Đơn độc phải phòng thân
Khánh Linh, 22 tuổi, ở Tạ Quang Bửu, Hà Nội chia sẻ “Em mới ra trường, lương chỉ có 4 triệu một tháng, thu nhập thêm khoảng 1 -2 triệu không đều nhưng em vẫn giữ cách sinh hoạt như thời sinh viên nên mỗi tháng cũng tiết kiệm được gần 2 triệu đồng.”
Hồi còn là sinh viên mỗi tháng bố mẹ cho Linh 2 triệu, ăn ở sinh nhưng Linh vẫn chi tiêu thoải mái không khi nào phải xin thêm. Linh thuê nhà chung với hai bạn cùng lớp, mỗi đứa 700 nghìn một tháng, ở chung cư mini mỗi phòng khoảng 20 mét vuông nhưng rất thoáng mát sạch sẽ. Điện, nước, internet mỗi tháng 200 nghìn. Tự nấu ăn, mỗi lần về quê bố mẹ lại gói cho trứng gà, rau, quả … nhà trồng được nên mỗi tháng một người hết có 800 nghìn tiền ăn, vừa ngon lại vừa đảm bảo. Thuê nhà gần trường nên không tốn tiền đi lại, mỗi tháng còn dư 300 nghìn tiền tiêu vặt.
“Bây giờ đi làm rồi, chỉ phát sinh thêm tiền đi lại nên mỗi tháng em tiêu hết hơn 3 - 4 triệu, nên em vẫn để dành được ít nhất 1 triệu”, Linh nói.
Linh cho biết số tiền tiết kiệm được tuy không nhiều nhưng cô sẽ dành một phần gửi về cho bố mẹ, phần còn lại tích lũy phòng khi đau ổm, có sự cố mà đơn độc một mình ở Hà Nội. Linh nghĩ, lập nghiệp ở đô thị nhiều vất vả, không ai nương tựa nên phải biết quản lý tài chính hợp lý, tiết kiệm tối đa. Có biết quý trọng đồng tiền chắc chắn sẽ thành công.
Ăn cơm nguội có gì đáng buồn?
Quản lý chi tiêu với những người còn độc thân có vẻ đơn giản hơn rất nhiều so với việc phải chi tiêu cho cả một gia đình. Có nhiều bạn tâm sự rằng khi chưa lập ra đình mỗi tháng cũng tiết kiệm được chút ít nhưng từ khi có chồng có con trăm thứ phải tiêu, tính toán sao cho không bị thâm hụt đã là khó chưa nói gì đến tiết kiệm. Thế nhưng có những người thu nhập hàng tháng cả hai vợ chồng chỉ khoảng hơn chục triệu vẫn dư tiền gửi tiết kiệm hàng tháng.
Như anh Sơn chị Phương Anh ở tập thể Thành Công, Ba Đình, Hà Nội là một ví dụ điển hình. Anh Sơn là kĩ sư cơ khí cho một nhà máy ở khu công nghiệp Thăng Long lương tháng 6 triệu đồng, chị Phương Anh là kế toán của một công ty xây dựng lương 5 triệu
đồng một tháng. Gia đình anh chị có một đứa con gái năm nay 4 tuổi học trường mẫu giáo Thành Công. Thu nhập của cả gia đình một tháng 11 triệu đồng, chi tiêu hợp lý mỗi tháng anh chị gửi ngân hàng được 2 triệu đồng.
Hỏi về chi tiêu cụ thể trong gia đình chị Phương Anh cho biết cô con gái nhỏ của anh chị học trường mẫu giáo công học phí và tiền ăn trưa mỗi tháng hết 900 nghìn, tiền ăn cả gia đình khoảng 4 triệu, điện, nước, ga, internet mỗi tháng hết 1 triệu; anh đi làm ở khu công nghiệp có xe đưa đón nên không tốn tiền xăng, còn chị tiền xăng mỗi tháng hết 300 nghìn, tiền tiêu vặt và tiền mừng đám cưới khoảng 3 triệu một tháng. Tính ra mỗi tháng anh chị để dành được khoảng 3 triệu đồng.
Chị kể, nhà mình gần như không có chuyện ăn sáng, du lịch cuối tuần, cải thiện ở nhà hàng. Tất cả ở nhà để tiết kiệm. Buổi sáng không bao giờ ăn ngoài, đa số là cơm nguội hay mỳ tôm vừa chắc bung vừa tiết kiệm. Tôi nghĩ ăn cơm nguội chả có gì đáng buồn, chỉ buồn khi ăn phở sáng nhưng khi bố mẹ ở quê ốm đau không có tiền lo toan.
“Hồi đầu vợ chồng mình làm được đến đâu cũng tiêu hết đến đó, nhưng rồi thấy cứ như vậy mãi nhỡ khi đau ốm hay nhà có việc không biết lấy tiền đâu ra để trang trải nên hai vợ chồng bảo nhau cùng tiết kiệm. Ban đầu lập sổ chi tiêu ghi ra các khoản thu chi rồi cuối tháng điểm lại xem có những khoản nào không thật sự cần thiết thì lấy đó làm kinh nghiệm để tiết kiệm vào tháng sau.” Chị Phương Anh tâm sự.
Sau 3 năm chi tiêu hợp lý gia đình anh chị đã có trong tay cuốn sổ tiết kiệm trị giá hơn 100 triệu đồng. Anh Sơn cho biết khoản tiền này là để đề phòng khi ốm đau và dành cho cô con gái cưng của anh chị ăn học trong tương lai.
Một số bà vợ khác thì kiên quyết cắt giảm chi phí cho việc nhậu nhẹt của những ông chồng ham quán xá với với lý do tiết kiệm chi tiêu gia đình. Nhờ thế, bữa cơm chiều của nhiều gia đình trở nên đầm ấm hơn vì các ông bố về nhà đúng giờ.
Người xưa có câu "buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện". Quả đúng như vậy nhiều người dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, thu nhập thấp nhưng biết cách tiết kiệm chi tiêu nên vẫn có “của ăn của để” trong khi có những người thu nhập ổn định lại luôn miệng kêu thiếu thốn.
Nhiều người đánh đồng tiết kiệm và ki bo keo kiệt. Tuy nhiên, hai điều này tuy có những điểm tương đồng nhưng lại là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt. Người ki bo hà tiện chắt bóp từng xu, từng đồng không dám ăn, không dám tiêu. Những người này thường thói quen mua vàng cất trong tủ, họ vẫn hàng ngày tiêu xài dè xẻn và tiền của họ sẽ không lưu thông ngoài xã hội để tạo thêm ra của cải vật chất. Còn những người tiết kiệm thông minh thì tích luỹ tiền để phòng sự cố và để có một khoản tiền cho các kế hoạch lớn trong tương lai.
Tiết kiệm trong cuộc sống không không có nghĩa là trở thành một người kham khổ, ki bo mà là điều chỉnh chi tiêu hợp lý, tránh hoang phí là đang tạo dựng một cuộc sống đầy đủ cho hiện tại và biết tính toán cho tương lai. Đó có hẳn là một hạnh phúc đích thực?
No comments:
Post a Comment