Tuesday, July 10, 2012

Kẻ phố thị, người miền quê


Văn Lang/Người Việt

1. Mê phố
Chú T., trước 1975 là quân nhân thuộc lực lượng Biệt Ðộng Quân. Tháng 3 năm 1975 chú bị bắt tại mặt trận Huế. Trải qua 2 năm, 8 tháng tại trại tù “cải tạo” trên đất Bắc chú được cho “hồi cố hương”.

Kiếm sống trên vỉa hè Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Trở về quê, một tỉnh miền Trung nghèo, không sống được, chú T. quyết định vô Nam.
Ðến tá túc tại nhà một người anh bà con tại Mỹ Tho, chú T. bươn chải kiếm sống, thời điểm đó chẳng những kinh tế rất khó khăn mà việc đi lại “tạm trú, tạm vắng” từ tỉnh này qua tỉnh khác nhất là với những người như chú thì càng đặc biệt khó khăn.
Mấy năm ở Mỹ Tho, đời sống cũng không khá lên được, chú T. quyết định lên Sài Gòn. Lúc này chú đã có vợ và một đứa con còn nhỏ.
Thuê nhà, hai vợ chồng bươn chải, chú đặt một bàn vé số tại vỉa hè, kiêm luôn nghề chạy xe Honda ôm, vợ chú thì đẩy xe trái cây đi bán dạo.
Khổ nỗi, chiếc xe chú T. chạy lại là chiếc xe quá cũ, chiếc Suzuki, nên có những bữa trời mưa xe chết máy chú phải đẩy bộ từ Chợ Lớn về tận... Gò Vấp.
Nhưng rồi trời cũng không phụ lòng người siêng, chú T. trúng số, số tiền tuy không lớn nhưng cũng đủ để chú mua một chiếc xe Honda tốt hơn. Từ đó việc chạy xe Honda ôm của chú tốt hơn nên chú bỏ hẳn nghề bán vé số.
Với bản tính tận tụy, vui vẻ, giá cả phải chăng chú T. có nhiều mối “lai rai”, ngoài việc chở mấy bà đi chợ, đi chùa... chú còn đưa đón mấy em nhỏ đi học. Chú T. vui, vì thời còn trẻ giấc mơ lớn nhất của đời chú là được trở thành thầy giáo, nhưng vì chiến tranh chú phải đi quân đội để rồi giấc mơ cứ xa dần theo năm tháng.
Gặp chú T., chúng tôi có kể về những người bạn ở vùng quê với không khí trong lành, đìa tôm, ao cá... cuộc sống phồn thực, “hấp dẫn”. Chú T. cười khà khà, nói: “Ðời tôi, rừng, núi, sình lầy... đã nhiều lắm rồi, nên bây giờ rất ngán các miền quê”.
Chú T. cho biết, chú thích đời sống ở Sài Gòn, quăng cái xe ở góc phố, ngày nào cũng kiếm được ít tiền “tươi”, đủ để xoay xở cho gia đình trong ngày. Sáng tà tà ổ bánh mì, ly cà-phê, chiều vô “mánh” thì cùng với các anh em làm vài cái hột vịt lộn, chai bia, bàn chuyện... vé số. Ðời tào lao theo chú vậy mà vui. Còn ở dưới quê, trồng cây gì, nuôi con gì, thì ít nhất cũng phải mất vài tháng chăm sóc mới có thu hoạch mà lúc đó cũng chưa biết là “trúng” hay là “thất”.

Xe ôm đợi khách. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Con chú T. cũng đã lớn, sắp thi đại học, chú định cho con thi vô trường đại học Tân Tạo. Thi vô đây, nếu đậu thì được cấp học bổng, ra trường thì được vô khu công nghiệp Tân Tạo làm việc luôn. Theo chú T., những gia đình nghèo nhập cư vô Sài Gòn, con cái được học đại học, ra trường có việc làm tại Sài Gòn thì niềm vui có lẽ không gì hơn nữa.
Hỏi chú T. về tương lai, chú cười khà khà, nói: “Ngày mai đã có Chúa lo rồi!”

