Hôm nay, Chúa Nhựt, 8/7/2012,
Phật Giáo Hòa Hảo hải ngoại tổ chức Ðại lễ kỷ niệm năm thứ 73 ngày Ðức
Huỳnh Giáo Chủ khai sáng nền đạo Phật giáo Hòa Hảo (ngày 18 tháng 5 năm
Kỷ Mão, 1939) tại California Wedding Hall, 7323 Home Leisure Plaza,
Sacramento, CA 95823.
Trong diễn văn khai mạc, ông Nguyễn Văn Liêm, Trưởg ban Tổ chức cho biết: “...cách
nay 73 năm Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã khai sáng nền Ðạo Phật giáo Hòa Hảo
tại làng Hòa Hỏa, quận Tân Châu, tỉnh Châu Ðốc, miền Nam nước Việt...”.
Cũng trong phần phát biểu của mình ông Liêm nói tiếp:
“Nhớ lại vào những ngày này tại quê nhà trước ngày 30 tháng 4 năm 1975,
đã có hàng triệu người không quản ngại việc ngăn sông cách núi, hoặc sự
mưa nắng bất thường của thời tiết, họ lũ lượt kéo về Tổ đình Phật giáo
Hòa Hảo, về An Hòa Tự để thắp một nén nhang cầu nguyện cho quốc thới dân
an, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, cho đồng bào được ấm no hạnh
phúc, và cầu nguyện cho nhơn loại được hòa bình thịnh vượng... [xem hình
Cổng vào ngôi chùa Phật giáo Hòa Hảo An Hòa Tự ở An Giang]... Chính vì
vậy mà cho dù sinh sống ở bất cứ nơi đâu và trong bất cứ hoàn cảnh khó
khăn nào người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo cũng đều long trọng tổ chức ngày
Ðại lễ 18 tháng 5 như một truyền thống cao cả và tốt đẹp không thể
thiếu trong đời sống của họ”.
Ðược biết đây là đại lễ được tổ
chức tại Sacramento có sự tham dự của đồng đạo ở rất nhiều nơi trên thế
giới, mà các phái đoàn đại diện có mặt đã về từ Washington DC, Atlanta
(Georgia), Florida, Dallas, Houston (Texas), Oklahoma, Santa Ana (Nam
California). San Jose (Bắc California)..., và ở những nơi rất xa như
Calgary, Toronto (Canada)...
Trong chuyện bên lề, lúc dự bữa
cơm chay tại hội trường, trong lúc đàm đạo với một chức sắc cao niên,
Giáo Già có dịp hỏi thăm về những khó khăn của những tín đồ Hòa Hảo đang
bị Cộng sản Việt Nam trù giập nơi quê nhà. Theo tài liệu được ghi nhận
từ đài RFA thì “Hồi tháng 12 năm 2011 vừa rồi, Tổ chức Nhân quyền
Human Rights Watch có công bố một bản thông cáo, qua đó ông Phil
Robertson, Phó Giám đốc Human Rights Watch đặc trách Á Châu không quên
lưu ý rằng ‘Ở VN, tình trạng đàn áp các giáo hội không được nhà cầm
quyền công nhận, trong đó có PGHH, diễn ra một cách có hệ thống và
nghiêm trọng’. Tình trạng đó đang tiếp diễn đáng ngại ở Miền Tây đối với các tín đồ PGHH...”.
Ðược biết thêm là tín đồ Phật giáo Hoà Hảo luôn thực hiện Tứ ân: “Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam bảo, Ân đồng bào nhân loại”
và lúc nào cũng gắn liền đạo với đời. Họ luôn kiên trì giữ đạo và phát
triển đạo, cho dầu có bị Cộng sản Việt Nam bức hại bằng nhiều phương
cách, trong đó điều thâm độc nhứt là tổ chức cái bị gọi là “tôn giáo
quốc doanh”. Bản tin được phóng viên Thanh Quang của đài RFA phát đi
ngày 24/2/2012 nói về “Nhiều tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tuyên bố sẵn sàng
tự thiêu” cho biết:
“...theo
các tín đồ (Phật giáo Hòa Hảo), hành động đàn áp tiếp diễn đáng ngại
của giới cầm quyền vẫn không làm nao núng lòng trung kiên đạo pháp của
họ. Các tín đồ cho biết sẵn sàng hy sinh vì đạo pháp, như tín đồ Nguyễn
Văn Mạnh lên tiếng với công luận rằng: Nếu họ làm quá thì chúng tôi sẽ
chấp nhận hy sinh vì đạo. Không sợ gì hết. Chấp nhận hy sinh... riêng
bản thân tôi đây, chấp nhận hy sinh vì đạo, sẽ đổ xăng vào người để chết
vì đạo” [Xem hình Các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo bị đàn áp ngăn chặn
trong lần chuẩn bị hành lễ trước đây; và Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo bị
ngăn cản trong ngày Lễ Ðản Sanh Ðức Huỳnh Giáo Chủ tại An Giang RFA
file].
