Saturday, September 15, 2012

Thêm nhiều nghi vấn xung quanh vụ bắt Dương Chí Dũng

Vụ bắt giữ ông Dương Chí Dũng là một thông tin rúng động nhiều ngày qua. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn không có thêm bất cứ thông tin gì từ bộ CA ngoài sự im lặng bất thường. Trong khi đó, lại xuất hiện một bức ảnh loan truyền trên mạng Internet ghi lại hình ảnh cảnh sát Campuchia bắt giữ Dương Chí Dũng tại nơi ẩn náu ở Phnôm Pênh. Đây là một bức ảnh ghép, giả mạo! Vậy có đúng là Dương Chí Dũng đã bị bắt, và bị bắt tại Campuchia hay không?


*

Sáng ngày 5/09, hàng loạt các trang báo tại Việt Nam đưa tin ông Dương Chí Dũng bị bắt giữ theo lệnh truy nã của Interpol khi đang lẩn trốn tại một nước trong khối ASEAN.
Sau bản tin trên Danlambao về việc chưa có thông tin gì từ Interpol, vài tiếng sau chi tiết nói rằng ông Dũng bị bắt tại nước ngoài theo lệnh truy nã của Interpol và việc "đã bị dẫn độ về VN" đều đã bị các báo tháo gỡ. Thay vào đó là một bản tin giống hệt nhau từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an.

Sự kiện tháo gỡ tin này cũng đã được trang Danlambao phân tích với hình ảnh minh chứng trong bài: Mập mờ tin bắt Dương Chí Dũng?

Cũng trong thời điểm này, trang báo điện tử Năng Lượng Mới của đại tá Nguyễn Như Phong bất ngờ cho đăng tải bản tin khẳng định: Dương Chí Dũng bị bắt giữ tại Campuchia hôm 3/9. Bản tin này cũng chung số phận "chết yểu" ngay sau đó. Dù TBT Nguyễn Như Phong đã âm thầm gỡ bỏ bản tin trên trang nhà Petrotimes.vn, tuy nhiên bạn đọc vẫn có thể đọc lại thông qua trang lưu trữ của Google Cache tại đường link này (LINK)
Đến tối ngày 7/09, đài RFA đăng tải bản tin nói rằng "Campuchia không biết vụ bắt ông Dương Chí Dũng", cùng với lời khẳng định của Phnom Penh "thông tin ông Dương Chí Dũng bị bắt tại Campuchia thiếu cơ sở và không chính xác".
Cũng trong bản tin của phóng viên Quốc Việt, RFA còn đăng tải một hình ảnh lấy nguồn từ trang Koh Santepheap Daily với lời chú thích: Hình ảnh ông Dũng lúc bị bắt được phổ biến tên internet với chú thích như sau: Ông Dương Chí Dũng đã bị bắt giữ tại nơi ẩn náu số 67 đường Oknha Chhun, Thủ đô Phnom Penh, Campuchia, vào ngày 1/9/2012. Trích nguồn: kohsantepheapdaily.com.kh


Theo tìm hiểu, tấm ảnh được cho là hình chụp "ông Dũng lúc bị bắt" từ trang kohsantepheapdaily.com.kh thực chất là một bức ảnh ghép.
Bức ảnh trên đã được trang mạng kohsantepheapdaily.com.kh chỉnh sửa từ một tấm ảnh gốc ghi lại sự kiện nghị sỹ đảng Dân chủ Thái Panich Vikitsreth bị cảnh sát Camphuchia áp giải đến tòa án Phnom Penh hôm 30/12/2010.

Đây là hai sự kiện hoàn toàn không có mối liên hệ nào, bạn đọc có thể vào đường link sau để xem ảnh gốc: http://news.voicetv.co.th/in-english/1421.html:

Ảnh trên: Ảnh ghép của trang mạng Koh Santepheap Daily 'mô tả' cảnh ông Dương Chí Dũng bị bắt tại Campuchia

Ảnh dưới: Ảnh gốc trên VoiceTW nói về  sự kiện nghị sỹ đảng Dân chủ Thái Panich Vikitsreth bị cảnh sát Camphuchia áp giải đến tòa án Phnom Penh hôm 30/12/2010
Như vậy, cho đến thời điểm này, Bộ CA hầu như chưa đưa ra thêm bất cứ tin tức gì về vụ bắt giữ Dương Chí Dũng. Không hình ảnh, không bằng chứng, ngay cả thời điểm và địa điểm bắt giữ Dương Chí Dũng cũng không được xác nhận.
Có đúng là ông Dương Chí Dũng đã bị bắt hay không? Bị bắt ở đâu? "Tại nước ngoài", "một nước trong khối ASEAN", hay cụ thể là tại Campuchia? Rõ ràng, sự im lặng một cách bất thường của Bộ CA cho thấy vụ việc càng lúc có thêm nhiều nghi vấn.
Ngay cả đến thông tin về nơi bắt cũng không được tiết lộ thì dựa vào đâu ông Trần Đại Quang tuyên dương các đồng chí của mình về thành tích bắt Dương Chí Dũng?
Ông Dương Chí Dũng đã ngang nhiên ăn cắp, bỏ túi hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế nhân dân. Mồ hôi, sương máu của 90 triệu người dân Việt Nam đã bị tập đoàn tư bản đỏ tước đoạt. Nhân dân chính là nạn nhân của ông Dương Chí Dũng, ấy vậy mà khi kẻ cướp đã bị tóm, nhân dân vẫn không được cung cấp thêm bất cứ thông tin gì.
Đảng Cộng Sản và Bộ CA thường hay viện dẫn "bí mật quốc gia", hay "đang trong quá trình điều tra" để không cung cấp sự thật cho dân chúng. Thực chất đó chỉ là những mánh khóe để Đảng che đậy thông tin phục vụ cho mục đích đổi chác quyền lực giữa các băng nhóm trong Đảng mà thôi.
Nếu nói rằng vụ Dương Chí Dũng thuộc dạng "thông tin mật", Đảng CS và Bộ CA sẽ nói gì khi chính đại tá Nguyễn Như Phong và bố già Nguyễn Văn Hưởng thông qua báo Năng Lượng Mới (PetroTimes.VN)  đã tiết lộ thông tin Dũng bị bắt tại Campuchia? Liệu Bộ CA của tướng Trần Đại Quang có dám truy tố Nguyễn Như Phong và bố già Hưởng tội làm lộ bí mật điều tra hay không?
Thời gian gần đây, có nhiều lời đồn đoán về việc ông Dương Chí Dũng đã bị thủ tiêu. Cho đến thời điểm này, với tất cả những màn che đậy lấp liếm của Đảng, không chừng khả năng đó lại sắp trở thành sự thật.

Friday, September 14, 2012

Ði chợ cá tươi Newport Beach

Mua cá tươi mới đánh từ biển lên. Nghe thật hấp dẫn! Chúng tôi đã hẹn nhau từ đầu tuần, giờ hẹn, nơi hẹn, xe cộ, chuẩn bị tiền mặt... mọi thứ thay đổi từng ngày, danh sách người đi cũng xoành xoạch thêm vào bớt ra... gọi nhau, hẹn hò ơi ới.
Ai cũng nôn nóng, người đi rồi, kể lại, thú vị muốn đi thêm. Người chưa đi, nôn nao muốn chứng kiến. Có một điều chung là người nào đi rồi cũng muốn đi nữa.
Thật khó tin là ở rất gần Bolsa, chạy xe chỉ 15 phút. Từ khu Phúc Lộc Thọ đến Brookhurst, quẹo phải, chạy miết trên Brookhurst đụng biển, thì quẹo trái, chạy dọc theo bờ biển (Pacific Highway), gặp đường Balboa quẹo phải, chạy khoảng 500 mét, bên phải... lại có một chợ cá tươi roi rói tấp nập người mua kẻ bán.
Gọi là “chợ cá” cho nó sang, chứ thật ra chỉ khoảng 4, 5 sạp bán, có hôm nhiều hơn nhưng thường không quá 7 sạp. Chợ chỉ nhóm vào hai ngày cuối tuần, Thứ Bảy và Chủ Nhật, thảng hoặc những hôm đánh được nhiều tôm cá họ nhóm thêm ngày Thứ Sáu, nhưng dứt khoát ngày Thứ Sáu thì không có... cua, một chủ sạp cho biết. Mà cua là món rẻ và ngon nhất.
Cua đá giá chỉ $2 một pound. King crab, cua nhện trắng, cua nhện đen giá $3/pound... quá rẻ! Tha hồ lựa, cua đực (yếm nhỏ) thịt chắc, thịt dính chặt vào vỏ. Cua cái (yếm lớn) thịt không chắc bằng nhưng bù lại đầy gạch son, béo ngậy. Cua nhện trông dáng gai góc thấy sợ nhưng thật ra vỏ rất mỏng, mỏng như giấy, có thể lấy tay xé vỏ để lấy thịt, thịt ngon hơn cua đá. Ông bà mình nói cua sáng trăng “ốp” (ít thịt) nhưng cua ở Seal Beach, dù là trăng rằm thịt vẫn chắc như thường. Cua nướng, rang muối, lóc thịt xào miến, nấu bánh canh... hay đơn giản là hấp lên chấm muối tiêu chanh. Tuyệt!
Với tôm thì chợ này hầu như chỉ bán loại Sweet Shrimp. $15 một pound khoảng 4, 5 con. Nhưng đó không phải là giá mắc, bởi tôm nhảy tong tong. Mua về có thể lấy đầu rang muối, phần mình kho tàu. Cũng có thể nướng nguyên con, hay ướp đá ăn kiểu Sushi.
Còn cá thì ở đây bán nhiều loại cá tùy theo con nước, tùy theo mùa. Nhưng nhiều và thường xuyên là ba loại: Cá lưỡi trâu $2/lb, cá Sea Trout $5/lb, và cá mú hồng mắt lồi $10/lb. Cá Sea Trout, mình đen da láng, trông không bắt mắt, nhưng chớ thấy mặt mà bắt hình dong. Cá ngon vô cùng thịt rất béo, đầu cá toàn sụn giòn rụm. Mua về đầu đuôi nấu canh măng chua, mình kho tộ hay chiên chấm nước mắm gừng. Cá lưỡi trâu lăn bột chiên giòn, Cá mú hồng chưng tương thì hết sẩy.
Cá mua xong có thể nhờ họ làm sạch, cắt khúc, dày mỏng tùy thích, nếu muốn phi lê, họ cũng giúp mình rất tận tình, cá làm xong bỏ vào bao rất chu đáo.
Chợ cá mở cửa lúc 6 giờ sáng, nhưng nếu các bạn đến đúng 6 giờ e rằng không còn gì để mua. Vì người mua cá đã sắp hàng từ 5 giờ sáng. Parking free cho đến 8 giờ sáng

Mùa Thu ở làng chài Gò Nổi - Thu Bồn


Nhắc đến sông Thu Bồn, có lẽ không cần phải nói cho nhiều, bởi nó đã đi vào thơ ca không ít, và, địa danh Gò Nổi - đất học của Ngũ Phụng Tề Phi, của Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Phan Quang... cũng không mấy xa lạ với độc giả.
Hạnh phúc giản dị của dân chài, chồng chèo thuyền, vợ bủa lưới, giăng câu... (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
Nhưng, nói về làng chài vào mùa Thu ở một khúc sông vắng, trên dải đất vắt ngang dòng Thu Bồn, câu chuyện đã xoay sang hướng khác, đầy thân phận và nỗi niềm.

