Quyền lực chính trị phải do đa số nhân dân nắm giữ
Kính thưa quốc dân, đồng bào,
Do hoàn cảnh lịch sử, từ khoảng 100 năm nay tại Việt Nam, chúng ta thường nghe cụm từ "quyền lực chính trị", "độc quyền chính trị", nhưng ít khi nghe "trách nhiệm chính trị".
Hàng chục đảng chính trị đã ra đời tại Việt Nam trong một thế kỷ qua, nhưng có đảng nào là do dân bầu chọn, đảng nào dám cho nhân dân tự do chỉ trích các chính sách do đảng đó ép buộc nhân dân phải tuân theo, bằng không phải chịu tù đày, trừng phạt cả gia đình, giòng tộc?
Có đảng tự cho họ quyền cai trị Việt Nam vĩnh viễn, do đó họ đặt ra các điều luật, ghi cả trong Hiến pháp họ tự ban hành và không có đến MỘT phiếu bầu, rằng họ sẽ vĩnh viễn cai trị Việt Nam, bất cứ ai chống lại điều này là "vi phạm luật pháp Việt Nam" do đó phải bị trừng phạt nặng nếu "được xử công bằng", hơn nữa bất cứ ai cho dù phân tích các sai lầm của đảng này cũng đều bị hại như vậy.
Không nói đến vô số các sai trái về việc họ dùng vũ khí giành "quyền lực chính trị", "độc quyền chính trị", tại đây chúng tôi chỉ đặt câu hỏi, "Đảng này có dám nhận TRÁCH NHIỆM chính trị cho các việc làm của họ hay không?"
Vì lẽ, độc quyền chính trị không hẳn là điều tự bản chất là xấu, nếu người hoặc đảng độc quyền đó sáng suốt vạch ra các chính sách tốt đẹp, biết hy sinh quyền lợi cá nhân, cục bộ, vì lợi ích cho đại đa số quần chúng.
Một số vua nhà Trần, nhà Lê, nhà Nguyễn từng độc quyền cai trị chống quân Mông, quân Minh, mở rộng bờ cõi, do đó không ai chê trách họ từng độc quyền cai trị, giành hết quyền, lực, để hoàn thành các sự mệnh, TRÁCH NHIỆM lịch sử cao cả như vậy một cách xuất sắc.
-------------------
Hiện nay, nếu đảng cầm quyền Việt Nam dám chịu TRÁCH NHIỆM chính trị trước nhân dân, chịu mọi sự đả phá và mất quyền cai trị khi sai lầm, khen tặng và được tiếp tục cai trị khi thành công, thì chúng tôi thiết nghĩ cho dù họ có độc quyền chính trị, giành hết các quyền lực chính trị trong một khoảng thời gian nào đó, cũng không hề gì.
Chỉ là, họ đã, đang, và theo chiều hướng hiện nay có lẽ sẽ trốn tránh TRÁCH NHIỆM, tiếp tục che giấu các điều sai trái, thất bại, quan chức tham nhũng, vơ vét của công, cuộc sống nhân dân ngày càng khổ sở, nợ quốc gia ngày càng cao, hạ tầng cơ sở ngày càng suy đồi, tài nguyên quốc gia ngày càng cạn kiệt.
Việc chính phủ hiện nay đang trốn tránh TRÁCH NHỆM mới là vấn đề nghiêm trọng nhất, do đó chúng tôi kêu gọi quốc dân đồng bào suy nghĩ về việc ai, đảng nào, hoặc chỉ có nhân dân, mới có đủ điều kiện để nắm giữ quyền lực và chịu mọi TRÁCH NHIỆM chính trị tại Việt Nam trong tân thiên niên kỷ.
Chúng tôi thiết nghĩ, trong thế giới phức tạp ngày nay, chỉ có nhân dân mới đủ điều kiện nắm giữ QUYỀN LỰC và TRÁCH NHIỆM chính trị. "Quyền lực" thì ai có súng đạn mạnh nhất đều có thể nắm giữ, nhưng "Trách nhiệm" đòi hỏi một sự cộng tác tích cực trong toàn thể nhân dân để các chỉ tiêu, các chính sách, có thể được hoạch định và theo đuổi theo chiều hướng tốt đẹp, thuận lợi nhất cho số đông nhân dân nhất.
