Từ
Letung, chiếc thuyền rẽ sóng lướt đi phăng phăng được gần một giờ đồng
hồ thì chị Carina Hoàng chỉ tay vào hòn đảo nhỏ trước mặt “KuKu kia
rồi.”
Mọi người nhìn đăm đăm vào cánh rừng. Tiếng nói cười ồn ào đột nhiên lắng xuống.
Mạnh, chàng thanh niên trẻ tuổi nhất đoàn, người cười nhiều nhất và
có tiếng cười huyên náo nhất, đứng phắt dậy, ôm chầm lấy Carina, bật
khóc không thành tiếng, chỉ thấy đôi vai run lên từng hồi.
Tượng đài tưởng niệm thuyền nhân đã chết trên quần đảo Anambas, Nam Dương, được bắt đầu xây ở đảo Kuku cuối năm 2011, khánh thành vào tháng Tư năm 2013. (Hình: Hà Giang/Người Việt) |
Mạnh vượt biên với cha khi mới hơn 10 tuổi. Vài năm sau khi hai cha con định cư ở Úc, mẹ Mạnh một mình vượt biên đến được một đảo nhỏ ở Nam Dương và qua đời trên con thuyền đưa người Việt tị nạn đến đảo Galang. Viên chức người Nam Dương thấy hoàn cảnh đáng thương nên cho thuyền dừng lại và chôn bà ở đảo Kuku. Sau nhiều dự định tháp tùng các phái đoàn đi tìm mộ mẹ không thành, cuối cùng Mạnh sắp toại nguyện.
Đã 34 năm rồi, nhưng không ngại hành trình gian nan vất vả, và nguy
cơ có thể gặp gió bão bất ngờ, phái đoàn 11 người chúng tôi, do chị
Carina hướng dẫn, người thì đi tìm mộ, xây mộ cho người thân, người đi
tìm quá khứ, người khác muốn đi tìm dấu vết của thuyền nhân Việt Nam ở
những hòn đảo nhỏ bé tại Indonesia.
Dù khởi hành từ Mỹ, Úc hay Âu châu, chúng tôi ai cũng phải đáp ít
nhất hai chuyến máy bay và bốn, năm chuyến thuyền mới đến được vùng đảo
Jameja, thuộc Anambas region.
Thím Liên cùng chồng là ông Tăng Phú trên đường lên bãi Kuku tìm mộ thân phụ ông Tăng. Ông bà xúc động khi nhận ra nơi ở cũ trên đảo Kuku. (Hình: Hà Giang/Người Việt) |
Đường đi vất vả mà vui. Nhưng khi đến được đây rồi, thì quang cảnh dọc theo bờ những đảo như Berhala, Tucai, Air Raya, hay Kuku đâu đâu cũng na ná giống nhau khiến không chỉ riêng Mạnh xúc động, vì hình ảnh những ngày thương đau, tưởng đã chìm sâu trong ký ức giờ sống lại, rõ mồn một từng hình ảnh, từng cảm giác.
Thuyền đến gần bờ, đài tưởng niệm có dáng một chiếc thuyền lớn một
nửa chìm xuống cát, nửa kia hướng ra biển, ngày càng rõ nét. Đến gần
hơn, mọi người đọc được những chữ “VT075” màu đen ngang bụng thuyền.
Một người chỉ tay: “Đài tưởng niệm kia rồi phải không?”
“Không ngờ ba mươi mấy năm nay giờ lại thấy được hàng chữ này, ngay
trên bãi ngày xưa.” Anh Hoàng Long nói nhỏ như chỉ cho mình mình nghe,
nét đăm chiêu chiếm lấy khuôn mặt tươi cười cố hữu.
Chị Vân, vợ anh, ngồi gần nhìn anh xót xa, rồi quay ra người bên
cạnh phân bua: “Anh ấy mấy ngày nay ban ngày bình tĩnh nhưng đêm đến lục
sục đâu có ngủ được.”
Anh Long, chị Carina, và thím Liên và chú Tăng Phú là bốn trong số
hơn 370 thuyền nhân đã vượt biên từ Vũng Tàu trên con thuyền mang tên
VT075 đến đảo Kuku. Trong đoàn chúng tôi, anh Long và chị Carina gần gũi
với cái chết nhất. Anh làm việc trong khu y tế từ cuối tháng Sáu đến
trung tuần tháng Chín tại lều y tế tại đảo Kuku cùng với bác sĩ Trần Duy
Tân, và hàng ngày chứng kiến không biết bao nhiêu cái chết.
