Lâu
nay, ở Việt Nam những người bày tỏ ý kiến về âm mưu chính quyền Trung
Quốc thao túng và chèn ép nước ta là các nhà trí thức, nhà báo, văn nghệ
sĩ và các sinh viên. Bữa qua mới được thấy ý kiến của một người thuộc
giới kinh doanh.
Ðó là ông ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị ngân hàng
Eximbank. Trước đây mạng Quan Làm Báo mới tung tin đồn là ông đang bị
quản thúc, sau vụ bắt Bầu Kiên.
Ðược đài RFI phỏng vấn, ông Lê Hùng Dũng cải chính ông bị bắt, nói
rằng: “Theo nhận định cá nhân tôi thì cái mạng Quan Làm Báo này là của
Trung Quốc. Mà người Trung Quốc - một số người Trung Quốc - thì họ rất
không muốn Việt Nam ổn định.” Ông giải thích thêm “...người ta tung tin
đó ra với mục đích gì? Ðể làm cho Eximbank nói riêng suy yếu, và hệ
thống ngân hàng Việt Nam suy yếu,... Họ muốn đánh một đòn vào trong hệ
thống tiền tệ Việt Nam để tài chính Việt Nam suy yếu, và họ có cơ hội để
họ tiến lên, giống như là họ đang lấn chiếm Hoàng Sa với Trường Sa của
chúng ta!”
Phải hoan nghênh tiếng nói mới, tiếng nói đầu tiên của giới kinh
doanh góp vào làn sóng dư luận những người yêu nước phản đối Cộng sản
Trung Quốc. Chúng ta không biết “nhận định cá nhân” của ông Dũng về
nguồn gốc mạng Quan Làm Báo có đúng hay không; nhiều người đã biết mạng
này có xuất xứ từ Hồng Kông hay Singapore. Dù ông Dũng nói đúng hay sai
thì ông cũng xác định một sự thật là Trung Cộng đang âm mưu phá hoại mọi
thứ ở nước ta, trong đó có hệ thống tài chánh, ngân hàng. Khi nói,
“giống như họ đang lấn chiếm Hoàng Sa với Trường Sa của chúng ta,” ông
Dũng công nhận nước Việt Nam đang bị nước láng giềng đe dọa. Ðây là
tiếng nói của một người thuộc giới quản trị cao cấp về tài chánh, cho
nên có sức mạnh, chứng minh làn sóng chống Trung Cộng trong dư luận phổ
cập mọi lớp người. Ðảng Cộng sản Việt Nam không thể vu cáo cho các người
đi biểu tình chống Trung Quốc là thuộc thành phần cực đoan nữa.
Nhưng không phải Trung Cộng chỉ nhắm phá hoại hệ thống ngân hàng và
tài chánh nước ta. Ðiều mà họ mong đạt được là xóa bỏ tất cả mọi sức đề
kháng của dân Việt. Họ muốn ngăn cấm, dẹp bỏ tất cả những ý kiến bất lợi
cho họ, không cho phép ai được lên tiếng. Vì vậy, mỗi lần có biểu tình
chống Trung Cộng là những người tham dự vẫn bị ngăn cản ngay từ trước
khi họ bước ra khỏi nhà. Những người lễ phép làm đơn xin tổ chức biểu
tình thì đơn xin phép bị coi như tờ giấy lộn. Tóm lại, Cộng sản Trung
Quốc muốn người Việt Nam không được bày tỏ lòng yêu nước, nếu yêu nước
nghĩa là chống âm mưu xâm lấn của của Bắc Kinh.
Nhưng ngay trong nước họ, Cộng sản Trung Quốc cũng không ngăn cản
được các thanh niên khi họ muốn bày tỏ lòng ái quốc, phản đối chính phủ
Nhật Bản về quần đảo Ðiếu Ngư, mà người Nhật đang chiếm đóng, gọi tên là
Senkaku. Ngày hôm qua, có thanh niên Trung Hoa đã định tấn công Ðại Sứ
Nhật Bản Uichiro Niwa, sấn tới xé lá quốc kỳ Nhật Bản trên xe ông đại
sứ. Tình trạng căng thẳng giữa hai nước bắt đầu trong Tháng Tám này vì
một nhóm người Trung Hoa từ Hồng Kông tổ chức lái một chiếc thuyền tới
đảo Senkaku để phản đối ông thị trưởng Tokyo. Ông Shintaro Ishihara đã
đưa kế hoạch mua hòn đảo lớn ở đó cho thành phố, quyền sở hữu hiện thuộc
một tư nhân người Nhật. Ông trù tính đưa một phái đoàn ra thăm “đất”
trước khi hội đồng thành phố chấp nhận việc mua bán. Thực ra các đảo
Ðiếu Ngư nhỏ chưa bằng một khu phố, mà chung quanh cũng chỉ giầu về hải
sản chứ chưa có dấu vết dầu, khí nào cả. Hai nước tranh chấp với nhau
hoàn toàn vì danh dự, thể diện và chủ quyền quốc gia.
