Tuesday, July 10, 2012

Cử nhân thất nghiệp


Duy Thức/Người Việt

Hàng rong lũ lượt suốt ngày trên khắp đường phố. Qua giọng nói có thể nhận thấy họ đến từ khắp nơi: Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Ngãi, An Giang... Hầu hết là những người dân lao động lam lũ.


Một người ép nhựa dẻo trên đường phố. (Hình minh họa, báo Tuổi Trẻ)
Gần đây thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện vài ba thanh niên sáng sủa làm nghề rong đi dạo các ngõ hẻm phố phường.
Lúc này trời vừa rải xuống mấy hạt mưa, bà con bên chợ Bà Chiểu chen nhau chạy vào núp mưa ở bên hông chợ khá đông. Trong khi đó chiếc xe gắn máy cũ của anh chàng ép nhựa dẻo đang được đẩy vào một hẻm lớn của dãy nhà ngang hông chợ, nơi có quán cà phê lâu đời bên bờ tường đen đúa rong rêu bán nước ngọt và cà phê thuốc lá cho người qua lại rất đắt hàng.
Tiếng máy phát âm nhỏ ở chiếc thùng to vuông, màu ngà còn mới vẫn rao lên đều đặn:
- Ép nhựa dẻo đây, ép nhựa giấy tờ công chứng, ép nhựa cho chứng minh nhân dân, ép các loại hình ảnh thờ cúng, ép nhựa dẻo cho bảo hiểm y tế đây. Máy móc tối tân giá rẻ đây...
Dân mình có tính hiếu kỳ, nghe có tiếng rao lạ, không phải keo dính chuột, bánh mì nóng giòn... quen thuộc nên mấy người ngóng ra nhìn.
Anh chàng trông thanh tú, quần áo gọn gàng không có vẻ dãi dầu luộm thuộm, cầm hai tấm hình khổ A4, coi một lúc rồi nói:
- Ba mươi ngàn.
Trong phố, lác đác mấy người cũng đem cạc, giấy chứng minh và các loại hình ra nhờ ép.
Tôi bắt chuyện trong lúc đợi:
- Trông dáng anh như giáo viên hay sinh viên, không thấy bụi chút nào của dân hàng rong chuyên nghiệp cả.
Anh chàng có vẻ ngượng nghịu:
- Tôi học luật.
Tôi không ngạc nhiên lắm:
- Nhiều sinh viên tốt nghiệp rồi mà vẫn khó tìm việc làm.
Anh ta kể:
- Thoạt tiên tôi dạy thêm, chạy bàn cho cửa hàng gà rán, bảo vệ quán trà... công việc không bền, cứ lông bông mãi. Trước kia sinh viên thường bán hàng đa cấp nhưng nay loại bán hàng đó không còn ăn khách nữa.
Rất nhiều công ty làm ăn thua lỗ, phá sản hoặc hoạt động cầm chừng. Công nhân chính cống có tay nghề còn bị sa thải nữa là người không có nghề chuyên môn. Công nhân thời vụ tức là chỉ làm việc vào những lúc cao điểm lại càng chơi vơi hơn nữa.
Ðặc biệt số sinh viên vừa ra trường đa số rất khó tìm được việc làm chứ đừng nói tới công việc đúng chuyên môn đã học.
Anh ta kéo tấm hình từ cái máy ép ra, vừa nói:
- Em gái tôi cũng thế. Nó tốt nghiệp cử nhân môn Sinh. Khi ra trường, giáo viên có hứa công việc nhưng gia đình tôi không có tiền chạy, giáo viên giới thiệu người khác. Nó chạy tìm việc khắp nơi, gần hai năm mới nhờ được bà hàng xóm có con làm trợ tá giám đốc cho hãng Nhật xuất nhập khẩu thủy sản giới thiệu, cũng phải có quà cáp. Mới làm một năm, kinh tế càng lúc càng suy thoái đến lúc hãng Nhật giảm nhân công. Lại thất nghiệp, chạy sang công ty thuốc Ðông Y. Vài bữa công ty này bị phá sản. Nay nó đứng bán hàng cho một shop quần áo.
Suốt thời gian dài vừa qua do tâm lý trọng bằng cấp của dân chúng nên rất nhiều trường đại học được thành lập, cả trường công lẫn trường tư. Tỉnh nào cũng cố mở trường đại học của riêng mình, những thành phố lớn thì có đến vài trường.
Không những thành lập nhiều trường mà còn nhiều cách đào tạo sao cho thu hút tối đa sinh viên: Ngoài học chính quy còn chương trình đại học chuyên tu tại chức tức là vừa đi học mà vẫn làm việc. Loại này nhằm vào giới công chức đi học trong giờ hành chánh, học phí lấy từ công quỹ, hay là đi học vào buổi tối, giờ tan sở chịu khó lê lết một tuần ba buổi rồi “cưỡi ngựa xem hoa” cũng xong chương trình đại học.
Học từ xa tức là bài vở gửi tới. Mỗi năm chỉ tập trung học viên một thời gian ngắn để ôn luyện, thi cử mà thôi nên lợi thời gian vì ai nấy có thể học tà tà ở nhà. Vì đóng học phí đầy đủ nên các học viên này khó thi rớt. Nếu rớt thì đâu có ai học nữa!