Anh kể: “Ban ngày tôi làm y tá, ban đêm Carina và một người nữa và
tôi có bổn phận canh lều bệnh nhân. Chúng tôi lúc đó ở đây trong tình
trạng không thực phẩm, không thuốc men trong khoảng thời gian ba tháng,
trước khi Cao Ủy Tị Nạn tìm đến. Hàng ngày nhìn bệnh nhân chúng tôi có
thể đoán được người nào đêm nay không qua khỏi, nhưng bó tay không thể
làm gì giúp cho họ được.”
Anh Long may mắn không có thân nhân bỏ mình trên đảo này, nhưng đưa
vợ đi để tìm về quá khứ, một quá khứ anh không biết mình đã quên hay
vẫn còn bị ám ảnh.
Quá khứ bây giờ hiển hiện trước mắt.
Bên này là biển mênh mông ngút ngàn, bên kia là rừng núi chập
chùng, cỏ cao vượt mặt. Đây là bãi tắm, kia là nhà thờ, kia là nghĩa
địa, đó là từng hàng chòi được dựng lên làm nơi trú ngụ, trước mặt là
văn phòng Cao Ủy Tị Nạn, và xa xa trên cao kia nữa cũng là nghĩa địa.
Nghĩa địa khắp nơi.
Chỉ khác là bây giờ ngay trên bãi xưa, một tượng đài sừng sững đánh
dấu giai đoạn hãi hùng của đoàn người tị nạn, của nơi đói khát, bệnh
tật đã cướp đi mạng sống của không biết bao người.
Thuyền cập bến!
Mọi người kéo nhau xuống bãi cát, hướng về phía đài tưởng niệm mà đi dưới nắng chói chang.
Đi một quãng, thím Liên níu lấy tay chồng, hốt hoảng: “Hồi đó mình ở chỗ này nè!”
Chồng bà, chú Tăng Phú thẫn thờ. “Biết có tìm thấy mộ ổng không đây.”
Anh Long Hoàng, một thuyền nhân đến Nam Dương từ thuyền VT075 nén xúc động khi đứng bên bãi Kuku, nơi anh trú ngụ năm 1979 và chứng kiến biết bao nạn nhân qua đời vì thiếu thực phẩm và thuốc men. (Hình: Hà Giang/Người Việt) |
“Hồi đó” là khoảng trung tuần tháng Sáu năm 1979. Đoàn người vượt biên trên con thuyền mang tên VT075, sau khi bị Malaysia từ khước được đưa vào LeTung, Air Raya, rồi trôi dạt đến đây. Thân phụ của chú Tăng Phú bị bệnh chết sau đó một tháng. Chú Tăng cho biết chỉ nhớ mang máng đã mai táng cha ở mảnh đất gần con suối nhỏ, nhờ người chất đầy đá trên mộ và khắc tên cha vào một tấm bia, hứa với lòng một ngày nào sẽ về xây mộ cho cha, làm tròn chữ hiếu.
Năm 2009, phái đoàn đi tảo mộ đảo Kuku do chị Carina Hoàng hướng
dẫn tìm thấy ngôi mộ của thân phụ ông, chụp hình rồi bỏ lên website.
Tình cờ gặp được người quen cho biết website này, chú nhờ con gái vào
xem, và đã khóc ròng khi thấy tấm bia do chính tay mình khắc. Chờ thêm
hai năm nữa hai vợ chồng mới có điều kiện tháp tùng đoàn người đi thăm
Kuku.
Đến gần bờ, thấy tôi tần ngần nhìn những miếng đá phủ đầy rêu lên
gần đến lùm cỏ dại, người thông dịch viên đi cùng đoàn bước đến gần.
“Tại sao lại có đá ở đây?” Tôi hỏi.
“No, no rock, Vietnam boat.” Người thông dịch nói.
Ồ đúng rồi, không phải đá mà là gỗ, mà là thuyền, xác thuyền.
Nhìn kỹ hơn, thấy dọc theo bãi biển gần bờ rải rác bao xác thuyền,
giờ chỉ còn trơ lại cái khung như bộ xương lấp lánh dưới làn nước trong
xanh.
