Ts.Alan Phan
Cái hành động nhỏ nhặt nhanh chóng tạo nên một tư duy mới và
nhiều kế hoạch bổ sung khác tiếp tục nối đuôi. Càng “làm” nhiều, càng
khiến chúng trở thành thói quen hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng.
Con rắn không thay được da phải chết. Những đầu óc không chịu cởi mở thay đổi sẽ ngừng hoạt động. – Friedrich Nietzsche.
Cách đây vài tháng, một chuyện cười được phổ biến quanh vòng các nhà
ngoại giao sống ở Hà Nội và tôi được nghe lại từ một quan chức cao cấp
Việt. Một du khách Anh hỏi một hướng dẫn viên du lịch,” Chúng tôi đã đi
thăm Vịnh Hạ Long (Ha Long Bay), Vịnh Cam Ranh (Cam Ranh Bay)… Một vịnh
khác tôi thấy quảng cáo khắp xứ này, chắc phải hấp dẫn lắm, chúng tôi
muốn tới Cam Dai Bay.”
Chúng tôi cười một chút, nhưng tôi không biết nghe xong, ông có thấy
chút hổ thẹn. Một dấu ấn có thể nhiều hơn các biểu ngữ vinh danh tổ
quốc, anh hùng, thành tích…lại là ba chữ đơn giản, “cấm đái bậy”.
Tại New York vào thập niên 1970′s, lối quản trị hành chính của các
thị trưởng phe khuynh tả đảng Dân Chủ như Lindsay, Koch…khiến tỷ lệ tội
ác công cộng như trộm cướp, giết người, mại dâm…tăng mạnh. Khu Times
Square (Công Trường Thời Đại) nổi danh không còn bóng du khách vì đây là
trung tâm ổ chứa các tệ nạn về đêm. Kinh tế khủng hoảng, ngân sách lãng
phí với các chương trình mị dân. Các ông thị trưởng “siêu tiến bộ” này,
cho rằng phần lớn tội phạm là những dân da đen nghèo khó, phải cứu giúp
và giáo dục thay vì trừng phạt. Người giàu chạy trốn khỏi thành phố, vì
thuế lợi tức và kinh doanh lên rất cao và tội ác càng ngày càng gia
tăng, khiến cho ngân sách càng thêm hao hụt.
Kết quả là New York gần tuyên bố phá sản vào năm 1975, phải nộp đơn
xin chính phủ liên bang cứu viện và Tổng Thống Ford trả lới với câu nói
bất hủ,” Drop Dead” (Chết cho rồi).
Cử tri quay bầu cho đảng Cộng Hòa và thị trưởng Rudy Giuliani hứa sẽ
quét sạch mọi rác rưởi cho xã hội. Chương trình của ông bắt đầu bằng một
bước rất nhỏ: dẹp sạch bọn lau cửa kính xe hơi.
Khoảng 10 năm trước đó, các trẻ em nghèo New York nghĩ ra một cách
kiếm tiền lẻ khá công hiệu. Tại vài ngã tư nơi hay xẩy ra nạn kẹt xe,
các em xin tài xế cho lau chùi kính xe để đổi lấy một hai đô la tiền
“tip”. Phần lớn không ai từ chối lời mời dễ thương này từ các khuôn mặt
ngây thơ và cũng vì số tiền quá bé.
Thấy các em làm ăn được, bọn tội phạm nhẩy vào kinh doanh theo bình
diện lớn. Các tay đầu gấu được trải khắp thành phố tại mọi ngã tư và gần
như đòi tiền mãi lộ mọi tài xế. Trước khi tài xế có dịp phản ứng, chúng
xịt loại thuốc chùi nhiều bọt xà phòng xóa hẳn tầm nhìn. Bạn nào không
trả 5 đô la (hay hơn nữa cho các siêu xe) phải tự leo xuống lau chùi cửa
kính, gây nạn kẹt xe khủng khiếp. Bạn nào phàn nàn có thể bị ăn đòn tại
chỗ hay xe bị cào xấy trướt. Chính quyền không can thiệp vì đây là nhóm
cử tri “nghèo” cần được xã hội giúp đỡ.
