Liêu Thái/Người Việt
QUẢNG NAM -Lợi dụng người tàn tật và trẻ em. Ðó là cách kiếm cơm tương đối phổ biến của giới ăn xin hiện tại ở Việt Nam. Nghiệt nỗi là người ăn xin vẫn mang kiếp ăn mày còn kẻ lành lặn thì mỗi lúc thêm giàu trên thân xác của những em bé tội nghiệp và những người tàn tật, đau khổ.
|
Nhìn kỹ, đôi chân của ông Hào không teo cơ, nhưng cách ông nằm nhoài người trên xe lăn luôn làm cho người khác thương cảm. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Hằng ngày, trên quốc lộ 1A, đoạn đi qua Quảng Nam, thường xuất hiện một người tàn tật nằm dài trên chiếc xe lăn bốn bánh tự chế, trần trụi đi trong mưa nắng cùng chiếc máy cassette mở băng tụng kinh để đánh động bi tâm và vài người ẵm trẻ em ăn xin, nhìn họ tội nghiệp, đau khổ...
Nhưng theo dõi họ, mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác.
Người đàn ông lăn lóc cùng chiếc xe bốn bánh tự chế dưới nắng mưa kia tên là Hào, đương nhiên lời giới thiệu của ông ta có chính xác hay không còn phải xét lại, vì ngay cả việc lăn lóc của ông, hành động nhiếp sinh của ông còn không thật thì tôi không dám tin lời ông ta cho mấy. Ông Hảo nói năm nay 49 tuổi, quê Nam Ðịnh, nhà không người thân, đã lăn chiếc xe từ Nam Ðịnh vào tới Quảng Nam để kiếm cơm qua ngày.
Nhưng sự thật thì ông có đôi khi nói giọng Quảng Nam rất rõ, và ông lăn đi từ 6 giờ sáng ở một địa điểm không có người, cho đến 10 giờ trưa, cũng tại một địa điểm vắng người khác, ông móc điện thoại di động ra gọi một người đàn bà chạy xe máy đến đón ông về, mỗi ngày như mọi ngày.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết ông Hào không bao giờ sống cố định một chỗ nào, và cứ chiều về, ông lại trở lại người bình thường, không còn thấy tàn tật, lên xe máy cho người đàn bà hay đưa đón hoặc ông bạn nào đó chở đi nhậu. Sáng mai lại tiếp tục bộ dạng đau khổ để xin ăn.
Trong giới ăn xin còn có những chuyện sốc hơn nhiều, có cả một lò tổ chức nuôi trẻ em, tạo cho chúng những vết dị tật như vết thâm trên mặt, chân tay co quắp... để cho những bà sồn sồn xin ăn chuyện nghiệp thuê về, ẵm đi dang nắng, dang mưa mà đánh động lòng thương người khác... Hết hạn thuê, lại trả đứa bé cho chủ thuê, cái vòng này cứ luân phiên xoay.
H.T.H., một cô gái ăn xin chuyên nghiệp theo lối này, năm nay 30 tuổi, thường ẵm một đứa trẻ đỏ hỏn, trần trụi, đi lang thang từ nơi này đến nơi khác để xin ăn. Ðến chiều, lại xuất hiện một người đàn ông bặm trợn chạy xe gắn máy, đứng đón H.T.H tại một điểm nào đấy.
Có ai hỏi thăm, H.T.H cho biết: “Nó là con em, em khổ quá nên ẵm nó đi xin!” Nhưng khi chúng tôi trình bày nhã ý muốn tìm giúp H.T.H một công việc có thu nhập tuy thấp nhưng tạm ổn định để nuôi con. H.T.H từ chối thẳng: “Ði xin có tự do hơn, đói ăn đói, no ăn no, em không quen để ai sai khiến!”
Thật ra, H.T.H không bao giờ làm việc được cho ai nếu như ẵm đứa bé theo. Vì như vậy sẽ bị lỗ ngày công, ước chừng vài chục ngàn đồng để trả tiền thuê đứa bé. Nghiệt ngã nhất là đứa bé này do chính cha mẹ của nó cho H.T.H thuê để lấy tiền.
Bên cạnh những người quá khổ, ngậm đắng nuốt cay mà cho thuê con vẫn có những loại người kinh doanh trẻ em bằng mọi cách, nuôi những đứa bé tội nghiệp trong điều kiện thú không ra người để cho thuê, lấy lãi.
Nạn nhân chất độc da cam đi “biểu diễn” kiếm cơm...
Ðó là hiện thực khá sinh động tại một số nơi trên đất nước này, không ngoại trừ thành phố Ðà Nẵng với Hội Chất Ðộc Da Cam Ðà Nẵng. Những chuyến biểu diễn của các thành viên trong hội này luôn được rao quảng cáo với “...sự phối hợp tổ chức của đảng, chính quyền địa phương...”
Theo dõi chương trình nhiều lần tại Ðiện Bàn và một số huyện khác, chúng tôi không thấy gì ngoài những “diễn viên” tàn tật, hát không ra hát, nói không ra nói, và trong lúc hát, nói, sự nhiệt tình của họ gần như không có, vô hồn.
|
Một buổi biểu diễn văn nghệ của các “diễn viên nạn nhân Dioxin” tại Ðà Nẵng. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
|
Ðiều đó cho thấy những “diễn viên” tàn tật này không có một chút cảm hứng nào với việc người ta mang mình ra để trình diễn như những sinh thể tội ngiệp, thậm chí có nét giống xiếc thú để làm trò lạ mắt, để đánh động lòng thương cảm của đồng loại mà từ đó, đồng loại móc tiền ra cho...
Ðó là chưa nói đến hình thức biểu diễn cõng theo nội dung nêu “tội ác đế quốc Mỹ đã để lại” trên thân thể các em... Ðể các em phải rày đây mai đó hát xin ăn mà gợi nhắc quá khứ. Cách làm việc, tổ chức như thế này có thể nói là quá nhẫn tâm đối với trẻ em, quá nhẫn tâm với người tàn tật!
Chúng tôi nhớ không lầm thì chính phủ Mỹ đã viện trợ 6 triệu USD cho Việt Nam về vấn đề chất độc Dioxin, trong đó, riêng vấn đề phục hồi sức khỏe con người của Ðà Nẵng, ngân sách đã lên đến 2 triệu USD. Với số tiền không nhỏ này, để nuôi vài mươi trẻ em nạn nhân không phải là chuyện khó.
Ðương nhiên, khoản tiền 2 triệu USD này không dành riêng cho Hội Nạn Nhân Dioxin Ðà Nẵng, nó sẽ được phân bố rải rác trong nhiều hạng mục, dự án... Nhưng chí ít, nó phải đi đúng mục đích và đối tượng của nó: Cho những nạn nhân Dioxin thoát khỏi khó khăn và được hỗ trợ nhiều phương tiện, điều kiện để sống.
Nhưng không hiểu sao, đến thời điểm này, họ vẫn lang thang rày đây mai đó để hát xin ăn, gọi là biểu diễn nghệ thuật!
Và, một khi tâm thức con người trên đất nước hình chữ S này vẫn còn dính vết mòn xin-cho, trong một cơ chế xin-cho, thì nỗi thống khổ của con người, nỗi ê chề của chuyện kiếm ăn bằng mọi giá vẫn còn là ung nhọt!
No comments:
Post a Comment