Ðức hiếu sanh

Dường như đời sống của người dân làng chài, mọi thứ đều rất khác biệt với người dân trên bờ cách họ chưa đầy trăm mét. Khái niệm thời gian ở đây cũng đông cứng, đóng băng, một ngày dài được định nghĩa bằng một chuyến chèo ghe ra sông và quay ghe trở về, một năm dài được nhắc nhớ bởi bốn mùa từ Xuân sang Ðông, trong đó có hai mùa ngồi bó gối.
Ông Nhạc, dân chài lâu năm ở đây cho biết: “Dân nghề ở đây ít có ai ăn học tới nơi tới chốn, cao nhất chừng hết cấp trung học, có nhiều đứa học lớp ba, lớp bốn là nghỉ, có vợ, có chồng, sinh con đẻ cái, rồi lại vác lưới ra sông.”
“Mùa thì ở đây mùa nào cũng là mùa làm ăn cả. Nhưng có vẻ như mùa Xuân là đói nhất, vì mùa này con nước trong veo, khó mà bủa lưới, còn mùa Ðông thì lạnh căm, nhưng là mùa kiếm cơm. Mùa Hè và mùa Thu thì ngồi bó gối.”
“Thật ra, hai mùa này vẫn kiếm được cá như các mùa kia, nhưng theo lệ của tổ tiên làng nghề ở đây thì mùa Hè là mùa giao phối, mùa Thu là mùa cá bắt đầu đẻ trứng, làng nghề kiêng đánh cá hai mùa này, ăn của trời thì phải biết giữ của trời, không thể hốt trọi cả bốn mùa.”
Anh Tuấn, thanh niên của làng chài cho biết thêm: “Ở đây nghèo lắm, vì quanh năm bám ghe, bám sông, ngày nào trúng mẻ cá lớn thì cả gia đình kiếm được ngót nghét một trăm ngàn đồng, thường thì vài ba chục ngàn đồng, ruộng không có, đất không có, nên chỉ sống với ngần ấy tiền, khó lắm, ăn còn không đủ, lấy chi mà học hành!”
“Một phần vì yêu nghề, một phần vì không có bằng cấp, nên chẳng có cơ hội chuyển sang nghề khác, hết đời cha đến đời con cứ bám ghe, bám sông mà đắp đổi qua ngày. Thường, trẻ nít ở đây rất thích mùa Thu, vì mùa này cha mẹ hay ở nhà chơi với tụi nó, dán đầu lân, làm ông địa cho tụi nó...”
“Bánh Trung Thu là một thứ gì đó rất xa lạ đối với trẻ nít ở đây, vì cha mẹ, ông bà của tụi nó cho đến giờ còn chưa biết, nhiều khi cũng muốn mua cho con cháu mình ăn để biết, nhưng một cái bánh Trung Thu có khi bằng ba bốn ngày làm, thôi thì nhịn vậy!”
Chị Thuận, người phụ nữ bám nghề từ tấm bé của làng chài, kể: “Nhiều bữa, bơi ghe đi dạo, thấy cá nhiều lắm, nhưng nghiệt nỗi đang là mùa chúng đẻ trứng, nên không nỡ buông lưới, vậy là bơi ghe dòm cho đỡ thèm rồi quay về!”
“Từ nhỏ, cha tôi đã dạy, mình là người không may mắn, ít ăn học, nhưng mình phải giữ đạo làm người, phải có đức hiếu sanh, mình làm nghề chài lưới là sát sanh, vì sinh nhai nên đành chịu. Nhưng dù gì thì phải biết mùa của vạn vật yêu nhau và mùa sinh sôi của chúng, phải tôn trọng mùa này.”
Những con thuyền tạm nghỉ trong mùa cá sinh nở. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
“Chính vì vậy mà dân chài xóm mình không ai nói ai, dường như từ trong máu huyết đã có đức hiếu sanh do cha mẹ truyền dạy, không ai sát ngư vào mùa Hè và mùa Thu. Mà cũng chính vì vậy mà mình khó khăn, nhưng đành chịu!”

“Làng nghề” bất hợp lý

Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam nhắc nhiều về chuyện các làng nghề, phục dựng làng nghề... Nhưng nếu nhìn kỹ một chút, dường như mọi hoạt động “phục dựng” làng nghề đều mang tính hình thức, qua loa và bất hợp lý.
Thường thì cứ làng nghề nào được tổ chức rình rang, có bàn tay của cơ quan văn hóa địa phương nhúng vào, liền sau đó là đóng cửa, không tiêu thụ được mặt hàng hoặc có những tranh chấp nội bộ về ăn chia không đồng đều, hoặc có sự toa rập của đầu nậu với cán bộ ngân hàng, người cần vốn thì không được vay, người không làm nghề lại vay vốn để thao túng làng nghề...
Dường như có hàng trăm thứ bất ổn trong vấn đề tổ chức phục dựng làng nghề của các cơ quan văn hóa nhà nước. Làng chài Gò Nổi - Thu Bồn cũng không tránh khỏi tình trạng này.
Ông Tuấn, một ngư dân lâu năm của làng chài, cho biết: “Cũng có nghe nói nhà nước tổ chức phục dựng làng nghề, anh em ở đây cũng thử liên hệ để coi thử có được chi không. Nhưng rồi thất vọng.”
“Những điều kiện họ đưa ra như là không đánh bắt bằng chất nổ, không dùng lưới có kích cỡ nhỏ để đánh bắt nhằm giữ những con cá nhỏ sống sót, không được dùng bình điện... Thì mấy cái đó mình đã đáp ứng từ rất lâu, không cần họ nhắc mình cũng đã làm thế. Nhưng mà thủ tục rắc rối quá, mình ít học, nghe họ nói một hồi, mình thấy mệt, thôi nghỉ luôn.”
“Thật ra, cái chính để tạo ra làng nghề là phải làm sao cho làng nghề đó ổn định hơn, văn minh hơn và sống có văn hóa hơn, ví dụ như họ ưu tiên cho con em mình đi học miễn phí, cho mình vay vốn lãi suất thấp để mua dụng cụ tốt hơn chẳng hạn. Nhưng họ chẳng giúp mình được chuyện này.”
“Nếu tổ chức một làng nghề để lâu lâu họ về quay phim, rồi cúng bái lung tung cũng để quay phim, làm du lịch gì gì đó, e rằng không hợp với làng chài ở đây. Vì chúng tôi không thích thế, chúng tôi muốn được bình yên, cuộc sống tốt hơn, con cái có cơ hội đổi đời...”
Lời bộc bạch của ông Tuấn trong lúc ông đang cặm cụi đan lưới vô hình trung ám gợi chúng tôi hình ảnh nào đó rất xa xưa về những con người sống gần gũi thiên nhiên, bỏ mặc mọi thị phi cuộc đời, hòa nhập với đất trời, sông nước.
Những mắt lưới buộc chặt cuộc đời với sông nước mênh mông. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
Nhưng, cũng chính cái quan niệm đời sống giản dị của ông và những người dân chài hàng xóm của ông lại chạm đến những trắc ẩn khác về thân phận con người trong xã hội mà ở đó, họ có khoảng cách rất gần với đời sống hiện đại nhưng lại cam chịu, chấp nhận một kiểu sinh hoạt rất ư lạc hậu, thiếu thốn và thiệt thòi trăm bề. Lỗi này do ai?
Mùa Thu đang về, cách xóm chài không xa, những cửa hàng bánh Trung Thu đỏ vàng, xanh, rực ngũ sắc, những đứa bé xóm chài vẫn cùng với một Trung Thu vài con đom đóm bỏ vào vỏ trứng, vài chén chè của cha mẹ nấu cúng Rằm... Một tuổi thơ thiệt thòi bởi nghèo khó!

Cá độ chính trị

Những năm về trước khi nói hay đề cập đến chế độ được xem như phạm tội chống đảng, rồi lại lạm dụng thêm sang tội chống nhà nước, được liệt kê vào tội phạm “húy” những từ nhạy cảm. Câu chuyện Nguyễn Tấn Dũng bị bắt đã thông tin nhanh và lan rộng trong miền quê chúng tôi trong mấy ngày qua. Những ai theo dõi và quan tâm chính trị chắc hẳn sẽ biết rõ, trong hơn một tuần qua, cư dân mạng đang bàn tán xôn xao Dương Chí Dũng, đàn em của Thủ tướng bị bắt, chuyện Bầu Kiên, và mấy bố già bị tóm... Nhưng đó là đối với cư dân mạng, còn đối với dân quê tôi thì...

Dân quê tôi vốn dốt chữ ít học thì những chuyện này đến tai họ quả là khó bằng lên trời, vì những thông tin này chỉ mang tính chất bề mặt được các báo đài lề đảng thông tin, chứ mấy ai tìm hiểu rõ ngọn nguồn thực hư thế nào. Những chuyện, Ai bắt Dương Chí Dũng, Chí Dũng thuộc phe nào? Bầu Kiên bị ngồi tù ảnh hưởng như thế nào?... quả thật những mối bận tâm đó chỉ dành cho người quan tâm đến chính trị và vận mệnh của đất nước. 
Nhưng phải chăng những người dân nơi quê tôi thì khác chăng? 
Vào một buổi sáng cách đây vài hôm, bỗng có đông người tập trung đến nhà tôi để “bàn chuyện chính trị”. Thực hư đúng là cười ra nước mắt! 
Mọi người đều tập trung vào phòng làm việc của tôi, và một ông trạc 55 tuổi nói to: “Nhờ anh mở mạng tin Nguyễn Tấn Dũng bị bắt cho bà con coi!” 
Tôi nói: Nguyễn Tấn Dũng nào bị bắt? 
Thì ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứ còn ai nữa! Mọi người đều nói to như vậy. Lúc đó tôi còn đang ngồi đọc tin trên máy tính ở “mấy trang phản động”, nghe mọi người nói vậy liền giải thích cho họ và nói luôn: Làm gì có chuyện ấy! 
Nhưng người đàn ông trạc chừng 55 tuổi đó khẳng định 100% đã nhìn thấy ảnh ông Dũng bị bắt, còn nói gặng thêm rằng: “thấy rõ ràng 2 thằng công an mặc áo xanh đứng 2 bên, còn Nguyễn Tấn Dũng bị còng số 8”. Quái thật! Chẳng lẽ ông Dũng vừa bị bắt lúc tối thật! Tôi lại hí hoáy vào các “trang phản động” lần nữa nhưng vẫn mấy tin lố nhố về vụ Bầu Kiên, Dương Chí Dũng,… Tôi định thần rồi tìm mấy chứng cứ là Nguyễn Tấn Dụng vừa mới tổ chức cuộc họp với bộ thông tin, để bắt mấy trang “blog phản động” Danlambao, Quanlambao, Biendong đã đưa tin chống đảng, lật đổ chính quyền,… Rồi nói thêm, “Bà con yên tâm! nếu Nguyễn Tấn Dũng bị bắt chắc bây giờ chúng ta không bình yên thế này đâu!”. 
Phần đông bà con đều chấp nhận về cách giải thích và những chứng cứ của tôi đưa ra việc ông Tấn Dũng còn đang bay nhảy, riêng người đàn ông trạc 55 tuổi vẫn khẳng định là đã nhìn ảnh ông Dũng đã bị bắt. Và con nói thêm là tôi đang giấu thông tin không cho bà con biết. Rồi nói cho số điện thoại của bộ để điện ra hỏi trực tiếp!? Chuyện nghiêm trọng thật! Chẳng lẽ ông ta nghĩ tôi bảo vệ cho cái chính quyền này chắc?! 
Để thỏa mãn ý của ông, tôi vào trang google tìm ảnh của ông Dũng bị bắt. Té ra là có thật bà con ạ! Sau mấy từ khóa không có ảnh nào như yêu cầu. Tôi đánh từ khóa: “Nguyen Tan Dung bi bat”. Không ngờ có thật! Tôi cũng ngạc nhiện nhưng không ngớt nghi ngờ. Với từ khóa này, bức ảnh ông Dũng bị còng tay và đứng hai bên là hai chú công an mặc áo xanh, như người đàn ông đó nói. Bà con vỗ tay hoan hô!... Thế là Nguyễn Tấn Dũng bị bắt thật! 
Đến đây, tôi thấy rõ nỗi vui mừng của ông khi tìm ra được bức ảnh. Người đàn ông trạc 55 tuổi đó liền nói: “Rứa là một két bia của tui nha!”. Đúng là “cháy nhà mới ra mặt chuột”. Lúc đầu, thấy nhiều người đến nhà hỏi chuyện chính trị, chính tôi đã mừng thầm rằng: Dân mình quan tâm chính trị và hiểu biết đấy chứ! Lâu nay cứ nghĩ họ không biết mù tịt gì! Nhưng ai ngờ họ xem chuyện chính trị như một cuộc cá độ. Đúng là lại có thêm một loại hình cá độ mới: Cá độ chính trị! Mai kia cụm từ này sẽ có thêm trong từ điển tiếng Việt. Nếu có, chắc phải bắt nguồn từ quê tôi, một miền quê nghèo Miền trung… 
Tôi biết đấy là một bức ảnh giả được cắt ghép qua photoshop, nhưng với các cụ ở quê thì nói hay đến đâu cũng phải có chứng cứ. Tôi chỉ rõ cho họ xem kỹ bức ảnh được đăng ở trang nào, ngày nào… đặc biệt là được cắt ghép từ bức ảnh nào, của ai. Trước tiên tôi lấy ví dụ mang tính thời sự nhất về bức ảnh ghép của Phạm Chí Dũng bị công an nước ngoài bắt, mà báo chí lề đảng đưa tin. Sau đó đến bức ảnh của ông Tấn Dũng tôi nói rằng: bức ảnh này được “dân mạng” cắt mặt ông Dũng ghép sang còn người thì không phải. Thật ra, bức ảnh bị cắt là bức ảnh của TS luật Cù Huy Hà Vũ bị công an bắt sau vụ ông Thủ tướng sai người quăng 2 cái bao cao su xài rồi để viết bản án xử Ts Hà Vũ. Có kẻ “yêu thầm” ông Tấn Dũng quá nên thay mặt của TS Vũ bằng mặt ông Tấn Dũng (chắc tác giả bức ảnh ghép muốn nói là bắt nhầm người)… 
Sau khi giải thích hết nước hết cái, bà con đã chịu thua và nhận bức ảnh đó không phải ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, “mà có đúng cũng chỉ đúng có mặt ông Dũng còn thân thì không phải”, đương nhiên chuyện ông Nguyễn Tấn Dũng bị bắt cũng không phải. Bà con chào tôi rồi ra về, trước khi về còn ấm ớ rằng: “Đúng là không tin mạng được”! 
Chuyện ông Nguyễn Tấn Dũng thủ tướng nước Việt Nam bị bắt là vậy. Qua sự kiện tôi xin có mấy nhận định sau: 
+ Tôi xem chuyện bà con miền quê tôi đến nhà hỏi chuyện chính trị là một sự kiện lớn. Vì chính người dân đã biết quan tâm đến vận mệnh của Quốc gia. Tại sao chuyện ông Nguyễn Tấn Dũng bị bắt lại được người dân quan tâm như vậy, phải chăng vì mấy chai bia cốc rượu nơi miền quê. Chắc hẳn sẽ không đơn giản như vậy. Câu hỏi đặt ra, phải chăng ông Dũng ăn ở thế nào đó, đến nỗi họ mong ông mau chóng bị công an bắt nhưng bắt làm sao được ông, công an là tay chân của ông mà?! Hay chuyện ông quan tham nhũng nhất Việt Nam không còn là chuyện của những người tri thức, mà chuyện người dân quê, hay bao nhiêu biệt thự, đất đai từ Bắc chí Nam, bao nhiêu tấn vàng gửi nước ngoài của ông Dũng đã bị người dân biết hết rồi?! Hay những oan sai ông Dũng mang đến cho người dân khắp nước, những dự án lớn bán nước của ông đã bị bung nổ trong lòng người dân?! Tất cả những câu hỏi đó đều có thể lắm chứ… 
+ Sự kiện bà con miền quê quan tâm đến chính trị như ở quê tôi đang báo trước một cảnh tượng tương lai cho đến nước Việt Nam? Tôi đang phân vân như vậy, vì đến một người nông dân sớm chiều chỉ biết con trâu cái cày nơi ruộng đồng, nay họ đã biết đến những chuyện chính trị, chuyện to lớn của đất nước. Đó không chỉ là thị hiếu của họ nhưng là trăn trở và thao thức. Chuyện ông quan tham nhũng với họ đã trở nên bình thường đến nỗi họ đưa ra để thách đố, để giải trí.. phải chăng, cái ngày để thay đổi chế độ đã sắp đến gần. Nó sẽ không còn xa nữa! 
Tôi mong sao sẽ có một “văn hóa uy tín” cho cư dân mạng. Để đừng nghe câu nói của người dân “Đúng là không tin mạng được”.

