Phi Khanh/Người Việt
QUẢNG NAM - Gần đây, học bổng dành cho các em học sinh gồm đủ các kiểu mọc ra nhan nhản khắp nơi. Học bổng của một ông (bà) nào đó có tiền, có lòng muốn giúp người, học bổng của công ty, doanh nghiệp, học bổng của hoa hậu vừa đăng quang, học bổng của một người đã chết...
|
Với người lớn, học bổng bao giờ cũng có vẻ nghiêm túc và có chút gì đó trịnh trọng. (Hình: Phi Khanh/Người Việt) |
Những học bổng của người sống thì các đài, báo nói đã nhiều, lòng thành cũng có mà làm lấy tên cũng không ít. Nhưng chuyện học bổng của người đã chết thì nghe lạ.
Nói thì lạ nhưng thật ra không lạ gì, ví dụ như học bổng của liệt sĩ Trần Văn A, liệt sĩ Dương Thị B, Ðặng Thùy C.,... tất cả những học bổng này mang tên người đã chết, cụ thể là liệt sĩ của chế độ đương quyền.
Cái lạ muốn bàn ở đây là động cơ và lý do tồn tại của những học bổng kiểu này.
Thường khi muốn bàn về động cơ, cũng nên bàn về hành trạng của nó đôi chút. Chẳng hạn như cả cái làng tôi đang sống chẳng biết ông Nguyễn Việt H. là ông nào, đùng đùng cả xóm kháo nhau chuẩn bị có học bổng Nguyễn Việt H. về, những gia đình có giấy mời sẽ đi nhận học bổng cho con.
Chịu khó quan sát, thì chủ yếu là con cháu cán bộ cấp xã, huyện, tỉnh được giới thiệu nhận học bổng.
Kèm theo với học bổng là một bản tiểu sử về ông Nguyễn Việt H. từng “tham gia cách mạng, từng đánh Mỹ cứu nước, từng sống, chiến đấu và hy sinh như một anh hùng...” Và cứ thế, nguyên một bản nêu công trạng của ông Nguyễn Việt H. cùng một ít tiền cho các em học sinh.
Nói về chuyện này, ông K., người có con từng nhận nhiều lần học bổng và cũng là cộng sự viên của gia đình ông liệt sĩ trên, nói: “Thật ra, cái này gọi là rửa tiền trên xác chết người khác!”
“Những tay con cháu, dây mơ rễ má với ông liệt sĩ này đã làm ăn, toa rập với đám quan chức mà rút của công, rồi đi mua đất cho bản thân cũng dựa hơi liệt sĩ. Dựa vào công trạng mà mua với giá rẻ. Tỉ như ông ta mua một miếng đất trong thành phố, bán đi hoặc cho thuê, mỗi năm dư ra một khối tiền, trích ra một ít tạo học bổng.”
“Học bổng của mấy ông này chẳng đủ thiếu tới đâu nhưng tính chiến đấu và tính đảng rất cao, đúng hơn là tuyên truyền qua học bổng...”
Ông Lê H., một phụ huynh của học sinh nghèo, than thở: “Chuyện học bổng bây giờ chẳng có chi để mà hy vọng. Người ta làm lấy tiếng là chủ yếu chứ có ra chi đâu. Ba đứa con tôi học thuộc diện thông minh, học khá, nhưng chẳng bao giờ học giỏi được vì nó không đi học thêm, bây giờ hễ đi học thêm thì được điểm cao...”
“Khắp nơi cứ thi nhau đạt chuẩn giỏi, học bây giờ không xếp vị thứ mà xếp hạng, xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, yếu. Nói chung thì không có hàng trung bình với yếu, chỉ có khá trở lên vì chỉ tiêu của trường. Nhưng con nhà giàu thì được giỏi vì đủ điều kiện học thêm. Chính vì vậy mà phần lớn con nhà giàu và con cháu cán bộ hoặc có quen biết thì nhận học bổng.”
“Có lần tôi đặt vấn đề với ông trưởng thôn về chuyện học bổng, ông ấy nói cứ dựa vào xếp hạng của trường mà trao, còn nghèo à, chính ông ta cũng nghèo, cả đất nước nghèo, chỉ có nghèo lanh với nghèo chậm, nghĩa là anh nghèo mà lanh thì có phần, còn chậm thì mất phần... Nghe nói vậy, tôi thả tay!”
Một học sinh trung học, con nhà cán bộ, khá giả trong làng, vừa nhận học bổng Nguyễn Việt H., kể: “Em đâu có biết chi về vụ này, thì học bổng phát trên xã, ba em nhận mang về cho em, nghe đâu được một triệu đồng, ổng cho em mấy trăm đi chơi, còn ổng cất, em không biết gì thêm.”
Cũng gần nhà em học sinh này, Thuần, một cậu bé học trò nghèo thì lại khác, nghe chúng tôi hỏi về học bổng, cậu lắc đầu buồn bã: “Cháu đâu có được học bổng đâu, cháu học sinh loại khá, không sinh hoạt đội hay đoàn gì, vả lại cháu cũng không đi học thêm. Ði học về thì cắt cỏ, chăn bò cho ông nội, cuối học kỳ ông nội cho tiền ba mẹ nộp học, cháu không có tiền, nên không có học bổng.”
“Ước chi cháu có học bổng, có đọc cả chục cái tiểu sử đó để kiếm tiền cũng ngon, nghĩ tới ba mẹ khổ sở, thấy buồn mà học mấy cũng không trôi cái môn lịch sử với giáo dục công dân, cháu thấy buồn....”
|
Học bổng hay quà Tết, với trẻ con, đó là một niềm hạnh phúc tràn trề, viên mãn. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
|
Một người làm cán bộ sở giáo dục gần hai mươi năm nay, nói: “Chuyện học bổng bây giờ tế nhị lắm, tiêu cực đủ thứ, từ người cho đến người nhận đều có những ý đồ không tốt, làm vậy thật là tội cho những người thật sự có tâm huyết, nhưng biết làm sao đây khi mà cái cơ chế xin - cho nó đeo bám từ trên xuống dưới.”
“Người thật sự nghèo thì lại khó khăn nhiều thứ, trong đó có cả lòng tự trọng ngăn cản họ không mở miệng xin, còn kẻ có tiền thì trây lì, cứ miễn sao mang về cho mình là làm tất!”
“Nghĩ cái xứ này cũng buồn cười, chỉ có người nghèo mới giữ lòng tự trọng!”
Một khi những việc từ thiện, việc san sẻ, yêu thương lại bị lồng ghép với chính trị để kể công hoặc gợi nhắc hận thù thì mối nguy lớn nhất vẫn thuộc về những trẻ em tội nghiệp.
No comments:
Post a Comment