Tuesday, July 10, 2012

Ô nhiễm môi trường Sài Gòn ngày càng khủng khiếp


Văn Lang/Người Việt

Sài Gòn, thành phố đông dân nhất Việt Nam với gần 10 triệu người và 5 triệu xe máy, xe hơi lưu thông hàng ngày. Theo thống kê của Viện Khoa Học Công Nghệ và Quản Lý Môi Trường thì 100% xe gắn máy không được kiểm định và chỉ có khoảng 15% xe 4 bánh đạt tiêu chuẩn về khí thải.


Nạo vét kinh Nhiêu Lộc. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Các trạm quan trắc đo lường chất lượng không khí mỗi năm mỗi báo cáo về sự gia tăng ô nhiễm không khí với các chất độc hại về khí thải công nghiệp lẫn khí thải xe cơ giới.
Người dân Sài Gòn bằng mắt thường cũng thấy sự ô nhiễm môi trường gia tăng trầm trọng với số lượng người đi xe gắn máy bịt mặt như “ninja” ngày càng đông, nước ngập đường phố lênh láng khi mưa xuống và đặc biệt kênh rạch ven Sài Gòn bị “bít” dần, lớp bị lấp, lớp bị nghẽn dòng chảy vì rác, hầu hết nước kênh đều đen sì và bốc mùi hôi thối.
Ngay cả những nhánh sông lớn của Sài Gòn cũng bị “đổi màu,” những khi triều cường lên cao nước còn chút “trong xanh” thơ mộng, khi nước triều rút, nước cống ra toàn một màu đen hôi thối, có lẽ bến Bình Ðông là một ví dụ điển hình.
Một bác lớn tuổi sống ở khu vực cầu An Lộc nối Gò Vấp với quận 12 (trước kia thuộc Hóc Môn), cho biết: “Ngày trước, khi mùa Hè nóng nực, nhiều người hay lên cầu hóng gió, còn mười năm trở lại đây, mỗi lần qua cầu phải bịt mũi chạy cho lẹ vì mùi hôi thối không chịu nổi.”
Một cư dân khác ở khu vực cầu Tham Lương thì kể, có lần ông đi công chuyện vừa về tới nhà thì nghe cô cháu mới 4 tuổi la thất thanh: “Ông ngoại ơi! Ra coi mấy cái con gì nó vô đầy vườn nhà mình nè!” Chạy vội ra sau nhà, ông thấy mấy cái “con gì” của cháu ngoại ông chỉ là đàn vịt con của nhà, chúng xuống tắm nơi con rạch sau nhà bị “nhuộm” bởi chất thải của mấy nhà máy dệt thải ra.


Mưa xuống, nhiều con đường Sài Gòn ngập lênh láng như sông. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Khu Trung Sơn - một vị trí “đắc địa” ở Sài Gòn, nằm ở khu tam giác, giáp Phú Mỹ Hưng - quận 7, giáp quận 5 và quận 1, với nhiều biệt thự ven sông. Dù nhánh sông Sài Gòn chảy qua đây rất lớn - tiếp giáp với Bình Chánh, Nhà Bè nhưng cư dân nơi đây cho biết khi triều cường xuống, nước thải của thành phố chẩy ra đen thui, bốc mùi thì họ cũng đành đóng kín cửa “tử thủ” trong nhà không dám ló đầu ra.
Các kênh rạch “có tên” ở Sài Gòn như: Tân Hóa-Lò Gốm; Tham Lương-Vàm Thuận; Kinh Ðôi-Tẻ; kênh Ba Bò; rạch Bến Cát; kênh Thầy Cai-An Hạ... ô nhiễm tới mức heo còn không dám xuống tắm nói chi là người. Chuyện những dòng kinh xanh chảy ven Sài Gòn bây giờ đã trở thành “cổ tích” trong ký ức... mù xa của người Sài Gòn.
Mới đây, một nhóm chuyên gia Tây Ban Nha phối hợp với Sở Tài Nguyên-Môi Trường Sài Gòn nghiên cứu và đưa ra kết luận: “Sông, rạch ở Sài Gòn và nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng vì nước thải sinh hoạt của thành phố chưa qua xử lý thải trực tiếp xuống sông.”
Không chỉ có vậy, cũng theo Sở Tài Nguyên và Môi Trường thì 75% nước thải của các bệnh viện, tức 23 ngàn mét khối/ngày chưa qua xử lý thải trực tiếp vào cống thải chung của thành phố, rồi... chảy ra sông. Ðiều đó đồng nghĩa là vô số mầm bệnh, vi trùng được “phát tán” tự do, vô phương kiểm soát.
Sài Gòn với 10 triệu dân nhưng chỉ có một nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại Bình Hưng-Bình Chánh với công suất là 140 ngàn mét khối/ngày, đáp ứng chưa tới 1/20 nhu cầu xử lý nước thải sinh hoạt của thành phố.


Những gia đình sống trên ghe nơi những dòng nước đen hôi thối của Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Ðể giải quyết vấn nạn nước thải Sài Gòn cố gắng đầu tư cho những công trình lớn như dự án Nhiêu Lộc-Thị Nghè với tổng số vốn là 200 triệu USD; dự án Tham Lương-Bến Cát là 800 triệu USD, dự án Tân Hóa-Lò Gốm là 10 triệu euros... Nhưng chưa mang lại hiệu quả vì năng lực quản lý chuyên môn kém, như vụ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè do nhà thầu Trung Quốc thi công, mấy năm họ “trây lì” dân than như bọng.
Người dân luôn ca thán về vấn đề nước thải của bệnh viện, nhưng các bệnh viện họ trả lời là chuyên môn của họ là khám chữa bệnh chứ không phải xử lý nước thải. Còn bên Sở Tài Nguyên-Môi Trường thì cho biết họ quản lý chất thải công nghiệp còn chưa xong, có người đâu mà đi quản lý chất thải y tế.
Về công nghiệp, dù thời hạn di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi thành phố đã sắp hết, nhưng nhiều tên tuổi “đại gia” vẫn chưa thấy “đường hướng” gì, như nhà máy xi-măng Hà Tiên; nhà máy bia Sài Gòn; nhà máy thuốc lá Sài Gòn; công ty tôn Posvina; nhà máy đóng tàu Ba Son; công ty Việt Thắng Jeans... và vô số các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Việc ô nhiễm nặng ở Sài Gòn mỗi người dân đều biết, do hàng ngày họ lưu thông xe cộ trên đường hít thở bụi, khói. Như một bác chạy xe Honda ôm cho biết, ngày nào về nhà cũng “khạc” ra một cục đen thui “kết tinh” của bụi khói môi trường, bác than: “Như vầy hoài, làm sao sống nổi?!”


Nạn kẹt xe kèm theo khói bụi vì quá nhiều xe gắn máy trên đường phố. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Ánh sáng “le lói” cuối đường hầm, niềm hy vọng của dân chúng có lẽ chỉ còn trông mong vào các nhà hoạt động môi trường, hay mấy nhà xử lý rác thải, như ông David Dương, mấy năm nay bãi rác Ða Phước của ông Dương không thấy dân chúng quanh vùng than vãn gì nữa và ông Dương cũng đang mở rộng “lãnh địa” về phía Long An.
Sài Gòn gần một năm nay cũng khai trương được một tuyến xe Bus sạch, chạy bằng khí CNG giảm được hơn 60 % khí thải độc hại, với hơn chục đầu xe chạy tuyến Sài Gòn-Chợ Lớn. Và xa hơn nữa thì tới năm 2015 nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát sẽ đi vào hoạt động với công suất là 250 ngàn mét khối/ngày.
Việc cứu lấy môi trường đang ô nhiễm nặng ở Sài Gòn chẳng khác nào việc... cứu hỏa. Người dân Sài Gòn không dám trông mong những người anh hùng như liệt nữ Triệu Thị Trinh xưa với câu nói bất hủ: “Tôi muốn cưỡi cơn sóng dữ, chém cá Kình ở Biển Ðông.”
Chém cá Kình ở Biển Ðông lúc này tuy là cũng rất cần, nhưng ai cứu được môi trường ô nhiễm nặng ở Sài Gòn cũng đáng tôn vinh là bậc anh hùng, sánh ngang cùng với các anh hùng cứu quốc thời xưa.

Cầu Bình Lợi, 'cây cầu tự vận'


Bài và hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt

SÀI GÒN - Cầu Bình Lợi ở cuối đường Nơ Trang Long, trước thuộc tỉnh Gia Ðịnh, bây giờ thuộc phường 13, quận Bình Thạnh. Qua cầu Bình Lợi gặp Bình Triệu, là khu vực giáp ranh quận Thủ Ðức. Con đường mang tên Kha Vạn Cân đi vào thị trấn Thủ Ðức, ngó thẳng sang một đầu cầu Bình Lợi.

Cầu Bình Lợi được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20.

Trước 30 tháng 4, 1975, nhắc nhớ cây cầu Bình Lợi, mọi người tức thì liên tưởng tới những người tự vận; từ cây cầu này, gieo mình xuống dòng nước sông Sài Gòn.
Cầu Bình Lợi là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn, do hãng Lavelois Perret của Pháp thi công xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20; cây cầu có đường rầy cho xe lửa tuyến Sài Gòn-Biên Hòa, bây giờ thuộc tuyến đường sắt Bắc-Nam. Thoạt đầu, cầu Bình Lợi có một nhịp quay, và mặt cầu được lắp ghép bằng gỗ.
Từ nhiều năm nay, đi qua cầu Bình Lợi rất nguy hiểm. Chúng tôi nói đùa mà thật, rằng không khéo mình cũng trở thành kẻ tự vận ở cầu Bình Lợi: đường chính của cầu trở thành tuyến đường sắt dành riêng cho xe lửa; đường phụ rất hẹp ở bên phải - nhìn từ đầu cầu ở cuối đường Nơ Trang Long - dành cho xe 2 bánh, kể cả xe 3 bánh, lưu thông hai chiều.
Mặt cầu ở đường phụ này ghép bằng những tấm sắt trơn; điều khiển xe lệch tay lái một chút, cầm chắc cả xe và người rớt xuống sông, qua những khe hở khá lớn ở thành cầu. Nghĩa là cây cầu Bình Lợi không hề có lưới che chắn ở thành cầu; những thanh chắn của thành cầu lại quá thưa, thật thích hợp với mọi loại tự vận!
Hẳn nhiều người không quên tin tức trên các nhật báo, từng đăng nhiều vụ quyên sinh ở cầu Bình Lợi, trước 30 tháng 4. Tính trung bình, mỗi năm có tới chục người, từ trên cầu Bình Lợi gieo mình xuống dòng sông Sài Gòn. Chị người bạn thân của chúng tôi, là trưởng nữ của cố nhà báo kỳ cựu Lê Tràng Kiều - từ những năm 1940, nhà báo Lê Tràng Kiều từng là cây bút tham gia tranh luận sôi nổi về thơ cũ & thơ mới - lẽ ra đã chọn cây cầu Bình Lợi làm điểm khởi hành cho chuyến đi vào cõi hư vô ở tuổi 20. Chị đã gieo mình từ lan can căn gác của gia đình, xuống mặt đường Phan Ðình Phùng (bây giờ là đường Nguyễn Ðình Chiểu). Bạn tôi đọc được trong nhật ký của người chị để lại, biết chị đã dự định quyên sinh từ cây cầu Bình Lợi.
Sau 30 tháng 4, một buổi trưa vắng người, tình cờ chúng tôi gặp nhà thơ Hoài Thương - anh rể của nhà thơ Phạm Thiên Thư - đứng trầm ngâm trên thành cầu Bình Lợi. Ở cổ chân bên trái, nhà thơ Hoài Thương đã cột sẵn một bao cát. Chúng tôi đã rủ được ông đi uống rượu ở một quán nhậu gần đó, để nhà thơ quên nỗi sầu đời. Ấy tuy nhiên khoảng một tuần lễ sau, chúng tôi nghe tin ông đã tự vận ở cầu Ðồng Nai. Như vậy là, chị người bạn thân, và anh rể nhà thơ “Ðộng Hoa Vàng,” cả hai đều tự vận, nhưng đã lỡ hẹn với cây cầu Bình Lợi.
Ông Ba Chúc ở phường 13, quận Bình Thạnh thì vừa là chứng nhân, vừa là ân nhân của những người chán sống, tìm cái chết trong lòng nước sông Sài Gòn, phía dưới chân cầu Bình Lợi. Ông Ba Chúc là dân thuyền chài đã trên 40 năm; “nhà” của ông chính là con thuyền cũ gắn máy đuôi tôm, đậu mé sông gần cầu Bình Lợi, thuộc khu phố 2,phường 13. Bà con ở khắp vùng cầu Bình Lợi đều biết: trên 40 năm làm dân thuyền chài, là từng ấy năm ông Ba Chúc cứu người tự vận ở khúc sông này.
Chúng tôi làm quen ông Ba Chúc tốt bụng và thật thà một cách dễ dàng; ông lại là người đồng hương với chúng tôi - quê quán ở tỉnh Vĩnh Phúc - và cùng là dân Bắc kỳ di cư năm 1954. Chúng tôi được biết, từ năm mười lăm mười sáu tuổi, ông Ba Chúc đã cứu được cả hai vợ chồng và hai người con một gia đình làm nghề chở mía trên sông. Chiếc ghe của họ bị đụng chìm tại sông Sài Gòn, khúc gần cầu Bình Lợi. Ðấy là vụ cứu người gặp tai nạn dưới nước đầu tiên của ông Ba Chúc. Sau đó, và tới tận bây giờ, cứ nghe thấy tiếng “ùm” dưới sông, là ông biết có người mà ông phải cứu vớt lên; không cứu được là ông không ăn không ngủ được.
Chúng tôi hỏi ông, thuở trước cầu Bình Lợi nổi tiếng là cây cầu tự vận, sau này không nghe ai nói tới cây cầu này như vậy nữa; tình trạng ấy đã thay đổi rồi chăng? Ông lắc đầu, nói: “Thuở trước thuở sau cũng như vậy cả thôi. Lúc nào cũng có người chán sống, muốn tự vận. Tôi vẫn thấy người chán sống đến cầu Bình Lợi, nhìn đăm đăm xuống dòng nước một hồi, rồi luồn mình qua thanh lan can cầu, nhảy ùm xuống sông. Ðàn ông chán sống vì làm ăn thất bát nợ nần kêu réo, đàn bà thì buồn giận chuyện gia đình chồng con, các cô thì thất tình hay chửa hoang hay thi rớt... Thời nào chả từng ấy chuyện để chán đời...”
Nghĩ về những người tự vận, chúng tôi cho rằng, hiển nhiên họ không muốn sống nữa. Thế nên rất có thể họ sẽ không bằng lòng, họ oán giận nữa là đằng khác, người đã cứu họ thoát khỏi cái chết.
Ông Ba Chúc cũng biết như vậy, nhưng ông không thể để mặc người ta tìm tới cái chết. “Mỗi lần cứu vớt được người tự vận, tôi đều khuyên nhủ họ bằng lời lẽ chân thành của mình. Tôi ít học, chả biết văn chương triết lý gì, cứ nói thẳng ra cái ý nghĩ đơn giản: con kiến nó bé tí tẹo thế kia mà nó vẫn muốn sống; con chó nó ăn ‘cỏ’ mà nó vẫn muốn sống, sao anh trai trẻ bảnh bao thế này lại đi tìm cái chết? Cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng mình, cho mình cái thân xác này; mình lại nhảy xuống sông cho ba ngày nó trương phình lên, nó sình thối thế kia mà được sao? Ðấy, tôi chỉ biết khuyên nhủ họ như thế....” ông Ba Chúc nói với chúng tôi, trong con thuyền cũ nhưng ngăn nắp sạch sẽ.
Con thuyền của ông chỉ rộng hơn chiếc chiếu đôi chút, mà đầy đủ cho việc cấp cứu người tự vận; chỗ ăn chỗ ngủ cho vợ chồng ông. Các con ông đã thành thân, lập gia đình ở riêng nơi khác.