Các chính sách như vậy chỉ có thể có được trong một xã hội Dân chủ, nhân dân tự do chọn lãnh đạo nói lên nguyện vọng của đa số người dân, từ đó đa số này mới nhiệt tình ủng hộ, chính sách mới thành công, và TRÁCH NHIỆM chính trị mới được hoàn thành.
Trong một xã hội có ĐỘC QUYỀN chính trị như tại Việt Nam hiện nay, chính phủ có thể có "Quyền lực" do dùng vũ lực đoạt về và giữ chặt, nhưng không thể và không dám chịu TRÁCH NHIỆM cho các hành động của họ.
Lý do là vì các chinh sách do đảng, chính phủ này đưa ra không thể đại diện cho ước vọng của đa số nhân dân, mà chỉ theo ước vọng của đa số giới cầm quyền. Do hai nguồn ước vọng này khác nhau, hầu như luôn luôn các chính sách đưa ra không được đa số nhân dân ủng hộ, thậm chí luôn bị chê bai dè bỉu, do đó thường bị thất bại.
Do trốn tránh TRÁCH NHIỆM chính trị, đảng cầm quyền hiện nay luôn luôn phải dùng nhiều lời tuyên bố dối trá che đậy các thất bại, dùng truyền thông đại chúng trải rộng các lời tuyên bố này, và hơn hết dùng hệ thống an ninh, truyền thông, luật pháp, đè bẹp các người chẳng qua chỉ muốn đảng cầm quyền chịu TRÁCH NHIỆM cho quyền lực và độc quyền cai trị của đảng này mà thôi.
-------------------
Chỉ khi nào một hình thức Dân chủ nào đó được triển khai tại Việt Nam thì nhân dân Việt Nam mới có cơ hội làm chủ lấy mình, từ đó mới hăng say hoạt động phục vụ và phát triển hình thức Dân chủ đó, hình thái chính trị đó, và cùng chịu TRÁCH NHIỆM cho kết quả do nền Dân chủ đó đem lại.
Muốn nâng cao TRÁCH NHIỆM chính trị, các kết quả do nền chính trị đó đem lại, thì không còn cách nào khác ngoài việc tổ chức một hình thức Dân chủ phù hợp cho hoàn cảnh quốc gia, dân tộc Việt Nam.
Trong 100 lá Thư Quốc gia này, chúng tôi đề ra cách thức tổ chức một hình thức Dân chủ qua việc lập một Nền Dân chủ Cộng hòa trong đó các chính phủ được nhân dân tự do bầu chọn qua Phổ thông Đầu phiếu, tóm tắt mọi việc bằng Bản Hiến Pháp thứ 7 cho Việt Nam.
Tất cả các cá nhân, chính phủ được bầu lên dưới Hiến pháp 7 đều phải chịu TRÁCH NHIỆM cho việc làm của họ. Do có tự do ngôn luận, nhân dân tự do suy xét, cố vấn, phân tích, hoặc bài bác tất cả các chính sách quốc gia và địa phương.
Chính trị gia, đảng phái nào đem lại kết quả tốt sẽ được nhân dân khen thưởng, ai hoặc đảng nào làm sai sẽ bị chê bai, trong trường hợp tham nhũng sẽ bị trừng phạt nặng, không thể tránh khỏi do hệ thống Tư pháp hoạt động mạnh mẽ, không thuộc sự kiểm soát của các chính trị gia.
-------------------
"Phổ thông Đầu phiếu", ngay qua rất hay, nhưng điều này cũng hàm nghĩa các cá nhân cử tri, do có quyền tự quyết định chính trị cho toàn quốc và địa phương nơi họ sinh sống, cũng có quyền tham gia vào tiến trình Dân chủ một cách sai lầm.