Mọi người đều chuộng đại học. Ai cũng muốn làm thầy không ai chịu là thợ nên hàng năm số lượng sinh viên tốt nghiệp lên đến hàng ngàn. Và lại đổ xô nhau xin xỏ, chạy chọt đi tìm việc.
Thật ra nếu không nề hà thì cũng có công việc nhưng hầu hết sinh viên tốt nghiệp xong chỉ muốn ở lại làm việc ở thành phố nơi lương cao, nhiều cơ hội thăng tiến và cuộc sống tiện nghi.
Một số chịu đi xa, chấp nhận về quê nhưng ở những nơi đó họ luôn vấp phải lệ làng mà đến phép vua còn phải thua.
Cho nên muốn xin việc dễ thì như em của anh ép nhựa, phải có tiền xì ra. Tùy theo công việc tốt hay kém mà tiền chạy ít hay nhiều. Chạy một chân giáo viên tiểu học mười mấy triệu. Nếu trường nội thành, trường nổi tiếng đương nhiên giá cao hơn. Vào ngân hàng cả trăm triệu.
Những năm trước, kinh tế là ngành được ưa chuộng nên các trường đua nhau mở tài chính - kế toán, quản trị kinh doanh, ngân hàng... gạt không hết sinh viên ào ào ghi danh. Bây giờ ngoài thị trường kêu lên nhiều quá rồi, không cần nữa nhưng các trường không thể dẹp khoa này và sinh viên theo đà, vẫn cuốn vào những ngành đã bão hòa. Hỏi sao không thất nghiệp!
Bởi cung nhiều hơn cầu nên các công ty tuyển dụng luôn đưa ra điều kiện khắt khe. Ngoài chuyên môn còn cần giỏi về ngoại ngữ, vi tính, còn đòi hỏi hai năm kinh nghiệm. Sinh viên mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm.
Chẳng ai muốn nhận sinh viên mới ra trường vì với lối học từ chương thì các công ty phải mất nhiều thời gian đào tạo lại. Cho nên ra trường cứ kiếm được bất cứ việc gì là mừng lắm.
Ở Hà Nội, cử nhân Ðại Học Hàng Hải đi hát rong bán kẹo. Với thùng loa và micro, họ lập thành nhóm đi tới các khu vực ăn uống để hát và bán kẹo cao su, giống như cách bán kẹo kéo ở miền Nam.
Cũng ở Hà Nội, một cử nhân báo chí bán trà chanh ngoài vỉa hè kiếm được năm, bảy trăm ngàn một ngày. Dù sao công việc với mức lời đó cũng là trường hợp đặc biệt. Vả yên phận như vậy thì tốn công học hành thi cử suốt mấy năm đại học làm gì.
Anh ép nhựa kể có vẻ ganh tị:
- Bạn tôi học công nghệ ra làm thống kê, đứa học nông nghiệp ra làm ngân hàng, học ngân hàng xin làm thư ký... Miễn kiếm được việc là may mắn lắm. Thế cũng còn hơn những bạn khác vẫn phải đi phụ hồ, giao hàng...
Một bà khách lên tiếng nhận xét:
- Nghề ép dẻo rong này lạ, mới thấy đây, thật tiện lợi cho khách hàng khỏi đi xa. Anh sắm bộ đồ nghề này có mắc không?
Anh chàng kéo nốt cái hình đã ép xong, thò tay vào túi vải bên hông xe lấy cây kéo mới tinh ra cắt nhựa dư cho đều đặn bốn góc, vừa trả lời không ngẩng đầu lên:
- Tất cả bộ đồ ép nhựa dẻo này mua tám triệu. Một ông làm nghề ép nhựa gần nhà trọ chỉ cho tôi nghề này. Nếu làm gần nhà thì tranh khách của ông nên tôi đi dạo, len lỏi vào các đường phố, hẻm nhỏ, cũng tạm đủ trả tiền thuê nhà và cơm nước. Ép nhựa không có nhu cầu cao nên tuy lạ nhưng không có nhiều người ra nghề giành khách.
Anh ta vừa ép tấm thẻ, vừa phân bua:
- Hồi bất động sản lên, người ta làm thì ăn, còn tôi thì trắng tay. Bốn thằng sinh viên mới ra trường phụ cho văn phòng luật sư. Một bà đến rao bán đất với đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Ðến khi trao tiền rồi thì bà ta trốn mất. Hóa ra giấy tờ giả và đất không phải của bà ta làm chủ. Mất mấy trăm triệu khiến bốn thằng è cổ ra nợ.
Anh ta kể tiếp:
- Tôi lại là người rủ anh em hùn vốn, mỗi người đều bỏ vào một hai trăm triệu mất cả. Họ cho là tôi tổ chức lừa anh em nên bây giờ khó xử quá. Vừa chạy ép nhựa dẻo vừa đi trốn nợ đó.
Mỗi tờ chứng minh nhân dân giá mười ngàn đồng. Từ sáng tới giờ chỉ mới ép được có ba chục ngàn. Tôi có ép tới cả đời cũng không tom góp đủ tiền trả nợ!
Vừa chạy rong suốt ngày, cùng lúc anh nộp đơn xin việc tứ tung khắp nơi nhưng chưa thấy đâu kêu.
Bán rong cũng như mọi công việc thời vụ khác thường dành cho sinh viên kiếm thêm. Nhưng nay, các cử nhân đã ra trường vẫn kéo dài những công việc bấp bênh đó không biết đến bao giờ.

No comments:

Post a Comment