Cầu Bình Lợi 2, cầu mới đang được xây dựng.

Qua ông Ba Chúc, chúng tôi được biết, sau 30 tháng 4, khu vực chân cầu Bình Lợi (phía quận Bình Thạnh) lại phát sinh một tệ nạn ghê gớm, để cây cầu này mang thêm cái “danh” (tai) tiếng là Hang Ổ Của Cái Chết Trắng. Cầu Bình Lợi, cây-cầu-tự-vận trở thành một địa chỉ mua bán ma túy tấp nập, con nghiện khắp nơi tụ tập ở đây trao đổi hút chích heroin. Năm 2007 là thời điểm cực thịnh ở hang-ổ-của-cái-chết-trắng tại chân cầu Bình Lợi; đại gia đình bà trùm ma túy Nguyễn Thị Hòa đã phải ra trước vành móng ngựa, với thành tích tiêu thụ 55 ký heroin.
Cây cầu mới mang tên Cầu Bình Lợi 2, cách cầu Bình Lợi hiện tại khoảng vài trăm mét (gần cầu Bình Triệu), đang được tiến hành thi công, do một công ty xây dựng cầu cống của Hàn Quốc đảm nhiệm. Theo một cán bộ thuộc Ủy Ban Nhân Dân quận Bình Thạnh cho biết, dự kiến cây cầu Bình Lợi 2 sẽ khánh thành vào giữa năm 2014. Có cây cầu Bình Lợi 2, không hẳn là đồng nghĩa với việc chấm dứt cây-cầu-tự-vận, cùng việc xóa đi hang-ổ-của-cái-chết-trắng.

Bánh cuốn ‘Hà Nội’ ở Sài Gòn


Văn Lang/Người Việt

Ở Sài Gòn hầu hết các tiệm bánh cuốn lớn nhỏ đều đề bảng là bánh cuốn.. Hà Nội, có khác chăng thì cũng mang tên bánh cuốn... Tây Hồ!


Một quán bánh cuốn của người miền Nam trên hè phố Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Có lần, chúng tôi ghé ăn một tiệm bánh cuốn khá đông khách, thấy cô chủ quán, kiêm luôn người tráng bánh nói giọng Thanh Hóa, chúng tôi mới thắc mắc với cô chủ: “Chị là dân Thanh Hóa, sao không đề bảng tiệm là bánh cuốn... Thanh Hóa, mà lại để là bánh cuốn Hà Nội?” Cô chủ quán cười ngất: “Giời ạ! Ðể bảng bánh cuốn Thanh Hóa thì ai người ta ăn!”
À, thì ra vậy! Hà Nội là một thương hiệu đã được “cầu chứng”, cũng giống như món phở tuy có nguồn gốc xuất phát từ tỉnh Nam Ðịnh thời Pháp thuộc, nhưng khi món phở “di cư” vô Nam thì hầu hết các tiệm đều coi mình là phở... Hà Nội.
Cũng như vậy, món bánh cuốn không xuất thân từ Hà Nội mà xuất thân từ làng Thanh Trì, một làng ven sông Hồng, và đã đi vào câu ca dao rất xưa của người Việt:
“Thanh Trì có bánh cuốn ngon
Có gò Ngũ Nhạc, có con sông Hồng”.
Tương truyền, vào đời Vua Hùng thứ 18, An Quốc là con trai Vua Hùng đã dạy cho dân làng làm món bánh cuốn. Do vậy, hàng năm vào ngày mùng 2 tháng 3 Âm lịch lễ hội làng lại tổ chức thi tráng bánh để nhớ ơn những bậc tiền hiền đã có công với nước. Và gần đây, lễ hội này đã được khôi phục lại sau hơn nửa thế kỷ bị gián đoạn vì “thời cuộc”.
Các nhà văn của Hà Nội xưa viết về món ngon của Hà Nội như Thạch Lam tác giả của “Hà Nội 36 phố phường” hay Vũ Bằng với “nỗi sầu Hà Nội” đều có những “đoản văn” rất hay về bánh cuốn, nhưng lại là bánh cuốn... Thanh Trì, chứ không phải bánh cuốn Hà Nội.


Bảng hiệu của một tiệm bánh cuốn ở Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Sự thật thì có một loại bánh cuốn gọi là bánh cuốn Hà Nội đó là loại bánh cuốn có nhân, gồm thịt heo bằm với mộc nhĩ, nấm hương, tiêu, hành củ... trong khi bánh cuốn Thanh Trì là loại bánh cuốn không nhân, giống như bánh ướt của người miền Nam nhưng tráng rất mỏng, như trong văn Thạch Lam mô tả là “một tờ gạo mong manh”. Còn theo như lời văn của Vũ Bằng: “Những cái bánh óng ả, mềm mượt đó... Có khi đương cầm đũa, ta muốn bỏ ngay ra để lấy ngón tay nhón từng chiếc bánh đưa lên khẽ chạm lấy môi ta như kiểu một cái hôn yêu trong buổi trao duyên thứ nhất”.
Trở lại với bánh cuốn có nhân, ngoài bánh cuốn Hà Nội có nhân thịt heo, còn có nhân tôm và được ăn kèm với chả lụa hoặc chả quế thì còn có bánh cuốn Lạng Sơn với hột gà, bánh cuốn Phủ Lý với thịt nướng, bánh cuốn Nam Ðịnh với đậu hũ chiên giòn.
Ðó là nói rộng ra để thấy miền Bắc không chỉ có bánh cuốn Hà Nội.
Dù vậy, ở Sài Gòn “độc bảng” có vẻ như chỉ thấy toàn bánh cuốn Hà Nội. Cho tới một ngày kia, tình cờ chúng tôi phát hiện ra một quán bánh cuốn bình dân không để bảng hiệu do người miền Nam bán, rồi lại thấy một quán có bảng hiệu ở gần khu Tây ba-lô mang bảng hiệu bánh cuốn... Sài Gòn, rồi lại thêm một quán vỉa hè do người miền Nam bán, rồi ở khu Chợ Lớn một quán bánh cuốn của người... Hoa.
Vậy mới biết, Sài Gòn muôn mặt, hàng hóa đa dạng nên đâu cứ phải bánh cuốn là bánh cuốn Hà Nội.
Lần đó, vì có công việc phải đi đêm, về tới gần khu cảng Nhà Bè thì đã hơn 4 giờ sáng, đói bụng thấy có hàng bánh cuốn ven đường chúng tôi “xà” vào ăn. Tráng bánh là một anh chàng còn khá trẻ, hỏi thăm anh chàng cho biết dân gốc Bến Tre lên Sài Gòn thuê nhà ở đã vài năm nay. Trước kia anh chàng là tài xế nhưng sau vất vả quá, phải xa nhà thường xuyên con cái nheo nhóc nên bỏ nghề về mở quán bán bánh cuốn.
Theo lời anh chàng thì thu nhập khá hơn nghề lái xe, lại có nhiều thời gian dành cho gia đình con cái hơn. Khoảng gần 4 giờ thì hai vợ chồng dọn hàng, chồng tráng bánh, vợ chiên bánh tôm để cắt kèm vào dĩa bánh cuốn cho khách. Khoảng 9 giờ sáng thì hết hàng, rảnh tới tối mới phải xay bột cho ngày hôm sau. Hỏi nghề do ai truyền lại thì anh chàng cho biết là nghề này có từ ở dưới quê do bà nội anh chàng truyền lại.
Gần đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 có hai con đường nhỏ cắt ngang tạo thành một hình tam giác, đầu trên là cửa hàng bánh mì Hà Nội, đầu dưới là tiệm bánh cuốn... Sài Gòn, do người miền Nam tráng bánh bán với giá rất bình dân, dù nằm gần khu Phạm Ngũ Lão, với giá chỉ có 19 ngàn đồng một dĩa bánh cuốn gồm cả bánh tôm chiên và chả lụa.
Ðộc đáo hơn, qua phía bên kia đường là một hàng bánh cuốn khác của người Nam đứng tráng bánh ngay trên vỉa hè với khói bốc lên từ nồi hấp nóng nghi ngút, như muốn “thị phạm” cho văn phong mô tả của Thạch Lam với khách qua đường của Sài Gòn: “Múc lưng môi bột, dàn đều trên khuôn vải, đậy nắp vung lại. Ðợi khi mở nắp vung ra, mặt bánh phồng lên tức là bánh đã chín. Sau lấy que tre sọc ngang, nguyên một tờ gạo mong manh được nhấc ra. Xoa một tí mỡ hành cho bóng bẩy rồi cuốn lại”.
Gần khách sạn Ðồng Khánh trong quận 5, có một con hẻm khá lớn, ngay đầu hẻm là một quán bánh cuốn của người Hoa với tấm bảng đề “bánh cuốn” bằng hai thứ tiếng Hoa-Việt, kèm theo số điện thoại rõ ràng để khi khách có nhu cầu cứ gọi sẽ được giao bánh tận nhà. Khi chúng tôi hỏi thăm thì thím bán bánh là người Hoa, nói tiếng Việt rành rẽ cho chúng tôi biết nghề này là do bà già truyền lại, trước khi bà già đi nước ngoài.


Một tiệm bánh cuốn của người Hoa ở Chợ Lớn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Người chồng cũng dân Quảng Ðông còn vui vẻ cho biết thêm: “Mấy chú có đi hết cái Sài Gòn nầy cũng không thấy chỗ nào giống chỗ nầy, vì ở đây bán bánh cuốn không thôi chứ không có kèm chả”. Nước chấm của quán cũng khá lạ vì ngoài vị khá ngọt theo kiểu người Hoa thì thấy dùng toàn loại ớt bằm màu vàng tươi, thay gì màu đỏ như của người Việt. Ðặc biệt phần nhân gồm thịt heo và hành củ được xay hay (giã) thật nhuyễn với rất ít mộc nhĩ nên miếng bánh tan khá nhanh trong miệng không bị “lảm xảm” vì quá nhiều nhân như của người Việt.
Thêm nữa, bánh ở quán vỉa hè này tuy mỏng như bánh cuốn Hà Nội nhưng lại giữ được vị “dai dai” như bánh ướt của người miền Nam gây một cảm giác như đang ăn một loại bánh “lai” giữa hai vùng miền. Nhưng khi chúng tôi tò mò hỏi loại bánh này của ai thì thím người Hoa cười xòa trả lời gọn, bánh của người... Bắc.
Xưa yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ, nay qua từng miếng ăn ngon như thấy lại hình bóng quê nhà. Ðọc văn Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc bỗng dưng thấy thương những Thạch Lam, những Vũ Bằng, những con người mà quê hương còn đó nhưng ngày về ôi quá xa xăm, tất cả những hình ảnh thân thương chỉ là ảnh tượng nhạt nhòa lẩn khuất qua làn khói mỏng tỏa từ bếp tranh buổi lam chiều từ trong miền sâu thẳm nơi vùng ký ức, rưng rưng bỗng nhói một niềm...

Những kiểu kiếm cơm đày đọa


Liêu Thái/Người Việt

QUẢNG NAM -Lợi dụng người tàn tật và trẻ em. Ðó là cách kiếm cơm tương đối phổ biến của giới ăn xin hiện tại ở Việt Nam. Nghiệt nỗi là người ăn xin vẫn mang kiếp ăn mày còn kẻ lành lặn thì mỗi lúc thêm giàu trên thân xác của những em bé tội nghiệp và những người tàn tật, đau khổ.