Sai lầm tại đây có thể chỉ do vô tình, do thiếu học thức, do tin lời chính trị gia bất chính, hoặc do chính các cá nhân đó cố tình làm sai để đạt mục đích cá nhân, bỏ mặc lợi ích tốt nhất cho tổng thể.
Dân chủ, do đó, tại mọi nơi đều bao gồm vô số các sai lầm cá nhân cộng lại, vấn đề là, làm thế nào để lập quyết định tốt nhất cho tổng thể, mặc cho vô số các sai lầm cá nhân trong tổng thể đó?
Đại đa số các chính phủ Dân chủ trên thế giới không thể giải quyết bài toán kể trên. Làm sao cho đáp số đúng trong khi hầu như mọi ẩn số đều sai (mỗi cá nhân có thể hiểu trừu tượng như là một ẩn số cho toàn bài toán xã hội), do tự bản thể mọi cá nhân đều sai hoặc có thể sai?
Chúng tôi xin trả lời: không bao giờ có đáp số đúng, mà chỉ có đáp số gần đúng, càng gần đúng càng tốt. Không nơi nào mà chủ nghĩa tối hảo (perfectionism) không nên được trông đợi như trong các chinh phủ Dân chủ, tại các quyết định họ đưa ra.
Mọi người trong các thể chế Dân chủ phải chấp nhận điều này, đó là các quyết định chính trị SẼ có thể sai lầm, vì quyết định đó do nhiều cá nhân sai lầm trong nền Dân chủ đó bầu chọn ra. Nhưng các sai lầm này có thể được sửa chữa mau chóng trong các quyết định sau đó, nếu các cá nhân sai lầm trong nền Dân chủ nhận ra cái sai và sửa đổi.
Hiến pháp 7 đã suy nghĩ đến điều này, sẽ hạn chế tối đa các "yếu huyệt" của một nền Dân chủ non trẻ qua các phương cách (1) tự do ngôn luận, (2) chính phủ không được thiên vị hoặc làm chủ bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng nào, (3) các cuộc bầu cử xảy ra thường xuyên và thường kỳ.
Do đó, Hiến pháp 7 sẵn sàng chịu TRÁCH NHIỆM trước quốc dân, đồng bào nếu trong một khoảng thời gian ngắn nào đó các chính sách được đề ra và / hoặc thực thi không được tối ưu, không phục vụ cho ước vọng của đa số nhân dân. Hiến pháp 7 có cơ chế tự sửa đổi, qua việc cho quyền nhân dân sửa đổi bằng Trưng cầu Dân ý để Tu chính Hiến pháp.
Tất cả các chính trị gia, chính phủ, được bầu chọn dưới Hiến pháp 7 đều có và phải chịu TRÁCH NHIỆM trước quốc dân, đồng bào theo cùng các phương cách như vậy. Nhân dân Việt Nam có toàn quyền bầu chọn hoặc bác bỏ Hiến pháp 7 cùng tất cả các chính trị gia, các chính phủ về sau, do đó nhân dân Việt Nam nắm toàn quyền quyết định QUYỀN, LỰC, TRÁCH NHIỆM chính trị một khi nhân dân Việt Nam bầu chọn Hiến pháp 7.
-------------------
Tóm lại, Hiến pháp 7 tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân đóng góp một cách tích cực và trực tiếp vào quá trình suy nghĩ và chọn lựa các chính sách tối ưu nhất cho quốc gia và nhân dân, nếu sai có thể sửa lại trong thời gian ngắn nhất.
Chỉ khi nào nhân dân có QUYỀN, LỰC, chính trị và nhân dân chịu TRÁCH NHIỆM cho sự chọn lựa của mình - chứ không phải một đảng nào dùng vũ khí giành quyền lực nhưng trốn tránh trách nhiệm - thì khi đó nhân dân mới nhiệt tình đóng góp vào việc xây dựng một quốc gia Việt Nam trở thành một cường quốc, ngõ hầu đóng góp vào văn hóa, khoa học kỹ thuật trong vùng và trên thế giới trong vài mươi năm sau.
- Nhân dân Việt Nam