Tuesday, November 27, 2012

Cụ bà 80 tuổi nhặt rác, sống gầm cầu

Mất chồng, mất con
Bà Vân năm nay đã ngoài 80, bà có một căn nhà nhỏ ven đê Bát Tràng, tuy nhiên, đã nhiều năm nay, bà không sống cố định ở đó. Thời còn trẻ, bà thường đạp xe hơn chục cây số lên Hà Nội buôn bán, cứ sáng đi, chiều về nhà với con thơ.

Bà có ba người con, một trai hai gái. “Năm đó nó mới lên 5 tuổi, đi làm về thấy con sốt, tôi lên trạm xá gọi người xuống giúp, nhưng sau khi người ta tiêm thuốc xong thì nó qua đời” – Bà Vân nghẹn ngào kể lại.

Nỗi đau mất đi đứa con đầu khiến bà suy sụp nhiều, “thằng con cả mất sớm quá, nếu còn sống thì bây giờ cũng gần 60 tuổi rồi” – bà tâm sự.

Bà Vân – ngoài 80 tuổi, sống gầm cầu Chương Dương

Cụ ông mất cách đây 17 năm, do tuổi già sức yếu. Hai đứa con gái đều đi lấy chồng, còn một mình bà sống trong căn nhà nhỏ hẹp. Nghĩ đến cảnh neo đơn, bà bỏ nhà lên Hà Nội lang thang. Cả hai cô con gái đều lấy chồng có nhà cửa đàng hoàng, nhưng cũng sống phụ thuộc nhiều vào gia đình nhà chồng nên không chăm sóc được cho mẹ nhiều. “Lấy chồng còn phải lo cho cuộc sống bên nhà chồng, tôi tự lo thân được, đâu sống nhờ vả con cái mãi được” – bà chia sẻ.

Chồng mất, con trai mất, con gái đi lấy chồng, chỉ còn lại một mình bà Vân với căn nhà và mảnh ruộng nhỏ. Tuổi già, sức yếu không thể “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” được nữa, bà mới phải cam tâm bỏ nhà, bỏ cửa lên Hà Nội mưu sinh, kiếm sống qua ngày.

Sống gầm cầu, nhặt rác nuôi thân

Chiều Hà Nội, đường phố đông đúc, cụ bà dáng hình nhỏ nhé, quấn khăn, đội nón trên đầu, tay cầm một chiếc túi nilon rộng và bắt đầu công việc của mình. Cụ lang thang khắp các phố phường, nhặt nhạnh vỏ chai ở quán xá hoặc thùng rác…khi nào mệt, cụ lại về chân cầu Chương Dương ngồi nghỉ và phân loại “rác” để đem bán. Ngày nhiều nhất cũng chỉ được 70 nghìn, chưa tính tiền ăn. Cụ bảo : “Làm nghề này nhọc lắm, ăn bát cháo thì rẻ nhưng mau đói, đi được một lúc là mệt. Phải ăn cơm chắc dạ mới có sức mà đi”. Ngày 2 bữa cơm cũng vào 30, 40 nghìn, số tiền dành dụm được chẳng đáng là bao.

Mưu sinh khắp phố phường

Dường như cụ đã quen với công việc này, sau một ngày làm việc mệt mỏi, cụ về chân cầu Chương Dương ngủ qua đêm, điều đó không còn xa lạ gì với những người dân quanh đây. Anh thợ sửa chìa khóa ở gần đó cho biết: “Cụ ấy một ngày phải đi 2, 3 lượt như vậy, già nhưng vẫn khỏe lắm, cụ cũng vui tính, thi thoảng vẫn nói chuyện suốt mà”. Hà Nội những ngày bắt đầu trở lạnh, xung quanh chỗ cụ nằm chỉ là những bao rác, lạnh lẽo và cô đơn.

“Cụ hình như có nhà, cũng không phải là con cái bỏ mặc mà tính cụ như vậy, không muốn phụ thuộc con cháu” – anh Đoàn – cũng làm nghề nhặt rác cho biết. Cụ chỉ về nhà những lúc ốm đau, bệnh tật, “về nghỉ mấy hôm có sức tôi lại ra ngoài này làm, chứ ở nhà biết làm gì?” – cụ nói.

Cả gia tài của cụ chẳng có gì ngoài mấy bao rác, manh chiếu với ít quần áo. Giờ nghỉ trưa và tầm chiều tối, cụ hay vào khu chợ Long Biên mua cơm. Tối đến, cụ xếp những bao rác xung quanh như tổ ấm để che mưa hắt, chắn gió lùa. Giấc ngủ không trọn vẹn trong tiếng tàu xe inh ỏi của phố phường Hà Nội. Đêm đêm, những thanh niên nghịch ngợm đi xe gầm rú, vặn ga phi qua lại đánh thức giấc ngủ mê man. Đấy là còn chưa kể những hôm mưa phùn, gió bấc … Thế nhưng cụ bảo: “Sống như vậy cũng quen rồi, khổ một chút vẫn chịu được, không ai động đến mình là được”.
Góc phơi quần áo của  dưới gầm cầu

Cô đơn giữa lòng Hà Nội

“Con cái không cho được thì đành chịu, không thể đòi hỏi được, con gái đi lấy chồng, có cuộc sống ổn định là mừng rồi” – cụ chia sẻ.

Trong bóng tối dưới chân cầu Chương Dương, cụ ngồi phân loại túi nilon, bìa cứng, chai lọ…ra thành từng loại, vừa làm cụ vừa lẩm bẩm “phải tự lo thân thôi”. Người phụ nữ bán bánh đi qua hỏi to: “cụ hôm nay có ăn bánh không?, còn 1 đĩa, con bán rẻ”, cụ ngước lên, tay cầm hộp cơm, cười nói: “không, tôi vừa ăn cơm đây rồi”. Cuộc sống của cụ hàng ngày cứ như vậy trôi qua. Đường phố Hà Nội vẫn ầm ầm, ở góc chân cầu có một mảnh đời bất hạnh.

No comments:

Post a Comment