Vận động quốc tế trước phiên xử các Blogger Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do

Qua sự vận động và sắp xếp của bạn bè anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, một phái đoàn Liên Hiệp Quốc đã tiếp xúc với Luật sư Hà Huy Sơn, người sẽ bào chữa cho anh Điếu Cày trong phiên xử sơ thẩm vào ngày 24 tháng 9 sắp tới. 
Hai nhân viên của Liên Hiệp Quốc trong phái đoàn này đã gặp Ls Hà Huy Sơn để tìm hiểu rõ về tình trạng của anh Điếu Cày cũng như những thành viên khác của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do đang bị giam cầm trái phép và sắp bị đem ra xét xử. 
Ngay sau cuộc gặp gỡ này, Ls Hà Huy Sơn đã nhận được giấy thông báo chính thức từ Tòa án về quyết định ngày xét xử sơ thẩm 3 bloggers Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Phong Tần (Sự Thật Công Lý) và Phan Thanh Hải (Anhbasaigon) với cáo buộc "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo khoản 2 Điều 88 Bộ luật hình sự. Với cáo buộc này, cả ba Blogger sẽ phải chịu mức án rất nặng từ 10 đến 20 năm tù giam.
Cũng trong chuyến công tác này, theo đề nghị của những bạn bè tranh đấu cho anh Điếu Cày, phái đoàn Liên Hiệp Quốc đã tiếp xúc với 5 tòa đại sứ phương Tây tại Việt Nam để đề nghị các Đại sứ gia tăng sự quan tâm hiện có, hỗ trợ tiếp xúc với thân nhân của các blogger, đồng thời theo dõi diễn biến của phiên tòa. Các tòa đại sứ đã ghi nhận và đồng ý với những đề nghị từ phái đoàn Liên Hiệp Quốc. Kết quả cụ thể là đại diện tòa Đại sứ Hoa Kỳ đã gặp gỡ, trao đổi với thân nhân của anh Điếu Cày vào ngày hôm qua 14 tháng 9, 2012.

Điều đáng ghi nhận là nhà nước Việt Nam chỉ cho phép 1 thông dịch viên có mặt cho cả 5 tòa đại sứ. Hành động này đã bị xem là trẻ con với chủ đích "tập trung" hầu dễ dàng "kiểm soát" các nhân viên toà đại sứ và "khống chế", "kiểm duyệt" những gì cần thông dịch lại.
Trong khi đó, mạng lưới luật sư vùng Đông Nam Á (MDSEA) và tổ chức luật sư quốc tế MLDI cũng rất quan tâm đến sự công khai và tiến trình xét xử minh bạch của phiên tòa sắp tới. Các tổ chức luật sư này trong suốt thời gian quan đã rất quan tâm đến tình trạng bắt giam và xét xử các blogger Việt Nam. 
Trước đó, vào ngày 16 tháng 4 năm 2012 - 1 ngày trước khi phiên tòa sơ thẩm dự trù sẽ diễn ra (nhưng sau đó bị hủy), một luật sư đại diện của MDSEA (Media Legal Defence - South East Asia) đã đến Việt Nam và tiếp xúc với gia đình của anh Điếu Cày. 
Sau lần tiếp xúc và tìm hiểu thực tế này, luật sư đại diện của MDSEA đã gửi một bản báo cáo dài 11 trang đến cho MDSEA và MLDI về trường hợp của anh Điếu Cày, việc công an tiếp tục giam giữ trái phép sau khi Điếu Cày mãn hạn án tù, tình trạng giam giữ tồi tệ trong tù của Điếu Cày và toàn bộ những hành vi sai trái của công an, hành vi đe dọa trấn áp của an ninh đối với gia đình, cũng như tiến trình làm việc bất nhất của hệ thống pháp lý Việt Nam. Bản báo cáo này đã giúp cho giới luật sư quốc tế hiểu rõ thêm về những gì đã xảy ra chung quanh vụ việc giam cầm và xét xử 3 bloggers cũng như tình trạng thực tế của nền pháp lý Việt Nam. 
Khi thời điểm cho phép, Dân Làm Báo sẽ phổ biến toàn bộ bản báo cáo này. 

Phiên tòa sẽ diễn ra vào lúc: 8g 00 ngày 24/9/2012 tại Trụ sơt TAND TP.HCM (131, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1).
Các luật sư biện hộ gồm có: Ls Hà Huy Sơn biện hộ cho anh Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải; Ls Đoàn Thái Duyên Hải và Ls Trần Kim Cang biện hộ cho Anhbasaigon - Phan Thanh Hải; Ls Nguyễn Thanh Lương và Ls Nguyễn Quốc Đạt biện hộ cho chị Tạ Phong Tần. 

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử, phiên tòa được thông báo sẽ 'được xét xử công khai', chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Vũ Phi Long.
Trong phiên tòa này, theo thông báo của tòa án sẽ có 9 "người làm chứng" như sau: Bùi Khương Duy, Lê Văn Hùng, Nguyễn Đại Long, Trần Trung Việt, Nguyễn Huy Cường, Vũ Quốc Tú, Nguyễn Tiến Trung, Ngô Thanh Tú, Lê Xuân Lập. 

Ghi nhận thêm, đây là lịch xét xử lần thứ 4.
Lần thứ 1: 17.04.2012 - đình hoãn.
Lần thứ 2: 15.05.2012 - đình hoãn.
Lần thứ 3: 07.08.2012 - đình hoãn.

Dân Làm Báo sẽ cập nhật các bạn trong thôn khi có tin tức mới nhất từ phái đoàn Liên Hiệp Quốc cũng như những thông tin, diễn biến liên quan đến phiên tòa xét xử những blogger yêu nước.

Nhân nghĩa đạo đức nay còn đâu!

ách đây chỉ mới mấy hôm, việc một ông cụ già ngay sau khi vừa xuất viện bị các con “vứt” ra ngoài vỉa hè nằm phơi nắng, phơi mưa gần 1 ngày trời đang còn gây xôn xao và khiến cho dư luận hết sức phẫn nộ.

