ể cấp trên liên lạc chỉ huy trận đánh Quảng Trị năm 1972, ông Hoan kéo căng hai đầu dây cáp đứt rồi lấy răng cắn lại. Khi cuộc gọi dài 5 phút kết thúc, toàn thân ông co rúm lại do bị dòng điện chạy qua.
Trong thời kỳ mưa bom bão đạn, dây thông tin là cầu
nối quan trọng nhất trong việc thống nhất chỉ huy. Nhiều trận đánh, bom
địch làm đứt nhiều đoạn cáp, do không đủ dây nối nên chính chiến sĩ Trần
Duy Hoan (huyện Bình Lục, Hà Nam) đã dùng răng cắn hai đầu dây để nối
liền đường truyền, đảm bảo thông tin được thông suốt truyền lệnh chiến
đấu.
Ông Hoan vẫn khỏe mạnh ở tuổi 72. Ảnh: Văn Định. |
Trong căn nhà nhỏ nằm khép mình giữa vùng thôn quê ở
xã Vũ Bản (Bình Lục) ông Trần Duy Hoan vẫn hằng ngày làm lụng mưu sinh
khi đã ở tuổi 72. Chiến tranh đã qua hơn 3 thập kỷ nhưng những dư âm về
thời bom đạn ác liệt vẫn luôn hiện nguyên trong mắt người lính thông tin
Trần Duy Hoan.
Năm 1968, như bao thanh niên khác, ông vào quân ngũ và
được chuyển lên Trung đoàn Thông tin 134 (nay là Lữ đoàn 134) thuộc
Binh chủng Thông tin. Hồi đó, thông tin liên lạc luôn là mục tiêu hàng
đầu bị địch đánh phá. Do vậy, những người lính như ông Hoan thường xuyên
phải luyện tập khắc phục sự cố đường dây, rèn luyện kỹ thuật rải dây
nhanh qua mọi địa hình, ghim chắc và dò sóng liên lạc vô tuyến điện tốt
nhất.
"Đối với mỗi người lính thông tin, đường dây là ruột
của mình, cột xà là xương còn vũ khí là cuộn dây và cái kìm. Vậy mà
chúng tôi vẫn phá rất nhiều bom mìn của địch trút xuống", người lính năm
xưa nhớ lại.
Sau thời gian ở chiến trường Lào, ông cùng đồng đội
tiếp tục quay sang chiến dịch Quảng Trị. Khi đó, dây điện thông tin chủ
yếu là dây cáp, dây trần và dây bọc, tất cả đều bị bom của quân địch
đánh phá, làm đứt. Muốn khôi phục, chỉ còn cách dùng dây bọc dã chiến để
nối lại, có đoạn chỉ 2 m nhưng tới hơn chục mối nối.
Ông Hoan trong bức hình được chụp đăng báo. Ảnh chụp lại tư liệu. |
Ông kể, những ngày hè bỏng rát tại Quảng Trị năm 1972,
địch đánh phá ác liệt từ Vĩnh Linh vào sông Thạch Hãn nhằm chia cắt
đường thông tin của ta từ Hà Nội vào Nam. Đoạn dây thông tin của tổ 29
do ông làm Tổ trưởng bị đánh ác liệt nhất. Đầu này ta vừa nối xong,
chúng đã ném bom đứt đầu kia. Có đoạn nhiều mối nối quá, hết dây dự
phòng, ông kéo căng hai đầu dây nhưng không tới, trong khi chỉ ít phút
nữa là thông tin cần được nối liền. Ông Hoan đã ghì hai đầu dây cho vào
răng và cắn chặt lại.
"Lúc đó, cấp bách quá mà thông tin mật không được chậm
một phút. Không chần chừ, tôi ghì hai đầu dây lại cắn chặt để nối chứ
không nghĩ là nhờ đó có thể giúp thông tin được đảm bảo trong 5 phút",
ông Hoan nhớ lại và cho hay, kết thúc cuộc gọi cũng là lúc toàn thân ông
co rúm, bất tỉnh và nửa giờ sau mở mắt thì thấy đang nằm trong tay đồng
đội.
"Tôi cũng không nghĩ nhờ hành động đó của mình mà toàn
bộ khẩu lệnh quan trọng của lãnh đạo Bộ được truyền nguyên vẹn đến
chiến trường giảm bao tổn thất cho đồng đội", người cựu binh vui vẻ kể.
Ánh mắt người lính quả cảm năm xưa sáng lên niềm vui bởi hành động mưu
trí, dũng cảm của ông đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng cuối cùng
trong chiến dịch xuân hè năm 1972.
Người lính già chia sẻ thêm, lúc bấy giờ mệnh lệnh
quan trọng, khẩn cấp nếu dùng thông tin vô tuyến sẽ không đảm bảo bí mật
vì có thể bị địch nghe trộm. Hơn nữa lại mất công số hóa bằng mật ngữ
liên lạc, tới nơi thông tin viên lại phải dịch ra cho các đồng chí tư
lệnh nên mất nhiều thời gian. Vì thế, những mệnh lệnh đặc biệt, hỏa tốc
thường được bảo đảm bằng thông tin hữu tuyến. "Đây là trách nhiệm của
mình không thể thoái thác, càng chậm đồng đội mình càng thêm đổ máu.
Chính vì thế, dù khó khăn đến mấy chúng tôi cũng quyết hoàn thành bằng
mọi giá", ông nói.
Chiến dịch 81 ngày đêm kết thúc, ông Hoan được ra Bắc
và thi đỗ vào Học viện Quân sự. Tốt nghiệp, ông giữ chức Đại đội trưởng
thông tin cho mạng lưới thông tin tại Hà Nội, Hà Tây cũ và Vĩnh Phú (nay
là Phú Thọ và Vĩnh Phúc). Năm 1973, ông vinh dự được nhận danh hiệu Anh
hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Giờ đây, khi tuổi đã bước sang 72, người lính già Trần
Duy Hoan vẫn cần mẫn làm lụng, giúp đỡ vợ con và được bà con lối xóm
yêu quý.
No comments:
Post a Comment