nhân liên quan như thế nào đều phải phụ thuộc vào kết quả điều tra. Khi có kết luận điều tra, tùy theo cơ quan điều tra nếu thấy rằng cần phải thu hồi giấy phép hoạt động thì Sở sẽ tiến hành thu hồi. Còn nếu thấy mức độ vi phạm có thể để cho họ hoàn thiện và tổ chức khám chữa bệnh được thì sẽ cho họ cơ hội tiếp tục hoạt động, trên cơ sở phải khắc phục toàn bộ những sai sót trước đó.
Còn hiện tại, cơ quan chức năng yêu cầu các cá nhân có liên quan phối hợp để làm rõ vi phạm và sẽ xử lý theo mức độ vi phạm.
Có thông tin cho rằng, phòng khám này vẫn hoạt động “chui” sau quyết định đình chỉ của Sở Y tế. Thực hư vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Qua kiểm tra đột xuất chiều muộn qua tại phòng khám này, thanh tra
Sở Y tế đã có biên bản khẳng định phòng khám này không thực hiện khám
bệnh. Tại cuộc họp sáng nay, người phụ trách phòng khám này cũng
khẳng định phòng khám thực hiện nghiêm khắc lệnh đình chỉ. Chúng tôi sẽ
cử Phòng y tế tiếp tục giám sát phòng khám này.
Phòng khám Maria hiện đang bị đình chỉ hoạt động. Ảnh: H.Hải
Ngay sau khi quyết định đình chỉ phòng khám này hôm 16/7, chúng tôi đã yêu cầu phòng khám giải quyết nếu có bệnh nhân nằm trong lộ trình điều trị của họ, giới thiệu họ đến những cơ sở y tế đảm bảo, thậm chí đến cơ sở nhà nước thì sở Y tế cũng đồng ý để giao nhiệm vụ cho các cơ sở ấy tiếp nhận điều trị.
Thời gian vừa qua, dù cơ quan chức năng liên tục thanh kiểm tra phòng khám này nhưng sai phạm vẫn tái diễn. Có ý kiến cho rằng có sự bao che, gần như là lớn hơn với phòng khám Maria vì sai phạm quá nhiều lần mà vẫn tồn tại?
Tôi chắc chắn một điều, không thầy thuốc nào muốn bệnh nhân xảy ra sự cố, đặc biệt là tử vong. Còn việc bao che, thậm chí là hơn bao che, tôi khẳng định, chắc chắn Sở Y tế không có chuyện này. Sai phạm phát hiện ở phòng khám này đều đã xử lý theo đúng quy định.
Nếu chúng ta chỉ có hình thức xử lý vi phạm là thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động thì phòng khám mới không được tiếp tục hoạt động. Thực tế, có nhiều hình thức phạt và đều được quy định theo pháp luật, phòng khám bị phạt, họ chấp nhận mức phạt để tiếp tục hoạt động. Tôi khẳng định sẽ làm kiên quyết các cơ sở vi phạm đến mức độ phải xử lý bằng hình thức đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép thì sẽ phải đình chỉ, thu hồi.
Khó phát hiện bác sĩ khám “chui”
Như ông đã nói, cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra tại phòng khám Maria mà chưa từng phát hiện trình trạng bác sĩ ngoại không phép vẫn khám chui cho bệnh nhân. Vậy tình trạng này ở các phòng khám khác có tồn tại không, thưa ông?
Quả thực rất khó trong vấn đề kiểm soát, phát hiện bác sĩ nước ngoài khám “chui” ở các phòng khám này. Vì có thể đi kiểm tra, sau kiểm tra họ lại đưa người vào khám, rất khó để phát hiện. Vì thế chúng tôi mới đề cao trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, của người được giao nhiệm vụ phụ trách chuyên môn kỹ thuật phải kiên quyết đối với việc đưa bác sĩ không được cấp phép vào phòng khám, như vậy mới có thể kiểm soát được. Còn nếu không, ngày đi khám 3 - 4 lần chăng nữa thì đến lúc đoàn thanh tra đi họ lại đưa vào mình không thể phát hiện được.
Ông có thể nói rõ hơn trách nhiệm của người chủ doanh nghiệp, người phụ trách phòng khám trong việc này?
Chúng tôi yêu cầu cao hơn nữa trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, người phụ trách chuyên môn phòng khám. Họ có trách nhiệm khi chủ doanh nghiệp đưa bác sĩ vào khám, họ phải kiểm soát được người đó có đủ khả năng khám chữa bệnh hay không, đúng luật hay không? Có như vậy mới đúng nghĩa là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật.
Khi họ từ chối, sẽ vấn đề xảy ra là doanh nghiệp ấy không tiếp tục thuê người này phụ trách phòng khám. Xảy ra tình huống đó, họ phải báo cáo lại với Sở là chúng tôi sẽ không làm phụ trách công việc này ở doanh nghiệp đó. Trên cơ sở đơn, Sở Y tế sẽ đình chỉ hoạt động này của họ. Và theo nguyên tắc, cấp giấy phép hoạt động phải có người đứng đầu chịu trách nhiệm chuyên môn, mà nếu người này từ chối thì phòng khám đó phải đóng cửa. Chắc chắn chúng tôi sẽ làm như thế. Chúng tôi sẽ nghiêm hơn, không có chuyện lần một mắc sai phạm mà có sai là xử lý ngay.
Ngoài ra, Sở có kế hoạch gì để tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ hơn nữa các phòng khám có yếu tố nước ngoài, thưa ông?
Chắc chắn chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, không thông báo trước cho đơn vị kiểm tra. Đến nơi kiểm tra, chúng tôi cũng không làm việc ngay với đơn vị mà sẽ vào ngay khu vực khám bệnh. Yếu tố đột xuất, bất ngờ là để họ không có thời gian chuẩn bị đối phó, qua đó sẽ thấy tính nghiêm túc hay sai phạm của họ.
Khi sai phạm xảy ra, người phụ trách chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chịu trách nhiệm đến đâu, thưa ông? Tới đây khi tăng cường kiểm tra phòng khám có yếu tố nước ngoài, những sai phạm nào sẽ bị đình chỉ, thưa ông?
Cái này phụ thuộc vào mức độ vi phạm.Ví như họ đưa bác sĩ không phép vào hành nghề (kể cả người nước ngoài, người việt), hoặc là nó ở góc độ bao nhiêu người, còn liên quan đến các cơ chế chuyên môn, mức độ vi phạm của từng cơ sở để có hình thức xử phạt hoặc là đình chỉ, rút giấy phép.
No comments:
Post a Comment