Ðược mời phát biểu trong đại lễ ở
Sacramento nêu trên Bác sĩ Mã Xái, cựu Dân biểu của Quốc hội Việt Nam
Cộng Hòa trước năm 1975, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đến từ Tiểu bang
Florida, trong tư cách của Chủ tịch Ðảng Tân Ðại Việt đương nhiệm, đã
trình bày những nỗ lực đấu tranh của Phật giáo Hòa Hảo trong công cuộc
chống Pháp, chống độc tài và chống cộng. Nhìn chung, Cộng sản Việt Nam
rất sợ tôn giáo, riêng về Phật giáo Hòa Hảo, những nỗ lực “quốc doanh
hóa” của chúng coi như không thành đạt vì non 3/4 thế kỷ nền đạo được
khai sáng và hơn 37 năm Cộng sản Bắc Việt hoàn tất cuộc xâm lăng Miền
Nam Việt Nam, thống nhứt quyền cai trị cả nước bằng độc đảng độc tài,
các ngày đại lễ của Phật giáo Hòa Hỏa vẫn được tổ chức cho dầu có bị
công an trù giập bằng đủ mọi phương cách.
Trong khi đó, nhìn chung, tình
hình đất nước đã có những chuyển biến khiến người dân hầu như hết sợ
Cộng sản, và ngược lại Cộng sản đang sợ dân. Trường hợp điển hình ai
cũng có thể thấy là cùng ngày Phật giáo Hòa Hảo tổ chức đại lễ kỷ niệm
năm thứ 73 ở Sacramento thì ở quốc nội cuộc biểu tình lần thứ 2 của năm
2012 cũng được tổ chức tại Hà Nội mà những tin tức ghi nhận được từ
thông tín viên Nhân Khánh của đài RFA, phát đi ngày 8/7/2012, cho biết: “Hưởng
ứng lời kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược được lan truyền
trên các mạng xã hội nhiều ngày qua, sáng nay 8 tháng 7 người dân tiếp
tục xuống đường. Ðây là cuộc biểu tình lần thứ hai tại Hà Nội diễn ra
trong năm nay, tiếp theo sau cuộc xuống đường vào chủ nhật tuần trước” [xem hình Cụ Lê Hiền Ðức ngồi xe lăn dẫn đầu đoàn biểu tình tại Hà Nội ngày 8/7/2012].
Cùng lúc, tin được phóng viên Trọng Nghĩa phổ biến trên đài RFI cũng cho biết
“Ðiểm mới trong cuộc xuống đường hôm nay tại Hà Nội là có sự tham gia
của nhiều bà con nông dân đến từ các nơi có tình trạng truất hữu đất đai
như Văn Giang (Hưng Yên), hay Vụ Bản (Nam Ðịnh). Theo một số trang blog
tại Việt Nam, từ 300 người lúc ban đầu trước Nhà Hát Lớn, trong quá
trình tuần hành qua các phố Tràng Tiền, Tràng Thi, Hồ Gươm... đến điểm
kết thúc là tượng đài Lý Thái Tổ, đoàn biểu tình đã càng lúc càng đông
thêm để lên đến khoảng 1000 người. Dẫn đầu đoàn biểu tình là cụ Lê Hiền
Ðức ngồi trên xe lăn, đã có mặt trong cuộc xuống đường vào Chủ nhật tuần
trước (01/07), và một số nhân vật như Giáo sư Ngô Ðức Thọ, Bác sĩ Phạm
Hồng Sơn, nhà văn nữ Thùy Linh... Nhiều người biểu tình đã mặc chiếc áo
No U, biểu tượng của phong trào chống đường chữ U mà Trung Quốc vẽ ra để
đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Ðông... Có tin là ở Sài Gòn
cũng có khoảng 100 người tập hợp ở Công viên 30/04”. Ðiểm đáng lưu ý là có một người biểu tình đeo trước ngực bài thơ “Thần” bằng chữ Hán của Lý Thường Kiệt có câu mở đầu là “Nam Quốc Sơn Hà Nam Ðế Cư” (Hình: Hòang Ðình Nam /AFP/ Getty Images)
Cũng như năm vừa qua, cuộc biểu
tình liên tiếp 2 tuần qua với sự loan báo trước qua các mạng lưới điện
tử và sự đàn áp có tính toán của Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam có thể được xem như cuộc trắc nghiệm của cả người dân tự
phát trong việc huy động biểu tình, lẫn công an trong việc đàn áp trước
công luận. Ðiển hình là cuộc biểu tình đã được huy động mau lẹ trong
thời gian ngắn, tuần lễ thứ 2 đông hơn tuần trước, và công an đã để yên
cho số người biểu tình tại Hà Nội. Theo tin của đài RFA nêu trên thì
“đoàn biểu tình đã càng lúc càng đông thêm để lên đến khoảng 1000 người”
có thể được để yên; nhưng các đối tượng có thể lôi cuốn cuộc biểu tình
ra ngoài vòng kiểm soát của công an, có thể gây hại cho Ðảng và Nhà
nước, thì bị kiểm soát gắt gao, trù giập thẳng tay.