Sự việc xảy ra vào trưa ngày 7 tháng 9 vừa qua, cụ ông tên Ngô Vỹ Nhân (87 tuổi) sau khi bệnh viện cho về sau 2 tháng điều trị đã bị các con đưa tới trải chiếu đặt nằm trên vỉa hè trước cửa ngôi nhà số 11, phố Núi Trúc, Hà Nội.
Ngôi nhà nói trên là của người con trai cả của ông đã qua đời cách đây 2 năm. Hiện tại, người con dâu cả, cháu nội gái và người vợ đã ly thân của ông đang sống trong căn nhà này. Tầng trệt của ngôi nhà được cho thuê làm tiệm bán quần áo. 
Ông chủ quán nước đối diện với ngôi nhà kể lại sự việc như sau: “Khoảng 11 giờ trưa tôi thấy chiếc taxi chở ông cụ Nhân về đây. Con gái, con dâu, con rể cụ vừa đưa bố xuống xe đã trải chiếu ngay trên vỉa hè để bố nằm. Rồi thì lỉnh kỉnh quần áo, đồ đạc đi viện cũng bị vứt xung quanh ông cụ”.
Ông chủ quán nước thở dài: “Nhìn ông cụ chỉ còn da bọc xương, gắng gượng hút bát phở mà lòng đắng ngắt. Chúng tôi chỉ là hàng xóm sống xung quanh mà còn không cầm được nước mắt khi nhìn ông cụ nằm mê mệt trên vỉa hè. Con cái bất nhân quá”.
Ông kể tiếp: “Trời lúc nắng lúc mưa. Có lúc chỗ ông cụ nằm còn là vũng nước mà chúng nó vẫn mặc kệ. Anh con rể cầm được 2 cái ô ra che mưa cho bố vợ. Còn hai cô con gái chạy vào mái hiên gần đấy đứng trú. Thỉnh thoảng lại chạy ra ngó xem bố còn sống hay không”.
(Ảnh: Xa Lộ Tin Tức)
Đến quá 8 giờ tối mà sự việc vẫn chưa được giải quyết, mặc dầu đã có chính quyền địa phương can thiệp, quá phẫn nộ về hành động ngược đãi cha của con cái của ông Nhân, ông chủ quán nước đã phải gay gắt mắng mỏ: “Không thể chấp nhận được lũ con mất nhân tính đó. Tôi sang nói với anh con rể có đưa cụ về nhà ngay không dân tình ở đây không tha cho các anh. Hàng xóm cũng làm ầm ĩ, ép anh này phải gọi taxi đưa bố về nhà ngay lập tức”. Người con rể của ông cụ gọi đến 5,7 chiếc taxi nhưng không tài xế nào chịu chở vì sợ mang họa. 
Chứng kiến cảnh đau lòng đó, nhiều người dân sống quanh khu vực đã phải phản đối, thậm chí còn to tiếng với các con của ông cụ, cuối cùng các con của ông đành phải đưa ông về nhà người con gái thứ hai.
Ông chủ quán nước kể rằng trong tình cảnh thương tâm đó, ông cụ chỉ im lặng, mắt nhắm chặt mà hai dòng nước mắt cứ ứa ra ràn rụa.
Sự việc đã làm cho những người dân sống quanh đó và người đi đường không khỏi ngỡ ngàng. Không rõ lý do gì các con của ông lại đối xử tệ bạc với cha của họ, nhưng rất nhiều người không dằn được lòng đã phải lên tiếng bất bình.
Được biết khi ông cụ được đưa tới đây, các con của ông, con rể và con dâu của ông đã to tiếng, thậm chí còn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với nhau. Sau khi hàng xóm can gián, cô con dâu chủ nhà đã khóa cửa lại quyết không cho đưa ông vào nhà. Đứa cháu nội gái của ông 20 tuổi thì lại ngồi giữ cửa. Bà vợ đã ly thân với ông ở trong nhà cũng không ra mặt.
Được biết do bất hòa nên từ đã vài chục năm nay, ông cụ và vợ đã sống ly thân với nhau. Hai người con trai phân công nhau trách nhiệm nuôi dưỡng bố mẹ già. Theo thỏa thuận thì người con trai cả nhận nuôi mẹ còn người con trai út nhận nuôi cha. Hiện tại, người con trai cả đã quá cố, người con dâu cả vẫn làm bổn phận phụng dưỡng mẹ chồng. Sự việc không có gì đáng nói nếu không có chuyện hai cô con gái của ông cụ mang cha mình đến đặt nằm trên vỉa hè trước của ngôi nhà của người anh trai và ép chị dâu cho cha vào nhà, nhận thêm trách nhiệm phụng dưỡng cha mình.
Nói tới đây ai cũng có thể đoán được sự việc chẳng qua là vì các con của ông muốn tranh chấp ngôi nhà mà bà chị chồng (vợ của anh mình đã mất), cháu gái (con của anh mình) và mẹ (đã ly thân với cha của minh) đang sở hữu.
Tưởng cũng nên biết, ông cụ có 4 người con, 2 trai và 2 gái. Cả 4 người con của cụ đều được cho ăn học đàng hoàng, đến nơi đến chốn, ai cũng thành đạt và giàu có. Ngoài người con trai cả đã mất, 3 người con còn lại đều thành đạt và hiện đang làm ở các cơ quan nhà nước. Người con gái lớn của ông từng là y tá trưởng ở bệnh viện Mắt Trung ương, chồng là giảng viên trường đại học Thủy Lợi. Hai người con còn lại thì người làm kế toán, người làm bảo hiểm, hiện đã làm tới chức Trưởng phòng trong Công ty bảo hiểm Prudential Việt Nam. Nói như vậy để thấy bầy con của ông là một lũ có tài mà không có đức. Nhẫn tâm đặt cha đẻ của mình nằm trên vũng nước vỉa hè, phơi mưa, phơi nắng hơn 10 tiếng đồng hồ là một hành động nhẫn tâm, đáng xấu hổ và phải bị lên án nặng nề!
Nói gì thì nói, ai đúng ai sai chưa biết, chỉ việc dùng chính sức khỏe, tính mạng của cha mình ra để hầu mong đạt một mục đích (đen tối) nào đó thì quả thật quá bất nhân, bất nghĩa, vô đạo đức, không thể nào chấp nhận được!
Có loại con nào nỡ đối xử với người đã sinh thành dưỡng dục mình như vậy không!? Bất hiếu! Một lũ con bất hiếu! Chỉ biết nghĩ cho bản thân mình còn cha mẹ già thì bỏ mặc, dám đem ra làm phương tiện trao đổi trong khi ông cụ sức đã già yếu không biết sống được bao lâu nữa. Không biết khi hành hạ cha đẻ của mình như vậy, mấy người con của cụ có thấy chút ray rứt nào không? Cha đẻ mà còn dám vứt ra đường như vậy thì chuyện gì mà họ không dám làm!? 
Đó là tiếng chuông dóng lên cảnh báo sự suy đồi đạo đức nghiêm trọng đã và đang xảy ra trong xã hội Việt Nam.
Đạo đức ngày nay ở VN như vậy đó sao? Với cha mẹ mình mà còn đối xử tệ bạc như thế thì thử hỏi với xã hội, với tha nhân, người ta sẽ đối xử ra sao nữa? Công việc của họ đang làm, chức vụ của họ đang nắm trong xã hội, chỉ để chuộc lợi cho mình thôi sao?
Trên đường phố VN ngày nay, nhan nhản những cách hành xử vô tình, vô tâm và vô cảm. Chỉ cần lướt qua một vài tờ báo online, lướt qua một vài tin tức trên các trang web trong nước là ai cũng sẽ dễ dàng bắt gặp vô số những tin tức tệ hại về nạn vô cảm. Nó đang hoành hành và lây lan khắp nước. 
Nhưng đó chỉ là chuyện giữa người với người, không quen biết nhau. Vô cảm đối với cả người đã sinh thành và dưỡng dục mình là một chuyện ghê gớm, không chấp nhận được và đáng bị nguyền rủa.
So sánh sự khác biệt của xã hội VN xưa và nay, vẫn biết rằng thời nào cũng có sự hiện diện của cái thiện và cái ác, người tốt và kẻ xấu, tuy nhiên nó khác nhau về mức độ và sự thể hiện ở từng thời điểm. Đúng. Vậy thì căn bịnh vô cảm này do đâu mà có?
Xét về mặt xã hội, xã hội VN bây giờ quá phức tạp, đầy rẫy lọc lừa và tranh ăn. 
Xét về mặt đạo đức, xã hội VN hiện tại quá đỗi suy đồi, niềm tin khủng hoảng. Đặc biệt, đó là sự suy đồi về đạo đức, nhân phẩm của những thế hệ trẻ ngày nay, mà biểu hiện rõ nhất đó chính là thái độ thờ ơ, vô cảm đối với mọi sự vật, mọi sự việc diễn ra xung quanh. Thái độ này đang dần lan tỏa trong xã hội VN, không chỉ trong giới trẻ mà đã len lỏi vào khắp mọi giới, không chỉ địa phương hay vùng miền nào mà lây lan khắp nước.
Xét về mặt giáo dục, căn bệnh vô cảm này là sản phẩm của một nền giáo dục yếu kém, thất bại. Nền giáo dục của người CS giáo điều với lý thuyết khô khan và nặng nề, không chú trọng đến việc đào tạo nên “nhân cách” mà chỉ chú trọng đến việc đào tạo ra “nhân lực”. Nó thể hiện qua các chính sách, pháp lệnh cũng như chương trình học nặng nề của nhà nước. Các môn quan trọng góp phần hình thành nên “nhân cách” con người là Giáo dục công dân từ lâu đã trở thành những môn phụ không đáng quan tâm, thời lượng tiết học vô cùng ít ỏi và nội dung học thì quá nặng nề, giáo điều thì làm sao có thể đào tạo nên những nhân tố tốt được. Sự sai lầm của giáo dục đã kéo theo một thế hệ không hoàn chỉnh, một thế hệ không thể nào miễn nhiễm được với những căn bệnh như vô cảm.
Tựu trung, căn bệnh vô cảm là kết quả của một lối sống chụp giựt, bon chen và tranh giành ngày nay, ngày ngày ăn sâu vào tinh thần văn hóa của xã hội VN khi mà các giá trị sống, giá trị đạo đức tinh thần, lòng bao dung nhân ái, tình thương yêu đồng loại, và sự hy sinh đang dần bị thế chỗ bởi chủ nghĩa vật chất và lợi ích cá nhân ... làm cho con người không còn cảm giác trước nỗi đau của đồng loại, của người thân.
Người Việt mình xưa nay có truyền thống vô cùng tốt đẹp là “thương người như thể thương thân”, ấy vậy mà ngày nay có những cách sống đang đạp đổ truyền thống tốt đẹp này. Chữ “nghĩa” trong xã hội VN dường như đang dần mất đi nên con người hiện chỉ biết sống vì mình, sống ích kỷ, không còn dám hy sinh và sống không có trách nhiệm với đồng loại. Ngày xưa con người sống trọng “nghĩa, luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, sẵn sàng xả thân vì cái thiện, cho gia đình, cho đồng loại và cho đất nước. Vì thế mà ở thời ông cha ta những giá trị căn bản của tình nghĩa gia đình, thầy trò, tình yêu quê hương đất nước luôn được đặt lên cái tôi cá nhân. Bức tranh xã hội đang có sự đảo lộn giá trị, cái ác lên ngôi, trong khi giá trị nhân bản đang bị chìm lấp. Ngày nay, đang có sự thay đổi lớn trong hệ thống giá trị sống của con người. Khi một xã hội, một đất nước mà những người sống trong đó vô cảm, không hợp quần, không tương thân tương trợ lẫn nhau, không giúp đỡ nhau thì tất yếu cái xã hội đó sẽ què quặt, đất nước đó sẽ sụp đổ và bị tiêu hủy. 
Nước VN của tôi ngày nay là thế đó. Dân tình của nước VN của tôi ngày nay là thế đó. Đó là kết quả của gần 60 năm xây dựng đất nước xã hội được mang danh là xã hội xã hội chủ nghĩa của những người vô thần, vô trách nhiệm, vô tri và vô giác đã đưa người dân cả nước đến chỗ vô tình, vô tâm và vô cảm ngày nay. 

Nhộn nhịp 'chợ' mua... bằng giả

Chỉ cần lên mạng tìm kiếm thông tin và với số tiền 300.000 đồng, nhiều sinh viên năm cuối đã "tậu" được cho mình chứng chỉ ngoại ngữ hay tin học loại giỏi mà không cần học hay thi tuyển…Đây là một thực trạng đáng để ngành giáo dục quan tâm phải bận tâm.

Mua bằng để.. làm đẹp hồ sơ?

Theo chân Vũ Việt Hà, sinh viên năm cuối Đại học Thương mại đến "trung tâm" Ngoại ngữ tin học trên đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội để… mua bằng tin học, tôi mới thấy kiểu mua bán chứng chỉ này cũng nhộn nhịp không kém các "chợ" khác.

Việt Hà bảo, cậu tìm được địa chỉ "làm bằng" này do bạn bè mách nước. Gọi là trung tâm chứ thực tế đó là một cái phòng khoảng 35m2 nằm trong ngõ sâu gần bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Trong phòng chỉ có một cái bàn, một cái ghế, cặp tài liệu và một người phụ nữ tên Lê ghi chép thông tin và thu tiền người đến làm chứng chỉ.

Chị Lê đon đả: "Các em đến đây làm bằng Ngoại ngữ là đúng rồi, bọn chị làm việc có uy tín lắm, chỉ 2 ngày là có thôi!".

Việt Hà rỉ tai tôi: "Sinh viên năm cuối thường đi làm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học như thế này cho nhanh chị a. Chúng em mua chứng chỉ về để làm đẹp hồ sơ xin việc là chính. Mua thế này tiện hơn là học, chỉ cần 300.000 đồng là có bằng chứng chỉ loại khá rồi".
Chứng chỉ tin học giả

Theo quan sát của PV, các "trung tâm" "bán" chứng chỉ ngoại ngữ hay tin học thường thuê một phòng nhỏ, trong ngõ sâu để họat động, tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Hầu hết các giao dịch "mua - bán" chứng chỉ đều diễn ra trên điện thoại và trên mạng nên diện tích mặt bằng không quá quan trọng.

Địạ chỉ cụ thể để người "mua" bằng chỉ đến "trung tâm" để nộp tiền và ghi các thông tin cần thiết nhằm điền vào chứng chỉ như: Tên tuổi, quê quán, năm sinh…. Bình thường, học 1 chứng chỉ ngoại ngữ loại A, mất 3 tháng học, chưa kể thi; chứng chỉ tin học A mất 1 tháng học, chưa kể thi. Thế mà, đến "trung tâm" "mua", chỉ lâu nhất 1 tuần là có chứng chỉ.

Giá để làm chứng chỉ là theo loại bằng: Bằng loại A (Trung bình) là 200.000 đồng; bằng B (khá) là 300.000 đồng; bằng C (Giỏi) là 400.000 đồng. Thậm chí "trung tâm" này còn có "khả năng" "bán" chứng chỉ do Bộ Giáo dục & Đào tạo cấp với giá cả phải chăng là… 500.000 đồng.

Khi chúng tôi thắc mắc về giá trị của chứng chỉ, chị Lê cam đoan: "Thật 100%, dấu má rõ ràng, giả làm sao được. Nếu em đi nộp mà họ bảo giả thì cứ mang trở lại đây chị hoàn tiền cho. Chị "bán" mỗi ngày tới cả chục bộ mà chưa bao giờ có ai quay lại bảo hàng giả cả.

Tôi ngỏ ý muốn làm chứng chỉ tiếng Pháp giúp một người bạn ở quê cũng trong tình trạng gần như mù thứ tiếng này, để đi xin việc ở Khu công nghiệp, chị Lê nhanh nhẩu,: "Em cứ đóng tiền, rồi mang ảnh và chứng minh photo đến đây cho chị là xong. Giá thì vẫn thế, không thay đổi gì".