Và bước lên bờ, chỉ leo vài đoạn núi thôi, mọi người biết sẽ thấy
rải rác nhiều nấm mồ, trong đó có mộ của thân mẫu Mạnh và của thân phụ
chú Tăng, và biết còn của ai nữa. Đã bao nhiêu người Việt Nam đi tìm tự
do bỏ mình ở đây, 500 hay 2,000? Cho đến giờ, không ai có con số chính
xác.
Đứng chờ chúng tôi tại trước tượng đài là đại diện các viên chức
địa phương của quần đảo Jemajah. Sau một bài diễn văn ngắn của người bản
xứ, Carina thay mặt cho phía chúng tôi cắt băng khánh thành tượng đài.
“Chúng tôi dựng tượng đài này để đánh dấu một giai đoạn lịch sử, để
tưởng niệm những thuyền nhân Việt Nam đã bỏ mình trên Anambas region.”
Đại diện của quần đảo Jemajah cho biết sở dĩ hàng chữ VT075 được
vinh hạnh viết lên đài tưởng niệm là vì Carina, người tị nạn đầu tiên
trở về quần đảo Nam Dương tìm mộ người thân, là người đến Nam Dương trên
chiếc thuyền mang tên VT075.
Với việc xây dựng tượng đài, bảo vệ một di tích lịch sử, chính
quyền Anambas cho biết cũng mong nhiều người Việt Nam ở khắp nơi sẽ về
đây, tìm mộ người thân, thăm lại nơi đã cưu mang họ trên đường đi tìm
quê hương thứ hai.
Lịch sử không phải chỉ được ghi lại ở đài kỷ niệm mà còn khắc ghi trong lòng nhiều người, cả người Việt Nam lẫn người bản xứ.
Đoàn người đến thăm đảo Kuku chuẩn bị đốt nhang trước đài tưởng niệm. (Hình: Uly/Indonesia) |
Trong một ngày đi sâu với một thông dịch viên vào thị trấn Letung, chúng tôi gặp nhiều người dân Indonesia cho biết còn nhớ rất rõ thời gian hàng ngàn người tị nạn Việt Nam ùa vào thị trấn nhỏ bé của họ.
Ông Anwal, một dân cư Letung cho biết, vào năm 1979, ông mới 12
tuổi, và nhớ đột nhiên sáng nào đi học cũng thấy người Việt Nam khắp
nơi, trên bãi cỏ, dưới gầm nhà sàn, ngoài bờ suối. Cậu bé Anwal lúc đó
thật xúc động khi thấy những người tị nạn đói rách, thẫn thờ. Họ xây nhà
bằng tất cả những vật liệu nào có thể kiếm được, và ăn bất cứ thức ăn
gì có thể tìm được. Ông nhớ những chiếc xe cứu thương chở bệnh nhân và
chở xác người tị nạn lên núi.
Awal khoe còn biết hát quốc ca Việt Nam nữa.
“Quốc ca Việt Nam?” Mọi người hỏi.
Ừ quốc ca Việt Nam. Ông nói, rồi bập bẹ cất tiếng hát, rất đúng
nốt, đúng nhịp dù lời bị trọ trẹ: “Việt Nam Việt Nam nghe tự vào đời,
Việt Nam hai câu nói bên vành nôi, Việt Nam nước tôi...”
Không phải quốc ca Việt Nam đâu. Nhưng điều ấy không quan trọng.
Tiếng hát được cất lên từ khuôn mặt ngoại quốc xa lạ như luồng điện ở đâu được truyền vào người.
Làm sao ông học được bài hát này? Đã 34 năm rồi sao ông còn nhớ? Cố ngăn nước mắt, tôi dồn dập những câu hỏi.
Anwal bảo làm sao không nhớ được khi trong nhiều tháng trời, mỗi
sáng đi học ông đều thấy từng đoàn người Việt Nam ở mọi ngõ ngách của
thị trấn nhỏ bé, đồng loạt đứng lên, mặt buồn rầu rầu, mắt đăm đăm nhìn
về hướng biển, và cùng nhau hát bài hát đó.
Mai này chúng tôi sẽ lên đường, trả lại sự bình lặng cho những
người dân Nam Dương hiền lành mộc mạc và tốt bụng, cho nơi đầy dẫy dấu
tích đoàn người Việt tị nạn.
Nắng sẽ vẫn chói chang trên bãi Kuku khi thuyền chúng tôi rời bến, nhưng lòng người ở, kẻ đi, sẽ rất khác.