Ðiển hình là trường hợp bà Bùi thị Minh Hằng trong lá thư kêu cứu “Hãy cứu công dân vô tội trước sự khủng bố của nhà cầm quyền Việt Nam”, tại Sài Gòn cho biết “...Chuyện
xảy ra với tôi trong ngày 1/7/2012 vừa qua mà dư luận cũng như bạn bè
đã biết là việc họ ngang nhiên bắt cóc tôi một cách côn đồ, thô bạo tại
Sài Gòn vào lúc 5 giờ 49 phút sáng 1/7 tại ngay gần lối vào ga xe lửa
Sài Gòn khi tôi có việc ra đón người nhà đi chuyến tàu 6 giời sáng tới
đó... Sau đó họ gọi điện thoại và một xe biển số 72 của Vũng Tàu xuất
hiện, trên xe gồm 4 người vào và yêu cầu đưa tôi về Vũng Tàu... Họ chở
tôi trên xe đi lòng vòng qua Biên Hòa, Bình Dương cho đến gần 6 tiếng
sau mới thả tôi về trước cửa nhà tôi tại 106 Lê Hồng Phong, phường 4, TP
Vũng Tàu. Tại đây tôi nhìn thấy rất đông an ninh, công an phường, dân
phòng và tổ dân phố đã trực chờ trước cổng...” khiến mọi người đều
thấy là Ðảng và Nhà nước không muốn Bà tham gia vào các cuộc biểu tình ở
Sài Gòn. Do đó, Bà quyết định biểu tình tại nhà như hình chụp đính
kèm...
Cũng vậy, trường hợp của cô Trịnh
Kim Tiến, một gương mặt được nhiều người biết đến từ các cuộc biểu tình
chống Trung Quốc một năm trước đây (2011). Trong ngày 1/7 cô bị công an
chặn tại nhà thờ Ðức Bà, cô cũng bị vu khống với luận điệu trâng tráo.
Trong một bài viết được đưa lên các diễn đàn cô cho biết: “Hôm
qua (1/7) em ở trong Sài Gòn. Em ra nhà thờ Ðức Bà để tham gia biểu
tình, em bị giữ trên đó và họ buộc em phải quay về. Và em tự biểu tình
tại nhà luôn. Một số người khác sau khi tham gia biểu tình bị họ bắt
nguội. Có một bạn tên Châu Văn Thi chỉ vì mang máy hình trên đường mà bị
họ bắt giữ từ sáng hôm qua, bị giam hơn 24 tiếng. Tới trưa hôm nay
(2/7) họ mới thả bạn ấy ra.”
Trường hợp thứ 3 rất đáng được
quan tâm là trường hợp của cô Huỳnh Thục Vy, một trong số những người bị
bắt về đồn công an trong cuộc tuần hành ngày 1/7 tại Sài Gòn. Cô thuật
lại: “Ngày 1/7 tôi và năm anh chị em trong nhà xuống đường theo lời
kêu gọi của mọi người. Lúc đầu mình tời nhà thờ Ðức Bà, rồi qua công
viên 30/4. Sau đó, nhóm tăng lên mấy chục người. An ninh đứng đầy công
viên, bất thần họ ập tới đạp tất cả anh chị em mình vào xe 16 chỗ ngồi.
Chúng mình cố vươn ra ngoài hét to lên rằng “Hoàng Sa Trường Sa của Việt
Nam”. Sau đó, người ta bắt mình và chồng mình về công an phường
Cô Giang. Em trai mình bị họ bóp cổ, bẻ tay, và bị đánh rất nhiều. Chồng
mình cũng bị đánh rất nhiều. Họ bắt về làm việc suốt 12 tiếng đồng hồ.
Cuối cùng họ ra quyết định thông báo miệng rằng chúng mình đã gây rối
trật tự công cộng và xử phạt riêng mình 1,5 triệu. Có rất nhiều người
biểu tình khác cũng bị bắt. Nhiều người khác đã bị ngăn cản ở nhà, những
người đã từng đi biểu tình yêu nước trước đây như Bùi Hằng cũng đã bị
giữ ở nhà, không thể đi biểu tình được.”
