Điều này liên quan đến năng lực bao gồm cả đạo đức và kỹ năng của cán
bộ lãnh đạo trong hệ thống. Hay nói một cách khác năng lực cán bộ không
phải ở chỗ anh này thạc sĩ (Th) hoặc anh kia tiến sĩ (TS). Và như thế,
những tấm bằng danh giá kia chỉ là nền tảng cơ bản cho anh phát huy
năng lực bản thân và mức độ cống hiến cho xã hội chứ không phải điều
kiện tiên quyết.
Chúng ta phấn đấu quá nhiều cho mục tiêu tiến sĩ ? Cách đây không lâu,
dư luận đã hoài nghi tính khả thi khi Hà Nội công bố “chiến lược cán bộ công chức”
với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền diện
Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ. Theo đó, 100% cán bộ diện UBND TP
quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến
sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học,
trong đó 50% trên đại học.
Chúng ta quan tâm đến bằng cấp nhưng lại không chú ý đến năng lực làm
việc và cống hiến ? Nếu xét bằng cấp, chúng ta thừa, thậm chí “lạm phát”
trong khi kỹ năng điều hành, hiệu quả quản lý và năng lực của cán bộ
lại quá kém. Điều này được xác nhận bởi trong thời gian gần đây, cán bộ,
công chức đua nhau “đi làm” thạc sĩ nhưng trình độ chuyên môn không đạt
yêu cầu, công việc đem lại không xứng tầm với bằng cấp đã vinh danh. Đó
là hậu quả của lối đào tạo khoa bảng, hư danh, không thực chất. Đó cũng
là bệnh thành tích, thích khoe khoang của những người không có lòng tự
trọng.
Chuyện công chức đem USD đi "mua" bằng nhằm bổ sung hồ sơ tổ chức để
được đề bạt chức vụ là một thực trạng đáng được báo động. Nắm bắt được
nhu cầu ngày càng cao về thói sinh bằng cấp, kiểu bổ nhiệm chức vụ căn
cứ vào các danh hiệu "thạc sĩ" hoặc "tiến sĩ", các trường đại học ở Việt
Nam đã ồ ạt liên kết với các trường đại học "quá đát" ở nước ngoài để
đào tạo hàng loạt công chức có bằng cấp kém chất lượng. Kiểu văn bằng
của Đại học Nam Thái Bình Dương (Trường Southern Pacific University -
Bang Delaware) của Hoa Kỳ là một minh chứng. Và có đến 21 trường đại
học hiện có mặt tại Việt Nam không được công nhận bởi các cơ quan kiểm
định giáo dục có thẩm quyền từ Hoa Kỳ.
Có một thời, dư luận và công chúng đã lên tiếng phản đối dữ dội về
những thạc sĩ "mù" tiếng nước ngoài (cụ thể là Anh văn), khả năng đọc và
nói tiếng nước ngoài quá kém cỏi và thua xa các em học sinh các trường
trung học, phổ thông cơ sở. Bởi thế, sau này, Bộ giáo dục mới ban hành
quy định, học viên chỉ được bảo vệ luận văn thạc sĩ khi có đủ các điều
kiện về trình độ ngoại ngữ, cụ thể là chứng chỉ TOEFL ITP 450 điểm, iBT
45 điểm hoặc IELTS 4.5 trở lên hoặc tương đương trong thời hạn 2 năm kể
từ ngày cấp chứng chỉ.
Đến bây giờ, chúng ta vẫn không hiểu nổi, tại sao những công chức Việt
Nam lại cố tìm cách lấy cho được bằng tiến sĩ (hoặc thạc sĩ nước ngoài)
một cách nhanh nhất, ít nghiên cứu nhất, dễ dàng nhất cho dù tốn hàng
chục ngàn USD (có thể là tiền cá nhân, tiền từ doanh nghiệp hoặc ngân
sách Nhà nước) ? Họ có bao giờ cảm thấy hổ thẹn khi đưa tay nhận lấy tấm
bằng chứng nhận về học vấn với một trình độ chưa xứng đáng, không có
công trình gì giúp ích gì cho đất nước, lợi cho quốc dân. Danh hiệu TS,
Ths kiểu như vậy lại dược rêu rao và vinh danh một các vô tội vạ ở các
hội nghị, họ xúm xít vỗ tay tán thưởng trong ảo ảnh, trong hư danh để
rồi đề bạt lên một chức vụ cao hơn nữa.