Nhìn kỹ, đôi chân của ông Hào không teo cơ, nhưng cách ông nằm nhoài người trên xe lăn luôn làm cho người khác thương cảm. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Hằng ngày, trên quốc lộ 1A, đoạn đi qua Quảng Nam, thường xuất hiện một người tàn tật nằm dài trên chiếc xe lăn bốn bánh tự chế, trần trụi đi trong mưa nắng cùng chiếc máy cassette mở băng tụng kinh để đánh động bi tâm và vài người ẵm trẻ em ăn xin, nhìn họ tội nghiệp, đau khổ...
Nhưng theo dõi họ, mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác.
Người đàn ông lăn lóc cùng chiếc xe bốn bánh tự chế dưới nắng mưa kia tên là Hào, đương nhiên lời giới thiệu của ông ta có chính xác hay không còn phải xét lại, vì ngay cả việc lăn lóc của ông, hành động nhiếp sinh của ông còn không thật thì tôi không dám tin lời ông ta cho mấy. Ông Hảo nói năm nay 49 tuổi, quê Nam Ðịnh, nhà không người thân, đã lăn chiếc xe từ Nam Ðịnh vào tới Quảng Nam để kiếm cơm qua ngày.
Nhưng sự thật thì ông có đôi khi nói giọng Quảng Nam rất rõ, và ông lăn đi từ 6 giờ sáng ở một địa điểm không có người, cho đến 10 giờ trưa, cũng tại một địa điểm vắng người khác, ông móc điện thoại di động ra gọi một người đàn bà chạy xe máy đến đón ông về, mỗi ngày như mọi ngày.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết ông Hào không bao giờ sống cố định một chỗ nào, và cứ chiều về, ông lại trở lại người bình thường, không còn thấy tàn tật, lên xe máy cho người đàn bà hay đưa đón hoặc ông bạn nào đó chở đi nhậu. Sáng mai lại tiếp tục bộ dạng đau khổ để xin ăn.
Trong giới ăn xin còn có những chuyện sốc hơn nhiều, có cả một lò tổ chức nuôi trẻ em, tạo cho chúng những vết dị tật như vết thâm trên mặt, chân tay co quắp... để cho những bà sồn sồn xin ăn chuyện nghiệp thuê về, ẵm đi dang nắng, dang mưa mà đánh động lòng thương người khác... Hết hạn thuê, lại trả đứa bé cho chủ thuê, cái vòng này cứ luân phiên xoay.
H.T.H., một cô gái ăn xin chuyên nghiệp theo lối này, năm nay 30 tuổi, thường ẵm một đứa trẻ đỏ hỏn, trần trụi, đi lang thang từ nơi này đến nơi khác để xin ăn. Ðến chiều, lại xuất hiện một người đàn ông bặm trợn chạy xe gắn máy, đứng đón H.T.H tại một điểm nào đấy.
Có ai hỏi thăm, H.T.H cho biết: “Nó là con em, em khổ quá nên ẵm nó đi xin!” Nhưng khi chúng tôi trình bày nhã ý muốn tìm giúp H.T.H một công việc có thu nhập tuy thấp nhưng tạm ổn định để nuôi con. H.T.H từ chối thẳng: “Ði xin có tự do hơn, đói ăn đói, no ăn no, em không quen để ai sai khiến!”
Thật ra, H.T.H không bao giờ làm việc được cho ai nếu như ẵm đứa bé theo. Vì như vậy sẽ bị lỗ ngày công, ước chừng vài chục ngàn đồng để trả tiền thuê đứa bé. Nghiệt ngã nhất là đứa bé này do chính cha mẹ của nó cho H.T.H thuê để lấy tiền.
Bên cạnh những người quá khổ, ngậm đắng nuốt cay mà cho thuê con vẫn có những loại người kinh doanh trẻ em bằng mọi cách, nuôi những đứa bé tội nghiệp trong điều kiện thú không ra người để cho thuê, lấy lãi.

Nạn nhân chất độc da cam đi “biểu diễn” kiếm cơm...

Ðó là hiện thực khá sinh động tại một số nơi trên đất nước này, không ngoại trừ thành phố Ðà Nẵng với Hội Chất Ðộc Da Cam Ðà Nẵng. Những chuyến biểu diễn của các thành viên trong hội này luôn được rao quảng cáo với “...sự phối hợp tổ chức của đảng, chính quyền địa phương...”
Theo dõi chương trình nhiều lần tại Ðiện Bàn và một số huyện khác, chúng tôi không thấy gì ngoài những “diễn viên” tàn tật, hát không ra hát, nói không ra nói, và trong lúc hát, nói, sự nhiệt tình của họ gần như không có, vô hồn.

Một buổi biểu diễn văn nghệ của các “diễn viên nạn nhân Dioxin” tại Ðà Nẵng. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Ðiều đó cho thấy những “diễn viên” tàn tật này không có một chút cảm hứng nào với việc người ta mang mình ra để trình diễn như những sinh thể tội ngiệp, thậm chí có nét giống xiếc thú để làm trò lạ mắt, để đánh động lòng thương cảm của đồng loại mà từ đó, đồng loại móc tiền ra cho...
Ðó là chưa nói đến hình thức biểu diễn cõng theo nội dung nêu “tội ác đế quốc Mỹ đã để lại” trên thân thể các em... Ðể các em phải rày đây mai đó hát xin ăn mà gợi nhắc quá khứ. Cách làm việc, tổ chức như thế này có thể nói là quá nhẫn tâm đối với trẻ em, quá nhẫn tâm với người tàn tật!
Chúng tôi nhớ không lầm thì chính phủ Mỹ đã viện trợ 6 triệu USD cho Việt Nam về vấn đề chất độc Dioxin, trong đó, riêng vấn đề phục hồi sức khỏe con người của Ðà Nẵng, ngân sách đã lên đến 2 triệu USD. Với số tiền không nhỏ này, để nuôi vài mươi trẻ em nạn nhân không phải là chuyện khó.
Ðương nhiên, khoản tiền 2 triệu USD này không dành riêng cho Hội Nạn Nhân Dioxin Ðà Nẵng, nó sẽ được phân bố rải rác trong nhiều hạng mục, dự án... Nhưng chí ít, nó phải đi đúng mục đích và đối tượng của nó: Cho những nạn nhân Dioxin thoát khỏi khó khăn và được hỗ trợ nhiều phương tiện, điều kiện để sống.
Nhưng không hiểu sao, đến thời điểm này, họ vẫn lang thang rày đây mai đó để hát xin ăn, gọi là biểu diễn nghệ thuật!
Và, một khi tâm thức con người trên đất nước hình chữ S này vẫn còn dính vết mòn xin-cho, trong một cơ chế xin-cho, thì nỗi thống khổ của con người, nỗi ê chề của chuyện kiếm ăn bằng mọi giá vẫn còn là ung nhọt!

Món ăn linh tinh trên phố Sài Gòn


Trần Tiến Dũng/Người Việt

Ða phần người lao động Sài Gòn hiện nay đều nặng đầu nát óc tìm cách kiếm thêm vài trăm ngàn đồng hàng tháng để chống chọi được với cảnh đời tơi tả trong thời buổi kinh tế Việt Nam vừa lạm phát cao lại vừa thiểu phát khủng.

Một góc đường phố ăn vặt ở Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Với một đô thị lớn có cả chục triệu người, việc kiếm thêm chút tiền tiêu luôn có nhiều cách, nhưng cách mà nhiều người lao động ưng chọn nhất hiện nay là bán hàng ăn linh tinh. Có một nghịch lý là đội quân thất nghiệp càng đông thì hàng quán ăn uống linh tinh càng trăm hoa đua nở.
Nói về các hàng ăn linh tinh do người Sài Gòn sáng chế trước tiên xin kể đến món khoai mỡ chiên. Có một dạo người ta thấy món này chộn rộn bày bán. Người bán chỉ cần lấy một miếng bìa cứng, ghi khoai mỡ chiên, kèm với bếp dầu, chảo nhôm là có ngay một quầy hàng trên đường phố.
Người mua ban đầu thấy lạ ngần ngại nhưng rồi theo quán tính chung, thiên hạ ăn được thì tội gì mình kiêng, thế là xáp vô mua. Món này gồm những thứ như sau: Khoai mỡ, loại làm món canh ăn cơm được bào thành bột rồi áo qua lớp bột năng, trộn đường trước khi chiên. Sau khi chiên, bánh khoai mỡ bằng cỡ ngón tay, mềm, giòn, cho vô bịch giấy để khách vừa đi vừa ăn như ăn khoai tây chiên kiểu McDonalds. Với món này chỉ cần bỏ ra vài ngàn đồng bạn có thứ để nhai nhóp nhép quên cơn xót ruột lúc phóng xe Honda trên phố. Ai sáng chế món này thì đúng là tài tình chớ phải chơi đâu, khoai mỡ nấu canh thành món khoai chiên togo, hội nhập thế giới kiểu này thì đúng là vừa truyền thống vừa hiện đại hết biết.
Món linh tinh thứ hai là món bánh tráng trộn, cũng hiện đại hóa bản sắc dân tộc rất bảnh. Món bánh tráng trộn này nghe đâu xuất xứ từ miệt Tây Ninh.
Miếng bánh tráng được cắt xé thành sợi rồi người bán cho đủ các nguyên liệu như trứng cút luộc, khô bò, tôm khô, xoài xanh bào, đậu phộng, hành phi để trộn cùng bánh tráng.
Nhưng chưa hết, món này cần phải thêm chút nước chanh hoặc tắc, tương ớt, đường, hạt nêm, sa tế, rau răm cắt nhuyễn tạo thành một món ăn vặt thập cẩm hầm bà lằng nhưng khá ngon Có người nói rằng, món ăn này hạp với tuổi học trò vì các em cần nếm trước đủ mùi vị chua-cay-ngọt-đắng-mặn-nồng, như là một cách thực tập cái lưỡi trước khi nếm cả một đô thị quà vặt phong phú và hỗn độn của Sài Gòn.
Trước các cổng trường học trên khắp Sài Gòn ngày nay trường nào cũng có bán món bánh tráng trộn, từ nhu cầu này mà trước cổng chợ Bình Tây có cả một góc chợ đêm chuyên bán sỉ những nguyện liệu để làm món bánh tráng trộn. Nếu có ai cho rằng cái món của con nít này đâu người lớn nào ưa!
Xin thưa món bánh tráng trộn đã được đưa vô nhà hàng, quán nhậu rồi nhé, và nghe đâu một số ông Tây bà đầm cũng khoái nhóp nhép món này. Dù chịu ăn hay không chịu ăn thì món bánh tráng trộn cũng thành phong trào và nhờ đó mấy bà bán bánh tráng trộn cũng kiếm được tiền chợ nuôi gia đình đắp đổi qua ngày.
Nhưng món ăn thời thất nghiệp trên đường phố Sài Gòn cũng có món có xuất xứ sang trọng hẳn hoi như món súp cua, súp óc heo. Không ai còn lạ khi nhìn thấy bên cạnh món cháo huyết là các gánh, các xe bán món súp này. Khách hàng của món súp thường là các bậc phụ huynh đến mua về cho con hoặc chở con đến ép con ăn để đi học thêm cho khỏi đói. Từ chuyện là món súp khai vị nhà hàng trở thành món ăn đỡ đói cho đời học thêm của học sinh quả là một sự thay đổi để thích nghi với vấn nạn giáo dục Việt Nam. Món súp đường phố này thường chỉ lềnh bềnh óc heo, da heo khô, trứng cúc, sợi thịt gà công nghiệp xé nhỏ và hột gà đánh tan đổ thành sợi. Giá mỗi ly súp cầm tay mang về hoặc vừa đi vừa húp chỉ dưới 10 ngàn VND, nhưng dù giá bèo thì người bán cũng đỡ khổ trong thời kinh tế suy thoái, người mua cũng đỡ lòng trong thời giáo dục tệ hại.
Ngày nay, nếu kể về món linh tinh ở Sài Gòn người ta không còn kể đến mấy món “truyền thống” như cóc me ngâm, ô mai, xí muội cam thảo nữa vì sợ nhâm nhi phải các loại hóa chất thực phẩm độc hai xuất phát từ Trung Quốc. Trên đường phố vẫn thấy bày bán chim cút quay, chân gà, mực tươi nướng... nhưng mấy món này chỉ bán được cho dân nhậu nhà nghèo.
Tất nhiên dân ghiền rượu mà túi ít tiền thì bất cần đời, rượu nấu bằng men Trung Quốc ngộ độc chết hoài họ còn không tởn huống gì những món mồi nhậu bậy bạ.
Dạo một vòng qua những hàng ăn linh tinh trên đường phố khói bụi Sài Gòn thường người ta dễ thấy ngộp. Vừa ngộp về sự phong phú của các món ăn vừa ngộp vì sợ chuyện kém vệ sinh thực phẩm.
Nhưng cũng có người thấy bùi ngùi nhất là mấy vị Việt kiều lớn tuổi, bởi không còn tìm đâu những hương vị cũ. Có hôm chúng tôi chở một ông Việt kiều đi thăm lại Sài Gòn, lúc qua ngã tư Nguyễn Tri Phương-3/2, thấy một người đàn ông khiếm thị đang ngồi ôm cả một mâm bánh thửng (một dạng bánh bông lan). Xúc động vì gặp lại món bánh ngon xưa của dân miền Tây và muốn chia sẻ với nỗi cơ cực của người tàn tật kiếm sống trên đường phố, vị Việt kiều ghé vào mua bánh.