Khi chúng tôi chuẩn bị ra về, có hai tốp sinh viên đến "trung tâm" này "làm" chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Như Hoa (Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết): "Là sinh viên năm cuối, lại chuẩn bị hồ sơ xin việc nên em đến đây "làm" bằng tiếng Anh. Ở trường, chúng em có được học tiếng Anh nhưng đó là chương trình nằm trong các tín chỉ bắt buộc phải học, chứ không được cấp chứng chỉ nên em vẫn cần có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học riêng.

Đây cũng là giải pháp tình thế thôi, chứ có thời gian, em vẫn đi học 'thật" ở trung tâm ngoại ngữ, lỡ sau này, được đi làm, làm việc với người nước ngoài mà không nói được ngoại ngữ thì tệ lắm chị ạ".

Chứng chỉ mâu thuẫn với trình độ

Không phải mất thời gian học và thi, chỉ cần bỏ một số tiền nhỏ là có thể "sở hữu" trong tay chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là việc nhiều sinh viên năm cuối đang làm. Cái trào lưu này, nó dường như là một "cái mốt" của những sinh viên lười học nhưng vẫn muốn "sở hữu" những chứng chỉ "đẹp" để đi xin việc.

Dạo qua một số trang rao vặt như muare.vn, muaban.com.vn, chodientu.vn... chúng tôi gặp nhiều lời rao "bán" các loại chứng chỉ "làm đẹp" hồ sơ. Với lời rao nhận "làm" tất cả các loại chứng chỉ từ tin học, tiếng Anh, TOEIC, tiếng Trung... kèm theo là số điện thoại để những người có "nhu cầu" liên lạc.

Gọi điện đến số điện thoại 0915.094.70x, tôi được nghe lời mời chào: "Bạn chỉ cần đăng ký, nộp tiền, ảnh, chứng minh photo cho mình, một, hai hôm sau là có thể lấy chứng chỉ luôn, không phải thi cử, mà chứng chỉ "xịn" luôn".

Người "bán" hàng này còn nhấn mạnh: "Dùng chứng chỉ của chúng tôi, đảm bảo là khi đi xin việc, chủ sử dụng lao động chắc chắn thích luôn. Vì là chứng chỉ do Bộ cấp chứ còn mấy cái chứng chỉ của "trung tâm" khác, giờ thì ai chẳng có".

Thầy Bùi Đức Hiền - Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Điện lực cho biết: " Tôi cũng có biết thông tin về một số sinh viên năm cuối đi mua chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nhưng đấy chỉ là một bộ phận nhỏ những sinh viên lười học, lười tư duy. Hầu hết các em sinh viên có ý thức học đều muốn trau dồi kiến thức ngoại ngữ, tin học để sau nay ra trường xin làm ở công ty, doanh nghiệp hay cơ quan Nhà nước sẽ có những kỹ năng "sống" tốt để tự tin làm việc".

Anh Trần Ngọc Long, Giám đốc Công ty Truyền Thông VMS cho biết: "Nhiều trường hợp ứng cử viên dự tuyển có trình độ ngoại ngữ rất kém, thậm chí giao tiếp cơ bản họ cũng không nói được, song hồ sơ lại có đủ chứng chỉ trình độ B, C. Với những trường hợp này, khả năng bị loại là rất cao, do không đáp ứng được yêu cầu cũng như không trung thực trong hồ sơ. Vì thế, tôi nghĩ các bạn trẻ nên tự trau dồi kỹ năng ngoại ngữ để có thể có được công việc như mong muốn".

Người dự tuyển, mua bán chứng chỉ là lừa dối các cơ quan tuyển dụng. Có thể, một số người "mua" chứng chỉ "may mắn" vượt qua vòng loại hồ sơ để làm việc. Nhưng trong quá trình dài làm việc, kiểu gì cũng "lộ" những thiếu sót và kỹ năng.

Vì thế, các bạn trẻ nên trang bị cho mình những kỹ năng và kiến thức thật tốt, để tự tin dùng cái thật của mình, loại bỏ dần những cái giả đang tràn lan trong môi trường sống. Có một điều các cựu sinh viên chưa nghĩ thấu đáo, "mua" chứng chỉ còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư Nguyễn Thủy Nguyên (Đoàn LS Hà Nội) cho biết: "Theo Bộ luật Hình sự, những người làm ra, mua, bán bằng cấp, chứng chỉ giả đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh: "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" theo Điều 267 - Bộ luật Hình sự.

Như vậy, không chỉ người làm giả bằng cấp, chứng chỉ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà cả người mua, người sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả cũng bị xử lý hình sự.

Thursday, September 13, 2012

Dân cần khỏe nước mới giầu


Báo Tiền Phong mới loan tin một gia đình đã biểu tình trước bệnh viện Thiện Hạnh tỉnh Ðắk Lắk vào ngày Chủ Nhật vừa qua; sau khi ông Ðào Duy Từ, một bệnh nhân 42 tuổi qua đời. Vợ con ông tố cáo bệnh viện không săn sóc ông theo đúng bổn phận.
 Tại bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi ba tháng trước, hàng trăm người dân gồm thân nhân, hàng xóm của một sản phụ cũng biểu tình, bao vây bệnh viện Mộ Ðức phản đối các nhân viên thiếu trách nhiệm khiến bà Huỳnh Phan Thanh Tùng và đứa con chưa ra đời chết oan ức. Vào Tháng Tư, thân nhân sản phụ khác ở tỉnh Hưng Yên đã đập phá bệnh viện, thân nhân và một sản phụ ở Bắc Ninh đã biểu tình; cũng vì nghi ngờ các cơ quan y tế làm chết người.
Theo phong tục người mình, đi biểu tình lên án các bác sĩ và nhân viên bệnh viện là việc bất đắc dĩ. Trước đây, trong xã hội Việt Nam hai loại người được kính trọng là thầy giáo và thầy thuốc. Ngay cả khi họ phạm sai lầm nghề nghiệp, người ta vẫn không ai đi kiện hay chửi, mắng thầy giáo và thầy thuốc. Ai cũng biết việc giáo dục và săn sóc sức khỏe cho người Việt hiện nay rất đáng phàn nàn. Nhưng dù dân chúng có đi vây bệnh viện, đả đảo bác sĩ thì cũng chỉ nhắm vào cái ngọn thôi; không giúp cải thiện được cả hệ thống y tế.
Ai cũng biết các nhân viên bệnh viện phải được hối lộ, nhưng đó là “thủ tục đầu tiên” trong cả hệ thống xã hội chủ nghĩa. Họ cũng phải làm giống như các chú công an hay các ngài chủ tịch doanh nghiệp nhà nước vậy. Bà Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến mới lên lớp với nhà báo là các nhân viên y tế phải được cải tạo về đạo đức. Nhưng cả hệ thống nó như vậy từ lâu rồi, muốn thay đổi thì phải “cải tạo” từ các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang! Nhưng chính biện pháp“cải tạo” các cá nhân đó cũng vô hiệu. Vì khi một hệ thống đã hư hỏng thì bất cứ ai ngồi vào chỗ của Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, hay ngồi vào chỗ của một bác sĩ trong bệnh viện Mộ Ðức, bệnh viện Thiện Hạnh cũng hành xử giống hệt như các người trước!
Theo tài liệu của Oxford Analytica cung cấp thì người dân bốn nước phải trả lấy tiền túi cho sức khỏe nhiều nhất thế giới là Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Ðộ và Việt Nam. Dân Việt Nam hiện nay phải trả tiền túi 70% tiền chữa bệnh. Trên nguyên tắc, có chương trình y tế công nhưng không phải ai cũng được hưởng; chỉ có khoảng 53 triệu người được bảo hiểm. Nhưng khi tới bệnh viện người nào cũng phải có “bao thơ,” bản báo cáo dịch là “envelope' payments.” Một cuộc nghiên cứu dư luận cho biết hai phần ba các bệnh nhân đã bị nhân viên y tế vòi tiền; và 70% nhân viên y tế thú nhật đã đòi hối lộ. Chắc các con số này quá thấp, vì nhiều người được phỏng vấn đã che đậy một sự thật đáng xấu hổ!
Các công ty dược phẩm thì hối lộ cấp cao nhất để thuốc của họ được đưa vào danh sách trị bệnh trong bảo hiểm. Vào trong danh sách rồi, giá tăng 30%. Và các công ty dược phẩm “khuyến khích” các bác sĩ viết toa dùng thuốc đắt tiền của họ. Ngân sách công chi cho ngành y tế chiếm 6.4% tổng sản lượng nội địa, nhưng chỉ có một phần ba là dùng vào việc phòng ngừa và khám bệnh tổng quát. Không thể nào bàn đến việc “cải tạo đạo đức” của các bác sĩ, nhân viên y tế, nếu không “trị bệnh” cho cả hệ thống cai trị độc đảng!
Theo bảng xếp hạng năm ngoái của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization, gọi tắt là WHO), thì Việt Nam đứng hạng 160 trong số 190 quốc gia về săn sóc sức khỏe cho dân. Thua cả Uganda, đứng hàng thứ 149! Mấy nước Châu Á khác đứng cao hơn nhiều: Singapore hạng 6; Nhật Bản hạng 10; Thái Lan hạng 47; Nam Hàn hạng 58; Philippines hạng 60; Sri Lanka hạng 76; Bangladesh hạng 88, Indonesia hạng 92, Ấn Ðộ hạng 112; Trung Quốc hạng 144; Ðài Loan không thấy nằm trong danh sách vì không phải thành viên Liên Hiệp Quốc. Trong Châu Á, Việt Nam chỉ đứng hàng cao hơn Lào, Campuchia và nước đứng cuối sổ là Myanmar. Với quý vị độc giả sống ở Mỹ, xin ghi thêm, USA đứng thứ 37 trong bảng xếp hạng này.
Việt Nam đứng hàng quá thấp so với các nước chung quanh, dân mình phải thấy đó là một nỗi hổ thẹn chung. Nhưng điều đáng lo ngại là trong tương lai mình vẫn bị họ qua mất, bỏ lại đằng sau, còn cách xa hơn nữa. Vì hiện nay các nước Châu Á đang có một phong trào cải thiện hệ thống an sinh xã hội mà tuần báo quốc tế The Economist gọi là “Cuộc cách mạng sắp tới ở Châu Á,” trên trang bìa của tờ báo trong tuần này. Sau cuộc đổi đời về kinh tế với những Con Rồng Châu Á thời 1970, nay là một cuộc cách mạng nhằm bảo đảm cho cuộc sống của mọi người dân được chăm sóc nhiều hơn. Họ đang xây dựng những mạng lưới an toàn để không người dân nào bị gạt ra bên lề, không được hưởng những tiện ích về y tế, giáo dục, hưu bổng, và lợi tức tối thiểu mà tình trạng phát triển kinh tế đem lại.
Quốc gia được tổ chức WHO mô tả là “có một lịch sử thành công lâu dài” về y tế là Thái Lan. Người Thái có triển vọng sống trên 70 tuổi, trên 98 % nhà ở được dùng nước sạch sẽ. Thái Lan đã lập quỹ bảo hiểm y tế do chính phủ đảm nhiệm từ thập niên 1990, nhưng không thành công vì chỉ có những người “kém sức khỏe” mới gia nhập, còn người khỏe mạnh không vào. Năm 2001, sau khi thủ tướng dân sự Thaksin thay thế các tướng lãnh, ông đưa ra một chương trình tên là “Dự án 30 bạt!” Mỗi lần đi khám bệnh người dân chỉ phải trả 30 đồng bạt (lúc đó tương đương với một đô la rưỡi); ngoài ra chính phủ trả hết. Người tham dự được chữa trị tại bất cứ bệnh viện nào, đi bác sĩ chuyên môn không phải trả thêm. Chưa có một quốc gia nào ở mức phát triển kinh tế còn thấp như Thái Lan dám áp dụng một chương trình bảo hiểm sức khỏe công cộng như vậy. Vì thế cho đến giờ đảng của ông Thaksin vẫn thắng cử, mặc dù ông đã phải sống lưu vong vì bị truy tố và kết án về “làm giầu bất chính.” Thái Lan chi tiêu 4.3% tổng sản lượng nội địa (GDP) vào y tế, ba phần tư do chính phủ trả, còn lại là tư nhân.
Hiện nay tại Indonesia, ngoài những người đã mua bảo hiểm tư, có 76 triệu người được bảo hiểm y tế, theo chương trình gọi tên là Jamkesmas, trong đạo luật ban hành năm 2008, gần mười năm sau khi dân Indonesia lật đổ chế độ độc tài của ông Suharto. Các chi phí chữa trị, bệnh viện, đều do chính phủ trả hết. Ngoài ra, Indonesia còn chương trình viết tắt là PNPM trợ cấp cho các làng, năm ngoái mỗi làng được phát 47 triệu rupiah, khoảng 5,300 đô la Mỹ để giúp các gia đình nghèo, cho trẻ em được đi khám bệnh, đi học, trợ cấp thức ăn, và săn sóc sức khỏe các sản phụ. Quỹ này do một hội đồng trong làng gồm 11 người quyết định chọn người được thụ hưởng. Nhưng chương trình Jamkesmas bị Ngân Hàng Thế Giới (WB) chỉ trích vì tuy được đặt ra với mục đích giúp những người lợi tức thấp nhất nước, nhưng khi áp dụng không phân biệt được ai thực sự nghèo. Hơn nửa số người thụ hưởng hiện nay không thật sự thuộc 30% dân số nghèo nhất. Ngân Hàng Thế Giới đã trợ giúp Indonesia cải thiện để chọn lọc số người thụ hưởng; căn cứ vào những tiêu chuẩn quan sát tại chỗ, như nền nhà đất hay gạch, có nhà vệ sinh riêng hay không, vân vân. Hiện nay kinh tế Indonesia chỉ phát triển bằng mức của nước Mỹ năm 1935, là năm Mỹ bắt đầu lập quỹ hưu bổng xã hội công (social security). Tháng Mười năm ngoái, Quốc Hội Indonesia đã biểu quyết một đạo luật bảo đảm tất cả mọi người trong 248 triệu dân sẽ được bảo hiểm sức khỏe, bắt đầu từ năm 2014. Khi được thi hành thì đây sẽ là chương trình bảo hiểm y tế công lớn nhất thế giới. Ðạo luật này cũng bảo hiểm cả hưu bổng, bảo hiểm lao động vào năm 2015.
Tại Philippines, chương trình bảo hiểm y tế PhilHealth của chính phủ đang có 85% dân chúng được hưởng. Tỷ lệ này vào hai năm trước chỉ là 62% trong tổng số dân 104 triệu người. Trong năm qua Ấn Ðộ đã giúp thêm 110 triệu người được bảo hiểm y tế. Chính phủ cũng bành trướng chương trình “bảo đảm việc làm” cho dân ở tất cả các vùng nông thôn nghèo, trong đó bất cứ ai nếu muốn cũng có việc làm ít nhất 100 ngày trong một năm, với mức lương tối thiểu.
Các nước Châu Á ở ngay bên nước Việt Nam đã đạt được các tiến bộ trên không phải vì chính phủ của họ nhân từ, giới lãnh đạo của họ được cha mẹ dạy dỗ, “cải tạo tốt!” Nguyên nhân chính khiến người ta lo cho dân là vì người dân ở các nước đó đã tranh đấu để có quyền quyết định việc chung cho cả nước. Khi giới quân phiệt ở Thái Lan rút lui thì chính quyền dân sự mới lo đến việc y tế cho dân nghèo; cũng vì họ muốn “kiếm phiếu” của dân. Nếu ông Marcos còn ngồi thêm đến lúc chết để nhường ngôi cho vợ hay con, thì nước Philippines ngày nay chắc cũng không khác Bắc Hàn! Sau khi ông Suharto từ bỏ quyền hành thì Quốc Hội Indonesia mới biểu quyết những luật y tế mới. Bởi vì tất cả các người làm chính trị ở các nước này ai cũng biết phải nhờ người dân bỏ phiếu thì họ mới được ngồi vào Quốc Hội, chứ không phải chỉ nhờ “đảng bố trí.”
Ai từng quan tâm tìm hiểu cũng đều biết khi người dân một nước có trình độ học vấn cao hơn và sức khỏe tốt hơn, thì kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn. Bao nhiêu cuộc nghiên cứu khắp thế giới, nhất là ở các nước nghèo, đã chứng minh những liên hệ nhân quả này. Ðặc biệt là nếu các bà mẹ và trẻ em đều được học hành và có sức khỏe tốt thì chắc chắn kinh tế cả nước sẽ phát triển nhanh trong khoảng mười năm sau. Y tế và giáo dục là những vấn đề thiết thực, cần thiết, có ảnh hưởng lâu dài trên trình độ phát triển kinh tế quốc gia. Cải thiện giáo dục và y tế, cũng quan trọng như thay đổi hệ thống chính trị độc tài, độc đảng. Cả nước cần chú ý, bàn bạc về chuyện này, ngay trong lúc guồng máy công an của đảng cộng sản vẫn còn ngự trị. Không lẽ người ta bàn chuyện giáo dục và y tế mà công an lại tới còng tay hay sao? Nói rộng hơn nữa, mọi người Việt Nam phải quan tâm và cùng nhau thảo luận ngay bây giờ những vấn đề như mạng lưới an sinh xã hội, quỹ hưu bổng cho mọi người về hưu, trợ cấp cho những người bệnh kinh niên hoặc tàn tật không thể làm việc, bảo hiểm tai nạn trong khi làm việc, bảo hiểm thất nghiệp, vân vân. Quý ông Bầu Kiên hay Dương Chí Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng hay Trương Tấn Sang không cần nghĩ đến các vấn đề đó, vì họ đủ tiền tự lo lấy. Nhưng cả nước thì cần phải bàn đến, vì đó là tương lai của dân tộc.