Chồng của Huỳnh Thục Vy là Lê Khánh Duy cũng cho biết: “Chúng
bóp cổ, đánh đập, trấn áp tàn bạo. Họ thay nhau thẩm vấn, hỏi cung
chúng tôi, làm cho tinh thần chúng tôi hoảng loạn và sức khoẻ bị suy sụp
nghiêm trọng”. Khánh Duy cho biết thêm rằng “Thục Vy do bị đánh
đập và đàn áp trong lúc bị bắt lên xe đã xuất huyết ngay trong đồn, ướt
cả quần đang mặc, nhưng chúng vẫn tiếp tục thẩm vấn. Cả mấy anh chị em
toàn thân bầm dập và ê ẩm. Riêng Thục Vy bị chấn thương nhiều chỗ...”. Trước vấn nạn này, qua bài “Sang sông”, tác giả Sông Kôn nhận định: “Họ
rất sợ và không bao giờ chịu để cho cô Huỳnh Thục Vy sống ở đất Sài
Gòn. Tại sao vậy? Ðó là vì họ sợ tấm gương về yêu nước và lòng dũng cảm
của cô là điểm sáng cho mọi người tìm đến, đó là họ sợ cô cùng giới bạn
bè trẻ blogger liên kết lại tạo thành phong trào yêu nước trong giới trẻ
hiện nay...”
Do vậy, tổ chức bảo vệ nhân quyền
Human Rights Watch đã lên án việc nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cản
trở công dân tham gia các cuộc tuần hành ôn hòa chống Trung Quốc là vi
phạm quyền tự do bày tỏ quan điểm. Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ
trách khu vực Châu Á thuộc Human Rights Watch, phát biểu với VOA Việt
ngữ rằng: “Hành động của an ninh Việt Nam chống lại các cuộc tuần
hành bài Trung Quốc một lần nữa chứng tỏ nhà cầm quyền Việt Nam luôn
sách nhiễu bất kỳ hình thức phản kháng ôn hòa nào của công chúng bất kể
nguyên nhân hay vấn đề nào. Thật đáng mỉa mai là ngay cả hành động bày
tỏ sự ủng hộ chính sách của nhà nước đối với Trung Quốc cũng bị công an
gây áp lực, trong đó có việc hăm dọa và cấm cản các nhà hoạt động, và
thậm chí là bắt giữ tùy tiện như trường hợp của bà Bùi Minh Hằng hay
blogger Huỳnh Thục Vy, hầu ngăn không cho họ đi tuần hành chống Trung
Quốc. Những hành vi này cho thấy Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm
nhân quyền căn bản của công dân.”
Tin ghi nhận từ đài BBC cho biết
Cô Huỳnh Thục Vy, sinh năm 1985, đã bị bắt giữ hôm 1/7 tại Sài Gòn nhưng
được thả vào buổi tối cùng ngày. Em trai cô, Huỳnh Trọng Hiếu, nói đảng
viên kỳ cựu Lê Hiếu Ðằng đã đứng chặn trước mũi xe công an để ngăn họ
đưa chị em cô đi nhưng không thành. Hôm 4/7, công an tỉnh Quảng Nam, quê
gốc của Huỳnh Thục Vy, đã đưa xe vào Sài Gòn để bắt và đưa cô trở lại
Quảng Nam và giữ cho tới cuối ngày 5/7.
Trả lời Nguyễn Hùng của BBC, ngay
sau khi được thả hôm 5/7, Huỳnh Thục Vy nói về những suy nghĩ của cô về
tự do và khẳng định cô không làm gì trái pháp luật. Cô nói “Trưa hôm
qua, vào lúc 11 giờ tôi vẫn còn ở đồn công an phường Tân Quy, quận 7,
Sài Gòn. Sau đó, người ta đưa xe đến, có công an tỉnh Quảng Nam tôi nhận
mặt ra. Người ta tách tôi ra khỏi chồng tôi, quăng tôi lên xe, chở
thẳng về Quảng Nam. Suốt dọc đường người ta không cho tôi ăn uống gì.
Tôi rất là mệt mỏi. Sáng nay [5/7] lúc 5 giờ thì tôi tới Quảng Nam. Tôi
được đưa vào đồn công an thành phố Tam Kỳ, nhưng mà lại làm việc với
công an tỉnh Quảng Nam, chứ không phải công an của TP. Cho tới sáng nay
tôi vẫn bị đói. Rồi người ta tiếp tục bảo tôi làm việc từ lúc 5 giờ đó
đến lúc 9 giờ tối ngày hôm nay tôi mới được thả ra. Trong thời gian ở
trong đồn, người ta liên tục thẩm vấn tôi và người ta bỏ đói, bỏ khát
tôi. Người ta liên tục dọa nạt tôi là sẽ bỏ tù tôi... Ðàn áp, bắt bớ,
sách nhiễu, tù đày là những trở ngại chúng ta phải chấp nhận và phải
vượt qua nó. Khi vượt qua nó rồi thì chúng ta sẽ có phần thưởng, hoa
trái cho nỗ lực đấu tranh của chúng ta. Hiện tại ngày hôm nay Ðảng Cộng
sản Việt Nam đã thật sự rất là yếu rồi. Và người ta thật sự chỉ dám
ngược đãi sách nhiễu, chỉ dám làm cho chúng ta đủ mệt mỏi để chúng ta từ
bỏ công cuộc đấu tranh, chứ người ta không thể giết chúng ta chết. Và
hơn hết tôi muốn nói với tất cả các bạn thanh niên Việt Nam rằng nếu
chúng ta không có đủ dũng cảm, dũng khí như Phó Ðức Chính nhìn vào lưỡi
dao máy chém rơi xuống thì chúng ta cũng phải có đủ dũng khí để chấp
nhận sự đàn áp, sự bắt bớ của nhà cầm quyền...”