Món bánh khoai mỡ chiên giúp nuôi sống nhiều gia đình lao động nghèo. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Chúng tôi e dè hỏi rằng: Bánh này khó nuốt ông ăn được không? Ông không trả lời nhưng hỏi lại chúng tôi. “Ở nhà anh mấy đứa nhỏ có ăn không tôi mua thêm?” Chúng tôi cũng không trả lời ông vì biết rằng nhiều người trẻ hôm nay không còn muốn nuốt những món bánh quen thuộc của người lớn tuổi nữa.
Nếu ngày nay bạn thấy đường phố Sài Gòn đây đó vẫn còn bày bán bánh tay yến, bánh bò đổ bằng cái chung nhỏ, bánh bao chỉ, bánh da lợn, bánh cam... thì những món ngon hương xưa đó chỉ còn kích thích khẩu vị và cảm xúc của người xưa mà thôi

Trung tâm Làng Tre, nơi nương náu của các em cô nhi, khuyết tật


Nguyễn Ðạt/Người Việt

Chuyến xe chở chúng tôi từ Sài Gòn, đi trên quốc lộ 1A, rẽ qua huyện Cẩm Mỹ thuộc tỉnh Ðồng Nai; đi vào một con đường nhỏ giữa cánh rừng cao su ngút ngàn.


Phòng cô nhi-trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng tại trung tâm. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Vào sâu khoảng mười cây số nữa là cuối cánh rừng cao su. Trung tâm nhân đạo Làng Tre hiện ra, biệt lập, giữa vùng đồi thấp hoang vu có nhiều bụi tre mọc um tùm.
Trung tâm nhân đạo được đặt tên là Làng Tre, nơi nuôi dưỡng cô nhi, trẻ khuyết tật, người già neo đơn, người cơ nhỡ bất hạnh.
Bên trong khuôn viên Làng Tre khá rộng: Chánh điện thờ Phật - dãy nhà văn phòng - phòng y tế - nhà bếp, kho chứa thực phẩm... Dãy nhà lớn rộng nhất ở chính giữa khuôn viên, chia thành 3 phòng, dành cho cô nhi - trẻ khuyết tật - người già neo đơn, bao gồm cả những người cơ nhỡ, bất hạnh...
Chúng tôi đã được gặp và trò chuyện với đại đức Thích Chiếu Bổn, người sáng lập trung tâm nhân đạo Làng Tre. Vị tu sĩ ở tuổi trung niên, hiền hòa chân thật, đang ngồi trước bàn máy vi tính, lên kế hoạch cho việc xây dựng phát triển cơ sở của trung tâm. Chúng tôi đã đi thăm từng giường nằm của cô nhi, trẻ khuyết tật, người già neo đơn...
Chúng tôi cảm nhận buổi sáng giữa chốn hoang vu, những gì là nỗi xúc động tới nao lòng, tại một địa điểm có lẽ không nhiều người biết tới, mang tên Làng Tre ở huyện Cẩm Mỹ - tỉnh Ðồng Nai.


Trung tâm nhân đạo Làng Tre ở huyện Cẩm Mỹ,
tỉnh Ðồng Nai. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Trung tâm nhân đạo Làng Tre hiện diện ở vùng đồi hoang vu này đã hơn bốn năm rưỡi; từ đó tới nay, trung tâm đã bảo bọc nuôi dưỡng được gần 200 con người bất hạnh, đa số là cô nhi-trẻ em khuyết tật bị bỏ rơi.
Nói tới sự hình thành và phát triển của trung tâm nhân đạo Làng Tre, là nói tới vị tu sĩ Phật Giáo đã tận tâm tận lực cưu mang những con người sinh-ra-đời-dưới-một-ngôi-sao-xấu.
Ðại đức Chiếu Bổn, từ tuổi nhỏ, đã cảm nhận sâu xa số phận của những con người xấu số. Mới 9 tháng tuổi, thầy đã côi cút, sống được là nhờ người mẹ nuôi. Hoàn cảnh cuộc sống có nhiều khó khăn vất vả, thầy chỉ được đi học tới lớp 9 tại trường làng thuộc tỉnh Quảng Trị nghèo khổ. Phải sớm nghỉ học, tuổi thơ của thầy là những năm tháng làm công quả ở chùa để có cơm ăn. Xuất gia vào năm 19 tuổi tại tu viện Phước Hoa, huyện Long Thành, thầy tu tập theo thượng tọa Thanh Từ, phái thiền tông.
Thời gian trong cửa Phật, Ðại đức Chiếu Bổn dốc lòng vào việc từ thiện, không quản ngại bất cứ khó khăn nào, thầy tích cực tham gia các công tác xã hội. Trong những chuyến công tác từ thiện khắp trong Nam ngoài Bắc, thầy chứng kiến bao cảnh thương tâm, bao con người bất hạnh, đặc biệt là những trẻ em dị dạng khuyết tật, bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin... Từ đó Ðại đức Chiếu Bổn nhất quyết với ý nguyện sẽ xây dựng một trung tâm nhân đạo, cưu mang những phận người không may mắn. Và thầy phát tâm, phải làm bằng được dù khó khăn đến mấy, để thực hiện ý nguyện. Thầy bắt đầu bằng việc mở vựa buôn bán trái cây, cùng các việc làm lương thiện khác, tích cóp từng đồng tiền gây vốn.
Ðầu năm 2008, nhân có Phật tử ở vùng đồi Cẩm Mỹ hiến tặng thầy 2 héc-ta đất, thầy mua thêm hơn 2 héc-ta nữa đất đồi ở liền kề, bắt đầu thực hiện xây dựng Làng Tre. “Ðất đai ở chỗ này là loại đất xấu, không canh tác trồng trọt được gì, nên bà con đã bán cho tôi với giá rẻ...” Ðại đức Chiếu Bổn cho chúng tôi biết như vậy. Ðể xây dựng nên cơ sở cho một trung tâm nhân đạo, sẽ trải qua biết bao nhiêu khó khăn, nhưng thầy đã quyết tâm thực hiện. Thầy đã mượn vốn, mua thiếu xe ủi đất, xe xúc đất san lấp mặt bằng...; thầy dựng lán trại, trước đơn sơ, về sau kiên cố dần, tùy theo điều kiện. Tận dụng để có tiền xây dựng bền chắc cơ sở trung tâm, những lúc xe ủi đất xe xúc đất để không, thầy cho các công ty xây dựng ở địa phương thuê lại.


Ðại đức Thích Chiếu Bổn, người sáng lập trung tâm. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Góp phần tạo dựng bền vững cuộc sống ở trung tâm, người già khiếm thị được hướng dẫn kết nút áo, hột cườm thành những chiếc đèn, bình hoa, kết hình 12 con giáp...; người mắt còn tỏ thì xâu chuỗi, đan chổi; cô nhi khỏe mạnh được đi học nghề, như sửa xe gắn máy... Ðại đức Chiếu Bổn còn mở cơ sở đan lát các sản phẩm bằng tre hầu có tiền cho những chi phí của trung tâm, từ việc xây dựng cơ sở tới cái ăn cái mặc cho hàng trăm cô nhi-trẻ em khuyết tật-người già neo đơn...
Và sách vở học tập cho 30 trẻ em, hiện đang theo học lớp 1 và lớp 2 bậc tiểu học. Thầy Chiếu Bổn đã gắng gỏi vận động nhiều nguồn trợ giúp trong nước, cũng như các đoàn thiện nguyện ở hải ngoại, để có xe đưa đón trẻ em ở trung tâm đi học tại trường của huyện Cẩm Mỹ; sửa sang phòng ốc, lắp đặt chu đáo chỗ ăn chỗ ngủ tại trung tâm.
Vào thăm nơi ăn chốn ở của cô nhi-trẻ em khuyết tật-người già neo đơn, chúng tôi thấy các gian phòng rất ngăn nắp sạch sẽ. Những chiếc giường rộng rãi bền chắc, chúng tôi được biết, do các đoàn thiện nguyện ở nước ngoài tới thăm trung tâm, đã hỗ trợ lắp đặt. Các bé sơ sinh, trẻ em khuyết tật ở trung tâm nhân đạo Làng Tre được chăm sóc không khác nào đang có mẹ có chị ở gần bên; đấy là các phụ nữ cơ nhỡ đang sống nương nhờ tại trung tâm, và những Phật tử gần xa tới làm công quả tại đây.
Rời trung tâm nhân đạo Làng Tre, âm vọng lời nói của Ðại đức Chiếu Bổn mãi vương vấn trong trí tưởng chúng tôi; cùng hình ảnh những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, những trẻ khuyết tật giơ mãi cánh tay cẳng chân cong quẹo trong khoảng trống không: “Trung tâm Làng Tre được như hôm nay là nhờ sự chung tay góp sức, sự chia sẻ cảm thông của các nhà doanh nghiệp, các tổ chức thiện nguyện, các cá nhân trong và ngoài nước. Tôi xin cảm ơn tất cả, rất nhiều, rất nhiều. Mong sao sự góp sức chia sẻ của các nơi được tiếp tục; bởi những phận người kém may mắn như ở trung tâm Làng Tre, chưa bao giờ thấy vơi bớt trên thế gian này...”
___________
* Ðịa chỉ trung tâm nhân đạo Làng Tre: Khu vực Cầu Khỉ Khô, Ấp 1, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Ðồng Nai. Ðiện thoại: 0612-695978/0612-695979. Email: langtreyeuthuong@gmail.com.

Rầm rộ học bổng, học sinh nghèo vẫn khổ


Phi Khanh/Người Việt

QUẢNG NAM - Gần đây, học bổng dành cho các em học sinh gồm đủ các kiểu mọc ra nhan nhản khắp nơi. Học bổng của một ông (bà) nào đó có tiền, có lòng muốn giúp người, học bổng của công ty, doanh nghiệp, học bổng của hoa hậu vừa đăng quang, học bổng của một người đã chết...

Với người lớn, học bổng bao giờ cũng có vẻ nghiêm túc và có chút gì đó trịnh trọng. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)

Những học bổng của người sống thì các đài, báo nói đã nhiều, lòng thành cũng có mà làm lấy tên cũng không ít. Nhưng chuyện học bổng của người đã chết thì nghe lạ.
Nói thì lạ nhưng thật ra không lạ gì, ví dụ như học bổng của liệt sĩ Trần Văn A, liệt sĩ Dương Thị B, Ðặng Thùy C.,... tất cả những học bổng này mang tên người đã chết, cụ thể là liệt sĩ của chế độ đương quyền.
Cái lạ muốn bàn ở đây là động cơ và lý do tồn tại của những học bổng kiểu này.
Thường khi muốn bàn về động cơ, cũng nên bàn về hành trạng của nó đôi chút. Chẳng hạn như cả cái làng tôi đang sống chẳng biết ông Nguyễn Việt H. là ông nào, đùng đùng cả xóm kháo nhau chuẩn bị có học bổng Nguyễn Việt H. về, những gia đình có giấy mời sẽ đi nhận học bổng cho con.
Chịu khó quan sát, thì chủ yếu là con cháu cán bộ cấp xã, huyện, tỉnh được giới thiệu nhận học bổng.
Kèm theo với học bổng là một bản tiểu sử về ông Nguyễn Việt H. từng “tham gia cách mạng, từng đánh Mỹ cứu nước, từng sống, chiến đấu và hy sinh như một anh hùng...” Và cứ thế, nguyên một bản nêu công trạng của ông Nguyễn Việt H. cùng một ít tiền cho các em học sinh.
Nói về chuyện này, ông K., người có con từng nhận nhiều lần học bổng và cũng là cộng sự viên của gia đình ông liệt sĩ trên, nói: “Thật ra, cái này gọi là rửa tiền trên xác chết người khác!”
“Những tay con cháu, dây mơ rễ má với ông liệt sĩ này đã làm ăn, toa rập với đám quan chức mà rút của công, rồi đi mua đất cho bản thân cũng dựa hơi liệt sĩ. Dựa vào công trạng mà mua với giá rẻ. Tỉ như ông ta mua một miếng đất trong thành phố, bán đi hoặc cho thuê, mỗi năm dư ra một khối tiền, trích ra một ít tạo học bổng.”
“Học bổng của mấy ông này chẳng đủ thiếu tới đâu nhưng tính chiến đấu và tính đảng rất cao, đúng hơn là tuyên truyền qua học bổng...”
Ông Lê H., một phụ huynh của học sinh nghèo, than thở: “Chuyện học bổng bây giờ chẳng có chi để mà hy vọng. Người ta làm lấy tiếng là chủ yếu chứ có ra chi đâu. Ba đứa con tôi học thuộc diện thông minh, học khá, nhưng chẳng bao giờ học giỏi được vì nó không đi học thêm, bây giờ hễ đi học thêm thì được điểm cao...”
“Khắp nơi cứ thi nhau đạt chuẩn giỏi, học bây giờ không xếp vị thứ mà xếp hạng, xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, yếu. Nói chung thì không có hàng trung bình với yếu, chỉ có khá trở lên vì chỉ tiêu của trường. Nhưng con nhà giàu thì được giỏi vì đủ điều kiện học thêm. Chính vì vậy mà phần lớn con nhà giàu và con cháu cán bộ hoặc có quen biết thì nhận học bổng.”
“Có lần tôi đặt vấn đề với ông trưởng thôn về chuyện học bổng, ông ấy nói cứ dựa vào xếp hạng của trường mà trao, còn nghèo à, chính ông ta cũng nghèo, cả đất nước nghèo, chỉ có nghèo lanh với nghèo chậm, nghĩa là anh nghèo mà lanh thì có phần, còn chậm thì mất phần... Nghe nói vậy, tôi thả tay!”
Một học sinh trung học, con nhà cán bộ, khá giả trong làng, vừa nhận học bổng Nguyễn Việt H., kể: “Em đâu có biết chi về vụ này, thì học bổng phát trên xã, ba em nhận mang về cho em, nghe đâu được một triệu đồng, ổng cho em mấy trăm đi chơi, còn ổng cất, em không biết gì thêm.”
Cũng gần nhà em học sinh này, Thuần, một cậu bé học trò nghèo thì lại khác, nghe chúng tôi hỏi về học bổng, cậu lắc đầu buồn bã: “Cháu đâu có được học bổng đâu, cháu học sinh loại khá, không sinh hoạt đội hay đoàn gì, vả lại cháu cũng không đi học thêm. Ði học về thì cắt cỏ, chăn bò cho ông nội, cuối học kỳ ông nội cho tiền ba mẹ nộp học, cháu không có tiền, nên không có học bổng.”
“Ước chi cháu có học bổng, có đọc cả chục cái tiểu sử đó để kiếm tiền cũng ngon, nghĩ tới ba mẹ khổ sở, thấy buồn mà học mấy cũng không trôi cái môn lịch sử với giáo dục công dân, cháu thấy buồn....”

