Không kể văn chương phản kháng
bình dân hay bác học thời Bắc thuộc, Pháp thuộc chỉ xin nhắc đến văn
chương bình dân, văn chương truyền khẩu phản ảnh sức phản kháng của
người dân phổ biến, lưu truyền trong thời cộng sản thuộc, nhất là sau
những ngày cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm Miền Nam tự do.
Có thể nói, ngay những ngày đầu
khi thấy được bản chất của cộng sản, người dân đã phản kháng chế độ qua
việc làm thơ, làm vè, ca dao, sửa lời nhạc “đỏ” chống lại các chính sách
bất hợp lý gây hậu quả nghiêm trọng hoặc các chính sách không tưởng,
phản động không có thật trong đời sống thực tiễn của người dân như việc
thay đổi tên đường phố Sài Gòn từ đường Công Lý thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa
và đường Tự Do thành ra tên Đồng Khởi, người dân đã có hai câu thơ lưu
truyền, phản ảnh con đường đã đổi tên cũng là lúc tự do, công lý biến
khỏi đời sống thực tế của đại đa số quần chúng nhân dân Miền Nam:
“Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý,
Đồng Khởi vùng lên mất Tự do.”
Trong số thơ vè, ca dao phản đối
chính sách của nhà nước cộng sản về phân phối nhu yếu phẩm gồm gạo
đường, thịt cá, rau trái, vải vóc... theo qui định khiến người dân than
thở qua các câu thơ, vè rất hiện thực:
“Một năm hai mét vải thô
Nếu đem may áo cụ Hồ ló ra
May áo thì hở lá đa
Chị em thiếu vải hóa ra lõa lồ
Vội đem cất ảnh Bác Hồ
Sợ rằng bác thấy tô hô Bác thèm.”
Về việc phản ảnh chính sách kinh
tế tâp trung yếu kém, thiếu thốn mọi bề của chế độ mới qua việc so sánh
với chế độ cũ người dân truyền tai nhau khẩu hiệu:
“Đả đảo Thiệu-Kỳ mua cái gì cũng có
Hoan hô Hồ Chí Minh mua cây đinh phải đăng ký.”
Và để châm biếm chính sách tự do
cư trú, đi lại có tính hài hước của nhà nước công sản với các xứ văn
minh lẫn các xứ lạc hậu chậm tiến, không đâu giống như ở xứ Việt Nam qua
việc cách tân thơ:
“Mang danh dân chủ cộng hòa
Đi ra khỏi tỉnh phải qua cửa quyền
Xuất trình giấy phép liên miên
Chứng từ thị thực ở miền nào qua
Trăm năm trong cõi người ta
Ở đâu cũng được đi ra đi vào
Xa xôi như xứ Bồ Đào
Người ta cũng được đi vào đi ra
Đen đủi như Ăng Gô La
Người ta cũng được đi ra đi vào
Chậm tiến như ở nước Lào
Người ta cũng được đi vào đi ra
Chỉ riêng có ở nước ta
Người ta không được đi ra đi vào.”
Cũng như để phản ảnh tệ nạn hiện
thực xã hội, xã hội chủ nghĩa của thời cộng sản “thuộc” mọi người dân
đều thấy, đều biết nó là sự kiện có thật trước mắt mà đảng không thể phủ
nhận, không thể đổ cho hậu quả chiến tranh hay tàn dư chế độ cũ được vì
hình ảnh “tượng bác” không thể tìm thấy trong thời còn chính quyền Sài
Gòn:
“Chiều chiều trên bến Ninh Kiều
Dưới chân tượng bác đĩ nhiều hơn dân.”
Và nói về tệ nạn tham nhũng, tham ô của chế độ cộng sản hiện nay người dân có câu:
“Phong lan, phong chức, phong bì
Trong ba thứ ấy, thứ gì quý hơn?
Phong lan ngắm cảnh cũng buồn
Phong chức thì phải cúi luồn vào ra
Chỉ còn cái phong thứ ba
Mở ra thơm nức, cả nhà cùng vui.”
Ngoài những câu thơ vè, ca dao đã
đề cập ở trên được phổ biến mấy mươi năm qua, nó trở thành quen thuộc,
có rất ít người trong chúng ta chưa nghe nói đến và mãi đến ngày nay
hiện tượng châm biếm, mỉa mai, phản kháng vẫn còn tồn tại, nó chưa được
đẩy lùi, điều đó chỉ ra rằng xã hội chủ nghĩa mấy mươi năm xây dựng
không đi tới đâu, vẫn còn nhiều xấu ác của đàn áp, bất công đáng xấu hổ ở
thời hiện đại văn minh nên người dân thấp cổ bé miệng, tay không tấc
sắt vẫn còn tiếp tục phản kháng, chống đối nhà nước hà khắc bạo tàn qua
nhiều hình thức trong đó có các câu thơ vè, ca dao khẩu hiệu dễ hiểu dễ
nhớ truyền khẩu trong nhân dân.
