Theo nhiều dự báo, với điều kiện lạm phát xuống thấp như hiện nay, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới, với mức dư địa khoảng 2%. Mặc dù còn nhiều tranh cãi, song lãi suất hạ là có cơ sở.
Tại bản Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam được bộ phận nghiên cứu
thuộc ngân hàng ANZ công bố hôm nay (2/8), tổ chức này mặc dù cho rằng
chính sách hiện tại đang đi đúng hướng với kế hoạch tăng trưởng kinh tế
và triển vọng lạm phát giai đoạn 2012-2013 song, những động thái nới
lỏng tiền tệ và hỗ trợ tài khóa có thể vẫn tiếp tục được sử dụng.
Trong khi đó, cũng trong hôm nay, báo cáo của khối nghiên cứu tại
ngân hàng HSBC đi thẳng vào dự báo, với tình hình lạm phát đang chậm lại
sẽ tạo cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm lãi suất thêm
nữa.
Theo dự kiến của ngân hàng này, việc cắt giảm thêm 1% lãi suất tái
chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất huy động sẽ được thông báo
sớm.
Những nhận định này nối tiếp sau một loạt những đánh giá trước đó
về hạ lãi suất của các tổ chức quốc tế khác hồi tuần trước. Cụ thể, theo
JPMorgan Chase, trong 6 tháng cuối năm, cơ quan điều hành chính sách
tiền tệ sẽ hạ lãi suất thêm ít nhất 2%. Standard Chartered cũng dự báo,
lãi suất sẽ giảm tiếp 1% trong quý III.
Trong nước, Công ty chứng khoán Bảo Việt tính toán, lạm phát tính
theo năm đến cuối năm nay nhiều khả năng sẽ chỉ mức từ 5,5-6,5%. Và theo
đó, NHNN sẽ vẫn còn dư địa khoảng 2% cho việc cắt giảm trần lãi suất
huy động trong khi vẫn đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền.
Mới đây, tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tháo gỡ khó
khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TPHCM cuối
tuần vừa rồi, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, nếu CPI năm nay giảm
dưới 7%, lãi suất huy động sẽ có điều kiện tiếp tục giảm xuống dưới 8%
vào cuối năm. Đó cũng là cơ sở để vào 2013, một số khoản cho vay ưu đãi
có thể giảm xuống dưới 10%.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, HSBC cho rằng, việc cắt giảm lãi suất
khó có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động tín dụng bởi các cá
nhân và doanh nghiệp đang không muốn vay thêm các khoản nợ hay khó có
thể tiếp cận vốn vay vì thiếu các tài sản thế chấp đạt chất lượng cao
hoặc đang ở trong tình trạng mắc nợ trầm trọng.
Ngoài ra, theo HSBC, NHNN cũng có thể sẽ sử dụng các biện pháp hành
chính để thuyết phục các ngân hàng cắt giảm lãi suất cho vay.
Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 đã
tiếp tục giảm 0,29% so với tháng 6. Nguyên nhân chủ yếu do giá cả nhiên
liệu và lương thực tiếp tục giảm tốc. Trong khi đó, tốc độ lạm phát của
nhóm hàng phi nhiên liệu, lương thực vẫn đang tăng. Báo cáo của ANZ cho
rằng, tốc độ lạm phát sẽ giảm trong quý III lẫn quý IV và chạm mốc 6-7%
vào cuối năm.
Chỉ số CPI chung liên tục giảm trong nửa đầu năm 2012 (Nguồn: ANZ).
Trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ được tổ chức hôm 31/7, Bộ
trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, theo dự tính
của Chính phủ, lạm phát chung trong tháng 8 này có thể vẫn sẽ tiếp tục
âm (so tháng 7) và cả năm, tỉ lệ lạm phát dự kiến không quá 7% nếu không
có thêm những biến động đáng kể về điều hành chính sách.
Việc đánh giá có nên tiếp tục giảm lãi suất tiếp hay không vẫn đang
còn nhiều tranh cãi. Nhìn chung, khi Chính phủ khẳng định không có thêm
1 gói kích cầu nào cho nền kinh tế đến cuối năm, việc giảm thuế TNDN
mới chỉ cứu được doanh nghiệp sống thì hạ lãi suất vẫn là một trong
những lối thoát được kỳ vọng cho doanh nghiệp ra khỏi khó khăn.
Từng trao đổi với Dân trí,
chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành có nhận định, với mức lãi suất vay
13-14% hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam thì chưa thể đảm bảo được lợi
thế cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực. Cụ thể, chi phí vay
mà các doanh nghiệp đối thủ chỉ phải chịu từ 4-7%, do vậy, lãi suất hợp
lý phải được kéo xuống dưới 10% thì doanh nghiệp Việt Nam mới phát triển
tốt được.
Tuy nhiên, Diễn đàn doanh nghiệp ngày
hôm nay dẫn lời TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh
tế Trung ương lại cho rằng, dư địa để NHNN hạ lãi suất không còn nhiều
do lãi suất cho vay và huy động của các tổ chức tín dụng hiện chênh lệch
không quá cao như con số nhìn thấy.
Đáng lưu ý là trong những báo cáo về kinh tế Việt Nam gần đây của
các tổ chức trong và ngoài nước, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt
Nam vẫn chứa đựng nhiều rủi ro.
Một cách lạc quan, ANZ mặc dù dự đoán tốc độ tăng trưởng trong
những tháng sắp tới sẽ được nâng cao nhưng vẫn quan ngại về những rủi ro
đối với dự báo tăng trưởng 5,5% cho toàn năm 2012.
Những rủi ro này, nhìn chung, bắt nguồn từ những bất lợi của môi
trường phát triển kinh tế toàn cầu cũng như tốc độ mở rộng tín dụng nội
địa chậm hơn dự đoán. Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Hồng, đến 25/7, tín
dụng mới chỉ tăng 0,57%. Điều này gây ra những ảnh hưởng trực tiếp lên
nhóm ngành sản xuất công nghiệp - hoạt động kinh tế chủ chốt của Việt
Nam trong thời gian qua.
Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng GDP của Việt
Nam sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2012, thấp hơn so với mức dự đoán trước
đó là 5,8%.
Để thúc đẩy tăng trưởng ở mức hợp lý (5,5-6%) cho cả năm trong bối
cảnh hiện nay tăng trưởng bình quân GDP nửa đầu năm mới ở mức 4,38% thì 5
tháng còn lại, Chính phủ sẽ phải tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp có
điều kiện giải phóng hàng tồn kho, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Bởi,
chính sự phát triển của doanh nghiệp là tế bào tạo nên GDP của cả nền
kinh tế.
No comments:
Post a Comment