Học bổng hay quà Tết, với trẻ con, đó là một niềm hạnh phúc tràn trề, viên mãn. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)

Một người làm cán bộ sở giáo dục gần hai mươi năm nay, nói: “Chuyện học bổng bây giờ tế nhị lắm, tiêu cực đủ thứ, từ người cho đến người nhận đều có những ý đồ không tốt, làm vậy thật là tội cho những người thật sự có tâm huyết, nhưng biết làm sao đây khi mà cái cơ chế xin - cho nó đeo bám từ trên xuống dưới.”
“Người thật sự nghèo thì lại khó khăn nhiều thứ, trong đó có cả lòng tự trọng ngăn cản họ không mở miệng xin, còn kẻ có tiền thì trây lì, cứ miễn sao mang về cho mình là làm tất!”
“Nghĩ cái xứ này cũng buồn cười, chỉ có người nghèo mới giữ lòng tự trọng!”
Một khi những việc từ thiện, việc san sẻ, yêu thương lại bị lồng ghép với chính trị để kể công hoặc gợi nhắc hận thù thì mối nguy lớn nhất vẫn thuộc về những trẻ em tội nghiệp.

Cử nhân thất nghiệp


Duy Thức/Người Việt

Hàng rong lũ lượt suốt ngày trên khắp đường phố. Qua giọng nói có thể nhận thấy họ đến từ khắp nơi: Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Ngãi, An Giang... Hầu hết là những người dân lao động lam lũ.


Một người ép nhựa dẻo trên đường phố. (Hình minh họa, báo Tuổi Trẻ)
Gần đây thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện vài ba thanh niên sáng sủa làm nghề rong đi dạo các ngõ hẻm phố phường.
Lúc này trời vừa rải xuống mấy hạt mưa, bà con bên chợ Bà Chiểu chen nhau chạy vào núp mưa ở bên hông chợ khá đông. Trong khi đó chiếc xe gắn máy cũ của anh chàng ép nhựa dẻo đang được đẩy vào một hẻm lớn của dãy nhà ngang hông chợ, nơi có quán cà phê lâu đời bên bờ tường đen đúa rong rêu bán nước ngọt và cà phê thuốc lá cho người qua lại rất đắt hàng.
Tiếng máy phát âm nhỏ ở chiếc thùng to vuông, màu ngà còn mới vẫn rao lên đều đặn:
- Ép nhựa dẻo đây, ép nhựa giấy tờ công chứng, ép nhựa cho chứng minh nhân dân, ép các loại hình ảnh thờ cúng, ép nhựa dẻo cho bảo hiểm y tế đây. Máy móc tối tân giá rẻ đây...
Dân mình có tính hiếu kỳ, nghe có tiếng rao lạ, không phải keo dính chuột, bánh mì nóng giòn... quen thuộc nên mấy người ngóng ra nhìn.
Anh chàng trông thanh tú, quần áo gọn gàng không có vẻ dãi dầu luộm thuộm, cầm hai tấm hình khổ A4, coi một lúc rồi nói:
- Ba mươi ngàn.
Trong phố, lác đác mấy người cũng đem cạc, giấy chứng minh và các loại hình ra nhờ ép.
Tôi bắt chuyện trong lúc đợi:
- Trông dáng anh như giáo viên hay sinh viên, không thấy bụi chút nào của dân hàng rong chuyên nghiệp cả.
Anh chàng có vẻ ngượng nghịu:
- Tôi học luật.
Tôi không ngạc nhiên lắm:
- Nhiều sinh viên tốt nghiệp rồi mà vẫn khó tìm việc làm.
Anh ta kể:
- Thoạt tiên tôi dạy thêm, chạy bàn cho cửa hàng gà rán, bảo vệ quán trà... công việc không bền, cứ lông bông mãi. Trước kia sinh viên thường bán hàng đa cấp nhưng nay loại bán hàng đó không còn ăn khách nữa.
Rất nhiều công ty làm ăn thua lỗ, phá sản hoặc hoạt động cầm chừng. Công nhân chính cống có tay nghề còn bị sa thải nữa là người không có nghề chuyên môn. Công nhân thời vụ tức là chỉ làm việc vào những lúc cao điểm lại càng chơi vơi hơn nữa.
Ðặc biệt số sinh viên vừa ra trường đa số rất khó tìm được việc làm chứ đừng nói tới công việc đúng chuyên môn đã học.
Anh ta kéo tấm hình từ cái máy ép ra, vừa nói:
- Em gái tôi cũng thế. Nó tốt nghiệp cử nhân môn Sinh. Khi ra trường, giáo viên có hứa công việc nhưng gia đình tôi không có tiền chạy, giáo viên giới thiệu người khác. Nó chạy tìm việc khắp nơi, gần hai năm mới nhờ được bà hàng xóm có con làm trợ tá giám đốc cho hãng Nhật xuất nhập khẩu thủy sản giới thiệu, cũng phải có quà cáp. Mới làm một năm, kinh tế càng lúc càng suy thoái đến lúc hãng Nhật giảm nhân công. Lại thất nghiệp, chạy sang công ty thuốc Ðông Y. Vài bữa công ty này bị phá sản. Nay nó đứng bán hàng cho một shop quần áo.
Suốt thời gian dài vừa qua do tâm lý trọng bằng cấp của dân chúng nên rất nhiều trường đại học được thành lập, cả trường công lẫn trường tư. Tỉnh nào cũng cố mở trường đại học của riêng mình, những thành phố lớn thì có đến vài trường.
Không những thành lập nhiều trường mà còn nhiều cách đào tạo sao cho thu hút tối đa sinh viên: Ngoài học chính quy còn chương trình đại học chuyên tu tại chức tức là vừa đi học mà vẫn làm việc. Loại này nhằm vào giới công chức đi học trong giờ hành chánh, học phí lấy từ công quỹ, hay là đi học vào buổi tối, giờ tan sở chịu khó lê lết một tuần ba buổi rồi “cưỡi ngựa xem hoa” cũng xong chương trình đại học.
Học từ xa tức là bài vở gửi tới. Mỗi năm chỉ tập trung học viên một thời gian ngắn để ôn luyện, thi cử mà thôi nên lợi thời gian vì ai nấy có thể học tà tà ở nhà. Vì đóng học phí đầy đủ nên các học viên này khó thi rớt. Nếu rớt thì đâu có ai học nữa!
Mọi người đều chuộng đại học. Ai cũng muốn làm thầy không ai chịu là thợ nên hàng năm số lượng sinh viên tốt nghiệp lên đến hàng ngàn. Và lại đổ xô nhau xin xỏ, chạy chọt đi tìm việc.
Thật ra nếu không nề hà thì cũng có công việc nhưng hầu hết sinh viên tốt nghiệp xong chỉ muốn ở lại làm việc ở thành phố nơi lương cao, nhiều cơ hội thăng tiến và cuộc sống tiện nghi.
Một số chịu đi xa, chấp nhận về quê nhưng ở những nơi đó họ luôn vấp phải lệ làng mà đến phép vua còn phải thua.
Cho nên muốn xin việc dễ thì như em của anh ép nhựa, phải có tiền xì ra. Tùy theo công việc tốt hay kém mà tiền chạy ít hay nhiều. Chạy một chân giáo viên tiểu học mười mấy triệu. Nếu trường nội thành, trường nổi tiếng đương nhiên giá cao hơn. Vào ngân hàng cả trăm triệu.
Những năm trước, kinh tế là ngành được ưa chuộng nên các trường đua nhau mở tài chính - kế toán, quản trị kinh doanh, ngân hàng... gạt không hết sinh viên ào ào ghi danh. Bây giờ ngoài thị trường kêu lên nhiều quá rồi, không cần nữa nhưng các trường không thể dẹp khoa này và sinh viên theo đà, vẫn cuốn vào những ngành đã bão hòa. Hỏi sao không thất nghiệp!
Bởi cung nhiều hơn cầu nên các công ty tuyển dụng luôn đưa ra điều kiện khắt khe. Ngoài chuyên môn còn cần giỏi về ngoại ngữ, vi tính, còn đòi hỏi hai năm kinh nghiệm. Sinh viên mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm.
Chẳng ai muốn nhận sinh viên mới ra trường vì với lối học từ chương thì các công ty phải mất nhiều thời gian đào tạo lại. Cho nên ra trường cứ kiếm được bất cứ việc gì là mừng lắm.
Ở Hà Nội, cử nhân Ðại Học Hàng Hải đi hát rong bán kẹo. Với thùng loa và micro, họ lập thành nhóm đi tới các khu vực ăn uống để hát và bán kẹo cao su, giống như cách bán kẹo kéo ở miền Nam.
Cũng ở Hà Nội, một cử nhân báo chí bán trà chanh ngoài vỉa hè kiếm được năm, bảy trăm ngàn một ngày. Dù sao công việc với mức lời đó cũng là trường hợp đặc biệt. Vả yên phận như vậy thì tốn công học hành thi cử suốt mấy năm đại học làm gì.
Anh ép nhựa kể có vẻ ganh tị:
- Bạn tôi học công nghệ ra làm thống kê, đứa học nông nghiệp ra làm ngân hàng, học ngân hàng xin làm thư ký... Miễn kiếm được việc là may mắn lắm. Thế cũng còn hơn những bạn khác vẫn phải đi phụ hồ, giao hàng...
Một bà khách lên tiếng nhận xét:
- Nghề ép dẻo rong này lạ, mới thấy đây, thật tiện lợi cho khách hàng khỏi đi xa. Anh sắm bộ đồ nghề này có mắc không?
Anh chàng kéo nốt cái hình đã ép xong, thò tay vào túi vải bên hông xe lấy cây kéo mới tinh ra cắt nhựa dư cho đều đặn bốn góc, vừa trả lời không ngẩng đầu lên:
- Tất cả bộ đồ ép nhựa dẻo này mua tám triệu. Một ông làm nghề ép nhựa gần nhà trọ chỉ cho tôi nghề này. Nếu làm gần nhà thì tranh khách của ông nên tôi đi dạo, len lỏi vào các đường phố, hẻm nhỏ, cũng tạm đủ trả tiền thuê nhà và cơm nước. Ép nhựa không có nhu cầu cao nên tuy lạ nhưng không có nhiều người ra nghề giành khách.
Anh ta vừa ép tấm thẻ, vừa phân bua:
- Hồi bất động sản lên, người ta làm thì ăn, còn tôi thì trắng tay. Bốn thằng sinh viên mới ra trường phụ cho văn phòng luật sư. Một bà đến rao bán đất với đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Ðến khi trao tiền rồi thì bà ta trốn mất. Hóa ra giấy tờ giả và đất không phải của bà ta làm chủ. Mất mấy trăm triệu khiến bốn thằng è cổ ra nợ.
Anh ta kể tiếp:
- Tôi lại là người rủ anh em hùn vốn, mỗi người đều bỏ vào một hai trăm triệu mất cả. Họ cho là tôi tổ chức lừa anh em nên bây giờ khó xử quá. Vừa chạy ép nhựa dẻo vừa đi trốn nợ đó.
Mỗi tờ chứng minh nhân dân giá mười ngàn đồng. Từ sáng tới giờ chỉ mới ép được có ba chục ngàn. Tôi có ép tới cả đời cũng không tom góp đủ tiền trả nợ!
Vừa chạy rong suốt ngày, cùng lúc anh nộp đơn xin việc tứ tung khắp nơi nhưng chưa thấy đâu kêu.
Bán rong cũng như mọi công việc thời vụ khác thường dành cho sinh viên kiếm thêm. Nhưng nay, các cử nhân đã ra trường vẫn kéo dài những công việc bấp bênh đó không biết đến bao giờ.

Kẻ phố thị, người miền quê


Văn Lang/Người Việt

1. Mê phố
Chú T., trước 1975 là quân nhân thuộc lực lượng Biệt Ðộng Quân. Tháng 3 năm 1975 chú bị bắt tại mặt trận Huế. Trải qua 2 năm, 8 tháng tại trại tù “cải tạo” trên đất Bắc chú được cho “hồi cố hương”.