Monday, September 10, 2012

Bánh xèo, ốc hút và mùa Thu

QUẢNG NAM - Có lẽ do còn nghèo? Hoặc cái nghèo đã ăn thành nếp trong tâm thức người Việt cũng như cái khổ và sự than thở đã trở thành “bản sắc” của người dân thời xã hội chủ nghĩa? Hoặc chỉ đơn giản, chưa có âm thanh và hình ảnh nào vượt qua được tiếng sôi của chảo dầu, tiếng hút ốc và mùi thơm của nó?
Bà Năm nói: “Bây giờ bánh xèo không còn hồn vía như ngày xưa vì tui chụm bằng lò sô, bếp dầu...” (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Nói cách gì cũng đúng mà cũng không đúng.
Cứ đến mùa tựu trường, học trò hẹn nhau ra quán hút ốc, ăn bánh xèo, ngắm mưa đầu mùa rơi và đôi khi suy nghĩ vẩn vơ một cách rất người lớn trong... quán bánh xèo, ốc hút.
Nói về bánh xèo miền Trung khi Thu về, có lẽ từ Khánh Hòa ra đến Quảng Bình, dọc hai bên đường quốc lộ 1A, đâu cũng thấy lác đác vài quán bánh xèo che tạm bợ, mái tranh, mái lá, có khi tấm vải bạt che mưa, che nắng qua mùa. Nhìn vừa rất gần gũi lại vừa mơ hồ, phiêu linh...
Chỉ riêng ở tỉnh Quảng Nam, đi từ Vĩnh Ðiện, vào Duy Xuyên, lên bến đò Kiểm Lâm, băng đò sang Ðại Lộc, đếm mỏi tay cũng không hết quán bánh xèo, ốc hút. Nhiều gấp vài chục lần tiệm bánh Trung Thu.
Bà Thúy, chủ quán bánh xèo ngay chân cầu Ái Nghĩa, cho biết: “Ðây cũng là làng bánh xèo, ốc hút và thịt nướng của thị trấn Ái Nghĩa, Ðại Lộc, nó có từ lâu lắm rồi, trước 1975, thời đó nghèo, đèn dầu tù mù, khói bụi và ấm áp, có hồn hơn bây giờ!”
“Chúng tôi thường bắt đầu mở hàng vào đầu tháng 7, và kết thúc mùa bánh xèo ốc hút vào cuối tháng 10, năm nào cũng vậy. Ngày xưa, làm một mùa có thể sống đủ một năm, nhưng bây giờ, làm mùa nào đủ sống cho mùa đó, mùa còn lại mình làm việc khác để sống.”
“Nhiều khi mệt quá, muốn bỏ nghề, nhưng cứ nghe hơi lạnh kéo về, nghe con cháu nói sắp tới mùa tựu trường, nghe sấm đất rền rền là cái chân muốn nhổm dậy đi mua tôm thịt, giá, rau sống, xay bột gạo, đốt lò...”
Ông Trung, chủ quán bánh xèo ốc hút có cái tên khá lạ là “Nỗi Niềm.” Quán che mấy tấm bạt bên đường, đặt hai chiếc bếp, một than, một củi bằng mấy hòn gạch. Ðến mùa, Nỗi Niềm lại nổi lửa.
Ông cho biết: “Mùa Thu là mùa buồn, nó buồn vì thiên nhiên buồn, mà con người cũng buồn vì lúc này đồng trơ gốc rạ, nhìn ra đã thấy mênh mông nước và se sắt lạnh... Mùa này cũng rảnh rỗi, chẳng còn nghề nào hơn là sáng đi bắt ốc, ngâm bột, mua nguyên liệu, chiều về nấu một nồi ốc, nhúm lò bán bánh xèo.”
Ông giải thích về tên quán: “Ban đầu quán không có tên, vì mình bán vỉa hè, tên tuổi mần chi, nhưng dần dần, thấy khách của mình ai cũng nghèo, cũng nỗi niềm, có nhiều người đến quán vài lần rồi tìm chủ quán mà trút nỗi niềm nghèo, mình đặt tên quán là ‘Nỗi Niềm’ luôn.”
Khách hàng của bánh xèo, ốc hút, thường là học sinh phố huyện, học sinh nghèo... (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
“Người làm nông thì thỉnh thoảng mang vài lon gạo ra đổi mấy cái bánh xèo về cho con cái cùng ăn, nếu đông con quá thì tự đi xay bột, mua nhưn rồi cả nhà quay quần đúc bánh xèo. Nhưng phần lớn người ta vẫn mua về ăn, đỡ tốn công, không tạo cảm giác ngấy...”
“Nói chung, miền Trung mùa nắng thì nắng gió, nóng nực, mùa mưa thì mưa não ruột, nên dễ có món đặc trưng, mà tui thấy, không cho chi thú vị hơn là mùa Thu, trời lạnh se se, người lớn thì nhâm nhi vài chén rượu, hút vài con ốc, ăn cái bánh xèo lót bụng, người trẻ thì rủ nhau ăn bánh xèo....”
Cô Thương, chủ quán bánh xèo ở ngã ba Vĩnh Ðiện, Ðiện Bàn, Quảng Nam, cho biết: “Bánh xèo có nhiều loại, ốc hút cũng thế, riêng bánh xèo, có đến 18 loại, trong đó, đứng đầu là bánh xèo chảo, phong cách ăn của giới nhà giàu Bình Ðịnh, có cái lên đến vài trăm ngàn đồng, còn lại, mười bảy loại kia được đặt tên theo nhưn, vì dụ như bánh xèo vịt, bánh xèo cá lóc, bánh xèo chay...”
“Giới nhà giàu có những quán bánh xèo riêng, nhưng tui đi nhiều, thấy không đâu đúc bánh xèo thanh, mảnh và đẹp như Huế, không có chỗ nào có nhiều ốc hút đồng ngon như Ðiện Thắng, Quảng Nam, không chỗ nào có nhiều ốc đá, ốc núi như Duy Xuyên. Nói chung mỗi nơi mỗi vẻ, nhưng vùng đất càng nghèo thì thấy bánh xèo càng ngon!”
Chiều đến, mấy đứa trẻ trong xóm mang chiếc trống ếch ra ngõ tập lân, trời cũng bắt đầu heo may, tự dưng, thấy nhớ cảm giác lang thang trên đường, dừng lại bấm máy, rồi ghé quán cóc, hít thở không khí, mùi bánh xèo, ốc hút, cay cay, bùi bùi... Chúng tôi lại ghé quán Nỗi Niềm.
Ông chủ quán chào khách, dáng bộ đã hom hem, nhưng cái nét cười quen thuộc của một con người sống quen với đời cần lao, hồn hậu và đáng yêu của ông vẫn như cũ. Tấm bảng thì không còn, mới bị công an tịch thu, quán ông cũng vừa bán vừa chạy.
Quán bánh xèo này tồn tại gần 40 năm nay ở Quảng Nam. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Chúng tôi chào hỏi mấy câu, gọi một dĩa bánh, ông lại bưng dĩa rau sống với cải con, bắp chuối xắt, rau thơm, ngò, quế, khế và chuối chát xắt lát... Cũng một câu cũ: “Ðợi một chút nghe, tui đúc hơi chậm!”
Tự dưng, thấy cay cay khi nghĩ đến người đàn ông bán bánh xèo, tiếp xúc hằng ngày với những người không lắm tiền nhiều bạc, sống dung dị, giữa một đất nước mà cách ông không xa, sự sa đọa và tội ác nảy sinh hằng ngày khắp ngõ ngách.
Mùa Thu, thương ốc hút, bánh xèo, những người lao động nghèo, và thương cả quán Nỗi Niềm!

