Tuesday, November 20, 2012

Cuộc đời lưu lạc của một đứa con lai đen

Ở Little Saigon, gặp một ông Mỹ đen nói tiếng Việt đã là chuyện lạ, lạ hơn là ông lại nói rặt giọng “Bắc kỳ 75”. Chuyện lạ thứ nhất còn hiểu được, vì đây là một người Mỹ lai trong chiến tranh Việt Nam, nhưng chuyện lạ thứ hai, phải được giải thích bằng cuộc đời lưu lạc của Dương Ðình Thắng, từ Saigon trôi giạt ra Hải Phòng năm 10 tuổi, và cuối cùng đến Mỹ, quê cha.

Dương Ðình Thắng những năm mới đến Mỹ. (Hình: Dương Ðình Thắng cung cấp)
Thắng chỉ biết mình chào đời năm 1968, lúc bắt đầu có trí khôn, biết mình tạm trú tại nhà thờ Ngọc Ðồng, Biên Hòa, suốt ngày lang thang ngoài chợ, bến xe kiếm ăn theo một lũ nhóc trạc tuổi mình, toàn là dân mồ côi, con lai, sinh sản trong chiến tranh, đen có trắng có, không biết cha mẹ là ai. Một buổi chiều đầu tháng 5 năm 1975 khi cả bọn bụi đời trở về chỗ ngủ thì thấy nhà thờ đã cửa đóng then gài, thế là cuộc đời vất vưởng, bơ vơ, ăn đường ngủ chợ của thằng Cu Ðen mới lên bảy tuổi bắt đầu.
Sau tháng 4 năm 1975, ở Biên Hòa có một số người dân kiếm sống bằng cách đi tháo dây kẽm gai tại các đồn trại cũ, thuê người lấy đầu vỏ đạn gỡ mắt gai, chừa lại phần thép đem bán. Thắng tuy nhỏ nhưng cũng đã tham gia công việc này với một số bạn bè mới có đủ cơm ăn, tối lại lang thang ra ngủ ở vườn hoa. Chán việc, năm 9 tuổi Thắng lại theo bạn bè về Saigon, sống bám vào khu chợ Bến Thành, bữa đói bữa no. Thường quanh quẩn ở chỗ bán cơm trong lồng chợ kiếm ăn, anh được một bà chủ hàng cơm cho ăn uống đầy đủ, bù lại phải làm việc vặt, rửa chén bát, lau chùi bàn ăn mỗi ngày. Chỗ ngủ là hè phố, mái chợ hay vườn hoa.
Sinh ra ở phương Nam, trưởng thành trên đất Bắc.
Số phận đưa đẩy cho đến một ngày nọ, Thắng được một thiếu phụ người Hải Phòng, thường buôn các loại thuốc Bắc vào Nam, thấy thằng bé tuy đen đủi nhưng có sức khỏe, thông minh, nhặm lẹ, nên ngỏ ý muốn đem thằng nhỏ ra Bắc nuôi. Từ lâu sống cuộc đời mồ côi, không nơi nương tựa, nay thấy có người hứa hẹn cho mình một mái ấm gia đình, khỏi lo chuyện chạy kiếm miếng ăn hằng ngày, Thắng vui vẻ nhận lời từ giã bà chủ hàng cơm ra đi.
Ðược ăn uống đầy đủ, áo quần tươm tất, lần đầu tiên được gọi một người đàn bà bằng “Mẹ,” một buổi tối Mùa Ðông năm 1979, Thắng phấn khởi leo lên chuyến tàu, bỏ cái thành phố vừa mới đổi tên, đi xa, với hy vọng một chân trời đang mở rộng trước mắt.
Lâu nay tuy không một mái nhà, nhưng Thắng chỉ quanh quẩn ở chốn thành thị đông người, có phố xá, nước máy, đèn điện, nên khá thất vọng khi được đưa về nhà bà mẹ nuôi ở Tràng Duệ, một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.


