Có thể nhận thấy hầu hết các khu nhà tái định cư hiện
nay ở Hà Nội đều chung tình trạng lún nứt, xuống cấp ngay từ giai đoạn
đầu sử dụng. Mức đầu tư thấp, chạy đua tiến độ do sức ép giải phóng mặt
bằng của thành phố chính là căn nguyên khiến cho các nhà chung cư tái
định cư ở Hà Nội lâm vào tình trạng trên?
Thực tế đã có khá nhiều công trình nhà tái định cư của
Hà Nội như khu N13, N14, N15 Dịch Vọng, Vĩnh Phúc - Ba Đình... dù chưa
được nghiệm thu, chưa đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu như điện và
nước sạch đã đưa dân đến ở.
Suất đầu tư thấp, năng lực quản lý kém
Ông Phan Hồng Cải ở phòng 309 nhà N11A (khu Dịch Vọng)
chỉ lên trần nhà, nơi một mảng tường ẩm mốc, nước liên tục nhỏ giọt cho
biết: "Gia đình tôi dọn nhà về đây từ tháng 11/2003. Chẳng cần bàn luận
gì thêm về chất lượng căn hộ này cũng đủ thấy điều kiện sinh hoạt của
chúng tôi tồi tệ đến mức nào! Vợ chồng tôi phải dùng xô, chậu để hứng
nước từ tầng trên thấm qua trần nhà, chẳng biết có phải do đường ống
thoát nước ở khu bếp và khu vệ sinh bị vỡ mà xô nước luôn bốc mùi!".
Màu vôi bên ngoài tòa nhà N11A, N11B khu Dịch Vọng vẫn
còn tươi mới, nhưng bể nước ngầm của cả 2 chung cư này đều đã bị ngấm
nước cống, người dân không dám dùng. Hầu hết các căn hộ đều nằm trong
tình trạng tường xây nứt nẻ, cửa gỗ cong vênh, chỉ cần đóng một chiếc
đinh nhỏ là lớp vữa tường bong cả mảng.
Đa số các ngôi nhà tái định cư ở khu Dịch Vọng này đều
có điểm rất bất hợp lý là đều phải dùng bể nước treo trong nhà dẫn đến
áp lực nước rất yếu. Người dân muốn dùng vòi tắm hoa sen đều phải lắp
thêm máy bơm cao áp.
Theo ông Cải, các căn hộ trong tòa nhà muốn ở, nhà nào
cũng phải sửa chữa và gia cố thêm từ tường nhà, nhà vệ sinh, cửa với mức
đầu tư tới cả trăm triệu đồng! Tại khu tái định cư Dịch Vọng, mặc dù
người dân đã đến ở cả năm trời, nhưng đường giao thông không có, ngày
ngày người dân vẫn phải leo qua các đống phế thải lớn nhỏ còn sót lại từ
khi xây dựng các tòa nhà.
Không chỉ khốn khổ trong ngôi nhà dột nát mà người dân
khu tái định cư còn nơm nớp trước mối đe dọa của trộm cướp. Do đường sá
chưa được làm đã biến các khu tái định cư thành ốc đảo, vắng người qua
lại, cộng thêm không có bảo vệ và hậu quả là những đối tượng nghiện hút
thường vào đây xin đểu, trộm cắp.
Ông Bùi Xuân Đang, phòng 409, nhà N11A kể, nhà để xe
khu này đã 6 lần bị trộm cắt khóa, phá cửa lấy cả đống xe. Bản thân ông
Đang, bà Nguyễn Thị Bắc ở nhà N11B đã bị bọn cướp vào tận nhà trấn lột
mà chẳng biết kêu ai. Sau những vụ trộm, cướp vào các buổi trưa, người
già và trẻ nhỏ ở khu vực này không dám ra ngoài, còn người lạ thì đừng
mong vào được cửa.
Tại khu nhà tái định cư Vĩnh Phúc, ông Phạm Văn Hàm ở
phòng 302 - tổ trưởng nhà K3, khu tái định cư Vĩnh Phúc 7,2 ha uất ức
cho biết: "Tôi không hiểu vữa trát tường của họ mác gì mà vợ chồng tôi
không thể khoan được chỗ nào để bắt vít bàn thờ cả, cứ khoan đến đâu,
tường lại bong ra cả mảng tới đó.
Bể nước treo ở các căn hộ khu nhà tôi ở, không có bể
nào không bị rò rỉ, nước cứ nhỏ tong tong suốt ngày. Gặp sự cố về điện,
về nước, gọi đến Ban quản lý thì phải chờ đợi tới cả ngày, thậm chí vài
ngày! Ban quản lý ở khu tái định cư này làm cho dân mất niềm tin, nên
chúng tôi đi thu tiền đóng góp quỹ nọ, quỹ kia của khu, chẳng người dân
nào đóng cả!".
Chống "rút ruột" công trình thế nào?
Không phải đến khi vụ việc ăn cắp thép của nhà A2 Kim
Giang, Thanh Xuân bị phát hiện, người ta mới nói nhiều đến những "mánh"
rút ruột công trình. Có 3 kiểu rút ruột là khai khống khối lượng để khi
thi công ăn phần khống đó; hai là ăn cắp khối lượng và thứ ba là ăn cắp
chất lượng.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Xây dựng, hệ thống luật
pháp của ta khá chặt chẽ để đảm bảo được hệ thống chất lượng cho các
công trình. Nhưng thực tế, 3 kiểu ăn cắp cơ bản kia vẫn tồn tại. Vậy làm
sao có thể chống hiệu quả hơn?
Trông đợi lớn của người dân hiện nay là hình thành cơ
chế 3 bên cùng giám sát công trình và sự hoạt động hiệu quả của giám
định độc lập bên cạnh. Có ý kiến cho rằng, để đảm bảo tính độc lập của
các đơn vị giám sát độc lập cần đẩy mạnh cổ phần hoá các công ty có chức
năng này. Nhiều địa phương cũng nhập cuộc với đề nghị ban hành quy định
về giám sát cộng đồng trong đầu tư.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên, sau ngày
31/3/2005, Bộ xây dựng sẽ tổng hợp lại các báo cáo thực tế của UBND các
tỉnh về vấn đề này và sẽ kiến nghị những vấn đề cần xử lý về chất lượng
công trình và trách nhiệm của những chủ thể gây ra hư hỏng, xuống cấp,
không đảm bảo chất lượng của công trình.
Bộ sẽ chỉ đạo điều tra, công bố công khai các nhà thầu,
đơn vị tư vấn làm ăn gian dối. Các doanh nghiệp thuộc vào danh sách
"đen" sẽ bị đình chỉ toàn bộ các công trình đã trúng thầu hoặc được giao
thi công. Các cá nhân vi phạm sẽ bị rút giấy phép hành nghề
No comments:
Post a Comment