Kiếm sống trên vỉa hè Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Trở về quê, một tỉnh miền Trung nghèo, không sống được, chú T. quyết định vô Nam.
Ðến tá túc tại nhà một người anh bà con tại Mỹ Tho, chú T. bươn chải kiếm sống, thời điểm đó chẳng những kinh tế rất khó khăn mà việc đi lại “tạm trú, tạm vắng” từ tỉnh này qua tỉnh khác nhất là với những người như chú thì càng đặc biệt khó khăn.
Mấy năm ở Mỹ Tho, đời sống cũng không khá lên được, chú T. quyết định lên Sài Gòn. Lúc này chú đã có vợ và một đứa con còn nhỏ.
Thuê nhà, hai vợ chồng bươn chải, chú đặt một bàn vé số tại vỉa hè, kiêm luôn nghề chạy xe Honda ôm, vợ chú thì đẩy xe trái cây đi bán dạo.
Khổ nỗi, chiếc xe chú T. chạy lại là chiếc xe quá cũ, chiếc Suzuki, nên có những bữa trời mưa xe chết máy chú phải đẩy bộ từ Chợ Lớn về tận... Gò Vấp.
Nhưng rồi trời cũng không phụ lòng người siêng, chú T. trúng số, số tiền tuy không lớn nhưng cũng đủ để chú mua một chiếc xe Honda tốt hơn. Từ đó việc chạy xe Honda ôm của chú tốt hơn nên chú bỏ hẳn nghề bán vé số.
Với bản tính tận tụy, vui vẻ, giá cả phải chăng chú T. có nhiều mối “lai rai”, ngoài việc chở mấy bà đi chợ, đi chùa... chú còn đưa đón mấy em nhỏ đi học. Chú T. vui, vì thời còn trẻ giấc mơ lớn nhất của đời chú là được trở thành thầy giáo, nhưng vì chiến tranh chú phải đi quân đội để rồi giấc mơ cứ xa dần theo năm tháng.
Gặp chú T., chúng tôi có kể về những người bạn ở vùng quê với không khí trong lành, đìa tôm, ao cá... cuộc sống phồn thực, “hấp dẫn”. Chú T. cười khà khà, nói: “Ðời tôi, rừng, núi, sình lầy... đã nhiều lắm rồi, nên bây giờ rất ngán các miền quê”.
Chú T. cho biết, chú thích đời sống ở Sài Gòn, quăng cái xe ở góc phố, ngày nào cũng kiếm được ít tiền “tươi”, đủ để xoay xở cho gia đình trong ngày. Sáng tà tà ổ bánh mì, ly cà-phê, chiều vô “mánh” thì cùng với các anh em làm vài cái hột vịt lộn, chai bia, bàn chuyện... vé số. Ðời tào lao theo chú vậy mà vui. Còn ở dưới quê, trồng cây gì, nuôi con gì, thì ít nhất cũng phải mất vài tháng chăm sóc mới có thu hoạch mà lúc đó cũng chưa biết là “trúng” hay là “thất”.

Xe ôm đợi khách. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Con chú T. cũng đã lớn, sắp thi đại học, chú định cho con thi vô trường đại học Tân Tạo. Thi vô đây, nếu đậu thì được cấp học bổng, ra trường thì được vô khu công nghiệp Tân Tạo làm việc luôn. Theo chú T., những gia đình nghèo nhập cư vô Sài Gòn, con cái được học đại học, ra trường có việc làm tại Sài Gòn thì niềm vui có lẽ không gì hơn nữa.
Hỏi chú T. về tương lai, chú cười khà khà, nói: “Ngày mai đã có Chúa lo rồi!”

2. Yêu quê
Khác với chú T., anh D. hiện đang sống tại một tỉnh duyên hải miền Trung.
Năm 1975, anh D. còn nhỏ, chỉ mới 15 tuổi. Cha anh trước kia là quân nhân thuộc lực lượng đặc biệt, biệt cách, nhảy toán và đã bị mất tích trong một phi vụ vào năm 1973.
Sau 1975, với bản tánh tuổi trẻ “ham vui” cộng với lý lịch là con em của “chế độ cũ”, nên trong một chiến dịch “thu gom” thì anh D. cũng bị chánh quyền địa phương đưa vào danh sách bắt đưa đi “cải tạo”.
Khi công an vô nhà, anh D. đã phóng qua cửa sổ, băng đồng chạy vô núi với ý định là “Thà chết chứ nhất định không để bị bắt!”
Du kích, công an mấy chục người rượt theo, chạy vô gần tới núi, mệt quá anh D. chui đại vô một bụi lùm núp, viên chỉ huy thấy bụi cây “nhúc nhích” liền xông tới và trong cơn nóng giận y đã kê súng ngắn vô đầu anh D... siết cò. May là đạn không nổ.
Sau lần đó, anh D. bỏ nhà vô Sài Gòn sống lang thang, bụi đời, bán thuốc lá dạo ở ga xe lửa Sài Gòn.
Cuộc đời giang hồ dạy cho anh D. nhiều thứ, trong đó có “ngón” đờn, ca mà sau này khi anh “hồi hương” được mọi người đặt cho biện danh là D. đờn.
Những năm tháng cơ cực đó, anh D. nhớ nhất hai việc. Thứ nhất là lần đổi tiền, vì anh không có chứng minh nhân dân (thẻ căn cước) do vậy biết mình không thể đổi được tiền, có bao nhiêu anh đem mua thuốc lá hết để làm vốn, còn bao nhiêu anh đem mua bánh và ráng sức mà ăn, phần vì tiếc tiền, phần vì đời giang hồ dạy cho anh biết, no được ngày nào hay ngày đó, đâu có biết ra sao ngày sau.
Việc thứ hai mà bây giờ anh D. vẫn còn cảm thấy “hối tiếc” đó là khi anh mới vô nghề bán thuốc lá dạo, có một ông già dù không biết anh là ai, ở đâu nhưng vì thấy tội nghiệp anh nên đã bán thiếu cho anh một ba-lô thuốc rê.
Thời đó khổ, dân Sài Gòn nhiều người cũng phải hút thuốc rê, không may cho anh, chuyến hàng đó anh bị bắt và bị tịch thu mất ba-lô thuốc rê vì công an cho thuốc rê là hàng... “lậu”.
Thời gian sau, lúc bán thuốc lá có tiền, anh đi tìm lại ông già ngày trước với ý định trả lại tiền bán ba-lô thuốc rê cho ông già, nhưng ông đã đi đâu biệt tích, không ai rõ ông về đâu, còn sống hay đã chết.
Sau mấy năm lăn lóc ở Sài Gòn, anh D. trở về quê vì nhớ thương người mẹ già. Lần này, vì tiếng đờn, ca ngọt ngào mà anh D. chiếm được trái tim của người thiếu nữ gần nhà.
Lập gia đình xong, ít lâu anh lại đưa người vợ trẻ lên Ðắk-Lắk lập nghiệp. Hơn 15 năm sống trên vùng rừng núi, anh D. học được nghề mộc và đã ra mở trại mộc...

Một căn nhà miền quê. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Kinh tế, xã hội thay đổi, anh D. trở về quê nhà lần thứ hai, và trên mảnh đất của cha mẹ để lại anh mở đìa nuôi tôm, mở trại mộc, nuôi đàn gà... Kinh tế khá lên, những lúc rảnh anh đi chơi, vui nhậu, đàn ca hát xướng với anh em bạn bè.
Ngoài năm mươi tuổi, khỏe mạnh, nụ cười tươi, hồn hậu luôn nở trên môi, đã có cháu nội, con cái yên bề, lại mới mở thêm quán cơm “lữ hành” ven đường quốc lộ cho vợ, anh D. đã có thể “vui thú điền viên”... Ký ức về Sài Gòn trong anh có lẽ chỉ còn như một vệt nắng hắt lên thời tuổi trẻ tang bồng, gian nan, lận đận.

Thiếu quan tâm tới sinh mạng dân


Bình luận


Ngô Nhân Dụng

Người Việt mới thuật lại lời ông Nguyễn Xuân Hướng, chủ tịch Hội Ðông Y Việt Nam, nói với báo Kiến Thức, ông có bằng chứng hơn 90% các phòng khám bệnh của người Trung Quốc ở Việt Nam là lừa đảo.
Một bằng chứng là trong một lần kiểm tra trước đây mươi năm, có 23 người Trung Quốc làm Ðông y thì 17 người không qua học hành gì cả, 5 người là y sĩ, bác sĩ cấp xã, vân vân. Một lần sau, hơn năm năm nay, thì phải bác bỏ cả 7 hồ sơ. Ông Hướng đến thử ở một phòng mạch, người đứng tên khai sinh năm 1937, gần 5 tuổi, nhưng người đứng ra khám bệnh là một thanh niên ngoài 20! Ông Nguyễn Xuân Hướng tố cáo việc để cho các y sĩ Trung Quốc sang Việt Nam hành nghề tràn lan là “thiếu quan tâm tới sinh mạng của dân”.
Tại sao chính quyền cộng sản ở nước ta lại nhắm mắt trước tai họa này? Ông Hướng cho là một nửa tiền của người dân đến khám bệnh “chui vào túi người kinh doanh các phòng khám này,” và nửa còn lại chui vào túi của một số người “thuộc cơ quan chức năng quản lý các phòng khám ấy...”
Nếu trong vụ này các cơ quan chức năng lại được “chấm mút” với các nhà kinh doanh Trung Quốc đến một nửa số tiền thu nhập thì còn quý hóa hơn là chẳng ai được đồng nào, khi hàng chục ngàn công nhân Trung Quốc vào làm việc ở Việt Nam mà không cần phép tắc nào cả! Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Trần Ngọc Hùng, chủ tịch Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam, đưa ra con số đó hàng chục ngàn đó, chắc con số thật còn lớn hơn nhiều! Nếu có thêm mấy chục thầy lang Trung Quốc thấm vào đâu? (Dùng hai chữ Lang Vườn để nói về mấy người Trung Quốc không học mà đi chữa bệnh; xin quý vị thầy Ðông y tha lỗi mạo phạm.)
Ðây không phải là lần đầu tiên báo chí nước ta loan tin về người Trung Quốc sang làm ăn lậu. Mới Tháng Tám năm ngoái, báo Giáo Dục Việt Nam loan tin công trường Thủy điện Sông Bung 4 ở huyện Nam Giang, Quảng Nam được trao cho một nhà thầu Trung Quốc Sinohydro. “Theo điều tra riêng của phóng viên, tại công trình Thủy điện Sông Bung 4 có 296 lao động Trung Quốc, trong đó có 186 công nhân, 23 lái xe và 5 nấu ăn, số còn lại làm quản lý... Ðáng chú ý, 100% số lao động này đều không đăng ký với Sở Lao Ðộng, Thương Binh, Xã Hội.” Có 296 người Trung Quốc đang làm việc “chui,” phần lớn là “lao động phổ thông,” tức ai làm cũng được, không cần nghề chuyên môn nào hết, cướp công việc làm của người lao động Việt Nam! Thế mà chả biết có “cơ quan chức năng” nào được chia chác gì không!
Nhà báo bước vào thăm công trường thấy các tấm biển toàn bằng chữ Hoa. Anh hỏi chuyện mấy tài xế người Việt Nam làm việc ở đó. Mỗi tháng tài xế lãnh 6, 7 triệu đồng Việt Nam. Còn các công nhân Trung Quốc lãnh từ 10 triệu đến 15 triệu, mà công việc của họ nhẹ nhàng hơn: Uốn sắt, làm kè, xây tường hay sửa xe.
Ngay cả việc nấu ăn cho công nhân Trung Quốc họ cũng phải “nhập cảng di dân lậu”. Nhà báo kể: Chị Mai Thị Bảy quê ở huyện Quế Sơn, Quảng Nam, nói: “Nấu ăn cho công nhân người Việt mỗi tháng được trả 1.5 triệu đồng, còn nấu cho người Trung Quốc cao hơn nhiều, nhưng chỉ có người Trung Quốc nấu thôi. Anh em ở đây ăn uống kham khổ lắm.” Sở dĩ chúng tôi muốn giới thiệu chị Mai Thị Bảy bởi vì chị có liên quan đến bản tin về các lang vườn Trung Quốc ở nước ta! Nhà báo kể câu chuyện có thật: Chị Bảy bất đắc dĩ trở thành thầy thuốc! Bởi vì các công nhân “ốm đau như cơm bữa nhưng không hề có thuốc men!” Chị nói: “Thấy anh em đau ốm là cho uống kháng sinh, đau bụng thì cho uống Becberin. Nặng quá thì xin nghỉ đưa xuống trạm xá xã.” Bây giờ các “cơ quan chức năng” có thể biện hộ lần nữa: Một bà nấu bếp ở công trường Thủy điện Sông Bung 4 có thể đóng vai thầy thuốc được; vậy thì các ông lang Tàu không học mà đi chữa bệnh cũng không phải chuyện mới lạ!
Tại công trường xây dựng nhà máy đạm Cà Mau có một ngàn công nhân Trung Quốc làm việc, cũng không cần xin phép ai cả! Nước Việt Nam là thiên đường của di dân lao động lậu! Mấy đại biểu Quốc Hội Mỹ lo vấn đề di dân lậu ở nước Mỹ, nên sang Việt Nam học tập chính sách di dân tự do ở Việt Nam! Nhưng quyền tự do lao động lậu chỉ dành cho người Trung Quốc thôi!
Lý do, bởi vì đại đa số các công trình xây dựng ở nước Việt Nam cũng là do các chủ thầu Trung Quốc được chấm! Mấy năm trước, ông Trần Ngọc Hùng, chủ tịch Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam, đã cho biết các dự án xây dựng nhà máy lớn như điện, xi măng, hóa chất, nhà nước cho đấu thầu hầu như đều rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài! Trúng thầu rồi, các nhà thầu Trung Quốc thường đem theo hàng ngàn công nhân và đem cả thiết bị của họ sang sử dụng; những thiết bị đó hoàn toàn có thể sản xuất ở Việt Nam được! Ông Trần Văn Huynh, chủ tịch Hội Vật Liệu Xây Dựng Việt Nam cho biết có hơn 10 công trình xây dựng nhà máy xi măng, nhiều dự án nhà máy điện lớn ở Việt Nam đều đang được các nhà thầu Trung Quốc làm. Ông kể là người Trung Quốc đem một số loại vật liệu qua Thái Lan rồi đi vòng vào Việt Nam! Tại một nhà máy xi măng do nhà thầu Trung Quốc làm, đến cái bệ xổm toa lét họ cũng không dùng hàng làm ở Việt Nam mà đem từ Trung Quốc qua! Một quan chức trong văn phòng chính phủ công nhận tại một công trình số công nhân Trung Quốc sang tới hơn hai ngàn người!
Tháng Mười Một năm ngoái báo Tuổi Trẻ cũng điều tra thấy trong số 312 người lao động Trung Quốc tại nhà máy nhôm Nhân Cơ, có 190 người được nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) đưa sang nước ta với danh nghĩa là “công nhân kỹ thuật cao”. Nhưng trong thực tế chính những người này chẳng được học hành, huấn luyện gì cả! Nhà báo viết: “Khi chúng tôi hỏi ông Khắc việc uốn sắt này học từ trường nào, ông cười xuề xòa: ‘Việc cỏn con, làm nhiều thì quen, chẳng ai dạy. Tôi mới học hết lớp 10, chưa học qua trường nghề nào cả!’” trong số 310 công nhân Trung Quốc Nhà máy Nhân Cơ, thì gần 180 người không có giấy phép lao động!
Còn nhiều chuyện khác, có thể coi là lớn hơn. Như báo Người Việt mới loan tin, “Từ đầu năm đến nay đã có 198 tàu thuyền nước ngoài, xâm phạm lãnh hải Việt Nam tại vùng biển Ðà Nẵng, phần chính là tầu Trung Quốc.” Và “Bốn tàu hải giám của Trung Quốc đã chặn một tàu cảnh sát biển Việt Nam tại khu vực Trường Sa.”
Quả thật, so với số công nhân Trung Quốc sang Việt Nam làm việc lậu, hay là tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập hải phận nước ta, thì sự kiện mấy chục ông lang vườn Trung Quốc hành nghề “có giấy phép” của các “cơ quan chức năng” tương đối còn lương thiện! Nhưng việc chữa bệnh không phải chuyện chơi! Ông Nguyễn Xuân Hướng, chủ tịch Hội Ðông Y Việt Nam, nói rất đúng: Các “cơ quan chức năng” này “thiếu quan tâm tới sinh mạng của nhân dân!”
Chắc các “cơ quan chức năng” có lý do để tự biện hộ. Họ có thể nói rằng ở nước Việt Nam thiếu bác sĩ, coi cảnh chị Mai Thị Bảy ở công trường Thủy điện Sông Bung 4, Quảng Nam, vừa nấu bếp vừa chữa bệnh, bán thuốc, thì thấy đảng và nhà nước đang cần thêm các nhà Ðông y chữa bệnh cho đồng bào. Cho nên mới cho người Trung Quốc vào nước ta khám bệnh; cũng là một cách “tìm đường cứu dân cứu nước!” Nếu bệnh nhân gặp phải các “lang vườn Trung Quốc” thì chẳng qua là “sự cố kỹ thuật” mà thôi! Có người từng đi tìm đường cứu nước đã đem cả tư tưởng, chủ trương, chính sách của Mao Trạch Ðông vào nước ta áp dụng, tai họa còn gieo rắc cho tới bây giờ. Hành động mời ông lang vườn chính trị Mao Trạch Ðông đưa các cố vấn vĩ đại sang nước ta đã mở đầu cho tất cả các tai họa mà ngày nay người dân Việt Nam phải gánh chịu! Cô Huỳnh Thục Vy mới lên án chế độ cộng sản là “vô pháp, vô thiên” - trên không có trời đất quỷ thần, dưới không theo luật lệ nào cả! Bốn chữ “vô pháp, vô thiên” hay được ông Mao Trạch Ðông dùng, theo lời người bác sĩ riêng của ông kể lại. Chế độ vô pháp, vô thiên đó đã được rước vào ta cũng chỉ vì người ta say mê tôn sung một chủ nghĩa mà “thiếu quan tâm tới sinh mạng của nhân dân!”