Mới đây, khi trả lời phỏng vấn của một tờ nhật báo, GS TS Nhà giáo Nhân
dân Hoàng Xuân Sính, nữ tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam (Tiến sĩ
quốc gia Pháp), đã thẳng thắng: "Phải nói thực trạng trên xuất phát từ
bệnh hiếu danh. Hiếu danh đều có trong mỗi con người, song đáng buồn là
cơ chế của ta lại đang "khuyến khích" căn bệnh này. Một khi ông lãnh đạo
quá đề cao chức danh hay học vị, thì cấp dưới của họ sẽ giơ ngay bằng
nọ, bằng kia để được đề bạt, thăng tiến nhanh hơn. Còn nếu người lãnh
đạo cũng coi một anh tiến sĩ và một anh lao động bình thường đều có
những năng lực và đóng góp ngang nhau trên mỗi cương vị, thì tôi nghĩ sẽ
chẳng ai khoe cái danh tiến sĩ, thạc sĩ làm gì ?"
Khi được hỏi về chuyện một số quan chức đi học tiến sĩ chỉ mất có 6
tháng, có bằng tiến sĩ nhưng không biết ngoại ngữ, học thạc sĩ chỉ mất
có 40 ngày, bà Sính tiếp tục: " Thế hệ bọn tôi, chưa kể học tiến sĩ mà
ngay cả học thạc sĩ cũng cực kỳ vất vả và đặc biệt là rất nghiêm túc.
Nhưng càng về sau này, tôi thấy nhiều người học càng ngày càng lười.
Thậm chí có những bài luận văn thạc sĩ của không ít người chính là bài
của tôi. Nhưng nếu không cho họ đỗ thì họ lại kêu khóc rằng sẽ bị cơ
quan sa thải, nên vẫn đành phải cho qua. Một cậu học trò của tôi, tốt
nghiệp khoa Triết của trường Tổng hợp, đã từng tới từ biệt tôi vì không
tìm được việc làm. Sau một thời gian gặp lại thấy khá khẩm hơn và cậu ấy
nói đã sống bằng nghề làm luận văn tiến sĩ, mà toàn tiến sĩ ngành kinh
tế. Cậu ấy bảo: "Không có gì khó, tất cả đều lơ lớ giống nhau, em cũng
đi sao chép từ các luận văn khác, chỉ có điều đổi tên luận án". Cậu ấy
nói rằng, trong những đối tượng thuê làm luận văn có cả tổ chức cơ quan
nhà nước. Một thời gian sau, cậu ấy đã tổ chức cả đường dây làm mỗi tuần
xong một luận án. Thời gian gần đây, tôi có nghe tin cậu ấy đã được mời
làm viện trưởng một viện kinh tế ?
Quy hoạch cán bộ và thi tuyển công chức nên tổ chức kiểm tra và đánh
giá các tiêu chí cần thiết : Chỉ số thông minh IQ (Intelligent quotient)
và chỉ số cảm xúc EQ (Emotional quotient). Việt Nam chúng ta có nhiều
người tài năng thật sự nhưng chưa hề có một văn bằng thạc sĩ (hoặc tiến
sĩ) để khoe khoang với các cơ quan công quyền, vỗ ngực xưng danh với cấp
dưới. Họ đã âm thầm, lặng lẽ cống hiến thật sự cho đất nước, cho dân
tộc: GS Tôn Thất Tùng (bác sĩ), GS Tạ Quang Bửu (cử nhân), GS Trần Đại
Nghĩa (kỹ sư),..
Trình
độ công chức được đánh giá dựa trên bốn năng lực cơ bản: Năng lực tư
duy; năng lực hành động (khả năng tổ chức thực hiện công việc hiệu quả,
hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện thực tiễn phức tạp); năng lực quan
hệ, giao tiếp, thuyết phục, lãnh đạo, làm việc với người khác; năng lực
học tập, tiếp thu, đổi mới, sáng tạo, phát triển.
Bồi dưỡng kiến thức, nâng cao tay nghề cho công chức là một việc làm
cấp thiết hiện nay để duy trì công việc một cách hiệu quả . Tiến sĩ là
nghiên cứu, là công bố những đề tài thật sự ích nước, lợi dân, bước đào
tạo đó được thực hiện trong các viện nghiên cứu, các trường đại học, các
trung tâm giáo dục cao cấp. Cán bộ công chức ở các ban, ngành là người
thực thi công việc một cách cụ thể nhằm phục vụ cho công chúng. Không
thể có một quy trình tuyển dụng cán bộ làm việc rồi lại đào tạo cho họ
đi học tiến sĩ để về để lên lương, đề bạt, làm lãnh đạo. Chưa có nước
nào làm như vậy! Đề cập về vấn đề này, giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học
Waseda - Nhật Bản) cho rằng: "Bằng tiến sĩ không phải nhằm đào tạo nhà
quản lý hoặc lãnh đạo để cho phép Nhà nước cấp kinh phí đi học tại chức
lấy bằng tiến sĩ, bằng tiến sĩ là bước cơ bản nhằm đào tạo đội ngũ khoa
học có trình độ cao để phục vụ giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học".
Lòng tự trọng của con người đã bị đánh mất bởi những ánh hào quang dối
trá của các học vị tiến sĩ “mì ăn liền” và thạc sĩ ‘dỏm”.
No comments:
Post a Comment