Điển hình cho nhận định vừa kể là
trong thời gian gần đây có hai câu cách ngôn không dưới dạng thơ vè, ca
dao rất phổ biến trên cộng đồng cư dân mạng, trong thực tiễn đời sống
của người dân trong lẫn ngoài nước, hai câu nói thâm thúy thông minh
ngắn gọn diễn tả đầy đủ, phản ảnh đúng thật hiện thực bản chất của nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một nhà nước lạc hậu so với
đa phần thế giới còn lại, một nhà nước rừng rú vô luật lẫn bất lực được
người dân khắp nước truyền tai nhau:
“Ở Việt Nam công lý là tên của một diễn viên hài.”
Câu nói rất hay mang hai nghĩa
đều có thật trong nước Việt Nam: nghĩa thứ nhất, Công Lý tên của diễn
viên hài là có thật; nghĩa thứ hai, công lý chỉ là trò hề, công lý không
hề có ở nước Việt Nam cộng sản. Qua kết luận ở Việt Nam, công lý là tên
của diễn viên hài của ai đó quá xuất sắc không chê vào đâu được. Câu
nói đúc kết toàn bộ các hiện thực liên quan đến bộ mặt thật của công lý
như cướp đất nông dân, tham nhũng hối lộ, quan chức lạm quyền, công an
đánh chết người thường xuyên xảy ra, an ninh hành hung bắt người tùy
tiện, thậm chí cán bộ đảng viên những kẻ thực thi luật pháp ngang nhiên
tuyên bố ngang tàng như một ông vua con “luật là tao, tao là luật” vẫn
không bị trừng trị đích đáng, đúng người đúng tội vì công lý không còn
hiện hữu trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thiển nghĩ
câu nói ở Việt Nam công lý là tên của diễn viên hài đã diễn tả đúng
nhất, thật nhất, đầy đủ nhất về bản chất công lý của nhà nước cộng sản
Việt Nam.
Có một câu nói khác cũng rất hay,
rất sâu sắc không thua kém câu công lý là tên của diễn viên hài. Câu
nói chỉ ra hậu quả của chính sách trồng người, sản xuất sản phẩm người
như khuôn đúc, nó tiêm nhiễm, lây lan vào mọi ngõ ngách của xã hội Việt
Nam, chủ yếu là trong những con người mới xã hội chủ nghĩa, những cán bộ
đảng viên cộng sản có chức có quyền của chế độ cộng sản. Câu nói có nội
dung bàn về giả dối của con người, xã hội Việt Nam về con người mới, về
chủ nghĩa xã hội:
“Ở Việt Nam mọi thứ có nguồn gốc đảng, nhà nước cộng sản đều giả, chỉ có dối trá là thật.”
Câu nói lên án hậu quả giả dối
tràn lan trở thành nếp văn hóa của con người mới xã hội chủ nghĩa, nào
là ngọn đuốc sống Lê Văn Tám giả, đạo đức Hồ Chí Minh giả, cuộc kháng
chiến thần thánh đánh Pháp đuổi Mỹ giả, khẩu hiệu Không có gì quý hơn độc lập tự do
giả, đất đai là sở hữu toàn dân giả, kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa giả, con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa là sự lựa chon
đúng đắn của nhân dân giả, nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa, là dân chủ vạn lần hơn giả... đó chỉ là một số nhỏ giả, dối trá
có nguồn gốc từ đảng nhà nước là sự kiện dối trá có thật của đảng, nhà
nước cộng sản Việt Nam!
Giả dối, dối trá không chỉ nằm im
trong lời nói của các quan chức nhà nước mà nó còn leo cao luồn sâu
trong các hành động gán ghép tội danh “chống người thi hành công vụ” cho
những người nông dân chống xã hội đen cấu kết xã hội đỏ cưỡng cướp đất
đai bất công của họ và ngang nhiên gán ghép tội danh “gây rối trật tự
công cộng”, bị các thế lực thù địch xúi dục cho những người xuống đường
bày tỏ lòng yêu nước chống quân xâm lược Trung Cộng.
Giả dối, dối trá còn hiện diện
trong các thủ tục tố tụng hình sự, trong các văn kiện quy phạm pháp luật
với các bản án vô lý bất công và những người có đầu óc bình thường đều
nhận ra nhà nước pháp quyền diễn trò công lý nhưng nó vẫn cứ “vô tư”
diễn ra ngày này qua tháng khác.