Vui nghề, yêu đời với công việc đẩy xe trong khu chợ Saigon City Supermarket. (Hình: Huy Phương/Người Việt)
Mấy hôm sau, là bà Dương Thị Hà, người mẹ nuôi, đi làm giấy hộ tịch cho đứa con lai đen mới đem trong Nam về, mang cái tên mới là Dương Ðình Thắng. Ðây là lần đầu tiên thằng bé bụi đời có một cái tên chững chạc, thay vì lâu nay nó chỉ được gọi là Cu Ðen.
Tưởng là được cắp sách đến trường, thì Thắng được giao việc chăn trâu, cuốc đất, giúp việc đồng áng cho ông bố nuôi, vì gia đình này chỉ có ba cô con gái tay yếu chân mềm.
Thằng bé có sức khỏe, chẳng hề đau ốm, lại chịu khó, hầu như cam phận cuộc sống của con nhà nông, vất vả thức khuya dậy sớm, nhưng khổ nỗi, mỗi lúc uống rượu say khướt, ông bố nuôi lại đánh đập, chửi rủa, hành hạ không hề thương xót đứa con nuôi lạc loài.
Sau một lần lãnh đòn vọt, đau đớn và chán nản, trong khi bà mẹ nuôi đi Nam chưa về, Thắng quyết định bỏ nhà, nhảy xe khách, ra cảng Hải Phòng, nơi đất lạ không hề quen biết một ai, không có đồng xu dính túi, trở lại cuộc đời lang bạt, không nhà. Ðó là năm 1980, khi thằng bé lai đen chỉ mới 12 tuổi.
Hải Phòng là đất cảng, chỗ bến tàu, dung nạp dân tứ xứ, bụi đời, dân anh chị, trộm cắp, giựt giọc, dâm chém, cũng là nơi đất sống, tụ tập của những kẻ không nhà. Thắng làm đủ nghề từ bán vé số cho đến đứng bến, lang thang ở bến xe, theo các đàn anh hảo hán, khuân vác cho khách để kiếm tiền, ai mà không kiêng nể. Năm 15 tuổi, Thắng đã có sức lực, có thể theo đám thợ đi rừng đi chặt cây, xẻ gỗ, xuôi sông Hồng về cầu Long Biên. Ðây là thời gian tương đối no đủ, phong lưu.
Không ở một chỗ nào yên, làm một chỗ nào lâu dài, hai năm sau, Thắng lại theo đám bạn bè lên Quán Triều, Thái Nguyên đi đãi vàng. Tại bãi vàng này, ai cũng nể đám anh chị nổi tiếng Hải Phòng, nên nhường nhịn để yên thân vì sợ bị trả thù, đánh sập chân trụ hầm. Thắng biết đây là thời gian ăn nên làm ra nhất trong cuộc đời lang bạt, có tiền để mua xe máy năm bảy nghìn đô, đền ơn bà mẹ nuôi bằng cách giúp tiền mua đất xây nhà gạch.
Về lại Hải Phòng, Thắng là người gan dạ, có tiếng trong giới anh chị, kiếm tiền một cách dễ dàng.
Quên hết quá khứ để làm lại cuộc đời.
Năm 2000, sau vụ “đàn chị” Dung Hà bị đàn em Năm Cam ở Saigon bắn chết ở Saigon gây chấn động đất cảng, công an Hải Phòng bắt đầu để ý đến những hoạt động của đường phố và truy quét dân bụi đời. Thắng tìm cách trở lại Saigon, nghĩ là mình sẽ ở tạm một thời gian và sẽ trở lại đất Bắc.
Tuy chậm, năm 2000 chương trình nhân đạo dành cho những đứa con lai Mỹ được định cư tại quê cha vẫn còn, cuối cùng, mặc dù đã 32 tuổi, chán những cảnh đời lang bạt, Thắng quyết định “ghép hộ” với một gia đình ở Biên Hòa để ra đi, làm lại cuộc đời.
Ðến Chicago, mạnh ai đường nấy, Thắng một thân một mình ở Mỹ, làm đủ mọi nghề, nhiều nhất là nghề xây cất, để được sống một cuộc sống an bình, thanh thản, không lo sợ. Từ Chicgo, Thắng đi Florida rồi về Texas đi làm công nhân cho tàu đi biển đánh tôm hai năm.
Chọn nơi đông người Việt dễ dàng cho cuộc sống, Dương Ðình Thắng về vùng Little Saigon, lúc đầu đi làm xây cất, những năm sau này anh nhận việc đi thu xe đẩy hàng của một khu chợ Việt. Công việc của anh hiện nay tương đối dễ dàng, không phải dùng nhiều sức lực, thường gặp bà con người Việt, chuyện trò nên không cảm thấy cô đơn.
Lúc đầu anh cũng tưởng chỉ sống tạm ở Mỹ vài năm rồi trở lại Hải Phòng, vì anh còn nhà cửa và bà nẹ nuôi năm xưa ở đó, nhưng dần dà anh cảm thấy yêu mến nước Mỹ, nhận ra đây là một đất nước văn minh, lịch sự mà con người có thể sống tự do, yên ổn và hạnh phúc. Nước Mỹ là một xứ sở có luật pháp không thể sống ngang ngược, ngoài pháp luật.
Dù nhận một công việc tầm thường nhưng nhân phẩm con người ở đây được tôn trọng, đời sống được bảo đảm.
Thắng cho biết được chủ chợ thương quý, bà con gặp gỡ vui vẻ, nên dù sống cuộc đời độc thân, anh cũng không lúc nào cảm thấy buồn.
Hiện nay, Dương Ðình Thắng share phòng, nhà gần, nên có thể đi bộ đến chỗ làm. Tuy làn da đen đủi, nhưng Thắng là người hiền lành vui tính, ai mới gặp qua cũng có cảm tình. Anh không hề bi quan, tâm sự với chúng tôi, nếu kiếm được người vợ tốt thì tương lai có thể mua nhà để chung sống. Ngôi nhà ở Hải Phòng đang được giá mà bà mẹ nuôi thì trung hậu, chơn chất, vẫn coi giữ tài sản cho anh.

No comments:

Post a Comment