Hãi hùng nhân bánh trung thu làm sẵn

Các loại nhân bánh trung thu như đậu xanh, hạt sen, khoai môn, sữa dừa... được bày bán la liệt tại chợ Bình Tây (quận 6, TP.HCM), nhưng chất lượng như thế nào thì không ai quản nổi.
Có vẻ tiện đủ đường
Cận kề Tết trung thu, các lò bánh tư nhân nhộn nhịp làm hàng để chuẩn bị chào bán cho đối tượng khách bình dân. Để kịp tiến độ, các lò bánh này thường sử dụng nhân làm sẵn, về chế biến lại đôi chút, rồi cho vào bánh sau công đoạn nhào bột áo.
Loại nhân bánh trung thu này được bày bán công khai tại chợ Bình Tây, đa dạng, đủ chủng loại. Không chỉ phục vụ khách lẻ, các lò bánh tư nhân mà có người còn mua với số lượng lớn để chuyển về các tỉnh.
Thấy chúng tôi, chủ các sạp hàng chào mời đon đả. Một cô gái trẻ bán tại gian hàng KT không ngần ngại đưa chúng tôi xem các loại nhân bánh. Cô đưa ra hàng chục bịch, bên trong chứa một loại chất sền sệt đủ màu xanh, vàng, tím, nâu đen... được lần lượt giới thiệu nào là đậu xanh, hạt sen, mè đen, lá dứa, trà xanh, sầu riêng làm sẵn...
Bất ngờ trong số đó, có một bịch màu vàng bị thủng chảy ra ngoài. Chúng tôi đưa tay quệt vào. Trong khoảnh khắc đó, chúng tôi không kịp xác định đó là bột gì. Mùi hương đậu xanh thoang thoảng bốc lên. Nếm vào miệng có vị ngọt gắt.
Cô bán hàng nhanh nhẩu: "Trong quá trình vận chuyển, bịch đó bị thủng. Không sao hết. Loại này 3kg giá 160.000 đồng, mua về làm có lợi hơn loại từng gói nhỏ 200gr. Nhiều người mua lắm rồi. Chúng em đã từng đóng hàng cho những khách hàng ở tỉnh. Có người mua một lần vài trăm kg".
Khi hỏi về xuất xứ, cô gái ngập ngừng: "Các anh đừng ngại, hàng gia công trong nước không phải của Trung Quốc đâu mà lo".
Ở một gian hàng khác cách đó vài chục mét, người bán hàng cho biết nhân bánh làm sẵn có 2 loại, loại ngon và loại thường, chênh lệnh nhau khoảng 10.000 đồng/kg.
Điều đáng nói, những loại nhân bánh làm sẵn này đều không ghi nhãn mác, thành phần nguyên liệu, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Dĩ nhiên, cũng không có một dòng nào về vệ sinh an toàn thực phẩm trên các sản phẩm này. Quan sát cho thấy, tất cả không được bảo quản mà chỉ để trong các gói lớn hoặc thành từng chồng ngay trên sạp.
Tuy nhiên, khi xem xét kỹ, hầu hết nhân bánh trung thu làm sẵn đều có dòng chữ: AB Mauri Vietnam cùng số điện thoại và số fax. Ở góc bên phải có chữ: Sample for testing only (Mẫu dùng để kiểm nghiệm).
Do AB Mauri sản xuất?
Lần theo số điện thoại ghi trên bao bì, chúng tôi đã tìm ra chủ nhân của những sản phẩm này. Công ty AB MauriVietnamcó nhà máy tại xã La Ngà, huyện Định Quán (Đồng Nai) - chuyên sản xuất thực phẩm và phụ gia chế biến.
Sáng 28/8, cầm 3 mẫu nhân bánh trung thu tiến vào văn phòng kinh doanh của công ty AB Mauri Vietnam ở 134, Đinh Bộ Lĩnh (phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM) với ý định xác minh nguồn gốc của những sản phẩm này, chúng tôi nhận được thái độ vô cùng lạnh nhạt. Sau nhiều lần liên hệ với lãnh đạo văn phòng, cuối cùng cô tiếp tân trả lời: "Phải về nhà máy ở Định Quán mới có người đủ thẩm quyền trả lời...".
TS. Nguyễn Đăng Diệp, phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học nông nghiệp, nguyên giám đốc Viện Dinh dưỡng Quân đội, lắc đầu ngao ngán khi chúng tôi đưa cho ông xem 3 mẫu nhân bánh trung thu mua được từ chợ Bình Tây.
Theo ông, qua nhãn mác dán trên bao bì thì đây là mẫu dùng để kiểm nghiệm, chưa được có kết luận về an toàn thực phẩm, càng không được phép bày bán. Bằng con mắt nhà nghề, ông cho biết thêm bên trong chỉ là một hỗn hợp bột, phẩm màu và hương liệu, có thể chứa một số hóa chất bảo quản chống mốc. Những loại hóa chất này đều có độc tính rất cao, hấu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc và được bày bán công khai.
Hiện chưa thể khẳng định xuất xứ của các loại nhân bánh bày bán ở chợ Bình Tây có nguồn gốc từ đâu. Tuy nhiên, với những dòng chữ trên các gói sản phẩm này, thiết nghĩ công ty AB MauriVietnamcần lên tiếng để sáng tỏ sự việc trước công luận.
Với người tiêu dùng, TS. Diệp khuyến cáo: "Nên sử dụng những sản phẩm của các thương hiệu đã qua đăng ký, đã kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm và được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành".
Ông Hai Tánh, ngoài 70 tuổi, là thợ làm bánh trung thu cho hãng Thuận Xương trước năm 1975 hồi tưởng: "Ngày trước, chúng tôi làm bánh trung thu bằng phương pháp thủ công. Người thợ làm bánh phải hoàn thiện trước công đoạn làm nhân. Thị trường không hề bán nhân làm sẵn như bây giờ.
Sau khi bột đã nhồi xong, được ngắt ra từng viên nhỏ. Người thợ chỉ cần cho nhân vào bên trong lớp bột sau dó nhét vào khuôn gỗ vỗ ra thành chiếc bánh rồi đưa vào lò nướng đốt bằng than củi. Bây giờ, công nghệ làm bánh theo dây chuyền. Những hãng lớn thường cho ra lò những mẻ bánh với số lượng lớn".
Dĩ nhiên, để bảo vệ thương hiệu, không ai dại gì dùng những loại hóa chất độc hại. Song, hiện một số lò bánh tư nhân nhỏ vẫn đang tồn tại trong các gia đình, khu dân cư mà không đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
Để đỡ công đoạn làm nhân, họ thường lấy nhân làm sẵn đem về chế biến ra bánh trung thu rồi giao cho các hàng quán bán lẻ. Vì lợi nhuận, có thể họ không biết hoặc biết nhưng cố tình làm ngơ. Số bánh này được tiêu thụ nhiều nhất ở ngoại thành và các vùng nông thôn. Người mua chỉ cần nhắm vào giá rẻ có biết đâu trong có chứa nhiều chất độc hại.

Đủ 'chiêu' bẩn làm giả mực khô

Cá mực khô là món ăn yêu thích của nhiều người, đặc biệt là dân nhậu. Tuy nhiên, loại hải sản này dễ bị làm giả, hoặc bị tẩm hóa chất độc hại.
Mực ngon nhờ tẩm hóa chất
Tại nhiều chợ ở TP.HCM, các loại mực tươi được bán tràn lan. Thấy tươi ngon nên nhiều bà nội trợ đua nhau mua. Ít ai biết rằng, loại mực này đã được sơ chế hết sức đáng sợ bằng đủ loại hóa chất.
Tại lề đường gần chợ Hòa Bình, quận 5, tờ mờ sáng, nhiều người chuyên bán mực đã tập kết hàng về khu vực này để sơ chế chuẩn bị xuất bán cho tiểu thương các chợ lẻ. Đó là những sọt mực bốc mùi hôi, ngả màu tím đen, bên cạnh là những xô chậu được xả sẵn nước.
Những người bán hàng thản nhiên đổ vào từng xô chậu một ít nước màu đục như nước vo gạo, rồi khuấy đều. Sau đó, họ cho mực nguyên liệu vào xô, trộn đều và ngâm cả giờ... Đến khi trời sáng, mực được vớt ra bán. Những con mực tím đen trước đó, giờ trắng phau, tươi rói. Theo một người bán hàng, mực đã được xử lý kiểu này có thể bán đến trưa vẫn tươi.
Dân trong nghề gọi loại hóa chất này là “chất kiềm”. Chất này có tác dụng giữ cho con mực không bị hư hỏng và tích nước làm tăng trọng lượng (mỗi kg mực ngâm hóa chất này sẽ làm tăng trọng lượng thêm ít nhất 200 g). Nếu mực đã bị biến chất, người ta sẽ “xử lý” bằng cách ngâm chất tẩy trắng. Chất này không chỉ khử mùi hôi tanh (do mực đang trong quá trình phân hủy) mà còn tạo độ giòn, dai... cho con mực.
Theo TS. Phạm Thành Quân, Trưởng Khoa Kỹ thuật Hóa học - Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, có rất nhiều hóa chất để giữ nước được dùng trong các mặt hàng thủy sản như urê, carpopol, cellulos...
Những chất này khi xâm nhập cơ thể người sẽ rất nguy hiểm bởi vì chúng không thể tiêu hóa mà tích tụ dần và gây phản ứng trong cơ thể. Các chất tẩy trắng cũng rất nguy hiểm cho hệ tiêu hóa; chất formol ảnh hưởng đến hệ hô hấp, gây dị ứng, gây tổn hại bao tử...
Tràn ngập mực cao su nhập từ Trung Quốc
Thời gian gần đây, một loại mực ăn được cho là làm bằng cao su đang được bán tràn lan tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Loại mực này trông giống như mực khô thật, đã được xé và tẩm gia vị, có màu trắng hồng. Tuy nhiên, mực này không có mùi như mực thông thường. Khi đốt, loai mực này cháy đen rất nhanh, có mùi khét như mùi polymer cháy và bóp thử than thì vỡ vụn. Khi nhai cũng không dai như mực thông thường.
Đặc biệt, giá loại mực này rất rẻ, chỉ từ 230.000 - 250.000 đồng/kg, bằng 1/3 so với giá mực nguyên con thông thường, do đó rất nhiều người mua.
Loại mực này được bày bán công khai. Tại chợ Đông Ba (TP.Huế), có tới hàng chục sạp hàng bày bán loại mực giả này. Chúng được đựng trong những bao nylon trong suốt để khách hàng dễ nhận thấy. Các loại mực này đều không có nhãn mác, xuất xứ và hạn sử dụng.
Tại nhiều chợ khác trên địa bàn Thừa Thiên- Huế, loại mực này cũng được bán tràn lan. Nhiều tiểu thương bán loại mực này cho biết, khách mua loại hàng này chủ yếu là các chủ nhà hàng, quán ăn, mua để làm gỏi hoặc làm mồi nhậu bán cho khách.
Loại mực này mua về có thể ăn ngay vì đã được chế biến và tẩm ướp gia vị nên được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, khi được hỏi, một số chủ nhà hàng, quán nhậu cho biết, họ không rõ loại mực này là mực giả hay thật, chỉ biết nó có giá rẻ, lại được khách ưa chuộng nên mua về bán.
Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với cơ quan quản lý thị trường đã lấy mẫu loại mực lạ bày bán tại chợ Đông Ba đưa ra Hà Nội kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy, mẫu mực lấy ở chợ Đông Ba không đảm bảo chất lượng.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thừa Thiên - Huế, loại mực khô xé sẵn này là mực giả có xuất xứ từ Trung Quốc. Chi Cục khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn loại mực đảm bảo chất lượng hàng hóa cũng như sức khỏe.
Mực khô giả gắn keo
Cuối năm 2010, ở Hải Phòng rộ lên tình trạng mực khô giả bán với giá rất rẻ.
So với cá mực khô xuất xứ từ Cát Bà thì những con mực khô này nhỏ hơn, hình thù gần giống lá trầu. Phần phía đuôi mực khô dễ dàng bóc ra do được dính bằng keo. Phần râu mực không có độ quăn tự nhiên như mực bình thường, không có mắt mực và hạch mực tự nhiên...
Khi nướng lên, loại cá mực này có màu đỏ sậm hơn hoặc trắng đục hơn, râu mực không cong vào tự nhiên mà thẳng như lúc để khô, không cháy từ ngoài vào trong, không có đường vẩy dài ở sống giữa như mực bình thường. Khi xé ra, mực bông hơn mực bình thường. Ăn thấy có vị khác lạ và không có vị ngọt của mực, nhai kỹ thì thấy bã, xơ.
Theo nhiều người dân ở Cát Hải, đây là mực khô nhập lậu từ Trung Quốc, giá bán rẻ hơn một nửa so với mực khô Cát Bà. Do đó, nhiều người kinh doanh mua về để trà trộn lẫn cá mực khô xịn của Cát Bà bán cho khách du lịch.
Ngày 30/10/2010, Chi Cục Quản lý thị trường Hải Phòng đã tiêu hủy hơn một tấn mực khô là hàng Trung Quốc nhập lậu. Trước khi tiêu hủy, Chi Cục đã gửi mẫu sản phẩm đi giám định. Kết quả giám định cho thấy, đây không phải là mực khô tự nhiên, hàm lượng xenlulo vượt quá chỉ tiêu cho phép.
Theo phản ánh của cán bộ Chi Cục Quản lý thị trường Hải Phòng, loại mực khô mà Chi Cục bắt được khi đưa đi tiêu hủy qua 5 tháng mà không bị mốc, trong khi loại mực khô bình thường chỉ để nửa tháng trong điều kiện tự nhiên là bị mốc. Điều đó chứng tỏ trong cá mực này có chất bảo quản.

