Tuesday, July 10, 2012

Món ăn linh tinh trên phố Sài Gòn


Trần Tiến Dũng/Người Việt

Ða phần người lao động Sài Gòn hiện nay đều nặng đầu nát óc tìm cách kiếm thêm vài trăm ngàn đồng hàng tháng để chống chọi được với cảnh đời tơi tả trong thời buổi kinh tế Việt Nam vừa lạm phát cao lại vừa thiểu phát khủng.

Một góc đường phố ăn vặt ở Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Với một đô thị lớn có cả chục triệu người, việc kiếm thêm chút tiền tiêu luôn có nhiều cách, nhưng cách mà nhiều người lao động ưng chọn nhất hiện nay là bán hàng ăn linh tinh. Có một nghịch lý là đội quân thất nghiệp càng đông thì hàng quán ăn uống linh tinh càng trăm hoa đua nở.
Nói về các hàng ăn linh tinh do người Sài Gòn sáng chế trước tiên xin kể đến món khoai mỡ chiên. Có một dạo người ta thấy món này chộn rộn bày bán. Người bán chỉ cần lấy một miếng bìa cứng, ghi khoai mỡ chiên, kèm với bếp dầu, chảo nhôm là có ngay một quầy hàng trên đường phố.
Người mua ban đầu thấy lạ ngần ngại nhưng rồi theo quán tính chung, thiên hạ ăn được thì tội gì mình kiêng, thế là xáp vô mua. Món này gồm những thứ như sau: Khoai mỡ, loại làm món canh ăn cơm được bào thành bột rồi áo qua lớp bột năng, trộn đường trước khi chiên. Sau khi chiên, bánh khoai mỡ bằng cỡ ngón tay, mềm, giòn, cho vô bịch giấy để khách vừa đi vừa ăn như ăn khoai tây chiên kiểu McDonalds. Với món này chỉ cần bỏ ra vài ngàn đồng bạn có thứ để nhai nhóp nhép quên cơn xót ruột lúc phóng xe Honda trên phố. Ai sáng chế món này thì đúng là tài tình chớ phải chơi đâu, khoai mỡ nấu canh thành món khoai chiên togo, hội nhập thế giới kiểu này thì đúng là vừa truyền thống vừa hiện đại hết biết.
Món linh tinh thứ hai là món bánh tráng trộn, cũng hiện đại hóa bản sắc dân tộc rất bảnh. Món bánh tráng trộn này nghe đâu xuất xứ từ miệt Tây Ninh.
Miếng bánh tráng được cắt xé thành sợi rồi người bán cho đủ các nguyên liệu như trứng cút luộc, khô bò, tôm khô, xoài xanh bào, đậu phộng, hành phi để trộn cùng bánh tráng.
Nhưng chưa hết, món này cần phải thêm chút nước chanh hoặc tắc, tương ớt, đường, hạt nêm, sa tế, rau răm cắt nhuyễn tạo thành một món ăn vặt thập cẩm hầm bà lằng nhưng khá ngon Có người nói rằng, món ăn này hạp với tuổi học trò vì các em cần nếm trước đủ mùi vị chua-cay-ngọt-đắng-mặn-nồng, như là một cách thực tập cái lưỡi trước khi nếm cả một đô thị quà vặt phong phú và hỗn độn của Sài Gòn.
Trước các cổng trường học trên khắp Sài Gòn ngày nay trường nào cũng có bán món bánh tráng trộn, từ nhu cầu này mà trước cổng chợ Bình Tây có cả một góc chợ đêm chuyên bán sỉ những nguyện liệu để làm món bánh tráng trộn. Nếu có ai cho rằng cái món của con nít này đâu người lớn nào ưa!
Xin thưa món bánh tráng trộn đã được đưa vô nhà hàng, quán nhậu rồi nhé, và nghe đâu một số ông Tây bà đầm cũng khoái nhóp nhép món này. Dù chịu ăn hay không chịu ăn thì món bánh tráng trộn cũng thành phong trào và nhờ đó mấy bà bán bánh tráng trộn cũng kiếm được tiền chợ nuôi gia đình đắp đổi qua ngày.