Điển hình là việc nhà nước pháp
quyền không để lọt người lọt tội của “băng nhóm” ba tên trộm hai con vịt
với đầy đủ chính phạm, tòng phạm bị kết án tổng cộng hơn mười năm tù
giam. So với việc xử vụ án băng nhóm công an cố ý giết người chỉ với bốn
năm tù giam cho chính phạm, họ cho rằng không đủ yếu tố cấu thành tội
cho các tòng phạm cố ý giết người? Có lẽ họ phán như thế vì chính phạm
có tài phân thân, thành tòng phạm nắm tay giữ chân, đè đầu xuống đất đập
vào gáy nạn nhân, không cho thân nhân nạn nhân đi cứu chữa để nạn nhân
chết dần chết mòn trong đau đớn đói khát? Lạ là công lý của nước dân chủ
vạn lần hơn kết án tội trộm vịt, giết vịt tổng cộng hơn mười năm tù
giam, còn tội của công an giết người chỉ ở tù 4 năm. Có lẽ công lý kiểu
này chỉ có ở nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam?
Ngoài ra giả dối, dối trá còn
hiện diện trong các điều luật do nhà nước ban hành, thi hành trong đời
sống như điều 6 luật báo chí có ghi: “thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”.
Thật hết nước nói, chỉ một câu ngắn, lại là điều luật cấp nhà nước, đã
lộ ra dối trá quá lộ liễu, còn gì là luật pháp bởi thông tin phù hợp với
lợi ích của đất nước, của nhân dân thì còn chỗ đâu cho thông tin trung
thực, hở các nhà lập pháp của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt
Nam?
Không chỉ có luật báo chí, ngay
cả luật công đoàn ở điều 1 có câu chữ, ngữ nghĩa tối tăm và dối trá lộ
liễu không hề thua kém luật báo chí: “Công đoàn là tổ chức chính trị -
xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động Việt Nam
tự nguyện lập ra dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam; là thành
viên trong hệ thống chính trị Việt Nam; là trường học chủ nghĩa xã hội
của người lao động"
Điều luật viết ra cần nêu rõ
nghĩa từng câu từng chữ nhưng luật báo chí, luật công đoàn của Việt Nam
rất tối nghĩa và nếu có ai đọc qua các điều luật của nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa đều thấy chúng tối tăm, lắt léo cưỡng lời đoạt ý nhằm
mục đích che đậy dối trá như nhau. Vì thế, trước khi tìm hiểu cái gọi là
luật công đoàn, chúng ta cần điều chỉnh câu chữ trong điều luật cho rõ
nghĩa: “Công đoàn là tổ chức chính trị-xã hội rộng lớn của giai cấp
công nhân, của người lao động Việt Nam tự nguyện lập ra dưới sự lãnh đạo
của đảng cộng sản Việt Nam. Công đoàn là thành viên trong hệ thống
chính trị Việt Nam, là trường học xã hội chủ nghĩa của người lao động.”
Chính vì mục đích dối trá nên
điều luật công đoàn chấm, phẩy lủn củn tối nghĩa mâu thuẫn từ trong nội
dung điều luật viết ra. Tại sao công đoàn tự nguyện lập ra lại nằm dưới
sự lãnh đạo của đảng? Tại sao từ đầu công đoàn mang lưỡng tính chính trị
- xã hội, rồi sau cùng lại nằm trong hệ thống chính trị Việt Nam và còn
biến tướng công đoàn thành trường học xã hội chủ nghĩa? Rõ là trò khỉ,
không ai điên tự nguyện lập ra lại tự nguyện xin đảng lãnh đạo, xin làm
thành viên trong hệ thống chính trị và cải tạo công đoàn thành trường
học xã hội chủ nghĩa trong khi không ai biết xã hội chủ nghĩa ra làm sao
cả. Như thế chỉ có kẻ áp đặt dối trá mới sử dụng xảo ngôn lòng vòng
nhằm láo lừa giai cấp công nhân, lao động qua điều luật “phản” luật từ
trong bản chất của bộ luật nhà nước cộng sản Việt Nam!
Quan sát tổ chức đảng, nhà nước
cộng sản đâu đâu cũng thấy dối trá, bất công và công lý đã không còn
hiện hữu trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tương lai
Việt Nam là một màu xám buồn, mịt mù u tối trước mắt. Thế cho nên sức
phản kháng của nhân dân qua văn chương truyền khẩu thơ vè, ca dao, khẩu
hiệu vẫn còn “cháy” lúc âm ỉ, lúc mãnh liệt, phản ảnh đúng thật hiện
thực đời sống xã hội, xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời cộng sản:
“Nhà ai giàu bằng nhà cán bộ
Hộ nào sang bằng hộ đảng viên
Dân tình thất đảo bát điên
Đảng viên mặc sức vung tiền vui chơi.”
No comments:
Post a Comment