Guiliano diệt trừ bọn “lau kính xe” không nhân nhượng. Chỉ trong 3
ngày khi ông nhậm chức, New York không còn bóng dáng một tên lau kính xe
nào, kể cả trẻ em. Đây là một thông điệp ngắn gọn và hữu hiệu. “Chúng
tôi không chấp nhận một tệ nạn xã hội nào, dù nhỏ nhoi.” Một thông điệp
không hề loan truyền qua các mạng truyền thông hay biểu ngữ, mà bằng
“hành động” thực tế, dứt khoát và nhanh chóng. Khỏi cần phải nói thêm là
sau đó, New York trở lại với vị trí “Ông Hoàng của các thành phố Mỹ”.
Kinh doanh bộc phát tạo thanh khoản cho ngân sách, tội phạm đi xuống vì
pháp luật nghiêm khắc, người giàu và du khách nườm nượt quay lại… tất cả
vì New York lại trở nên một vùng đất lành, nơi đáng sống.
Cách đây 20 năm, sức khỏe của tôi cũng suy sụp tệ hại. Như nhiều đứa
trẻ khác ở Việt Nam, thói quen đánh răng của tôi từ giáo dục gia đình và
xã hội là một lần vào buổi sáng khi thức dậy. Khi gặp người đẹp hay dự
các buổi họp quan trọng, tôi nhai thêm miếng “gum” bạc hà cho thơm
miệng. Cho đến một ngày khi tôi đọc một bài viết là vi khuẩn trong răng
thực sự là nguồn gốc của mọi loại bệnh tật, kể cả bệnh tim mạch. Sống
hơn 40 năm, chẳng bác sĩ nào nói với tôi điều này.
Từ hôm đó, tôi luôn luôn đánh răng sau mỗi lần ăn, dù ăn nhiều hay
ít. Thói quen nhỏ nhặt này cải thiện sức khỏe tôi thấy rõ. Từ bước đầu
đơn giản đó, tôi bắt đầu chú ý đến các kiến thức về sức khỏe nhiều hơn,
từ cách ăn uống rau củ, tập thể dục đến cách tập thở và ngồi thiền. Tôi
hãnh diện mà nói, 20 năm nay, tôi ít bệnh hoạn hơn 40 năm trước đó.
Cái hành động nhỏ nhặt nhanh chóng tạo nên một tư duy mới và nhiều kế
hoạch bổ sung khác tiếp tục nối đuôi. Càng “làm” nhiều, càng khiến
chúng trở thành thói quen hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng.
Môi trường vệ sinh ở Singapore có thể coi là sạch nhất thế giới. Tất
cả bắt đầu bằng một lệnh cấm khạc nhổ, vất rác bừa bãi…nơi công cộng của
chính quyền Lý Quang Diệu vào năm 1968. Người dân Singapore đã tập thói
quen này khi biết rằng cảnh sát Singapore rất quyết liệt trong việc
thực thi luật này (phạt đến 100 đô la Sing khi vất tàn thuốc bậy). Cũng
gốc người Tàu, nhưng dân Singapore hành xử khác hẳn người Tàu Trung
Quốc, dù nơi công cộng hay chốn riêng tư.
Nguồn gốc của văn minh và văn hóa của một cá nhân hay một dân tộc bắt
đầu từ những quyết định nhỏ nhặt và đơn giản. Nhiều bạn hỏi nếu tôi
“được” tư vấn các nhà lãnh đạo thì tôi sẽ khuyên họ làm gì? (thực tình,
ngày mà tôi được mời tư vấn thì ngày đó chắc là ngày sau cùng của trận
Thế Chiến Thứ Ba). Tuy nhiên, nếu chuyện khó tin này hiện thực, tôi sẽ
nói là các bác hãy ra một lệnh trong ngày đầu tiên nhậm chức là ”tên nào
đái bậy hay xả rác bậy sẽ bị nhốt 3 ngày tù”. Và nghiêm chỉnh thực thi
luật pháp không nhân nhượng, dù người vi phạm là vợ chồng hay con cháu
yêu quý của các bác.
Khi bỏ tù những tên đái bậy trên đất đai đường phố, người dân sẽ hiểu
là các bác cũng sẵn sàng bỏ tù những tên đái bậy trên nền kinh tế và
tài chính xứ này.
No comments:
Post a Comment