Trong lá thư gởi cho chồng đã “đăng ký kết hôn” cô viết: “...Ngồi
trong đồn công an nhìn ra ô cửa kính, từ đáy lòng mình em đã tưởng nhớ
và tri ân bao thế hệ người đã vì Việt Nam này mà lãnh nhận đau khổ, tù
đày, thậm chí là cái chết. Dù bị thẩm vấn liên tục, em vẫn cố tạo cho
mình những giây phút nghĩ ngơi bằng cách không trả lời những câu hỏi cá
nhân hoặc nhưng câu hỏi liên quan đến bạn bè. Chỉ những gì người ta đã
biết bằng cách rình rập, nghe lén điện thoại... thì em mới kể cho họ
nghe. Những lúc em ngồi nhắm mắt, im lặng và hít thở sâu, em nghĩ rất
nhiều về cuộc đấu tranh hôm nay, và em nhớ đến một người anh hùng trong
lịch sử: Phó Ðức Chính. Ông đã bị thực dân Pháp đưa lên máy chém khi mới
23 tuổi. Nhắc đến ông, chúng ta tự nhiên sẽ thấy bình an hơn, vì những
đau khổ mà chúng ta đang chịu đựng làm sao có thể so sánh với sự hy sinh
tính mạng của một người đang tuổi xuân xanh? Không thể so sánh cuộc đấu
tranh chống Pháp và cuộc đấu tranh hiện nay, nhưng nhìn vào lịch sử,
chúng ta biết rằng “Freedom is not free”, phải không anh? Mọi thứ đều có
cái giá của nó. Những ai hy sinh vì điều tốt đẹp, sẽ nhận được hoa quả
tốt tươi. Những ai hành động tàn ác, hy sinh nhân tính để bảo vệ quyền
lợi của mình, sẽ nhận lấy những điều tồi tệ do chính mình tạo ra. Ðó
chính là Công lý anh ạ. Vì vậy, anh ơi, anh đừng lo lắng, đừng đau khổ.
Anh phải mạnh mẽ lên. Chúng ta phải mạnh mẽ lên. Mọi khó khăn còn chưa
kết thúc, nhưng chúng ta cũng không đầu hàng. Em biết rằng chỉ mới có
năm ngày nhưng ông chồng 64 kg của em bây giờ đã gầy nhom. Em sẽ bồi
dưỡng cho anh. Em sẽ dùng cả cuộc đời này để thương yêu anh, cũng như
chúng ta sẽ dùng cả cuộc đời này để yêu thương đất nước này. Nhiều cô
chú bác, anh chị em tuy không ở bên chúng ta nhưng họ luôn giúp đỡ và
ủng hộ chúng ta. Dù bị an ninh cộng sản tịch thu nhiều thứ mà anh chị em
trong gia đình chúng ta đã nhịn ăn nhịn mặc để mua như: hai điện thoại
di động, hai laptop; cho đến giờ chúng ta vẫn được bình an vì có mọi
người. Chúng ta phải ghi nhớ ân tình đó, anh nhé. Anh ơi, anh cố gắng
lên. Chúng ta còn một lễ cưới phải lo thu xếp. Cả anh và em hãy cùng cầu
nguyện nhé. Em tin chúng ta sẽ được bình an, hạnh phúc. Em đang ở quê
chờ anh. Hãy tha lỗi cho em vì đã làm anh phải lo lắng quá nhiều. Em yêu
anh. Vợ của anh, Huỳnh Thục Vy, Tam Kỳ ngày 6 tháng 7 năm 2012”
Chuyện của Huỳnh Thục Vy và chồng
là Lê Khánh Duy cùng gặp nạn trên đường đấu tranh cho lý tưởng tự do,
đấu tranh Dân chủ hóa Việt Nam, chống Tàu diệt Việt cộng... khiến Giáo
Già nhớ tới cuộc tình của 2 nhà đấu tranh cho những công nhơn bị chủ
nhơn cấu kết với nhà nước bóc lột ở các nhà máy, đấu tranh chống độc
đảng độc tài Cộng sản Việt Nam mà bị tòa án xử oan, bị ngồi tù Xã hội
Chủ nghĩa. Ðó là Ðỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng [xem hình
minh họa] mà trong phiên tòa phúc thẩm tại tòa án tỉnh Trà Vinh ngày
18/3/2011 được đăng trên một số cơ quan truyền thông quốc tế và các diễn
đàn điện tử, cho thấy cái hào hùng của hai đứa con yêu của Tổ Quốc Việt
Nam cùng lúc với trơ trẽn của nền tư pháp Cộng sản Việt Nam: “...Lúc
khoảng 11 giờ, phiên tòa đang được diễn ra thì một chiếc xe mang biển
số của Bộ Công an xuất hiện, ba người từ trong xe bước thẳng vào tòa và
nói nhỏ điều gì đó vào tai chủ tọa. Lập tức, vị chủ tọa chuyển ngay sang
phần tuyên án, trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Lúc 11h30 phút, bản
án đã được tuyên, kết quả giống như tại phiên tòa sơ thẩm: Nguyễn Hoàng
Quốc Hùng bị 9 năm tù giam, Ðỗ Thị Minh Hạnh và Ðoàn Huy Chương cùng bị 7
năm. Phiên tòa chớp nhoáng cùng những bản án bỏ túi chấm dứt tại đây.