Hà Nội đề xuất mức học phí mới (hahaha)


(TNO) UBND TP.Hà Nội đã có tờ trình gửi HĐND thành phố về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc TP.

Theo đó, mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục hướng nghiệp công lập thống nhất tại 29 quận, huyện, thị xã được đề xuất ở mức thấp nhất theo quy định của Chính phủ và chỉ có hai mức: 20.000 đồng/tháng/học sinh vùng nông thôn; 40.000 đồng/tháng/học sinh ở vùng thành thị.
Theo mức thu hiện tại thì toàn thành phố tồn tại tới 4 mức học phí khác nhau, chia theo các khu vực: Hà Nội, Hà Tây, Mê Linh, Hòa Bình. Mức thu cao nhất ở khu vực Hà Nội (cũ) là 70.000 đồng/tháng/học sinh.
Như vậy, so với học phí hiện hành, các mức mới đề xuất phần lớn giảm, đặc biệt ở khu vực thành thị, khối nhà trẻ.
Thành phố cũng đề nghị bổ sung học sinh ở 13 xã miền núi khó khăn thuộc Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Phúc Thọ được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập. Một số đối tượng khác được giảm học phí theo quy định.
Nếu được HĐND TP thông qua, mức học phí mới sẽ được áp dụng thực hiện từ năm học 2012 - 2013 đến khi Chính phủ có quy định mới thay thế.

Sẽ đổi vàng như đổi tiền (yeah yeah yeah)


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ thực hiện chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC. Cách chuyển đổi tương tự như đổi tiền, không giới hạn thời gian chuyển đổi và không gây thiệt hại cho người dân.
Hoang mang vì thiếu thông tin
Mặc dù NHNN thông báo các loại vàng miếng trên thị trường đều được lưu thông và mua bán bình thường, nhưng cùng với chủ trương độc quyền của Nhà nước về vàng miếng, việc lựa chọn SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia đã làm người dân nắm giữ vàng phi SJC hoang mang. Nhiều người dân ồ ạt bán tháo vàng phi SJC để chuyển sang nắm giữ vàng SJC.

Ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, lỗi của tình trạng này là do tâm lý người dân, tâm lý đám đông và do cả lỗi từ chính sách.

"NHNN đã tuyên bố, pháp luật không phân biệt các loại vàng miếng khác nhau, nhưng tâm lý của người dân là không muốn giữ vàng phi SJC. Trong khi đó, thông tin chính sách lại chưa rõ ràng, khiến người dân hoang mang. NHNN chỉ tuyên bố là người dân được quyền mua, bán, tích trữ vàng, mà không nói cụ thể vàng phi SJC sẽ ra sao, có được chuyển đổi hay không, giá cả thế nào...", ông Bảng nói và cho rằng, nên có lộ trình chuyển đổi. Nếu nhà nước mua lại, cần mua với giá hợp lý. Phải thông tin kịp thời, minh bạch về chính sách, phải có đề án rõ ràng minh bạch về xử lý vàng phi SJC để doanh nghiệp biết cách làm và người dân không hoang mang.

Ý kiến này được các doanh nghiệp ủng hộ. Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, thời gian qua, PNJ đã mua vào một lượng lớn vàng PNJ và tăng bán ra SJC để phục vụ nhu cầu người dân. Hệ quả là, đến nay, PNJ bị ứ đọng một khối lượng khá lớn vàng miếng. Doanh nghiệp này đang hy vọng sớm nhận được văn bản hướng dẫn của NHNN.
Vàng SJC và vàng phi SJC đều được pháp luật công nhận.
Chính vì chưa có phương án chuyển đổi, nên thời gian qua, một doanh nghiệp vàng phi SJC đã ép giá người dân khi mua vào với giá thấp hơn giá niêm yết cả triệu đồng/lượng. Ông Đinh Nho Bảng cho rằng: "Việc lợi dụng tâm lý để ép giá người dân chênh lệch hàng triệu đồng/lượng là vô lý. Song cũng phải thông cảm cho doanh nghiệp vàng phi SJC là, nếu để giá mua vào cao, người dân đổ xô bán vàng, thì vốn ở đâu mà mua lại, mua lại thì tiêu thụ ở đâu?".

Sẽ đổi vàng như đổi tiền


Trước những bất cập hiện nay, ông Đinh Nho Bảng đề xuất, NHNN nên mua các loại vàng phi SJC với giá hợp lý, sau đó chuyển sang vàng SJC. Giá thu mua được đưa ra trên cơ sở giá vàng SJC. Dĩ nhiên, phải trừ những khoản chênh lệch về phí giá công, phí vận chuyển và một số phí khác.

"Việc đưa ra chủ trương thu mua các thương hiệu vàng phi SJC sẽ khiến người dân không bị thiệt, giúp tăng quỹ dự trữ vàng quốc gia. Ngoài ra, việc mua vàng trong dân làm nguyên liệu sản xuất vàng SJC sẽ khiến Việt Nam đỡ tốn USD để nhập khẩu vàng nguyên liệu".

Theo tiết lộ của Phó thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú, NHNN đang soạn thảo Đề án Chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC trên tinh thần không làm xáo trộn thị trường, không làm người dân thiệt thòi. Một số ngân hàng thương mại sẽ đứng ra làm lực lượng trung gian thu đổi vàng, NHNN sẽ từng bước thu hồi vàng phi SJC để thay thế bằng vàng SJC. "Việc chuyển đổi vàng cũng như chuyển đổi tiền polymer thời gian qua, vàng SJC và vàng phi SJC đều được pháp luật công nhận. Người dân có nhu cầu, có thể đến các ngân hàng thương mại để đổi vô thời hạn", Phó thống đốc khẳng định.

Đề án Chuyển đổi vàng SJC đang trong giai đoạn hoàn thiện và sẽ sớm được ban hành. NHNN cho rằng, lượng vàng phi SJC trên thị trường rất nhỏ, do đó, việc chuyển đổi không gây nhiều tốn kém.

Theo tính toán của các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng, trên thị trường có khoảng 22 triệu miếng vàng của 8 doanh nghiệp trong nước. Trong đó, khoảng 20 triệu miếng vàng mang thương hiệu SJC, còn lại là mang thương hiệu của 7 doanh nghiệp khác.

Ủng hộ chủ trương chuyển đổi vàng của NHNN, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, người dân không nên vội vàng bán vàng phi SJC, vì khi NHNN đã có chủ trương, cũng như việc chuyển đổi, chắc chắn, chi phí chuyển đổi vàng sẽ không lớn, không bị ép giá như hiện nay.

Tất nhiên, việc chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC chỉ giải quyết được một số vướng mắc trên thị trường vàng hiện nay, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn chưa thể kéo về mức 400.000 đồng/lượng như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình từng kỳ vọng. Do cơ chế nhập khẩu vàng nguyên liệu, cung cầu vàng trong nước, yếu tố tỷ giá, nhập lậu vàng... , nên giá vàng trong nước hiện vẫn chênh so với giá vàng thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng.
(Theo Báo Đầu tư)

Ngân hàng ngập ngừng báo lãi 6 tháng 2012 (hahaha)


Một số ngân hàng thương mại bắt đầu công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm, song phần lớn còn ngập ngừng với những lý do khác nhau.
10 ngày sau thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm, thị trường đón nhận thông tin cơ bản về kết quả kinh doanh của một số ngân hàng thương mại.
Sớm nhất, ngày 26/6, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) đã đưa ra những con số về những kết quả chính trong nửa đầu năm 2012. Cụ thể: tổng tài sản đến tháng 6/2012 ước đạt trên 392 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2011; huy động vốn từ nền kinh tế ước đạt hơn 260 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối năm 2011; huy động từ dân cư ước đạt gần 137 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2011; tín dụng đến hết tháng 6/2012 ước đạt hơn 215 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm 2011.

Về lợi nhuận, tính đến hết tháng 6, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank ước đạt 2.600 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 15%. (That's it ?????)

Khá chi tiết, Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cho biết tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2012 (bao gồm các công ty trực thuộc) là 776,548 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ 2011, thực hiện được 51,77% kế hoạch năm 2012. Đạt được tiến độ và tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ, một phần là do DongA Bank đã đẩy được tín dụng với 90,69% kế hoạch năm.

Một thành viên khác là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (STB), ước tính 6 tháng đầu năm nay cũng đã đạt khoảng 1.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Con số này tăng khoảng 14% so với cùng kỳ 2011, đảm bảo tiến độ so với kế hoạch 3.400 tỷ đồng năm nay (This bank could even make some profit. Do you believe ?).
Tính đến thời điểm này, mới chỉ có 3 thành viên nói trên đưa ra con số lợi nhuận 6 tháng đầu năm một cách tương đối ở các kênh thông tin khác nhau. Với Vietcombank và Sacombank, việc công bố một cách chính thức và đầy đủ dự kiến sẽ sớm có, bởi đây là hai thành viên đã niêm yết. Trong khi đó, DongA Bank, dù chưa niêm yết, nhưng có thông lệ chủ động thông tin định kỳ và khá sớm tới cổ đông trong những năm qua.

Còn lại, hiện hầu hết các nhà băng khác vẫn chưa có dữ liệu công bố cụ thể, ngay cả những thành viên thường chủ động đưa ra sớm. Đơn cử như Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), sau khi niêm yết kết quả kinh doanh thường được cập nhật đầy đủ sớm nhất hệ thống, nhưng tại hội nghị triển khai hoạt động 6 tháng cuối năm ngày 8/7 vừa qua, tình hình hoạt động trong 6 tháng đầu năm vẫn chưa được tiết lộ rộng rãi. Hay tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), vài năm trước kết quả hoạt động cơ bản thậm chí còn cập nhật từng tháng, tạo điều kiện để cổ đông và nhà đầu tư nắm bắt một cách nhanh chóng, nay vẫn chưa rõ...

Hiện vẫn còn sớm để định hình tình hình lợi nhuận ngân hàng nửa đầu năm nay. Song có thể dự tính có nhiều yếu tố đã và đang tác động bất lợi đến kết quả chung. Đó là nợ xấu gia tăng nhanh trong 6 tháng đầu năm, nếu cuối năm 2011 ở khoảng 3,07% thì đến cuối tháng 6/2012 đã là 4,47%; tín dụng gần như không tăng trưởng, đến cuối tháng 6 mới chỉ tăng 0,76% so với cuối năm 2011...