Ông Ishihara có thể chỉ đưa ra dự án này với mục đích tranh cử trong
kỳ tới. Nhưng ông đã chọc giận người dân Trung Quốc; với dự tính “thay
đổi quy chế pháp lý” của mảnh đất đang tranh chấp. Hành động của ông
Ishihara cũng chưa khiêu khích dân Trung Quốc bằng việc khánh thành trụ
sở xã Tam Sa của chính quyền Trung Quốc gần đây. Xưa nay, khi hai nước
còn tranh chấp chủ quyền trên một miền đất nào thì các chính phủ liên
can đều không thay đổi tình trạng vùng đất đang tranh chấp, để giữ hòa
bình. Nhóm thanh niên Hồng Kông đã xung phong bày tỏ thái độ, tổ chức
chuyến đi Senkaku, mặc dù biết khi tới đó thì Hải Quân Nhật đã chờ sẵn,
bắt giữ. Trong nhóm thanh niên này có những người ủng hộ cũng như có
người thuộc các tổ chức chính trị chống đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngày
Thứ Hai vừa qua, họ được trả tự do về đến Hồng Kông, và được chính quyền
cùng dân chúng đón tiếp như những anh hùng! Cùng ngày đó, đám thanh
niên này đạt được mục đích của họ: Chính phủ Nhật Bản tuyên bố không
chấp nhận cho thủ đô Tokyo mua hòn đảo!
Trung Cộng không thích hành động của nhóm thanh niên Hồng Kông. Vì
hiện nay họ đang muốn không gây sóng gió nào về ngoại giao, trong lúc cả
đảng lo chuẩn bị đại hội chuyển giao quyền hành cho lớp lãnh tụ mới.
Cộng sản Trung Quốc cũng đang lo theo dõi dân để đối phó với vụ án bà
Cốc Khai Lai, vợ viên bí thư Trùng Khánh, bị lên án tử hình treo về tội
giết người. Dân chúng biết đây không phải là mọt vụ án sát nhân bình
thường, mà đằng sau là cả mạng lưới tham nhũng tranh quyền từ cấp cao
nhất trong đảng đang thối rữa.
Nhưng Trung Cộng không ngăn được đám thanh niên Trung Hoa phẫn nộ
muốn bày tỏ lòng yêu nước. Ngay sau khi Nhật Bản bắt các thanh niên Hồng
Kông, đã có hơn 10 cuộc biểu tình tại các thành phố lớn. Ðây là phong
trào biểu tình chống Nhật lớn nhất kể từ năm 2005. Tại Thẩm Quyến, thành
phố nằm bên cạnh Hồng Kông, người biểu tính đã phá một tiệm ăn Nhật
Bản. Những chiếc xe hơi nhãn Nhật Bản cũng bị tấn công, dù chủ nhân là
người Trung Hoa; trong đó có một chiếc xe của cảnh sát bị lật nghiêng.
Cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra tại Thành Ðô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên,
hàng ngàn người diễn hành qua trung tâm thành phố khiến một cửa hàng
bách hóa lớn của người Nhật phải đóng cửa.
Người Việt Nam cũng phải đòi được quyền bày tỏ lòng yêu nước. Thanh
niên Việt Nam không thể chịu thua kém giới trẻ Trung Hoa trong nước họ.
Người Trung Hoa có quyền phẫn nộ khi Nhật Bản tiếp tục cai quản những
hòn đảo mà đế quốc Nhật mới chiếm lấy từ cuối thế kỷ 19. Họ phải bày tỏ
niềm phẫn uất, nếu không thì nhục nhã. Người Việt Nam cũng có quyền phẫn
nộ khi Cộng sản Trung Quốc thay đổi cả hệ thống hành chánh trên quần
đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc Trường Sa, với việc khánh thành trụ sở
và giới thiệu xã trưởng thị xã Tam Sa. Nếu không, cũng là ngậm câm chịu
sỉ nhục.
Dân Việt Nam đang nhìn rõ mối dã tâm của Cộng sản Trung Quốc tìm cách
lấn áp nước ta về đủ mọi mặt. Ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch Eximbank chỉ
nói lên một sự thật. Ðến lúc những người khác có địa vị quan trọng trong
xã hội Việt Nam cũng phải nói lên sự thật đó. Không thể bắt cả nước
phải ngậm miệng nuốt nhục, chỉ vì đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận chịu
lệ thuộc vào các đồng chí Trung Hoa của họ.
Trong ngày 19 Tháng Tám, khi các sinh viên và thanh niên Trung Hoa
biểu tình khắp nước, một cuộc hội thảo được tổ chức tại Bắc Kinh, để
thảo luận về đảo Ðiếu Ngư. Một diễn giả là Tướng La Viện (Luo Yuan), một
sĩ quan tại chức. Ông tướng này đã đưa ra những biện pháp để phản công
chính quyền Nhật mà chắc không có ông tướng nào ở Việt Nam bây giờ dám
nói tới. La Viện đề nghị hãy đặt mìn chung quanh các hòn đảo Ðiếu Ngư!
Hãy cho Không Quân Trung Quốc dùng các hòn đảo này làm nơi tập thả bom
hay oanh kích!
Những đề nghị của Tướng La Viện chắc không bao giờ được Bắc Kinh thi
hành. Ông La Viện cũng từng có luận điệu diều hâu khi nói đến vùng Biển
Ðông của nước ta. Nhưng vẫn phải công nhận việc ông phản đối chính phủ
Nhật Bản có lý do chính đáng. Nhưng một người quân nhân yêu nước có
quyền nói lên nỗi uất hận khi thấy những hòn đảo của tổ tiên bị nước
ngoài chiếm đoạt. Bao giờ người Việt Nam cũng có quyền bày tỏ lòng yêu
nước như vậy?
No comments:
Post a Comment