Quan điểm này được người đứng đầu Chính phủ khẳng định
tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương về việc triển
khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội 2013, diễn ra trong 2 ngày 25 - 26/12.
Trong phần kết luận kéo dài gần một giờ đồng hồ, Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng dành nhiều thời gian đánh giá tích cực về các kết quả đạt được
trong năm 2012, bên cạnh việc chỉ ra những thiếu sót và định hướng giải
pháp cho năm tới. Trước đó lần lượt đã có 21 địa phương và 6 thành viên
của Chính phủ tham gia trao đổi về các vấn đề liên quan đến 2 nghị quyết
về kinh tế - xã hội và giải cứu doanh nghiệp - tháo gỡ khó khăn cho năm
2013.
“Các đồng chí đã đồng tình với mục tiêu, chỉ tiêu cũng
như giải pháp đã đề ra. Trong bối cảnh hiện nay, đó là những chỉ tiêu
rất thách thức, đòi hỏi phải được cụ thể hóa, thể chế hóa rồi quyết liệt
hành động”, người đứng đầu Chính phủ nhận định.
Thủ tướng cho rằng tốc độ tăng trưởng năm 2012 là phù hợp. Ảnh: VGP |
Với mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát tiếp tục
được đặt lên hàng đầu trong năm tới, Thủ tướng cho rằng chỉ số giá tiêu
dùng 2013 phải thấp hơn con số 6,81% của năm nay. Theo đó, mặc dù việc
giữ lạm phát một con số của năm 2012 là một thành công nhưng trân trọng
nhận định của các chuyên gia, Thủ tướng cho rằng đà giảm này chưa vững
chắc: “Các địa phương cố gắng, quyệt liệt kiểm soát ngay trong tháng một
tới. Quy luật hàng năm cho thấy CPI quý một chiếm tỷ lệ lớn trong lạm
phát cả năm. Muốn kiểm soát tốt thì đừng để sốt, thiếu hàng, đừng để đầu
cơ…”, đại diện Chính phủ giao nhiệm vụ.
Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng cũng
yêu cầu Thống đốc ngân hàng điều hành, cân đối tiền để thực hiện mục
tiêu kiểm soát lạm phát, tiếp tục hạ lãi suất, ổn định tỷ giá và tăng dự
trữ ngoại hối. “Ổn định tỷ giá vừa rồi đáng biểu dương. Dự trữ ngoại
hối cũng tăng từ 10 tỷ lên 23 - 24 tỷ USD trong vòng mấy tháng. Ngân
hàng Nhà nước cũng cho biết nếu tính đủ thì còn nhiều hơn nữa”, Thủ
tướng nói.
Trước những khó khăn của ngân sách trong năm 2012, Thủ
tướng lưu ý tới nhiệm vụ đảm bảo tài khóa năm 2013 của ngành tài chính
và các địa phương. Ông cũng lưu ý tới một nhiệm vụ cấp bách khác của
Chính phủ là tích cực tháo gỡ khó khăn sản xuất, giải quyết nợ xấu, tồn
kho, nhất là tồn kho bất động sản. Thủ tướng cho biết trong ngày 27/12,
Chính phủ sẽ họp bàn về đề án công ty mua bán nợ, việc giải quyết nợ
xấu…
Nhìn dài hơi hơn về các thách thức đối với nền kinh
tế, Thủ tướng cũng đặt vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, “không thể
chỉ trông chờ vào lợi thế là ổn định chính trị”. Ông cũng thúc giục các
bộ ngành nhanh chóng triển khai các đề án tái cơ cấu nền kinh tế, yêu
cầu các địa phương chú ý tới tái cơ cấu đầu tư, sắp xếp lại các doanh
nghiệp do mình quản lý. Bên cạnh đó, trong năm 2013, Chính phủ cũng sẽ
triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh
cho vùng đồng bào dân tộc, cải cách hành chính, chống tham nhũng…
Trước đó, trong phần đánh giá về năm 2012, người đứng
đầu Chính phủ thừa nhận thách thức từ cả bên trong lẫn bên ngoài đều lớn
hơn những gì được dự báo từ đầu năm. “Đến hôm nay nhìn lại, nền kinh tế
nhìn chung đã đạt được chuyển biến tích cực, trên nhiều lĩnh vực. Cơ
bản thực hiện có kết quả mục tiêu tổng quát: kiềm chế lạm phát, ổn định
vĩ mô”, Thủ tướng nhận định.