Qua khe cổng hàng rào tòa án, người ta thấy công an áp tải cả ba người
bạn bước ra xe tù”.
Nó cũng khiến Giáo Già nghĩ tới
hạnh phúc trong đấu tranh của nữ Luật sư Lê Thị Công Nhân và phu quân là
Ngô Duy Quyền, mà trong cuộc biểu tình của năm vừa qua, vì bận chăm con
và bị công an canh giữ gắt gao cô không được tham gia biểu tình nhưng
đã hăng hái để chồng đi biểu tình một mình rồi viết bài tường thuật rất
trung thực và sống động, nói lên tiết tháo của người cựu tù đang bị quản
chế vì đấu tranh cho dân chủ, chống độc đảng đọc tài; và người chồng
khí phách thách đố với bạo quyền, thách đố mọi đàn áp bức hại của công
an Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Phải chăng chính vì công an Sài
Gòn đã kềm giữ quá gắt gao những đối tượng có cơ nguy chuyển biến cuộc
biểu tình ra ngoài vòng kiểm soát của chúng, biến nó thành áp lực của
đám đông cướp chánh quyền như Việt Minh đã từng làm năm 1945, hay gần
đây trong cuộc Cách mạng Hoa Lài ở Tunisia, trong Mùa Xuân Ả Rập... làm
sụp đổ bạo quyền độc tài gian tham độc ác... Ðây cũng là cách công an
Cộng sản Việt Nam thực hiện cuộc trắc nghiệm mới chống sự vùng dậy của
tuổi trẻ và toàn dân trước đại họa mất nước và độc đảng độc tài, chống
Tàu diệt Việt cộng, khiến những nguồn tin ghi nhận được từ Sài Gòn đều
cho biết ngày 8/7/2012 có một số người tụ tập gần công viên 30/4 nhưng
không thực hiện được cuộc biểu tình như Hà Nội, vì bị lực lượng công an
cảnh sát quá đông áp đảo; phần khác cũng vì thiếu vắng nhưng nhân sĩ trí
thức nòng cốt làm thành mồi lửa hâm nóng khí thế của thanh niên, mà
người theo dõi đã thấy ở Hà Nội [xem hình thành phần biểu tình đông đảo
là thanh niên].
Chuyện của những đứa con yêu điển
hình của Tổ Quốc Việt Nam thách đố với gian nan, nguy hiểm, thách đố cả
tù tội trên đường đấu tranh đập tan đại họa mất nước và chống Tàu diệt
Việt cộng đã làm nổi bật những đứa con hoang của Tổ Quốc Việt Nam, những
tội đồ của dân tộc đang tìm đường tháo chạy, cho bản thân và gia đình,
những kẻ lãnh đạo hàng đầu Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa
Việt Nam đã đưa chúng vào đường tội lỗi làm băng hoại đất nước Việt Nam,
từ nợ nần quốc tế khủng khiếp, doanh nghiệp phá sản, đến văn hóa giáo
dục suy đồi trầm trọng trong thời gian dài vừa qua.