Ngay ở trong 3 thành viên đã đưa ra con số cơ bản nói trên, trường hợp của Vietcombank cũng là một ví dụ để tham khảo. 2.600 tỷ đồng là con số rất lớn về giá trị tuyệt đối, nhưng lại giảm 15% so với cùng kỳ 2011. Đáng chú ý là nó gắn với quy mô tổng vốn chủ sở hữu đã lên tới trên 41.000 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 26.435 tỷ đồng.

(Theo VnEconomy

Toán Việt Cộng


Tồn kho (bán không hết):

- Thủy sản: tăng 30%

- Sản xuất nhựa: tăng 60%

- Sản xuất thép: tăng 78%

- Nông sản: tăng 113%

- Giấy, bao bì: tăng 130%

=> Tổng số hàng tồn kho: tăng 6,5%

Đang nói hàng ế tăng lên toàn là 30%, 60%, 78%, 113%, 130%, bỗng nhiên cộng hết lại, chỉ còn 6,5%???????????????????

This image has been resized. Click this bar to view the full image. The original image is sized 852x525.

Các chiến sĩ chống Việt Cộng mạnh bạo nhất là ai?

- Là quan chức trong ngành Kinh tế, Tài chánh Việt Cộng chứ ai!

Xem thành tích chống Cộng của họ, phe dân chủ có mà mơ:
http://cafef.vn/20120630085545838CA3...p-nha-nuoc.chn

- "Gần đây, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước “sờ gáy” nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước nào, đều thấy lộ ra đống nợ nần ngàn tỷ."

- "Theo con số của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2011, dư nợ ngân hàng của các DNNN khoảng 415 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 18% tổng dư nợ tín dụng."

- "Trong đó, riêng 12 tập đoàn kinh tế vay nợ khoảng 218,7 nghìn tỷ đồng, đứng đầu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với 72.300 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam 62.800 tỷ đồng..."

- "Đáng lưu ý, có 30/85 tập đoàn, tổng Cty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu trên 3 lần, đặc biệt có 10 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ trên 10 lần (Tập đoàn Xây dựng Công nghiệp, Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 5, 8 và 1; Tổng Cty Xăng dầu Quân đội, Tổng Cty Thành An, Tổng Cty Phát triển đường cao tốc)."

- "Mức lỗ bình quân của các tổng công ty, DNNN cao gấp 12 lần các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tổng lỗ lũy kế của các tập đoàn, tổng Cty đến hết năm 2011 là 26.100 tỷ đồng."

- "Đau xót nhất phải kể tới chuyện EVN lập Cty thông tin viễn thông điện lực (EVN Telecom), năm 2010 thua lỗ khoảng 4.500 tỷ đồng [=225 triệu USD], gần bằng quỹ lương của cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)."

Hoài bão của Boác


“Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
http://suckhoedinhduong.nld.com.vn/9...cua-bac-ho.htm

Giấc mơ đã biến thành cơn ÁC MỘNG, Boác ơi là Boác:
http://vietnamnet.vn/vn/ban-doc-phap...oi-dau---.html

"...Hiện cháu Cao Đăng Sáng con đầu của anh đang học lớp 7 trường THCS Diến Tân và đứa thứ 2 là cháu Cao Thị Hương Giang, hiện đang học lớp 5. Gia cảnh quá bi đát, hai cháu tuy còn nhỏ dại nhưng đã nghĩ đến việc bỏ học để đỡ gánh nặng và giúp cho gia đình.

Giờ chỉ biết gắng sức kiếm tiền thuốc thang duy trì mạng sống cho vợ, cho mẹ qua từng ngày. Còn chuyện học hành, nghĩ đến con sẽ thất học do không có tiền mà lòng tôi đau xót’’– anh Ngọc chia sẻ..."


-------------------

Còn nữa:

"...Nghiên cứu tình trạng học sinh bỏ học

TT - VN hiện đang có số học sinh bỏ học lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời là một trong mười nước trên thế giới có trên 1 triệu học sinh bỏ học trong độ tuổi đi học, đây là một dấu hiệu về sự tụt hậu của VN so với các nước trong khu vực.


Đối với trẻ em người dân tộc thiểu số, tỉ lệ trẻ 15 tuổi đã bỏ học chiếm 50%. Với người Kinh, tỉ lệ này là 20%. Nghiên cứu này được công bố ngày 24-11, trên mẫu 3.000 trẻ em sinh các năm 1994-1995 và 2000-2001 có tên “Những cuộc đời trẻ thơ VN”, do dự án cùng tên phối hợp với ĐH Oxford thực hiện tại VN..."
http://tuoitre.vn/Giao-duc/466607/Ng...nh-bo-hoc.html


Vậy mà báo Việt Cộng, tới giờ này, còn LÁO KHOÉT:

"...Kết quả cho thấy, hết học kỳ I năm học 2009-2010, tỷ lệ học sinh bỏ học của các vùng đều giảm so với năm học trước. Tuy nhiên, so với tổng số học sinh tới lớp đầu năm học thì số bỏ học vẫn còn nhiều. Cả nước vẫn còn 75.691 học sinh (chiếm tỷ lệ 0,51%) bỏ học, trong đó, tiểu học là 0,11%, THCS là 0,66%, THPT là 1,17%. Một số vùng khó khăn tỷ lệ học sinh bỏ học còn cao như: Tây Bắc 0,94%, Tây Nguyên 0,84%, Đồng bằng sông Cửu Long 0,83%, cá biệt có tỉnh không giảm tỷ lệ so với năm học trước..."
http://www.baomoi.com/Khac-phuc-tinh...59/4722951.epi
-------------------

Tôi khỏi cần bước chân vào 1 m tại VN cũng BIẾT RÕ, tình trạng bỏ học tại VN đang cực kỳ nghiêm trọng, con số 20% cho trẻ em người Kinh, 50% cho trẻ em dân tộc thiểu số, là gần đúng sự thật nhưng cũng chưa đúng lắm.

Con số THẬT SỰ phải là khoảng 35% là 80%.

Do đó mà Việt Cộng phát hoảng, nay cho "ai thi cũng đậu", có trường mấy năm trước có tỉ lệ học sinh đậu phổ thông là 0%, nay tăng vọt lên... 100%.

Nhiều tỉnh đoạt trên 99% học sinh đậu phổ thông, cho dù học sinh chỉ viết 2, 3 hàng cho bài văn cũng đậu môn này.

Thi phổ thông nay MUỐN RỚT THÌ VÔ CÙNG KHÓ, phải mắng Đản, Boác cực kỳ thậm tệ, mắng cả cha mẹ Boác, mà mắng ngay hàng đầu - do thầy cô chấm thi được lệnh không đọc, chỉ cho điểm đậu - thì mới hy vọng có thể rớt.

Do đó, trẻ em VN nay hoặc thất học (bỏ học), hoặc BẤT HỌC (có đi học, ra phổ thông, lên cử nhân, tiến sĩ, nhưng không học gì).

1 quốc gia gồm 100% người Thất học, Bất học, như vậy, thì còn làm được gì, và có thể tồn tại hay không?

Cô dâu Việt ở Đài Loan (source: Báo Thanh Niên)

Hơn 17 năm kể từ khi phong trào lấy cô dâu Việt ở xứ Đài phát triển rầm rộ tới nay, một thế hệ con lai Việt - Đài ra đời và trưởng thành. Tuy nhiên cũng có không ít lo ngại.


Mất gốc

Mong được giữ quốc tịch Việt Nam
Tâm sự với nhiều cô dâu Việt, không ít người cho biết họ rất mong Nhà nước Việt Nam chấp thuận cho giữ lại quốc tịch Việt Nam trong khi họ đã được cấp chứng minh thư Đài Loan. Lý do thật đơn giản: quốc tịch Việt Nam như một bước lùi an toàn, một “bùa hộ mệnh” cho họ nếu chẳng may cuộc sống của họ ở Đài Loan gặp trắc trở.

Rất nhiều đứa trẻ lai Việt - Đài đều ngơ ngác khi tôi nói chuyện với chúng bằng tiếng Việt, dù chỉ là những từ xã giao đơn giản nhất. Đây cũng chính là điểm chung và rõ nét nhất trong thế hệ trẻ lai Việt - Đài. Em nào giỏi lắm chỉ biết 1 - 2 câu đơn giản, như: xin chào, đói quá... Bé Hoàng Gia Dư, 12 tuổi, và em trai là Hoàng Vũ Sinh, 4 tuổi, cũng không biết một câu tiếng Việt, dù từng về Việt Nam 2 lần. Hỏi mẹ hai bé là chị H.T.M.Linh, 30 tuổi, người Đồng Tháp, đã làm dâu tại TP.Đào Viên 10 năm qua, chị cho biết do lịch học của các bé đã quá nặng, thêm cả học tiếng Anh nên chị chủ trương không dạy con tiếng Việt. “Giờ bắt các con học cả tiếng Việt thì chúng sao học nổi. Sau này lớn hẵng hay”, chị thẳng thắn nói. Bé Trương Gia Trân, 8 tuổi, hiện đang học lớp 2 rất tinh nghịch và lanh lẹ. Cháu và em trai hay được mẹ là Phạm Thu Trang, người Đồng Tháp, đưa đi tham gia các hoạt động xã hội tình nguyện liên quan tới người Việt. Hai cháu cũng được cùng mẹ đại diện cho di dân mới chụp hình cùng lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu tại một điểm vận động bầu cử ở TP.Đài Bắc vào ngày 19.11 vừa qua. Gia Trân khoe cháu biết đếm từ 1-10 bằng tiếng Việt, đã về Việt Nam chơi 5 lần nhưng khi không có mẹ, bé đành chịu, không thể trò chuyện với ông bà ngoại hoặc các bác. “Những lúc đó, cháu toàn im lặng, chả biết làm sao. Mẹ quá bận, không có thời gian dạy tiếng Việt cho chúng cháu”, Gia Trân thổ lộ. Tuy nhiên, Gia Trân và em trai thường được nghe mẹ kể những câu chuyện cổ tích Việt Nam bằng tiếng Hoa. Hai con của chị Nhã Tú (người Đồng Nai, 32 tuổi) cũng không hề biết tiếng Việt, dù đứa nhỏ hiện đang học lớp 5. “Lịch học của bọn trẻ kín lắm, lại phải học cả tiếng Anh nữa, nên mình chưa dạy tiếng Việt cho chúng được,” chị Nhã Tú thanh minh. 3 đứa con của chị Đặng Thị Xuân Diễm, người Đồng Tháp, đang sống tại Vùng đô thị mới Đài Bắc cũng không biết một chữ tiếng Việt.
Các bà mẹ quá bận mưu sinh, không còn thời gian dạy con học tiếng Việt, chứ chưa nói tới việc dạy lịch sử, những phong tục tập quán, văn hóa... của người Việt. Mặt khác, phần lớn những người chồng Đài Loan lấy cô dâu Việt đều xuất thân từ tầng lớp lao động, thu nhập thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, nên nhiều người trong số họ còn không đủ trình độ và thời gian dạy dỗ con cái, nói gì cho con biết thêm văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ... của quê ngoại.


Hai chị em Hoàng Gia Dư và Hoàng Vũ Sinh

Ước mơ của mẹ và con
 “Em rất mong được giữ lại quốc tịch Việt Nam, vì nếu có chuyện gì xảy ra, em vẫn có thể quay về quê hương để sinh sống và làm việc, được hưởng mọi chế độ bảo hiểm chăm sóc”, cô dâu Phan Ngọc Huyền 36 tuổi, người Vĩnh Long, tâm sự. Nhiều cô dâu khác cũng cho biết có một số cô dâu sau khi được cấp chứng minh thư và cư trú hợp pháp tại Đài Loan, bị bệnh, nhưng nhà chồng không quan tâm, một mình trên đất khách rất khổ sở, muốn về quê hương để được gia đình mình chăm sóc thì phải xin visa và gia hạn theo định kỳ, vừa tốn kém, sơ sẩy quên không đăng ký gia hạn thì bị phạt. Vì vậy không ít cô dâu Việt có cảm giác tủi hổ vì mình bị quê hương chối từ. Có cô dâu đã được cấp chứng minh thư Đài Loan (xin giấu tên) cho biết, do sơ suất khi mang con về Việt Nam, cô quên không đăng ký khai báo tạm trú cho con, tới khi về lại Đài Loan, phía công an Việt Nam nhất định không cho xuất cảnh, cô đành phải nhờ Phòng Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc can thiệp mới đưa được con về. Rất nhiều cô dâu Việt sống tại Đài Loan tới hơn 10 năm mới chịu xin cấp chứng minh thư Đài Loan, phần lớn đều cho biết không muốn từ bỏ quốc tịch Việt Nam.


Trẻ em lai Việt - Đài thường chơi với nhau - Ảnh: Nguyễn Lệ Chi

Còn bé Trương Gia Trân tiết lộ ước mơ của mình là trở thành một hộ lý, và được về Việt Nam sinh sống vì thích ăn nem và cảm thấy sống ở Việt Nam vui hơn. “Cháu từng ăn tết ở Việt Nam một lần. Được nhận rất nhiều tiền mừng tuổi. Thích lắm”, cô bé hồn nhiên khoe. Gia Trân cũng thừa nhận trong lớp 29 bạn, thành tích của bé chỉ xếp thứ mười mấy, và chỉ học tốt những môn về cuộc sống và môi trường. Lớp Gia Trân cũng có 5 học sinh là con lai, nhưng không bao giờ bị các bạn khác trêu ghẹo hoặc tò mò hỏi về nguồn gốc của mẹ chúng.

-----------------------------------------------------------------------------
Bạn đọc để mắt phần tô đỏ trong bài. Bạn có tin không?