Nho Trung Quốc giá 'bèo' tràn ra vỉa hè Hà Nội

Bị đưa vào danh sách "đen", song nho Trung Quốc vẫn xuất hiện nhan nhản trên các vỉa hè Hà Nội với giá 25.000-30.000 đồng/kg và được quảng cáo là nho Mỹ hoặc nho quê.
Dọc quốc lộ 32 đoạn qua Cầu Diễn (huyện Từ Liêm, Hà Nội), từ khoảng 14h đến 22h, ngày nào cũng như ngày nào, trên dưới 20 hàng bán hoa quả rong đứng bán hàng cho khách đi đường. Các loại quả bán rong tại trục đường này rất đa dạng.


Khoảng gần 1 tháng trở lại đây, nhiều người kinh doanh hoa quả rong tại đây chuyển sang bán nho xanh, thực chất là nho Trung Quốc với mức giá rẻ, chỉ khoảng 25.000-30.000 đồng/kg hàng "nước 1" và 15.000 đồng/kg hàng "nước 2".

Ngoài ra, nhiều người còn bán nho tím và quảng cáo là nhập từ Mỹ. Giá loại nho "Mỹ" này chỉ 30.000 đồng/kg - rẻ hơn nhiều so với mức xấp xỉ 200.000 đồng/kg của nho Mỹ chính hiệu trên thị trường.

Những người bán hàng quảng cáo nho xanh là nho quê. Nhưng theo nhiều tiểu thương kinh doanh hoa quả tươi, loại nho này 100% là hàng Trung Quốc, được bán tại chợ đầu mối Long Biên theo hộp 10-15 kg.

Ngoài các loại nho, những hàng hoa quả rong còn bán cả táo Trung Quốc nhưng luôn quảng cáo là táo giòn Việt Nam. Giá táo khá rẻ, dao động 10.000-15.000 đồng/kg. Giá rẻ, nhưng hầu như rất ít khách hỏi mua dù hôm nay là ngày Rằm tháng Bảy.

Anh Trung, bán hoa quả rong tại trục đường này cho biết, từ khi các thông tin về trái cây Trung Quốc nhiễm độc xuất hiện, người mua cũng e ngại hàng có xuất xứ Trung Quốc mà chuyển sang hàng Việt Nam. Người bán như anh cũng phải thay đổi để thích nghi. Trước kia anh Trung bán táo, lê, song từ khoảng 2 tuần nay chuyển sang bán thanh long Việt Nam và khá đắt khách.
Chôm chôm giá 20.000-25.000 đồng/kg cũng thu hút nhiều người mua vì là hàng Việt Nam, không có hóa chất mà được bảo quản bằng đá lạnh.

Nhãn quê, nhãn Thái, nhãn lồng cũng là một trong những loại quả đắt hàng khi hoa quả Trung Quốc bị người tiêu dùng quay lưng. Bán nhãn trên đường 32, tiểu thương này cho hay, giá mỗi kg cũng chỉ dao động 30.000-40.000 đồng, đắt hơn so với táo, nho Trung Quốc, nhưng hoàn toàn "lành", không có hóa chất.
Dưa hấu Sài Gòn giá rẻ 6.000-9.000 đồng/kg cũng được nhiều người chọn mua, thay vì mua quả có xuất xứ từ Trung Quốc.

Phù phép lòng bò thành khô bò

Lòng bò được cắt nhỏ rồi nấu trong hỗn hợp nước màu sẽ thành khô bò đen; cơ quan chức năng thu giữ hơn một tấn khô bò thành phẩm.
Chiều 27-8, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) huyện Bình Chánh (TP.HCM) kiểm tra và phát hiện căn nhà không số thuộc tổ 5, ấp 2, xã Vĩnh Lộc A do bà Bùi Thị Ngọc Hậu làm chủ đang sản xuất lòng bò thành khô bò đen.
Tại hiện trường, đoàn ghi nhận “quy trình” chế biến, đóng gói loại khô bò này đều thực hiện trên nền nhà nhớp nháp: Khô bò đen được để tràn dưới nền nhà, trong đó không ít khô bò thành phẩm lên mốc. Dụng cụ sản xuất gần 10 bao và rổ cáu bẩn chứa khô bò thành phẩm lẫn lộn rác được “ém” trong nhà vệ sinh. Hai chiếc nồi to dùng để nấu nguyên liệu đen ngòm, đặc sệt đang bốc khói nghi ngút.
Đoàn kiểm tra còn ghi nhận khô bò thành phẩm chứa trong hơn 10 thùng nhựa, trong đó có thùng chứa khô bò lẫn với rác, dây nhợ. Có thùng khô bò thành phẩm dính cứng ngắt, vón cục.
Nơi sản xuất khô bò mất vệ sinh của bà Bùi Thị Ngọc Hậu:

Quy trình chế biến khô bò:


Lòng bò nguyên liệu còn lẫn dây nhợ.


Lòng bò được xắt nhỏ thành miếng.

Cho vào dung dịch ướp.


Thành phẩm khô bò.
Bà Hậu khai với đoàn kiểm tra: Nguyên liệu chính để sản xuất khô bò đen là từ… lòng bò. Lòng bò được mua ở một cơ sở bên quận 8
(TP.HCM) với giá từ 18.000 đến 20.000 đồng/kg. Sau khi mua về, lòng bò sẽ được luộc, cắt nhỏ. Tiếp theo là cho vào nồi chứa hỗn hợp nước gồm đường, tỏi, muối, màu… Sên cho bò thành đen, ngấm mùi rồi mang đi phơi sẽ thành khô bò đen.
Cũng theo bà Hậu, khô bò đen thành phẩm được bỏ vô bịch từng ký mang bỏ mối cho những người bán lẻ và người bán gỏi đu đủ với giá từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg. Mỗi ngày cơ sở bà Hậu xuất xưởng từ 40 đến 50 kg khô bò thành phẩm loại này.
Cơ sở sản xuất “khô bò đen” của bà Hậu không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Mặc dù bà Hậu khai lòng bò mua có giấy kiểm dịch nhưng đoàn kiểm tra ghi nhận giấy quá cũ, không giá trị.
Bà cũng lý giải khô bò thành phẩm lẫn nhiều rác, dây nhợ… là do khi phơi khô bò, trời chuyển mưa nên đổ xuống đất rồi hốt vô thùng.
Đoàn kiểm tra đã tịch thu hơn một tấn khô bò thành phẩm và đề nghị UBND huyện Bình Chánh xử phạt.
Trước thực trạng sản xuất “khô bò đen” quá mất vệ sinh tại cơ sở bà Hậu, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, cho biết sẽ phối hợp cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh khô bò đen trên địa bàn TP.

Saturday, September 8, 2012

67 năm đời ta có Đảng (CSVN)

Các hình ảnh tập hợp đây làm nổi bật những thành tựu “vĩ đại”, “to lớn” của ĐCSVN kể từ khi “giải phóng” miền Nam Việt Nam, hay tiêu diệt quốc gia Việt Nam Cộng Hòa kể từ năm 1975 nhân dịp kỷ niệm quốc khánh 2-9-1945 của CHXHCN Việt Nam.

Ngập nước sau mỗi cơn mưa lớn trở thành nỗi lo thường trực của công dân TP.HCM (SG).

Dân cư đổ về Sài Gòn ngày càng đông, cộng thêm cơ sở hạ tầng mở rộng chưa tương xứng với nhu cầu đi lại của người dân thành phố này dẫn tới nạn kẹt xe trong giờ cao điểm tại khu trung tâm thành phố.

Công an – hung thần hay bạn dân?

Phật giáo Việt Nam Cộng Hòa vs. Phật giáo CHXHCN Việt Nam

Cháy xe do xăng dỏm tại Việt Nam hiện nay do thủ đoạn của những đại lý bán xăng – nguyên nhân mà CP VN không bao giờ thừa nhận.

Kẻ thù truyền kiếp hay đồng chí tốt, anh em tốt, láng giềng tốt?

Nữ sinh thời xưa vs. nay

Biểu tình phải xin phép!?

Friday, September 7, 2012

'EVN ý thức được về sự an toàn của Sông Tranh 2' (yeah yeah)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, các đợt rung chấn gần đây không gây ảnh hưởng đến thủy điện Sông Tranh 2 và "ý thức được việc đảm bảo an toàn cho Thủy điện sông Tranh 2 và người dân là cực kỳ quan trọng".
> Rung chấn mạnh gần thủy điện Sông Tranh 2 / 6 trận động đất liên tiếp ở thủy điện Sông Tranh 2

Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định như vậy trong thông cáo phát đi tối 6/9, sau 3 hôm liên tiếp xảy ra nhiều đợt rung chấn tại thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My và các xã lân cận nơi có công trình Thủy điện Sông Tranh 2. EVN cho biết, các dữ liệu quan trắc do các thiết bị lắp đặt trong Thủy điện Sông Tranh 2 đo được rung chấn có cường độ lớn nhất 4,2 độ richter.
Xung quanh khu vực đập Sông Tranh 2 từng xảy ra nhiều dư chấn. Ảnh: Trung Hậu.
EVN cho biết đã kiểm tra các hạng mục công trình của Thủy điện Sông Tranh 2 và khẳng định, các đợt rung chấn vừa qua không gây ảnh hưởng đến công trình. Đập Thủy điện Sông Tranh 2 đã được thiết kế cường độ kháng nén lớn bảo đảm an toàn khi có động đất tới 5,5 độ richter.
"Tập đoàn Điện lực Việt Nam ý thức được việc đảm bảo an toàn cho công trình và cuộc sống của người dân ở khu vực hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2 là cực kỳ quan trọng", thông cáo nêu rõ.
Theo các chuyên gia của Viện Vật lý Địa cầu, các đợt rung chấn vừa qua là động đất kích thích, có thể do những bất ổn tại đứt gãy kiến tạo Trà Bồng, Hưng Nhượng - Tà Vi, nằm trong phạm vi vùng hồ của thủy điện Sông Tranh 2. Các đứt gãy này có khả năng phát sinh động đất có độ cực đại 5,5 độ richter. Trong trận động đất xảy ra tối 3/9, máy gia tốc đặt gần khu vực Nhà máy thủy điện đã ghi được mức gia tốc nền là 88cm/s2.
Trong khi đó, theo EVN, Thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế để chịu được gia tốc nền ứng với động đất tới 150cm/s2.
EVN cho hay Ban Quản lý dự án Thuỷ điện 3 và Tập đoàn đã phối hợp với Viện Vật lý Địa cầu lắp đặt 4 trạm quan trắc động đất trong thân đập để ghi nhận, đánh giá và phân tích khi động đất kích thích xảy ra.
Theo EVN, Thủ tướng đã giao cho Bộ Khoa học và công nghệ phối hợp với Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức nghiên cứu đánh giá chi tiết về điều kiện địa chất, động lực học và hoạt động địa chất khu vực Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam và công việc này sẽ thực hiện trong năm 2013.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho biết việc xử lý thấm nước tại đập Thủy điện Sông Tranh 2 đã hoàn thành. Ngày 4/9, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã kết luận đập Thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn để tích nước.
Trước đó, tối 3/9, thị trấn Trà My và các vùng lân cận ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) liên tiếp xuất hiện rung chấn khiến người dân lo sợ. Đây là dạng động đất kích thích vết đứt gãy dưới lòng hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2. Trong số 6 trận động đất, trận lớn nhất đo được 4,2 độ richter, chấn tiêu sâu 7,3 km. 5 trận động đất còn lại đều nhỏ hơn 2 độ richter.