Giáo Già muốn nói tới công nương
Tô Linh Hương, người con gái sinh năm 1988, tốt nghiệp Cử nhân ngành
Quan hệ Quốc tế tại Học viện Báo Chí và Tuyên Truyền, lại được cha là Ủy
viên Bộ Chính trị của Ðảng Cộng Sản Việt Nam Tô Huy Rứa áp lực đưa vào
vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty CP Ðầu tư Xây dựng Vinaconex ố
PVC, là tổ hợp hai công ty xuất nhập khẩu xây dựng và xây dựng dầu khí,
vào ngày 14.4.2012. Chuyện đáng nói là Tô Linh Hương chỉ là một cô bé
24 tuổi vừa ra trường và công ty CP Ðầu tư Xây dựng Vinaconex - PVC là
tổ hợp hai công ty xuất nhập khẩu xây dựng và xây dựng dầu khí quan
trọng có tới 2000 công nhân với doanh thu gần 1000 tỷ đồng mỗi năm, một
doanh nghiệp lớn nằm ngoài chuyên môn của cô và cô cũng chẳng có chút
kinh nghiệm nào. Vấn đề ở đây không phải là chuyên môn, không phải là sở
trường và kinh nghiệm; nó chỉ cần con số doanh thu 1000 tỷ mỗi năm và
cô chỉ cần có mặt trong tư cách một Chủ tịch Hội đồng Quản trị, để cha
cô, trong tư cách một Ủy viên Bộ Chánh trị và đàn em thân tín “phù phép”
rót vào đó bao nhiêu tỷ, dưới mọi dạng thức thuận tiện; rồi rửa thành
bao nhiêu triệu đô la ở hải ngoại; chuẩn bị cho cuộc tháo chạy an toàn
của cô và gia đình [xem hình Tô Linh Hương mặc áo đỏ mang giày cao gót
cùng màu đỏ đang thị sát công trường như một công nương đi dạo để chụp
hình, quay phim phô diễn].
Nhưng, câu chuyện không dừng lại ở
đó, vì đến ngày 22/6/2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được Công
văn số 551/VN-PVC/CBTT về việc công bố thông tin thay đổi nhân sự Hội
đồng quản trị của Cty CP Ðầu tư Xây dựng Vinaconex - PVC. Theo đó, cô Tô
Linh Hương thôi giữ chức vụ Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị
Công ty CP Ðầu tư Xây dựng Vinaconex ố PVC, kể từ ngày 21/6/2012. Chưa
biết sau 2 tháng 7 ngày ngồi ở ngôi vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tô
Linh Hương có được bao nhiêu tỷ qua tay và bao nhiêu đô la chảy ra hải
ngoại; nhưng cuộc tháo chạy quá sớm của Tô Linh Hương, do sự đánh hơi
của loài chó quá nhạy cảm với quyền lực, trong hàng ngũ lãnh đạo Cộng
sản Việt Nam, khiến Tô Huy Rứa phải ngậm miệng cho đứa con gái cưng tháo
chạy trước khi mọi chuyện bị bể và không cứu vãn được.
Nó đã khiến Thái thú Nguyễn Tấn
Dũng nhạy cảm nhận diện trước nguy biến. Nó đã góp phần không nhỏ khiến
kẻ gian tham háo danh hám lợi dòng họ Nguyễn cảm thấy ngôi vị của ái nữ
Nguyễn Thanh Phượng rung rinh. Từ đó, Nguyễn Thanh Phượng, cô công nương
giám đốc một lúc bốn cái nhà băng lớn, được Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo vội
vã tháo chạy khỏi vai trò đại diện theo pháp luật cho ngân hàng Bản
Việt từ ngày 20/6/2012 [trước hai ngày]. Ðược biết bố cáo của Ngân hàng
TMCP Bản Việt (tên tiếng Anh là VietCapital Bank) đăng trên báo Sài Gòn
Giải Phóng hai ngày 27/6 và 28/6 viết rằng người đại diện trước pháp
luật của ngân hàng này là ông Ðỗ Duy Hưng, Tổng Giám đốc; thay cho bà
Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch HÐQT [xem chân dung một công nương mỹ miều
không còn vẻ một Chủ tịch HÐQT từng được đủ loại báo chí gia nô phô
diễn trước đây]. Bản bố cáo này cũng cho hay quyết định này căn cứ theo
nghị quyết được hồi tố trước đó, tức ngày 28/3/2012, của Ðại hội đồng cổ
đông Ngân hàng TMCP Bản Việt. Ngân hàng Bản Việt được đổi tên từ Ngân
hàng Gia Ðịnh (GiadinhBank) từ ngày 3/11/2011 sau Ðại hội cồ đông bất
thường. Ðại hội này cũng thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ
đồng (95 triệu đôla) lên 3.000 tỷ đồng (142 triệu đôla) theo quy định.
Cũng không nên quên người chồng của Nguyễn Thanh Phượng là ông Nguyễn
Bảo Hoàng (Henry), thành viên HÐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt,
cũng góp phần không nhỏ trong việc xây dựng cơ ngơi ảnh hưởng đến tầm
hoạt động và xu thế chuyên sâu hóa nền tài chánh vào thế lực Nguyễn Thái
thú, với sự góp sức của đám gia nô thời danh bộ trưởng hay mang hàm bộ
trưởng, mà điển hình là Nguyễn Văn Bình [xem hình], Thống đốc Ngân hàng
Nhà nước, hoặc chưa từng là bộ trưởng nhưng lại có thể sắp xếp cả chức
vụ bộ trưởng như Nguyễn Ðức Kiên, kẻ có khả năng làm thành cuộc đảo
chánh không tiếng súng trên lãnh vực kinh tài ngay trong Bộ Chánh trị.