Nhưng món ăn thời thất nghiệp trên đường phố Sài Gòn cũng có món có xuất xứ sang trọng hẳn hoi như món súp cua, súp óc heo. Không ai còn lạ khi nhìn thấy bên cạnh món cháo huyết là các gánh, các xe bán món súp này. Khách hàng của món súp thường là các bậc phụ huynh đến mua về cho con hoặc chở con đến ép con ăn để đi học thêm cho khỏi đói. Từ chuyện là món súp khai vị nhà hàng trở thành món ăn đỡ đói cho đời học thêm của học sinh quả là một sự thay đổi để thích nghi với vấn nạn giáo dục Việt Nam. Món súp đường phố này thường chỉ lềnh bềnh óc heo, da heo khô, trứng cúc, sợi thịt gà công nghiệp xé nhỏ và hột gà đánh tan đổ thành sợi. Giá mỗi ly súp cầm tay mang về hoặc vừa đi vừa húp chỉ dưới 10 ngàn VND, nhưng dù giá bèo thì người bán cũng đỡ khổ trong thời kinh tế suy thoái, người mua cũng đỡ lòng trong thời giáo dục tệ hại.
Ngày nay, nếu kể về món linh tinh ở Sài Gòn người ta không còn kể đến mấy món “truyền thống” như cóc me ngâm, ô mai, xí muội cam thảo nữa vì sợ nhâm nhi phải các loại hóa chất thực phẩm độc hai xuất phát từ Trung Quốc. Trên đường phố vẫn thấy bày bán chim cút quay, chân gà, mực tươi nướng... nhưng mấy món này chỉ bán được cho dân nhậu nhà nghèo.
Tất nhiên dân ghiền rượu mà túi ít tiền thì bất cần đời, rượu nấu bằng men Trung Quốc ngộ độc chết hoài họ còn không tởn huống gì những món mồi nhậu bậy bạ.
Dạo một vòng qua những hàng ăn linh tinh trên đường phố khói bụi Sài Gòn thường người ta dễ thấy ngộp. Vừa ngộp về sự phong phú của các món ăn vừa ngộp vì sợ chuyện kém vệ sinh thực phẩm.
Nhưng cũng có người thấy bùi ngùi nhất là mấy vị Việt kiều lớn tuổi, bởi không còn tìm đâu những hương vị cũ. Có hôm chúng tôi chở một ông Việt kiều đi thăm lại Sài Gòn, lúc qua ngã tư Nguyễn Tri Phương-3/2, thấy một người đàn ông khiếm thị đang ngồi ôm cả một mâm bánh thửng (một dạng bánh bông lan). Xúc động vì gặp lại món bánh ngon xưa của dân miền Tây và muốn chia sẻ với nỗi cơ cực của người tàn tật kiếm sống trên đường phố, vị Việt kiều ghé vào mua bánh.

Món bánh khoai mỡ chiên giúp nuôi sống nhiều gia đình lao động nghèo. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Chúng tôi e dè hỏi rằng: Bánh này khó nuốt ông ăn được không? Ông không trả lời nhưng hỏi lại chúng tôi. “Ở nhà anh mấy đứa nhỏ có ăn không tôi mua thêm?” Chúng tôi cũng không trả lời ông vì biết rằng nhiều người trẻ hôm nay không còn muốn nuốt những món bánh quen thuộc của người lớn tuổi nữa.
Nếu ngày nay bạn thấy đường phố Sài Gòn đây đó vẫn còn bày bán bánh tay yến, bánh bò đổ bằng cái chung nhỏ, bánh bao chỉ, bánh da lợn, bánh cam... thì những món ngon hương xưa đó chỉ còn kích thích khẩu vị và cảm xúc của người xưa mà thôi

No comments:

Post a Comment