2. Yêu quê
Khác với chú T., anh D. hiện đang sống tại một tỉnh duyên hải miền Trung.
Năm 1975, anh D. còn nhỏ, chỉ mới 15 tuổi. Cha anh trước kia là quân nhân thuộc lực lượng đặc biệt, biệt cách, nhảy toán và đã bị mất tích trong một phi vụ vào năm 1973.
Sau 1975, với bản tánh tuổi trẻ “ham vui” cộng với lý lịch là con em của “chế độ cũ”, nên trong một chiến dịch “thu gom” thì anh D. cũng bị chánh quyền địa phương đưa vào danh sách bắt đưa đi “cải tạo”.
Khi công an vô nhà, anh D. đã phóng qua cửa sổ, băng đồng chạy vô núi với ý định là “Thà chết chứ nhất định không để bị bắt!”
Du kích, công an mấy chục người rượt theo, chạy vô gần tới núi, mệt quá anh D. chui đại vô một bụi lùm núp, viên chỉ huy thấy bụi cây “nhúc nhích” liền xông tới và trong cơn nóng giận y đã kê súng ngắn vô đầu anh D... siết cò. May là đạn không nổ.
Sau lần đó, anh D. bỏ nhà vô Sài Gòn sống lang thang, bụi đời, bán thuốc lá dạo ở ga xe lửa Sài Gòn.
Cuộc đời giang hồ dạy cho anh D. nhiều thứ, trong đó có “ngón” đờn, ca mà sau này khi anh “hồi hương” được mọi người đặt cho biện danh là D. đờn.
Những năm tháng cơ cực đó, anh D. nhớ nhất hai việc. Thứ nhất là lần đổi tiền, vì anh không có chứng minh nhân dân (thẻ căn cước) do vậy biết mình không thể đổi được tiền, có bao nhiêu anh đem mua thuốc lá hết để làm vốn, còn bao nhiêu anh đem mua bánh và ráng sức mà ăn, phần vì tiếc tiền, phần vì đời giang hồ dạy cho anh biết, no được ngày nào hay ngày đó, đâu có biết ra sao ngày sau.
Việc thứ hai mà bây giờ anh D. vẫn còn cảm thấy “hối tiếc” đó là khi anh mới vô nghề bán thuốc lá dạo, có một ông già dù không biết anh là ai, ở đâu nhưng vì thấy tội nghiệp anh nên đã bán thiếu cho anh một ba-lô thuốc rê.
Thời đó khổ, dân Sài Gòn nhiều người cũng phải hút thuốc rê, không may cho anh, chuyến hàng đó anh bị bắt và bị tịch thu mất ba-lô thuốc rê vì công an cho thuốc rê là hàng... “lậu”.
Thời gian sau, lúc bán thuốc lá có tiền, anh đi tìm lại ông già ngày trước với ý định trả lại tiền bán ba-lô thuốc rê cho ông già, nhưng ông đã đi đâu biệt tích, không ai rõ ông về đâu, còn sống hay đã chết.
Sau mấy năm lăn lóc ở Sài Gòn, anh D. trở về quê vì nhớ thương người mẹ già. Lần này, vì tiếng đờn, ca ngọt ngào mà anh D. chiếm được trái tim của người thiếu nữ gần nhà.
Lập gia đình xong, ít lâu anh lại đưa người vợ trẻ lên Ðắk-Lắk lập nghiệp. Hơn 15 năm sống trên vùng rừng núi, anh D. học được nghề mộc và đã ra mở trại mộc...

Một căn nhà miền quê. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Kinh tế, xã hội thay đổi, anh D. trở về quê nhà lần thứ hai, và trên mảnh đất của cha mẹ để lại anh mở đìa nuôi tôm, mở trại mộc, nuôi đàn gà... Kinh tế khá lên, những lúc rảnh anh đi chơi, vui nhậu, đàn ca hát xướng với anh em bạn bè.
Ngoài năm mươi tuổi, khỏe mạnh, nụ cười tươi, hồn hậu luôn nở trên môi, đã có cháu nội, con cái yên bề, lại mới mở thêm quán cơm “lữ hành” ven đường quốc lộ cho vợ, anh D. đã có thể “vui thú điền viên”... Ký ức về Sài Gòn trong anh có lẽ chỉ còn như một vệt nắng hắt lên thời tuổi trẻ tang bồng, gian nan, lận đận.

No comments:

Post a Comment