Nhưng nguy cơ quyền lực đang từ
từ tuột khỏi tầm tay khi Chủ tịch Nhà nước Trương Tấn Sang, kẻ đã ngậm
nhục lùi một bước trong Bộ Chánh trị, tung “Ðường Quyền Con Sâu Ðỏ” và
Bí thư Hải Phòng công khai nhạo bán quyền lực Thủ Tướng trong vụ án Ðoàn
Văn Vươn; trước khi con gà đá Ðinh La Thăng không bao che nổi con gà
con Dương Chí Dũng [xem hình], trong vụ án Vinalines, để nó bị đưa đến
đường cùng, đào thoát 1 ngày trước khi bị công an đưa lịnh truy bố. Ðến
nay Interpol chưa tìm ra tung tích nên trong dư luận đã có nhiều đồn
đoán cho rằng tội phạm Dũng con đã bị thủ tiêu để khỏi bị ra tòa cung
khai nhiều chi tiết có hại cho Thái thú Dũng Vinashin; hoặc tội phạm
Dũng Vinalines đang yên thân trong phủ Thái thú, nằm chờ dịp tháo chạy.
Do vậy, nói cách khác, Thái thú
Vinashin Nguyễn Tấn Dũng, kẻ đã hành hạ Tổ Quốc lâu năm, không còn cách
nào khác hơn là chuẩn bị tháo chạy, hay đúng hơn là cho con tháo chạy
trước áp lực nặng nề trong cuộc tranh giành quyền lực trong Ðảng và Nhà
nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, mà dư luận rất dễ thấy sau khi
quyền lực “chống tham nhũng” rơi hết vào Bộ Chánh trị, đúng hơn là vào
tay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; đặc biệt nhứt là mới đây đang có những
chuẩn bị để các bộ Quốc phòng, bộ Công an, cùng bộ Ngoại giao, chuyển
hết về tay Chủ tịch Nhà nước Trương Tấn Sang, trong khi hướng gió tanh
mùi quyền lực có nhiều chỉ dấu đổi chiều, khiến các hoạt động của các
thế lực đen mà Thái thú đã dung túng trong nhiều năm, tưởng như sinh
mệnh chính trị đã gắn liền vào nhau, như cái đai quần không để tuột rời,
lại đang có chỉ dấu bộc lộ một vài biểu hiện kín đáo của bước chân
chuẩn bị “chạy tội”. Cũng đã có tin đồn cho rằng một cuộc thăm dò tín
nhiệm trong nội bộ đảng gần đây đã mang lại kết quả không thể tồi tệ hơn
đối với Thái thú Dũng Vinashin. Tất cả cho thấy những tin tức về việc
Thủ tướng Dũng có khả năng phải rời bỏ chức vụ của ông trước nhiệm kỳ đã
không còn là tin đồn vô căn cứ. Các thông tin được coi như “tuyệt mật”
còn được giới đầu tư ngân hàng Sài Gòn biết đến, mà bằng chứng là một số
khách hàng lớn đã bắt đầu chiến dịch rút tiền mặt khỏi Ngân hàng Phương
Nam, một trong những địa chỉ vẫn được giới chức chính trị liệt vào loại
chân rết của nhóm Nguyễn Ðức Kiên, Nguyễn Thanh Phượng... Một vài nguồn
tin còn cho biết Dũng có thể phải ra đi trong tháng 8/2012, sau một
cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong Bộ Chính trị, nơi người đang mơ làm tổng
thống đầu tiên của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nay chỉ nhận
được quá ít phiếu ủng hộ tiếp tục chấp nhiệm. Nó đã khiến cho con tàu
Nhà nước chao đảo, lắc lư con tàu đi. Nó đang diễn ra một cuộc “chạy
loạn” của những cấp dưới thân cận và thường xuyên phục vụ cho quyền lợi
nhóm của gia đình Nguyễn Thái thú đang phải tìm đường tháo chạy.
Tất cả những chuyển biến dồn dập
đó khiến kẻ hành hạ Tổ Quốc Dũng Vinashin chẳng còn gì ngoài chuyện tháo
chạy, coi như “một đám tang được báo trước”, may ra còn được êm cửa êm
nhà, nhứt là được hạ cánh an toàn ở một quốc gia nào đó có sẵn những cơ
ngơi trù phú nhờ những đồng tiền được tội phạm Nguyễn Thanh Phượng và
chồng là Nguyễn Bảo Hoàng rửa sạch với sự thỏa thuận ngầm của những bàn
tay lông lá trăng trắng vàng vàng khó đếm hết.
No comments:
Post a Comment