Chính phủ yêu cầu quyết liệt kiềm chế lạm phát trong dịp Tết. Ảnh: Bloomberg |
Riêng về tốc độ tăng trưởng kinh tế, đại diện Chính
phủ cho rằng con số 5,03% tính theo giá gốc 1994 và khoảng 5,2% theo
thời giá 2010 là “một cố gắng lớn, phù hợp với thực tế, bối cảnh kinh tế
trong nước và quốc tế”. “Hệ thống lại như vậy để cho thấy là cơ bản đạt
được các kết quả để ra. Đây không phải là ca ngợi, tô hồng, nói một
chiều thành tích. Đây là niềm tin, tiềm năng của Việt Nam”, Thủ tướng
nói.
Tuy vậy, bên cạnh các thành tích đã đạt được, đại diện
Chính phủ cũng chỉ ra không ít tồn tại trong điều hành. Bên cạnh đà
giảm lạm phát còn chưa vững chắc, Thủ tướng cũng thừa nhận tái cơ cấu
kinh tế còn chậm, nhiều vấn đề xã hội nảy sinh, niềm tin vào môi trường
kinh doanh suy giảm
“Tôi thay mặt Chính phủ nhận yếu kém, khuyết điểm. Như
đã nói trước Quốc hội, một trong những yếu kém lớn nhất là là năng lực
xây dựng thể chế, thực thi thể chế… Nay nhiệm vụ, mục tiêu trước mắt rất
nặng nề, Chính phủ và các địa phương sẽ phải phải cùng nhau nỗ lực để
tổ chức thực hiện”, ông nói.
Ngay trước phần kết luận của mình, Thủ tướng các thành
viên Chính phủ đã có hơn một ngày trao đổi với lãnh đạo các địa phương
qua cầu truyền hình trực tuyến về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
2013 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất. Khác với cuộc họp
trong những năm trước, do ý thức được những khó khăn của ngân sách cũng
như việc đổi mới trong cơ chế đầu tư công, 21 phần phát biểu của lãnh
đạo địa phương đã bớt dần những đề nghị được trung ương bố trí vốn cho
dự án này hay dự án khác. Tuy nhiên, thay vào đó, lại có khá nhiều những
ý kiến đề nghị được Chính phủ cho phép xây dựng các “cơ chế đặc thù”
cho tỉnh mình.
Chẳng hạn Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Lê Văn Thì
đề nghị được Chính phủ cho cơ chế riêng để mở rộng thị trường tiêu thụ,
ưu tiên xuất khẩu cho các vùng trọng điểm lúa như tỉnh mình. Hay Chủ
tịch tỉnh Bình Dương - Lê Thanh Cung đề xuất được phát hành trái phiếu
địa phương, qua đó tạo nguồn xây dựng các cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu
của người lao động đang ngày một tăng nhanh tại các khu công nghiệp.
Cũng có ý kiến khác đến từ Phú Thọ đề nghị nhanh chóng có cơ chế đặc thù
trong việc xây dựng Việt Trì thành thành phố lễ hội hay Ninh Thuận cần
có cơ chế riêng cho việc di dân khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân…
Bên cạnh những ý kiến này, lãnh đạo các địa phương
cũng đóng góp khá nhiều vào việc xây dựng các giải pháp, mục tiêu chung
trong năm 2013 như tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, giải quyết tồn kho, nợ
xấu hay kêu gọi vốn ODA… Đối với những kiến nghị này, Thủ tướng yêu cầu
Văn phòng Chính phủ tổng hợp để điều chỉnh trong các nghị quyết được
ban hành sắp tới. Trong khi đó, với các vấn đề cụ thể của địa phương,
các Bộ chuyên trách sẽ có trách nhiệm phối hợp giải quyết hoặc trình Thủ
tướng nếu vượt quá thẩm quyền.
No comments:
Post a Comment